Nỗ lực củng cố, hoàn thiện hạ tầng giao thông

Tuyến quốc lộ 25 (đoạn qua huyện Sơn Hòa) vừa được nâng cấp, mở rộng, tạo thuận lợi cho việc đi lại của người dân. Ảnh: NGÔ XUÂN

Những năm qua, Phú Yên tập trung nhiều nguồn lực đầu tư, phát triển kết cấu hạ tầng giao thông trên địa bàn tỉnh. Nhờ vậy, mạng lưới giao thông vận tải của tỉnh đã đáp ứng đầy đủ các phương thức và năng lực vận tải đường bộ, đường sắt, đường thủy nội địa, cảng biển và hàng không; tạo hành lang kết nối phát triển kinh tế - xã hội cho tỉnh nhà.

Từng bước củng cố hạ tầng

Hơn 10 năm mới có dịp trở lại, bất ngờ trước sự thay đổi của Phú Yên, ông Đinh Văn Cẩn, du khách ở tỉnh Hà Nam, cho biết: Tôi thấy Phú Yên thật sự phát triển. Trước đây, tôi phải đi tàu hỏa, mất hơn một ngày mới đến được TP Tuy Hòa. Bây giờ, chỉ ngồi máy bay từ Hà Nội, chưa đầy hai giờ đồng hồ đã đến nơi. Không chỉ có cơ sở hạ tầng khang trang, việc đi lại trong tỉnh cũng dễ dàng, thuận lợi hơn trước rất nhiều.

Theo Sở GT-VT, mạng lưới giao thông toàn tỉnh hiện có hơn 6.070km đường bộ, gồm năm tuyến đường quốc lộ đi qua với tổng chiều dài 428km; 11 tuyến tỉnh lộ với tổng chiều dài 361,7km (trong đó, 10 tuyến đang khai thác với tổng chiều dài 238,9km; riêng tuyến ĐT648 mới hoàn thành cầu Dinh Ông ở cuối tuyến). Ngoài ra, trên địa bàn tỉnh còn có 13 tuyến đường chuyên dùng với tổng chiều dài gần 46,3km; hơn 5.213km hệ thống đường giao thông nông thôn, đảm bảo cho việc đi lại, vận chuyển hàng hóa của người dân.

Việc đầu tư, củng cố mạng lưới hạ tầng giao thông đã giúp rút ngắn khoảng cách giữa các địa phương, tạo điều kiện thuận lợi cho hàng hóa lưu thông, kinh tế phát triển. Điển hình, công trình cầu Dinh Ông (thuộc dự án Tuyến đường tránh lũ cứu hộ, cứu nạn nối các huyện, thành phố: Tây Hòa, Tuy Hòa, Tuy An giai đoạn 1) hoàn thành, tạo sự kết nối giao thông giữa hai huyện Phú Hòa - Tây Hòa.

Hay như tuyến đường quốc lộ 25 vừa được nâng cấp, mở rộng, đã đáp ứng được nhu cầu đi lại, vận chuyển hàng hóa ngày càng lớn từ Phú Yên đi Gia Lai, cũng như nối liền các tỉnh thuộc duyên hải Nam Trung Bộ với khu vực Tây Nguyên.

Ngoài ra, Phú Yên còn có hệ thống đường sắt đi qua địa phận tỉnh dài 95,25km; khu hàng không dân dụng Cảng hàng không Tuy Hòa, phục vụ hai chuyến bay: Tuy Hòa - TP Hồ Chí Minh và Tuy Hòa - Hà Nội với công suất 550.000 lượt khách/năm. Bờ biển Phú Yên có chiều dài 189km, với một cảng vận tải tổng hợp Vũng Rô với công suất thiết kế 250.000 tấn hàng hóa/năm, tiếp nhận tàu có tải trọng đến 3.000 tấn. Địa phương đang phát triển các tuyến đường thủy nội địa ven biển, từ bờ ra các đảo, các điểm du lịch dọc bờ biển nhằm khai thác tiềm năng và thế mạnh du lịch biển đảo của tỉnh nhà.

