Nỗ lực chống các cuộc khủng hoảng hành tinh
Kỳ họp thứ 6 Hội đồng Môi trường Liên Hợp Quốc (UNEA-6) đã khép lại thành công với các nghị quyết quan trọng nhằm ngăn chặn 3 cuộc khủng hoảng của hành tinh - gồm biến đổi khí hậu, mất đa dạng sinh học và ô nhiễm, vì một tương lai bền vững, cũng như nêu bật tầm quan trọng của hợp tác toàn cầu chống khủng hoảng môi trường.
Được tổ chức tại Nairobi, Kenya, với chủ đề “Hành động đa phương hiệu quả, toàn diện và bền vững”, UNEA-6 nhằm tăng cường hành động môi trường đa phương chống lại 3 cuộc khủng hoảng hành tinh gồm biến đổi khí hậu, mất đa dạng sinh học và ô nhiễm. Đặc biệt hơn, thế giới đang phải đối mặt với nhiều thách thức như căng thẳng địa chính trị, chiến tranh và khủng hoảng, UNEA-6 đã đóng vai trò là một diễn đàn quan trọng đặt nền tảng cho các nỗ lực phối hợp giữa Liên Hợp Quốc, các nước thành viên và đối tác để đưa ra những hành động toàn cầu có ảnh hưởng lớn.
Phát biểu khai mạc kỳ họp, Giám đốc Chương trình Môi trường Liên Hợp Quốc (UNEP) Inger Andersen khẳng định, thế giới cần hành động nhanh chóng, cần sự thay đổi thực sự và lâu dài. UNEA-6 đã mang đến một động lực bổ sung giúp các nước thực hiện sự thay đổi này và bảo đảm tất cả mọi người trên hành tinh đều được hưởng quyền có môi trường an toàn và lành mạnh. Có thể nói hành động, tốc độ và thay đổi sẽ trở thành "kiềng ba chân" vững chắc để thúc đẩy giải pháp cho 3 cuộc khủng hoảng môi trường mà hành tinh đang phải đối mặt.
Theo đó, với những nỗ lực của các quốc gia thành viên, UNEA-6 đã kết thúc thành công với việc thông qua 15 nghị quyết, 2 quyết định và 1 tuyên bố chung cấp Bộ trưởng. Qua đó, thiết lập tiền lệ mới trong quản trị môi trường toàn cầu.
Cam kết vững chắc trước những thách thức toàn cầu
15 nghị quyết không mang tính ràng buộc về mặt pháp lý được thông qua là một gói kế hoạch hành động táo bạo nhằm giải quyết hàng loạt vấn đề môi trường cấp bách. Cụ thể, một nghị quyết liên quan đến việc ủng hộ cách tiếp cận toàn diện để quản lý tài nguyên nước trong nông nghiệp và công nghiệp, chú trọng đến việc tăng cường các phương pháp thực hiện, đặc biệt là ở các quốc gia đang phát triển. Ngoài ra, một giải pháp trong nỗ lực giải quyết ô nhiễm không khí khác là tập trung vào việc cải thiện, giám sát chất lượng không khí quốc gia, xây dựng năng lực và phối hợp các nỗ lực để tạo ra, cũng như thực thi các kế hoạch và chính sách hành động về chất lượng không khí.
Đáng chú ý, UNEA-6 lần đầu thông qua nghị quyết về suy thoái đất, kêu gọi các nỗ lực quốc tế nhằm chống sa mạc hóa và suy thoái đất đai, thúc đẩy bảo tồn và quản lý đất đai bền vững, góp phần đạt được tính trung lập về suy thoái đất và tăng cường khả năng chống chịu hạn hán. Thêm vào đó, quản trị đại dương và biển cũng được xem xét, nhấn mạnh tầm quan trọng của việc tăng cường mối liên hệ giữa khoa học và chính sách đại dương, cùng với đó duy trì hợp tác và phối hợp về các vấn đề biển giữa tất cả các bên liên quan, nhằm đạt được Mục tiêu Phát triển Bền vững 14 một cách hiệu quả.
Một nghị quyết tiếp theo về thúc đẩy sự phối hợp trong việc thực hiện các Hiệp định môi trường đa phương (MEA), bằng cách tăng cường các sáng kiến xây dựng năng lực, tăng cường hợp tác với các Nhóm quốc gia của Liên Hợp Quốc, hỗ trợ quy trình báo cáo và huy động các nguồn lực. Chủ tịch UNEA-6 kiêm Bộ trưởng Chuyển đổi Năng lượng và Phát triển Bền vững của Maroc Leila Benali đã khuyến khích các quốc gia thành viên xem xét các giải pháp với tinh thần cởi mở, hòa nhập và luôn học hỏi. Đồng thời đặt các cộng đồng dễ bị tổn thương làm trọng tâm trong mục tiêu, và bảo đảm rằng không ai bị bỏ lại phía sau.
