Nỗ lực chung nhằm đổi mới và phát triển mạng lưới y tế cơ sở tại Việt Nam
Tại cuộc họp giữa Vụ Kế hoạch - Tài chính và USAID vừa diễn ra, 2 bên đã thống nhất tiếp tục trao đổi thông tin, thực hiện các cuộc họp tham vấn tiếp theo nhằm sớm xác định danh mục những nội dung ưu tiên liên quan tới chăm sóc sức khỏe ban đầu và y tế cơ sở...
Vụ Kế hoạch - Tài chính, Bộ Y tế đã có buổi làm việc với BS. Randolph Augustin - Giám đốc USAID Việt Nam. Đây là cuộc họp tham vấn theo đề nghị của USAID nhằm để tổ chức này hiểu rõ hơn về Kế hoạch hành động của Bộ Y tế thực hiện Chỉ thị số 25 của Ban Bí thư về tiếp tục củng cố, hoàn thiện, nâng cao chất lượng hoạt động của y tế cơ sở trong tình hình mới và Quyết định 281 của Thủ tướng Chính phủ ban hành kế hoạch triển khai chỉ thị 25 của Ban Bí thư; Quyết định 1093 của Bộ trưởng Bộ Y tế Ban hành kế hoạch thực hiện Quyết định số 281/QĐ-TTg tham vấn quan điểm của Bộ Y tế trong việc mở rộng sự tham gia của khối tư nhân trong chăm sóc sức khỏe ban đầu; và thảo luận về những nội dung ưu tiên liên quan tới y tế cơ sở mà USAID có thể hỗ trợ Bộ Y tế trong thời gian tới.
PGS.TS Phan Lê Thu Hằng đánh giá cao những nỗ lực của USAID trong những năm vừa qua trong việc hỗ trợ Ngành Y tế Việt Nam đảm bảo an ninh y tế, nâng cao năng lực phòng chống các bệnh dịch truyền thống và mới nổi, đặc biệt là phòng chống Lao, HIV và đối phó với đại dịch COVID-19.
Kết quả hợp tác giữa 2 bên trong thời gian qua được đánh giá là hiệu quả và USAID - với thế mạnh về năng lực kỹ thuật và tài chính đã trở thành một trong những đối tác quan trọng của Ngành Y tế Việt Nam.
Trong giai đoạn hiện nay trong bối cảnh Hệ thống Y tế đang phải đối mặt với nhiều thách thức mới (sự thay đổi của mô hình bệnh tật với sự gia tăng nhanh chóng của các bệnh không lây nhiễm, xu hướng già hóa dân số, nhu cầu chăm sóc sức khỏe tăng nhanh đi đôi với sự gia tăng chi phí y tế, tác động bất lợi của biến đổi khí hậu và sự gia tăng mối đe dọa đến an ninh y tế từ các dịch bệnh mới nổi…).
PGS.TS Phan Lê Thu Hằng nhấn mạnh Việt Nam xác định chăm sóc sức khỏe ban đầu và y tế cơ sở là chìa khóa để đạt mục tiêu bao phủ chăm sóc sức khỏe toàn dân, và phát triển mạng lưới y tế cơ sở được coi là ưu tiên quan trọng hàng đầu của hệ thống y tế, chính vì vậy trong thời gian qua, nhiều chính sách quan trọng liên quan tới phát triển mạng lưới y tế cơ sở đã được ban hành như Chỉ thị số 25 của Ban Bí thư, Quyết định số 281 của Thủ tướng Chính phủ, và mới đây nhất là Quyết định 1093 của Bộ Y tế.
PGS.TS Phan Lê Thu Hằng đã giới thiệu tóm lược những điểm quan trọng nổi bật của những chính sách chiến lược về y tế cơ sở mới được ban hành trong thời gian gần đây, phân tích những điểm mới cũng như những xu hướng chuyển đổi trong việc đầu tư phát triển mạng lưới y tế cơ sở, trình bày những hoạt động ưu tiên mà Ngành Y tế Việt Nam sẽ tập trung triển khai thực hiện trong thời gian tới nhằm thực hiện Chỉ thị số 25 của Ban Bí thư.
