Nỗ lực cống hiến để người dân thụ hưởng chăm sóc sức khỏe chất lượng quốc tế
Lần đầu tiên tại Ðông Nam Á nói chung và Việt Nam nói riêng, một thai nhi đang ở tuần thứ 32 bị dị tật tim bẩm sinh đã được phẫu thuật thông van tim thành công trong khoảng 40 phút.
Sau can thiệp, quả tim của thai nhi đã bình thường trở lại, không gặp tai biến nào. Rồi ca phẫu thuật nội soi điều trị nang ống mật chủ cho bệnh nhân người Australia được các bác sĩ BVÐK Xanh Pôn (Hà Nội) thực hiện thành công đã ghi dấu y tế Việt Nam là một trong hai nước trên thế giới triển khai kỹ thuật phẫu thuật nội soi một lỗ trong điều trị nhiều căn bệnh nguy hiểm.
Trên đây chỉ là 2 trong số vô vàn ca phẫu thuật thể hiện những tận tâm, tận lực, tận trí vượt qua nhiều khó khăn của các thầy thuốc Việt Nam trong thực hiện sứ mệnh cao cả: Bảo vệ, chăm sóc và nâng cao sức khỏe nhân dân. Những nỗ lực cống hiến của các thầy thuốc không chỉ đem lại sức khỏe, sự an lành cho người bệnh mà còn thêm khẳng định thế mạnh, sự phát triển của y tế Việt Nam trên bản đồ y khoa thế giới.
Các nhà khoa học y học thế giới đánh giá cao y tế Việt Nam
Năm 2023, phóng viên Báo Sức khỏe & Ðời sống vinh dự được tham dự 2 cuộc gặp mặt của Chủ tịch nước Võ Văn Thưởng với các giáo sư, bác sĩ, nhà khoa học, chuyên gia đầu ngành của lĩnh vực tim mạch và răng hàm mặt. Tại các cuộc gặp mặt này, khi trò chuyện với các đại biểu trong nước và quốc tế, Chủ tịch nước bày tỏ niềm vui và tự hào, bởi theo Chủ tịch nước, Việt Nam đã có nhiều bác sĩ các chuyên ngành như tim mạch, răng hàm mặt và nhiều lĩnh vực khác có trình độ cao, chuyên môn giỏi, thực hiện được nhiều kỹ thuật khó...
Trong buổi gặp mặt các giáo sư, bác sĩ, các nhà khoa học, chuyên gia đầu ngành tiêu biểu đại diện cho ngành răng hàm mặt Việt Nam và quốc tế tham dự Hội nghị Khoa học và Triển lãm răng hàm mặt 2023 (VIDEC 2023), Chủ tịch nước Võ Văn Thưởng đã nhấn mạnh: Hoạt động nghiên cứu khoa học, phát triển công nghệ và đổi mới sáng tạo trong lĩnh vực y tế nói chung, răng hàm mặt nói riêng đã góp phần đưa nền khoa học y học Việt Nam tiếp cận với thế giới, mang lại hiệu quả kinh tế và ý nghĩa xã hội sâu sắc ở nhiều lĩnh vực.
Theo Chủ tịch nước Võ Văn Thưởng, chuyên ngành răng hàm mặt là một trong số các lĩnh vực thu hút hàng chục nghìn khách quốc tế và đồng bào ta ở nước ngoài về Việt Nam để được điều trị, thăm khám hàng năm. Ðiều này cho thấy một mặt là uy tín, tay nghề, kỹ thuật, nhưng yếu tố quan trọng là lợi thế về giá của dịch vụ chăm sóc răng hàm mặt ở Việt Nam đã có sức cạnh tranh với khu vực và thế giới.
TS. Lawrence Yong, Chủ tịch Hội Nha khoa Singapore, người từng tham gia đào tạo nhiều y, bác sĩ răng hàm mặt Việt Nam cho hay, qua thực tế gắn bó với chuyên ngành răng hàm mặt của Việt Nam ông nhận thấy, các y, bác sĩ trẻ Việt Nam kết nối thường xuyên với giới y khoa thế giới, say sưa tìm hiểu kiến thức, luôn tự tin vào năng lực bản thân và vị thế của đất nước; đồng thời nuôi dưỡng đam mê được hành nghề y, chăm sóc sức khỏe người dân.
Còn GS. Ngô Chí Hiền, nhà khoa học gốc Việt Nam, nguyên Trưởng khoa răng hàm mặt Ðại học Western (Australia) là người có nhiều năm giảng dạy, nghiên cứu trong lĩnh vực y tế tại các quốc gia phát triển, đồng thời có gần 30 năm gắn bó chuyên ngành răng hàm mặt của Việt Nam đánh giá, đến thời điểm này, có thể thấy trình độ phát triển của ngành răng hàm mặt tại Việt Nam đã bắt kịp các nước trong khu vực. Ðội ngũ y, bác sĩ Việt Nam luôn có khát khao cống hiến cho sự nghiệp chăm sóc sức khỏe nhân dân.
