Nỗ lực của cô giáo mầm non trong vùng sâu Cát Tiên
Vượt qua rất nhiều khó khăn, nhiều năm liền không ngừng nỗ lực vươn lên, đó là hình ảnh của cô giáo dạy mầm non ở thị trấn vùng sâu Phước Cát, huyện Cát Tiên.
Đó là cô giáo Bùi Thị Hồng Sương (sinh năm 1989), hiện đang công tác tại Mầm non Phước Cát ở thị trấn Phước Cát trong vùng sâu huyện Cát Tiên.
Quê Đức Thọ, Hà Tĩnh, cô giáo Hồng Sương cùng gia đình vào lập nghiệp trên quê mới Cát Tiên từ năm 1992, khi cô chỉ 2 tuổi. Sau khi tốt nghiệp trung học phổ thông, do hoàn cảnh gia đình khó khăn, cô đi làm công nhân tại Vũng Tàu. Một thời gian, nhờ một người bạn giới thiệu, cô vào học Sư phạm Mầm non bậc Trung cấp vừa học vừa làm tại thành phố này rồi tiếp tục học và tốt nghiệp bậc đại học tại Đồng Nai. Cô xin về công tác tại Trường Mầm non Đức Phổ thuộc xã Đức Phổ - Cát Tiên, sau đó do hoàn cảnh gia đình, cô xin được chuyển về dạy học tại Trường Mầm non Phước Cát.
“Yêu trẻ nên chọn theo nghề, vui nhất là được về gần nhà dạy học. Sống ở đây từ nhỏ nên nhiều người nơi đây hầu như đều biết nhau. Vùng nông thôn nên các cháu cũng rất ngoan, dễ bảo, dễ chăm; phụ huynh cũng phối hợp rất tốt với nhà trường” - cô Sương cho biết.
Với cô giáo Hồng Sương, dù dạy ở trường nào cũng vậy, cô luôn làm việc với tinh thần trách nhiệm cao, luôn hoàn thành tốt mọi việc được nhà trường phân công. Trong dạy học, cô cho biết luôn xem trẻ như con của mình, dành tình thương cho học sinh. “Lứa 5-6 tuổi mẫu giáo thường mau quên chóng chán nên mình cần phải tổ chức lớp một cách khéo léo theo đặc điểm lứa tuổi để các em thích đến trường mỗi ngày” - cô nói
Với trẻ em, hoạt động vui chơi là chủ đạo nên trong dạy học cô thường xuyên tìm cách thức phù hợp cho các hoạt động tại trường, giúp trẻ tiếp thu kiến thức một cách nhẹ nhàng. Tại lớp cô luôn cố gắng tạo sự gần gũi thoải mái cho trẻ, khơi gợi hứng thú, lôi cuốn các em vào giờ học. Cô Sương còn chịu khó đầu tư thời gian làm thêm đồ dùng, đồ chơi dạy học bằng những nguyên liệu dễ tìm trong vùng, nhằm tạo sự hấp dẫn, phong phú bài học, thu hút trẻ chú ý. “Các em cứ như vừa chơi vừa học, học mà chơi chơi mà học thì các em dễ dàng tiếp thu hơn” - cô chia sẻ.
Dạy học trong vùng nông thôn, nhất là trong vùng sâu còn nhiều khó khăn, nhiều phụ huynh bận rộn, mải lo việc nhà, việc đồng áng nên thường giao phó hẳn các em cho nhà trường. Chính vì vậy, trong những buổi họp phụ huynh cô giáo Sương luôn chú ý vận động các bậc cha mẹ quan tâm về giáo dục trẻ em, phối hợp phụ huynh với nhà trường trong chăm sóc giáo dục trẻ. Trong các giờ đón trả trẻ cô cũng tranh thủ trao đổi với phụ huynh về tình hình cách cháu trên trường nên hầu hết đều rất yên tâm khi trẻ ở lớp với cô.
Để nâng cao trình độ, cô giáo Hồng Sương luôn nỗ lực, cố gắng học hỏi từ đồng nghiệp; tham gia đầy đủ các lớp bồi dưỡng chuyên môn, nghiệp vụ của ngành, của Phòng Giáo dục tổ chức hằng năm; đưa vào ứng dụng cho công việc thường ngày. Cô cũng xin dự giờ các giáo viên trong trường để học hỏi kinh nghiệm, lắng nghe những ý kiến đóng góp của đồng nghiệp cho tiết dạy, từ đó nâng cao hiệu quả giờ dạy của mình.
Là khối trưởng cô giáo Hồng Sương luôn đi đầu trong các phong trào của nhà trường cũng như phong trào do ngành phát động; tích cực tham gia các hoạt động của trường tại địa phương; tham gia nghiên cứu khoa học; tích cực ứng dụng các công nghệ mới vào việc soạn bài giảng dạy tại trường.
Liên tục từ năm học 2013-2014 cô giáo Bùi Thị Hồng Sương là chiến sĩ thi đua cấp cơ sở, là giáo viên giỏi cấp trường và cấp huyện; nhiều năm đạt giáo viên giỏi cấp tỉnh. Cô cũng từng đoạt giải tại hội thi nghiệp vụ sư phạm trẻ cấp huyện và cấp tỉnh; từng được nhận giấy khen của trường, của Phòng Giáo dục, của UBND huyện và của Sở Giáo dục - Đào tạo Lâm Đồng. Năm học 2020-2021 vừa qua cô giáo Hồng Sương là chiến sỹ thi đua cấp tỉnh, vinh dự được nhận Bằng khen của Chủ tịch UBND tỉnh Lâm Đồng.