Nỗ lực chống khai thác IUU

Đến nay, TP. Huế chưa phát hiện các hoạt động khai thác hải sản bất hợp pháp, không báo cáo và không theo quy định (IUU). Hầu hết tàu cá hoạt động trên biển đều lắp đặt thiết bị giám sát hành trình, cập nhật thông tin vào cơ sở dữ liệu nghề cá quốc gia… Đây là tín hiệu vui từ sự nỗ lực giữa các đơn vị, địa phương và ngư dân trong việc thực hiện các khuyến nghị về chống khai thác IUU suốt thời gian qua.

 Lực lượng Biên phòng kiểm tra các thủ tục xuất bến với tàu đánh bắt xa bờ

Lực lượng Biên phòng kiểm tra các thủ tục xuất bến với tàu đánh bắt xa bờ

Ngư dân yên tâm vươn khơi, bám biển

Cũng như nhiều ngư dân khác, ông Nguyễn Văn Lãm (thôn An Dương 3, xã Phú Thuận, huyện Phú Vang) trước mỗi chuyến ra khơi đều nộp đầy đủ sổ sách, giấy tờ khai thác và tuân thủ đúng quy định khi ra khơi tại Cảng cá Thuận An và không quên kiểm tra lại thiết bị giám sát hải trình (VMS) trên tàu.

Ông Lãm chia sẻ: “Qua công tác tuyên truyền của lực lượng chức năng, chúng tôi hiểu, tự giác viết bản cam kết chấp hành nghiêm pháp luật Nhà nước trong quá trình khai thác thủy hải sản trên biển. Đồng thời, thường xuyên nhận được sự động viên, thăm hỏi, tặng quà, tặng cờ Tổ quốc, qua đó tiếp thêm động lực cho chúng tôi tiếp tục vươn khơi, bám biển, chung tay giữ vững chủ quyền biển, đảo”.

Chủ tịch UBND xã Phú Thuận, ông Nguyễn Quang Dân cho biết, toàn xã có 48 tàu đánh bắt xa bờ. Ngư dân duy trì các tổ đội sản xuất, đánh bắt trên biển, đầu tư đóng mới, cải hoán tàu thuyền, mua sắm trang, thiết bị hiện đại, tập trung khai thác các loại hải sản có giá trị. Xã luôn phối hợp với cơ quan chức năng tổ chức tuyên truyền về IUU, đồng thời lồng ghép các hoạt động tặng tủ thuốc, ảnh Bác Hồ, cờ Tổ quốc cho ngư dân… Từ đó, nâng cao nhận thức, ý thức, trách nhiệm cho ngư dân trong khai thác hải sản theo đúng quy định của pháp luật; khắc phục, ngăn chặn, chấm dứt tình trạng vi phạm IUU, góp phần làm cơ sở để Ủy ban châu Âu (EU) xem xét, gỡ “thẻ vàng” đối với thủy sản Việt Nam trong thời gian tới.

Theo thống kê, đến nay toàn thành phố có 1.127 tàu cá đã được đăng ký. Trong đó, 437 tàu cá có chiều dài trên 15m, 148 tàu cá có chiều dài từ 12 -15m và 542 tàu cá có chiều dài từ 6 - 12m . Tất cả các tàu cá đã đăng ký, đăng kiểm, cấp giấy phép khai thác thủy sản đều được cập nhật thông tin vào cơ sở dữ liệu nghề cá quốc gia (VNFishbase). Toàn thành phố hiện có 436 chiếc tàu cá xa bờ đã lắp đặt thiết bị VMS, đạt tỷ lệ100%.