Tại buổi tiếp đoàn đại biểu gồm nhiều giáo sư, tiến sĩ, nhà khoa học, chuyên gia tim mạch hàng đầu đến từ các nền y học tiên tiến trên thế giới cũng như khu vực ASEAN tham dự Ðại hội Khoa học tim mạch Ðông Nam Á (AFCC2023) lần thứ 27, Chủ tịch nước Võ Văn Thưởng nhấn mạnh, các thành tựu phát triển trong lĩnh vực y tế nói chung, tim mạch học nói riêng đã góp phần đưa nền khoa học y học Việt Nam tiệm cận với thế giới. Ðiều này càng minh chứng rõ hơn khi tại sự kiện nêu trên, nhiều nhà khoa học, các bác sĩ chuyên ngành tim mạch nước ngoài đều khẳng định những tiến bộ vượt bậc của ngành tim mạch Việt Nam với những kỹ thuật tiên tiến, hiện đại trên thế giới đều đã được cập nhật, áp dụng thành công tại Việt Nam. Trình độ chuyên môn của các bác sĩ tim mạch Việt Nam có vị trí và uy tín trong ngành tim mạch khu vực và thế giới...
Tăng cường áp dụng tiến bộ khoa học công nghệ y học hiện đại
Ðảng, Nhà nước ta luôn coi sức khỏe là vốn quý nhất của mỗi người dân và của cả xã hội. Bảo vệ, chăm sóc, nâng cao sức khỏe nhân dân là nghĩa vụ, trách nhiệm của mỗi người dân, của cả hệ thống chính trị và xã hội... Việt Nam từng được Liên hợp quốc đánh giá là điểm sáng trong thực hiện các Mục tiêu Thiên niên kỷ trong lĩnh vực y tế vào năm 2015 và hiện nay đang tiếp tục thực hiện tốt các chỉ tiêu phát triển bền vững đến năm 2030. Các chỉ số sức khỏe của nhân dân được nâng lên rõ rệt và tốt hơn.
Năm 2023 ghi dấu ấn phục vụ nhiều sự kiện quan trọng của Ðảng và Nhà nước trong công tác khám chữa bệnh, vệ sinh an toàn thực phẩm, phòng chống dịch và thường trực cấp cứu của ngành Y tế. Công tác khám bệnh, chữa bệnh được hồi phục sau hơn 3 năm phòng chống dịch COVID-19.
Bộ trưởng Bộ Y tế Ðào Hồng Lan cho biết, thực hiện chủ trương của Ðảng và Nhà nước về công tác bảo vệ, chăm sóc và nâng cao sức khỏe nhân dân; cùng với sự phát của đất nước, ngành Y tế đã không ngừng thay đổi. Bộ Y tế đã chỉ đạo và khuyến khích các đơn vị trong ngành Y tế tăng cường áp dụng những tiến bộ khoa học công nghệ y học hiện đại vào các lĩnh vực điều trị và dự phòng, nhằm nâng cao chất lượng khám bệnh, chữa bệnh và tạo điều kiện cho người dân Việt Nam được tiếp cận với những kỹ thuật y học mới của thế giới.
Theo Thứ trưởng Bộ Y tế Trần Văn Thuấn, hệ thống các bệnh viện từ Trung ương đến địa phương đã đầu tư, ứng dụng các trang thiết bị, kỹ thuật công nghệ cao như: CTscan, MRI, PET-CT, Gama Knife, xạ trị, công nghệ gene, sàng lọc ung thư sớm, sàng lọc trước sinh, xét nghiệm tiền sản giật, ứng dụng công nghệ laser vào y học, thực hiện phẫu thuật nội soi một lỗ, phẫu thuật nội soi lồng ngực trẻ dưới 12 tháng, ứng dụng robot trong phẫu thuật đến các kỹ thuật vi phẫu tạo hình, can thiệp tim mạch, ghép tạng, ghép tế bào gốc, lọc máu liên tục trẻ sơ sinh, ECMO, hạ thân nhiệt chỉ huy... đã mang lại rất nhiều hy vọng và cuộc sống mới cho người bệnh.
Mới đây nhất, các thầy thuốc của Bệnh viện K đã ứng dụng robot thế hệ mới nhất vào điều trị ung thư đường tiêu hóa cho bệnh nhân. Phó Giám đốc phụ trách chuyên môn của Bệnh viện K - Phạm Văn Bình - chia sẻ, phẫu thuật robot điều trị ung thư tiêu hóa có nhiều ưu điểm hơn so với phẫu thuật mổ mở hay nội soi thông thường.
Cụ thể, hình ảnh quan sát rõ nét (hình ảnh trường mổ 3D độ phân giải cao), các cánh tay robot có độ linh hoạt cao giúp thực hiện phẫu tích tỉ mỉ, chi tiết giúp phẫu thuật viên thao tác chính xác, lấy được tối đa tổ chức ung thư, bảo tồn tối đa tổ chức lành, các mạch máu, thần kinh. Ðộ di chuyển tự do của dụng cụ lên đến 520 độ giúp cánh tay robot hoạt động linh hoạt như cổ tay của con người. Phẫu thuật robot cũng đảm bảo thẩm mỹ, sang chấn tối thiểu, không chảy máu, giảm đau tối đa, giảm thời gian nằm viện trong khi kết quả điều trị ung thư vẫn được đảm bảo. Bệnh nhân hồi phục rất nhanh sau mổ, có thể ngày thứ nhất, thứ 2 đã đi lại bình thường, ngày thứ 3 có thể xuất viện.
