Nỗ lực chuyển đổi cơ cấu cây trồng ở Đinh Trang Thượng

Số diện tích cà phê năng suất thấp ở xã Đinh Trang Thượng (huyện Di Linh) đang dần được thay thế bởi các loại cây trồng ngắn ngày khác, mang lại thu nhập ổn định cho những nông dân tiên phong trong chuyển đổi cơ cấu cây trồng. Từ đó, giúp bà con đồng bào dân tộc thiểu số nơi đây mạnh dạn học hỏi, từng bước phá thế độc canh của cây cà phê.

Việc chuyển đổi cây cà phê sang trồng cà chua mang lại thu nhập ổn định cho người dân xã Đinh Trang Thượng

Việc chuyển đổi cây cà phê sang trồng cà chua mang lại thu nhập ổn định cho người dân xã Đinh Trang Thượng

Gần một tháng nay, anh K’Nô (Thôn 2, xã Đinh Trang Thượng) vô cùng phấn khởi, bởi dù trong tình hình dịch bệnh, cà chua vẫn được giá cao ngay khi 3,5 sào cà chua anh trồng bắt đầu cho thu hoạch. Lau vội giọt mồ hôi giữa trời nắng nóng, K’Nô cho biết sau khi trồng 2 tháng, anh thu đợt đầu tiên được 9 tạ, đợt hai được 1,3 tấn, với giá trung bình 10 nghìn đồng/kg.

Diện tích này trước đây anh K’Nô trồng cà phê. Năng suất thấp, dịch bệnh nhiều, canh tác lạc hậu, giá cả bấp bênh khiến thu nhập chẳng được bao nhiêu. Anh chuyển đổi dần sang trồng cây dâu tằm và cà chua. Lần đầu tiên trồng không tránh khỏi bỡ ngỡ, anh vừa làm, vừa học hỏi những người xung quanh và tự rút kinh nghiệm. K’Nô chia sẻ: “Đối với cây cà chua thì mình phải bỏ nhiều công, nhiều sức hơn, nhưng cây gì có hiệu quả thì mình phải chuyển đổi dần để tiến bộ hơn”. Là đảng viên, Trưởng ban Mặt trận thôn, anh bảo rằng mình cần đi đầu, làm gương để bà con học hỏi, làm theo, ngay cả trong việc chuyển đổi cây trồng.

Là một trong những người đầu tiên mang cây cà chua đến đất Đinh Trang Thượng, anh Phạm Hữu Lâm (37 tuổi) trước đó đã có nhiều kinh nghiệm trồng cây ngắn ngày ở thị trấn D’Ran, huyện Đơn Dương. Hiện, bên cạnh 1 ha trực tiếp trồng đang cho thu hoạch, anh Lâm còn thu mua khoảng 6 tấn cà chua mỗi ngày của người dân trong xã. Theo anh Lâm, điều kiện khí hậu, thổ nhưỡng ở Đinh Trang Thượng khá phù hợp với các giống lagim, nguồn lao động tại chỗ dồi dào. Bên cạnh đó, đường sá vận chuyển cũng vô cùng thuận tiện khi hầu như xe lớn đều vào được tận vườn.

Xã Đinh Trang Thượng có hơn 70% dân số là đồng bào dân tộc thiểu số gốc Tây Nguyên, sống chủ yếu bằng cây cà phê nhưng năng suất và giá trị thấp. Tỷ lệ hộ nghèo và cận nghèo còn ở mức cao. Do đó, công tác tái canh và chuyển đổi giống cây trồng luôn được chính quyền địa phương chú trọng để nâng cao thu nhập cho người dân. Trong giai đoạn 2016 - 2020, toàn xã đã thực hiện chuyển đổi trên diện tích 1.905,68 ha (chiếm 75,71%). Nhờ việc tái canh và ghép cải tạo, sản lượng và năng suất cà phê trên địa bàn xã đã tăng lên rõ rệt, từ 1,5 - 2 tấn/ha lên 3 - 4 tấn/ha. Bên cạnh đó, thu nhập trên một số diện tích đất canh tác cũng được nâng lên nhờ tăng cường trồng xen canh một số cây ăn quả có giá trị kinh tế và tạo thu nhập như bơ, sầu riêng, mắc ca,...

Để phát huy hết tiềm năng của địa phương, đầu năm 2021, Ban Chấp hành Đảng bộ xã Đinh Trang Thượng đã ban hành Nghị quyết về lãnh đạo phát triển diện tích trồng cây rau màu giai đoạn 2021 - 2026. Với mục tiêu năm 2021 phát triển được 10 ha, đến năm 2026 phấn đấu diện tích trồng cây rau màu toàn xã đạt từ 40 ha. Từng bước hình thành vùng chuyên canh gắn với bảo vệ môi trường, nâng cao thu nhập, ổn định đời sống cho người dân; khai thác tối đa tiềm năng về đất đai, khí hậu và hạn chế tối đa lao động nhàn rỗi tại địa phương.

Ông K’Đô - Chủ tịch UBND xã Đinh Trang Thượng cho biết: Để phá vỡ thế độc canh đây cà phê, chính quyền xã xác định cây ngắn ngày là hướng đi cần được tập trung. Tuy nhiên, bà con phải mắt thấy, tai nghe thì mới tin chứ không thể nói suông được. Chính vì vậy, xã Đinh Trang Thượng luôn chú trọng, phát huy vai trò của đảng viên và những người tiên phong, đi đầu.

“Trong công tác giảm nghèo, vấn đề quan trọng nhất là thay đổi được tư tưởng trông chờ, ỷ lại, tư duy canh tác lạc hậu của người dân. Do đó, công tác tuyên truyền đóng vai trò vô cùng quan trọng” - ông K’Đô khẳng định.

Bên cạnh đó, xã tăng cường các lớp chuyển giao khoa học kỹ thuật phù hợp với từng loại cây trồng và trình độ của người dân, kết nối với Ngân hàng Nông nghiệp và Phát triển nông thôn, Ngân hàng Chính sách xã hội để hỗ trợ người dân nguồn vốn đầu tư sản xuất. Khuyến khích người dân tận dụng những diện tích đất ven suối, đất trũng, đất bị ngập úng hàng năm và chuyển đổi một phần diện tích đất cà phê sang trồng cây rau màu với mục đích đa dạng hóa cơ cấu ngành nông nghiệp với điều kiện đảm bảo nguồn nước tưới.

Với những hiệu quả từ diện tích chuyển đổi sang trồng rau màu đã được chứng minh và nhận được sự đồng thuận, hưởng ứng của Nhân dân, UBND xã Đinh Trang Thượng xác định, đối với công tác giảm nghèo thời gian tới, xã tiếp tục tập trung các nguồn thực để thực hiện có hiệu quả 2 Nghị quyết về phát triển nghề trồng dâu nuôi tằm và trồng rau màu. Nhà nước thực hiện hỗ trợ vật tư ban đầu, từ đó, tạo động lực để người dân ở xã anh hùng mạnh dạn, tự tin vươn lên từ nội lực của mình, từng bước thoát nghèo bền vững.

VIỆT QUỲNH

Nguồn Lâm Đồng: http://baolamdong.vn/kinhte/202111/no-luc-chuyen-doi-co-cau-cay-trong-o-dinh-trang-thuong-3088047/