Hai bên đã cùng trao đổi thảo luận về tiềm năng hợp tác nhằm nâng cao năng lực mạng lưới y tế cơ sở của Việt Nam trong thời gian tới.
PGS.TS Phan Lê Thu Hằng đã đưa ra một số vấn đề mang tính gợi mở để USAID tìm hiểu nhằm xác định những nội dung phù hợp nhất để hỗ trợ ngành y tế Việt Nam trong nỗ lực phát triển và đổi mới mạng lưới y tế cơ sở, bao gồm: Về cung ứng dịch vụ chăm sóc sức khỏe ban đầu; Phân tích đánh giá, hoàn thiện và mở rộng các mô hình cung ứng dịch vụ chăm sóc sức khỏe ban đầu mang tính sáng tạo đang được thí điểm tại một số địa phương, trong đó đáng quan tâm nhất là mô hình sàng lọc, quản lý và điều trị một số bệnh không lây nhiễm tại trạm y tế tuyến xã (hiện đang được triển khai với sự hợp tác của Bộ Y tế và Dự án đầu tư nâng cấp mạng lưới y tế cơ sở vay vốn của Ngân hàng Thế giới và các đối tác);
Mô hình áp dụng Bảng kiểm chất lượng dịch vụ chăm sóc sức khỏe ban đầu tại các trạm y tế tuyến xã, mô hình cung ứng dịch vụ chăm sóc sức khỏe ban đầu dựa trên nguyên lý y học gia đình, mô hình phòng khám bác sỹ gia đình…
Nghiên cứu xây dựng hệ thống chuyển tuyến hiệu quả để khắc phục tình trạng vượt tuyến thiếu kiểm soát, tăng cường sự tương tác hiệu quả giữa chăm sóc sức khỏe ban đầu – chăm sóc sức khỏe cơ bản – chăm sóc sức khỏe chuyên sâu và giảm thiểu nguy cơ cạnh tranh bệnh nhân trong nội bộ hệ thống y tế.
Về phát triển nhân lực y tế nâng cao năng lực hệ thống đào tạo nhân lực chăm sóc sức khỏe ban đầu, mở rộng các nỗ lực đào tạo mới; đào tạo lại và đào tạo liên tục cho đội ngũ nhân lực y tế cơ sở.
Về hệ thống thông tin y tế đẩy mạnh ứng dụng công nghệ thông tin và chuyển đổi số cho y tế cơ sở, trong đó chú trọng cải thiện cơ sở dữ liệu, sự tương thích của các phần mềm và nâng cao năng lực phân tích số liệu của đội ngũ nhân lực y tế cơ sở.
Về quản trị hệ thống y tế các sáng kiến chính sách nhằm huy động sự tham gia rộng rãi hơn của các bên liên quan, đặc biệt là khối tư nhân nhằm kiến tạo một hệ sinh thái chăm sóc sức khỏe ban đầu hiệu quả.
Các sáng kiến chính sách nhằm khắc phục tình trạng mất cân xứng giữa chăm sóc sức khỏe ban đầu và chăm sóc sức khỏe chuyên sâu.
Các sáng kiến chính sách nhằm tăng cường sự huy động nguồn lực của các địa phương nhằm đầu tư cho y tế cơ sở.
Tại cuộc họp, hai bên đã thống nhất cao về việc tiếp tục trao đổi thông tin, thực hiện các cuộc họp tham vấn tiếp theo nhằm sớm xác định danh mục những nội dung ưu tiên liên quan tới chăm sóc sức khỏe ban đầu và y tế cơ sở mà USAID có thể hỗ trợ Ngành Y tế Việt Nam trong thời gian tới.