Tiếp tục nâng cấp, hoàn thiện

Theo Sở GT-VT, trong giai đoạn 2020-2030, Phú Yên sẽ tiếp tục đẩy nhanh tiến độ các công trình hạ tầng giao thông; đầu tư hoàn thiện các tuyến quốc lộ 25, quốc lộ 29 từ đường cấp IV lên cấp III; xây dựng tuyến đường cao tốc và đường sắt tốc độ cao, đường sắt Phú Yên đi Đắk Lắk; đầu tư hoàn chỉnh các bến xe ô tô tại các địa phương; nâng cấp sân bay Tuy Hòa đạt công suất 5 triệu lượt khách/năm... Việc liên tục đầu tư, hoàn thiện hạ tầng giao thông sẽ tạo tiền đề để Phú Yên trở thành cửa ngõ mới cho vùng Nam Trung Bộ và Tây Nguyên, tạo thành một vùng kinh tế tổng hợp có tầm ảnh hưởng lớn trong khu vực.

Hiện nay, Sở GT-VT đang tiếp tục đẩy nhanh tiến độ thực hiện, tiến độ giải ngân các công trình xây dựng giao thông trọng điểm trên địa bàn tỉnh. Cụ thể như tuyến đường tránh lũ cứu hộ, cứu nạn nối các huyện, thành phố: Tây Hòa, Tuy Hòa, Tuy An giai đoạn 1 đã hoàn thành; tuyến đường nối quốc lộ 1 (Phú Khê) đi Khu công nghiệp Hòa Tâm; tuyến đường bộ nối hai tỉnh Phú Yên và Gia Lai, đoạn thuộc địa phận tỉnh Phú Yên.

Đơn vị cũng thường xuyên kiểm tra và sửa chữa, bảo trì các đoạn hư hỏng phát sinh trên các tuyến giao thông phục vụ nhu cầu đi lại của Nhân dân, nhất là sau các mùa mưa lũ. Sở GT-VT cũng liên tục rà soát, thay thế, bổ sung hệ thống biển báo hiệu đường bộ, hệ thống gờ giảm tốc; đầu tư xây dựng hệ thống điện chiếu sáng công cộng, tạo điều kiện thuận lợi cho việc đi lại của người dân, góp phần hạn chế tai nạn giao thông.

Ông Nguyễn Phương Đông, Giám đốc Sở GT-VT, cho biết: Thời gian tới, Sở GT-VT tiếp tục phối hợp Bộ GT-VT, Tổng cục Đường bộ Việt Nam từng bước hoàn chỉnh các tuyến quốc lộ trọng điểm qua địa bàn tỉnh; nâng cấp, mở rộng và hoàn chỉnh các tuyến tỉnh lộ hiện có, bảo đảm đạt chuẩn tối thiểu cấp III, IV đồng bằng (ở vùng đồng bằng) và cấp IV, V miền núi (ở khu vực miền núi).

Tỉnh Phú Yên cũng sẽ hình thành một số tuyến đường mới như tuyến ĐT648, ĐT645B, tuyến đường cơ động quốc phòng gắn với phát triển kinh tế - xã hội, tránh lũ, cứu hộ, cứu nạn Đông Hòa - Tây Hòa… nhằm thúc đẩy phát triển kinh tế - xã hội, bảo đảm quốc phòng - an ninh trên địa bàn tỉnh.

Theo Sở GT-VT, sở sẽ phối hợp chặt chẽ với Bộ GT-VT trong việc triển khai giải phóng mặt bằng thực hiện các dự án đường quốc lộ, cao tốc do Bộ GT-VT quản lý; đồng thời tranh thủ sự hỗ trợ từ chương trình của các bộ, ngành trung ương và kêu gọi nguồn đầu tư khác để hoàn chỉnh hạ tầng giao thông do địa phương quản lý.

NGÔ XUÂN

Nguồn Phú Yên: http://baophuyen.vn/356/283168/no-luc-cung-co-hoan-thien-ha-tang-giao-thong.html