Thiếu tá Trần Công Lanh, Đồn trưởng Đồn Biên phòng Cửa khẩu cảng Thuận An thông tin: Đơn vị quản lý biên giới bờ biển dài 17,5km và có nhiệm vụ giữ gìn an ninh trật tự, kiểm tra, kiểm soát khu vực biên giới phụ trách. Ngoài công tác tuần tra, kiểm soát, đơn vị tăng cường phối hợp giữa các cơ quan chức năng trong công tác nắm, đánh giá thực trạng vi phạm về IUU, đẩy mạnh công tác tuyên truyền, vận động các chủ tàu, thuyền trưởng viết cam kết chấp hành nghiêm pháp luật Nhà nước trong quá trình khai thác thủy, hải sản trên biển. Đồng thời, đẩy mạnh tuyên truyền các văn bản pháp luật về việc ngăn chặn, giảm thiểu và chấm dứt tàu cá, ngư dân Việt Nam khai thác hải sản trái phép ở vùng biển nước ngoài...

Tháo gỡ những khó khăn, vướng mắc

Phó Giám đốc Sở Nông nghiệp và Môi trường, ông Nguyễn Long An thông tin: Công tác kiểm tra, kiểm soát tàu cá cập cảng, rời cảng đều được cảng cá, biên phòng và Văn phòng IUU thực hiện đầy đủ, thường xuyên, đúng quy định pháp luật. Trong quý 1/2025, ngành chức năng thành phố đã tổ chức xác nhận cho 1.744 lượt tàu cá cập - rời cảng tại 2 cảng Thuận An và Tư Hiền; trong đó có 828 lượt cập cảng và 916 lượt rời cảng; tổ chức thu 828 lượt nhật ký khai thác thủy sản. Việc giám sát sản lượng qua cảng luôn được ban quản lý mỗi cảng ghi chép nhật ký, cập nhật số liệu thường xuyên 24/7 mỗi khi tàu cập cảng.

Cùng với đó, Chi cục Thủy sản thực hiện cấp giấy chứng nhận nguồn gốc thủy sản khai thác (giấy CC) kịp thời, đúng quy định cho doanh nghiệp. Quý 1/2025 đã cấp 9 giấy CC cho doanh nghiệp chế biến thủy sản trên địa bàn với khối lượng sản phẩm đề nghị chứng nhận khoảng gần 49 tấn. Việc đăng ký cấp tài khoản phần mềm truy xuất nguồn gốc thủy sản điện tử (eCDT) cho ngư dân, cơ sở thu mua và doanh nghiệp xuất khẩu thủy sản được thực hiện đúng quy định hướng dẫn.

Tuy vậy, có một số tàu cá thực hiện việc đăng kiểm định kỳ đúng quy định nhưng các tổ chức đăng kiểm tàu cá ngoại tỉnh không cập nhật dữ liệu lên hệ thống VNFishbase khiến cho việc cập nhật, quản lý tình trạng pháp lý tàu cá tại địa phương gặp nhiều khó khăn. Tình trạng sự cố khách quan mất tín hiệu kết nối của thiết bị VMS của nhà mạng cung cấp vẫn còn xảy ra; hệ thống eCDT còn có nhiều lỗi chưa hoàn thiện... Đây cũng là kiến nghị của thành phố đến Bộ Nông nghiệp và Môi trường nhằm thực hiện việc phòng ngừa, ngăn chặn tình trạng khai thác thủy sản IUU đạt được kết quả cao trong thời gian tới.

Qua rà soát, hiện trên hệ thống VNFishbase của quốc gia có 134 chiếc tàu, thuyền trên địa bàn đã hết hạn đăng kiểm, 115 chiếc hết hạn giấy phép khai thác. Sở Nông nghiệp và Môi trường chỉ đạo Chi cục Thủy sản hướng dẫn chủ tàu liên hệ cơ sở đăng kiểm ngoại tỉnh, thành phố để thực hiện do địa phương không có cơ sở đăng kiểm; đồng thời, phối hợp với UBND các quận, huyện ven biển chỉ đạo chính quyền cấp xã, phường tổ chức đến nhà từng chủ tàu đôn đốc thực hiện cấp giấy chứng nhận đăng kiểm.

Bài, ảnh: THÁI BÌNH

Nguồn Thừa Thiên Huế: https://huengaynay.vn/kinh-te/no-luc-chong-khai-thac-iuu-152313.html