Hai quyết định được UNEA-6 thông qua tập trung vào chương trình làm việc và ngân sách của Hội đồng trong những năm tới. Trong tuyên bố chung cấp Bộ trưởng đã nêu rõ rằng, các quốc gia thành viên sẽ sử dụng các hành động đa phương bền vững để chống nạn phá rừng, suy thoái đất, hạn hán và sa mạc hóa bên cạnh việc bảo tồn đa dạng sinh học, giảm hiện tượng nóng lên toàn cầu và xóa bỏ ô nhiễm.
Trong số các kết quả chính của UNEA-6 còn có nghị quyết đầy tham vọng nhằm giải quyết các vấn đề môi trường quan trọng. Đáng chú ý, Tổ chức Greenpeace của Canada nhấn mạnh lời kêu gọi của hội đồng về một Hiệp ước Nhựa Toàn cầu mạnh mẽ, kêu gọi giảm sản lượng nhựa ít nhất 75% vào năm 2040. Động thái này nhấn mạnh nhu cầu cấp thiết phải giải quyết ngay vấn đề ô nhiễm nhựa, một quan điểm đã được lặp lại trong nhiều cuộc thảo luận khác nhau.
Thúc đẩy chủ nghĩa đa phương
Tinh thần của chủ nghĩa đa phương toàn diện là chủ đề được lặp đi lặp lại xuyên suốt UNEA-6. Sự thành công của kỳ họp lần này được khẳng định thông qua các nghị quyết về một loạt thách thức môi trường, từ việc bảo đảm kim loại và khoáng sản để chuyển sang trạng thái không khí thải, đến bảo vệ môi trường ở các khu vực xung đột, nhấn mạnh sức mạnh của hành động tập thể.
Tuyên bố cấp Bộ trưởng tái khẳng định sự cống hiến của cộng đồng quốc tế trong việc giảm thiểu biến đổi khí hậu, phục hồi thiên nhiên và hướng tới một hành tinh không ô nhiễm. Bất chấp sự phức tạp và thách thức trong các cuộc đàm phán, UNEA-6 đã thúc đẩy các cuộc đối thoại quan trọng và nhấn mạnh tầm quan trọng của sự hợp tác và đoàn kết toàn cầu khi đối mặt với khủng hoảng môi trường.
Con đường phía trước
Các nghị quyết và quyết định được đưa ra tại UNEA-6 không chỉ là những cột mốc quan trọng mà còn là lời kêu gọi hành động đối với các chính phủ, tập đoàn và xã hội dân sự. Việc nhấn mạnh vào nỗ lực giảm sản xuất nhựa, chống ô nhiễm không khí và áp dụng các biện pháp bền vững phản ánh sự đồng thuận ngày càng tăng về nhu cầu cấp thiết phải thay đổi. Khi thế giới đang phải vật lộn với hậu quả của suy thoái môi trường, kết quả của UNEA-6 đã thắp lên những tia hy vọng cho một tương lai bền vững hơn. Những thành tựu của hội nghị là minh chứng cho những gì có thể đạt được khi cộng đồng toàn cầu đoàn kết trước những thách thức chung.
Tuy nhiên, sự thành công của các nghị quyết và cam kết trên còn phải phụ thuộc vào việc thực hiện của các quốc gia thành viên và các bên liên quan khác. Việc biến những cam kết thành kết quả hữu hình vẫn còn không ít thách thức. Một trong những trở ngại lớn là tăng cường hỗ trợ tài chính cho các quốc gia đang phát triển để giải quyết biến đổi khí hậu. Ngoài ra, cần xây dựng những hệ thống mạnh mẽ để theo dõi và đo lường tiến bộ hướng tới các mục tiêu khí hậu.
Bên cạnh đó, sự phân mảnh dai dẳng trong quản trị môi trường toàn cầu, khi có rất nhiều hiệp định môi trường đa phương tập trung vào các vấn đề môi trường cụ thể, đòi hỏi tăng cường phối hợp để nâng cao hiệu quả và tối đa hóa tác động chung của các hiệp định này. Nhìn chung, không thể mong đợi một kỳ họp có thể giải quyết ngay tất cả các vấn đề, nhưng thế giới có thể đạt được tiến bộ thông qua hợp tác toàn cầu.
Con đường giải quyết các cuộc khủng hoảng môi trường phía trước có thể còn gập ghềnh, song UNEA-6 đã đặt ra một quỹ đạo để củng cố tham vọng, cam kết và phối hợp hành động, cũng như đóng vai trò là bàn đạp cho những hành động tiếp theo. Năm sắp tới sẽ rất quan trọng trong việc biến những cam kết này thành những cải tiến hữu hình cho sức khỏe của hành tinh. Các quốc gia thành viên đã nhất trí tổ chức Hội nghị Môi trường Liên Hợp Quốc (UNEA-7) tiếp theo vào ngày 8.12.2025, và chủ trì sẽ là Chủ tịch Cơ quan Môi trường Ô-man Abdullah Bin Ali Amri.