Nhấn mạnh việc thực hiện ứng dụng các kĩ thuật mới hiện đại vào điều trị ung thư, đặc biệt là trong phẫu thuật điều trị đã mang lại bước tiến đáng kể cho người bệnh trong quá trình phục hồi, nâng cao chất lượng cuộc sống, Phó Giám đốc Bệnh viện K Phạm Văn Bình hy vọng, qua sự hợp tác lần này, bệnh nhân ung thư của Việt Nam có thể được thụ hưởng kỹ thuật đỉnh cao của thế giới mà không cần phải đến các nước phát triển.
Trên 90% người bệnh hài lòng - nỗ lực của ngành Y tế được ghi nhận
Năm 2023, ngành Y tế tiếp tục thực hiện đồng bộ các giải pháp giảm quá tải, nâng cao chất lượng dịch vụ các tuyến như mở rộng mạng lưới Bệnh viện vệ tinh (có 23 bệnh viện hạt nhân, 138 Bệnh viện vệ tinh trong đó 100% bệnh viện đa khoa tỉnh là Bệnh viện vệ tinh, ngoài ra có một số bệnh viện tuyến huyện ở vùng sâu, vùng xa); tăng cường ứng dụng khoa học công nghệ trong khám chữa bệnh, chuyển giao kỹ thuật cho tuyến dưới; đổi mới phong cách, thái độ phục vụ, đổi mới căn bản phương thức đánh giá chất lượng bệnh viện theo bộ tiêu chí phù hợp với xu hướng quốc tế và chỉ số hài lòng của người bệnh.
Ðồng thời, tăng cường kiểm tra, giám sát và thúc đẩy công tác cải tiến chất lượng, khảo sát hài lòng người bệnh tại các địa phương trên toàn quốc. Ðẩy mạnh triển khai tư vấn, khám chữa bệnh trực tuyến, từ xa, kết nối bệnh viện tuyến trên với các cơ sở khám chữa bệnh trên toàn quốc, kể cả vùng sâu, vùng xa, hải đảo.
Năm 2023, nhiều ca phẫu thuật và điều trị bệnh phức tạp đã được thực hiện tại nhiều bệnh viện trên cả nước.
Tiêu biểu như ca ghép đa tạng tim - thận cùng lúc của tập thể thầy thuốc Bệnh viện Hữu nghị Việt - Ðức thực hiện ngày 15/2; ca ghép tạng xuyên Việt ngày 26/2 do Bệnh viện Chợ Rẫy và Bệnh viện Việt Ðức phối hợp thực hiện; ca phẫu thuật xuyên đêm dài gần 8 tiếng đồng hồ nối liền bàn tay bị đứt lìa cho bé 21 tháng tuổi do các bác sĩ của Bệnh viện Trường Ðại học Y Hà Nội thực hiện; kỹ thuật thay van trong van lần đầu tiên được thực hiện tại Việt Nam do Viện Tim mạch Quốc gia làm chủ; bé trai chào đời ở tuần thai 25, nặng vỏn vẹn 600 gram với bệnh lý hẹp ruột bẩm sinh được ê kíp bác sỹ của 2 đơn vị là Bệnh viện Phụ sản Trung ương và Bệnh viện Việt Ðức cứu sống...
Theo Thứ trưởng Trần Văn Thuấn, tại nhiều địa phương đã hình thành nên các trung tâm y tế kỹ thuật cao, chuyên sâu với trang thiết bị hiện đại, tương đương tuyến trung ương nhằm giúp người dân được thụ hưởng những kỹ thuật cao tại chính địa phương mình, không cần phải lên tuyến trung ương. Ðồng thời, một bộ phận người dân có nhu cầu kỹ thuật cao cũng đã được đáp ứng phần lớn tại các trung tâm y tế chuyên sâu tại Hà Nội và TP. Hồ Chí Minh không cần ra nước ngoài để khám, chữa bệnh vì trình độ điều trị của chúng ta đã tương đương với các nước tiên tiến trong khu vực.
Những nỗ lực của ngành Y tế đã tiếp tục nhận được "quả ngọt" đó là sự hài lòng của người dân về ngành lên đến hơn 90%. Cùng đó, những thành tựu của Y tế Việt Nam đã khẳng định sự phát triển vượt bậc của nền y học "made in Việt Nam". Vì vậy ngày càng nhiều người bệnh là Việt kiều, người nước ngoài ngay cả ở các nước phát triển đã lựa chọn Việt Nam làm điểm đến khám chữa bệnh do hiệu quả cao và chi phí hợp lý...