Nỗ lực của ngôi trường mang tên nữ anh hùng Võ Thị Sáu
Trường THCS Võ Thị Sáu huyện Lâm Hà bước vào năm học đầu tiên (1992 - 1993) đáp ứng nhu cầu người dân 3 xã Đạ Đờn, Phi Tô và Phú Sơn cho con em học bậc THCS. Từ 180 học sinh, đến nay trường có gần 4.000 học sinh theo học.
Đứng chân trên địa bàn khó khăn, có những thời điểm nhà trường đảm nhận vai trò mô hình nội trú và mở phân trường cho học sinh 3 xã phía Bắc của huyện, vùng trũng giáo dục của Lâm Hà lúc chưa tách huyện. Những năm tháng đó, hoàn cảnh gia đình nhiều học sinh dân tộc thiểu số các tỉnh từ phía Bắc cũng như học sinh gốc Tây Nguyên vô cùng khó khăn. Tôi còn nhớ mãi đã từng tham gia cùng lãnh đạo nhà trường (hiệu trưởng Phan Văn Kiều, Phó Hiệu trưởng Giang Công Xuất) và các giáo viên ứng cứu mùa giáp hạt giúp học sinh cụm xã Phi Liêng vượt qua cơn đói để trụ lại học tập…
Sau 30 năm, Trường THCS Võ Thị Sáu đã ngày lớn mạnh không ngừng, từ cơ sở vật chất khang trang đến chất lượng giáo dục từng bước nâng lên. Rất nhiều giáo viên của nhà trường tiếp tục trưởng thành là cán bộ quản lý giáo dục trường học tại các huyện, thành phố. Trong 30 năm qua Trường THCS Võ Thị Sáu đã có 19 cán bộ quản lý các trường học được bổ nhiệm và hiện có 13 người đang đảm nhận quản lý các trường trong huyện Lâm Hà. Hiệu trưởng Giang Công Xuất chia sẻ niềm vui: “Nhiều học sinh của trường đã và đang trưởng thành, đi khắp mọi miền đất nước góp phần vào công cuộc xây dựng và bảo vệ Tổ quốc. Điều đáng nói là Trường THCS Võ Thị Sáu đã góp một phần không nhỏ vào công tác nâng cao dân trí tại địa bàn các xã Đạ Đờn, Phi Tô, Phú Sơn, Phi Liêng, Liêng Srônh, Rô Men và các xã có con em đồng bào dân tộc thiểu số theo học”.
Cở sở vật chất của Trường THCS Võ Thị Sáu ban đầu tiếp quản từ Nông trường bộ Nông trường quốc doanh Phú Sơn giải thể để lại, khi ấy vừa xuống cấp vừa không đảm bảo quy cách về phòng ốc vì vậy chỉ là giải pháp tình thế để đáp ứng kịp thời nhu cầu cho con em học tập của Nhân dân. Cán bộ, nhà giáo của trường cũng ở tạm với nhiều thầy, cô trong những căn phòng chật hẹp; một số thầy, cô giáo còn tá túc tại nhà của người dân. Nhưng thầy cô đã thực sự tận hiến đối với giáo dục vùng sâu, vùng xa, thầm hứa với nhau “Dù khó khăn đến đâu cũng phải tiếp tục thi đua dạy tốt và học tốt” như lời Chủ tịch Hồ Chí Minh từng căn dặn để nỗ lực vượt qua.
30 năm nỗ lực phấn đấu của tập thể nhà trường cùng quan tâm đầu tư của Nhà nước kết hợp với lộ trình xây dựng nông thôn mới của địa phương, năm 2020, Trường THCS Võ Thị Sáu đã đạt trường chuẩn quốc gia mức độ 1. Hàng năm, tỷ lệ học sinh khá, giỏi về học tập của trường đều từ 50% - 60%; tốt nghiệp đạt từ 98% trở lên; phổ cập giáo dục THCS duy trì bền vững. Hàng năm, trường đều có học sinh giỏi các cấp, học sinh đoạt giải cao các môn năng khiếu cấp tỉnh. Nhiều học sinh cũ của trường đã thành đạt trên nhiều lĩnh vực chính trị, kinh tế, xã hội, đóng góp nguồn nhân lực quý cho địa phương Lâm Đồng và các tỉnh, thành… Nhiều cán bộ, giáo viên nhiều năm liền là giáo viên giỏi, Chiến sĩ thi đua cấp cơ sở, trong đó có những giáo viên là Chiến sĩ thi đua cấp tỉnh, giáo viên giỏi Nghiệp vụ sư phạm trẻ, Giáo viên chủ nhiệm giỏi cấp tỉnh… Các tổ chức Đảng, Công đoàn, Đoàn Thanh niên nhiều năm đạt vững mạnh của huyện, đặc biệt, năm học 2020 - 2021, 2021 - 2022, Liên Đội được công nhận Liên Đội mạnh cấp tỉnh… Tại Lễ kỷ niệm 30 năm thành lập trường, Chủ tịch UBND huyện Lâm Hà Hoàng Sỹ Bích đã trao tặng Giấy khen của UBND huyện cho tập thể nhà trường cùng nhiều cá nhân cán bộ, giáo viên vì thành tích hoàn thành xuất sắc nhiệm vụ dạy học. Điểm son của nhà trường đọng lại trong mỗi người dân huyện Lâm Hà là đã góp phần quan trọng về nâng cao dân trí cho các xã vùng sâu, vùng xa trên địa bàn huyện, trong đó có những thế hệ con em đồng bào các dân tộc thiểu số.
Từ tổng diện tích ban đầu chỉ 7.640 m2 đến nay Trường THCS Võ Thị Sáu được quy hoạch với khuôn viên hơn 14.600 m2. Trong khuôn viên khang trang sạch đẹp này, năm 2020, được sự ủng hộ của Phòng Giáo dục và Đào tạo và Sở Văn hóa, Thể thao và Du lịch, Trường THCS Võ Thị Sáu đã huy động tài trợ xây dựng tượng nữ Anh hùng Lực lượng vũ trang nhân dân, Liệt sĩ Võ Thị Sáu. Đây là việc làm rất có ý nghĩa để giáo dục truyền thống cách mạnh đối với học sinh. Cô giáo Phan Thị Thanh Mai từng dạy học môn Ngữ văn tại Trường THCS Võ Thị Sáu 2 năm học đầu (1992 - 1993, 1993 - 1994) nay là Phó Hiệu trưởng Trường THPT Lâm Hà chia sẻ: “Chính những người thầy, người cô mà lần đầu tiên tôi được gặp tại ngôi trường này đã níu giữ tôi gắn bó với mảnh đất Lâm Hà cùng 30 năm kết duyên với sự nghiệp “trồng người”. Tình thầy trò, tình đồng nghiệp và lớn lao hơn tất cả là tình người mà tôi may mắn nhận được từ ngôi trường mang tên nữ anh hùng Võ Thị Sáu đã thắp sáng trong tôi ngọn lửa tình yêu, niềm đam mê và nhiệt huyết của người thầy mà tôi đã mang theo trong suốt cuộc hành trình 30 năm trên quê hương thứ hai của một đời người!”.