Nỗ lực chăm lo đời sống cho người khiếm thị
Với sự tạo điều kiện, hỗ trợ của cấp ủy, chính quyền và toàn xã hội, Hội Người mù (HNM) tỉnh đã đạt nhiều kết quả đáng ghi nhận; luôn nỗ lực vì cuộc sống của hội viên, góp phần giúp người mù phát triển kinh tế, xóa bỏ mặc cảm, tự tin hòa nhập cộng đồng.
Chủ tịch HNM tỉnh Tống Thị Sáu cho biết: Thành lập từ năm 2001, đến nay, HNM tỉnh phát triển với hơn 1.000 hội viên. Để giúp những người mù vượt qua những mặc cảm, chủ động hòa nhập với cộng đồng, Hội thực hiện tốt công tác phục hồi chức năng, dạy nghề, hỗ trợ chỗ ở góp phần quan trọng trong việc tăng thu nhập, nâng cao đời sống cho các hội viên. Trong đó, công tác tạo việc làm và tổ chức sản xuất được Hội coi là nhiệm vụ trọng tâm để giúp người mù khẳng định khả năng, nghị lực và giảm bớt sự lệ thuộc vào gia đình và xã hội.
Các cấp Hội phối hợp với chính quyền, Ban vận động Quỹ “Vì người nghèo”, vận động các doanh nghiệp, tổ chức nhân đạo, các nhà hảo tâm giúp đỡ về vật chất, ngày công. Từ năm 2018 đến nay, Hội vận động, hỗ trợ 855 triệu đồng xây mới và sửa chữa được 6 nhà “Đại đoàn kết”, nhà tình thương. Đồng thời, đầu tư 150 triệu đồng xây dựng được 1 gian nhà rộng 90 m² để cho hội viên ở và sinh hoạt tập trung tại tỉnh Hội; từ Quỹ “Vì người nghèo” tỉnh, nguồn kinh phí xã hội hóa hỗ trợ 210 triệu đồng cho 14 hội viên thực hiện mô hình phát triển chăn nuôi bò cái sinh sản.
Để xóa mù chữ nâng cao dân trí và chống tái mù cho hội viên, nhất là các cháu trong độ tuổi đi học, được sự hỗ trợ về kinh phí của UBND tỉnh, Hội mở 11 lớp dạy chữ Braille cho 10 học viên tại tỉnh Hội, kết thúc lớp học 100% học viên biết đọc, viết. Nhờ sử dụng thông thạo chữ Braille, nhiều hội viên có cơ hội nghiên cứu sách, báo, tài liệu về khoa học kỹ thuật, lịch sử, văn học nghệ thuật... thông qua hệ thống thư viện, tủ sách của các cấp Hội. Hội mở lớp tập huấn về công nghệ thông tin, hướng dẫn sử dụng các ứng dụng trên điện thoại thông minh cho người mù để tìm kiếm thông tin và giải trí; trao 50 chiếc Radio và 7 chiếc Smart phone cho hội viên nghe, sử dụng vào công việc học tập.
HNM tỉnh quản lý, triển khai hiệu quả nguồn vốn từ Quỹ quốc gia giải quyết việc làm. Xây dựng được 41 dự án triển khai cho 41 lượt người mù vay, với số tiền quay vòng 917 triệu đồng. Hội viên sử dụng vốn vay đúng mục đích, làm ăn có hiệu quả, phát triển kinh tế bền vững, không có nợ quá hạn. Nhiều hội viên đầu tư sản xuất, chăn nuôi bước đầu cho thu nhập cải thiện cuộc sống, điển hình như hộ gia đình Lý Văn Hiệp, xã Đức Long (Hòa An); Lô Thị Chuyên, xã Nguyễn Huệ (Hòa An); Phùng Văn Nam, xã Đức Thông (Thạch An)...
Các tổ chức hội luôn quan tâm hỗ trợ hội viên thông qua các chương trình tạo việc làm, tổ chức sản xuất cho người mù. Hiện nay, trên địa bàn tỉnh có 4 tổ làm nghề thủ công truyền thống như: đóng gói tăm tre, bện chổi... tạo việc làm thời vụ cho 20 hội viên. Từ năm 2018 đến nay, các cơ sở hội sản xuất và tiêu thụ 150.250 gói tăm và 18.924 cái chổi, doanh thu đạt 639 triệu đồng. Có 4 cơ sở xoa bóp, tẩm quất giải quyết việc làm cho 24 hội viên với mức thu nhập thường xuyên 2,5 - 3 triệu đồng/người/tháng; tổng doanh thu của tất cả các cơ sở trong 5 năm qua khoảng 700 triệu đồng. Các cấp Hội tăng cường đào tạo đội ngũ kỹ thuật viên, đầu tư khoảng 300 triệu đồng sửa chữa phòng, mua sắm trang thiết bị cho cơ sở dịch vụ xoa bóp, tẩm quất, mua máy xông hơi hồng ngoại, phòng tắm thuốc Bắc...
Bên cạnh tạo việc làm cho hội viên, Hội tranh thủ sự giúp đỡ của các cấp, ngành, tổ chức đoàn thể tìm kiếm hình thức tiêu thụ thích hợp, phát huy truyền thống “tương thân, tương ái”, coi việc mua sản phẩm do người mù làm ra là việc làm từ thiện, nhân đạo của mọi người. Được học chữ, học nghề, có việc làm, người mù không còn mặc cảm, tin tưởng vào khả năng của mình, tích cực tham gia lao động sản xuất, cải thiện đời sống gia đình.
Nguồn Cao Bằng: https://baocaobang.vn/no-luc-cham-lo-doi-song-cho-nguoi-khiem-thi-3166686.html