Nỗ lực cung ứng điện phục vụ phát triển kinh tế - xã hội
Theo dự báo của Tập đoàn Điện lực Việt Nam (EVN), năm 2020, sản lượng điện sản xuất toàn hệ thống là 261,456 tỷ kW giờ, tăng 8,97%, trong đó, sản lượng điện sản xuất và mua của EVN là 251,6 tỷ kW giờ; công suất cực đại (Pmax) đạt 41.237MW, tăng 7,81% so năm 2019. Trên cơ sở tính toán cung - cầu điện năm 2020 cho thấy, nhiệm vụ bảo đảm cung ứng điện, bảo đảm cấp điện mùa khô năm 2020 sẽ gặp rất nhiều khó khăn và thách thức, nhất là trong hoàn cảnh thời tiết diễn biến bất lợi. Điều này đang đòi hỏi sự nỗ lực rất lớn của ngành điện.
Theo dự báo của Tập đoàn Điện lực Việt Nam (EVN), năm 2020, sản lượng điện sản xuất toàn hệ thống là 261,456 tỷ kW giờ, tăng 8,97%, trong đó, sản lượng điện sản xuất và mua của EVN là 251,6 tỷ kW giờ; công suất cực đại (Pmax) đạt 41.237MW, tăng 7,81% so năm 2019. Trên cơ sở tính toán cung - cầu điện năm 2020 cho thấy, nhiệm vụ bảo đảm cung ứng điện, bảo đảm cấp điện mùa khô năm 2020 sẽ gặp rất nhiều khó khăn và thách thức, nhất là trong hoàn cảnh thời tiết diễn biến bất lợi. Điều này đang đòi hỏi sự nỗ lực rất lớn của ngành điện.
Nhiều khó khăn, thách thức
Lãnh đạo EVN cho biết, năm 2019 các hồ thủy điện ở phía bắc trên dòng chính sông Đà không có lũ và diễn tiến theo chiều hướng cực đoan ngày càng trầm trọng hơn. Việc bảo đảm cấp điện năm 2020 có nhiều khó khăn do khô hạn trên diện rộng, lượng nước tích trong các hồ thủy điện đến hết năm 2019 hụt 4,55 tỷ m3 nước so mực nước dâng bình thường và dự báo năm 2020 có nhiều bất lợi về thủy văn, khô hạn. Cùng với đó, hệ thống điện hầu như không có dự phòng về nguồn cấp, trong đó tiến độ đầu tư các dự án nguồn mới hầu như đều chậm hơn dự kiến, gây khó khăn lớn cho việc cung cấp điện. Trên cơ sở cập nhật tình hình thủy văn, vận hành các nhà máy điện và cung cấp nhiên liệu đến hết năm 2019, EVN đã cập nhật kế hoạch vận hành hệ thống điện năm 2020. So với kế hoạch vận hành hệ thống điện đã được Bộ Công thương phê duyệt, có một số điểm đáng ngại như: Sản lượng thủy điện dự kiến huy động thấp hơn 2,67 tỷ kW giờ do lưu lượng nước về các hồ thủy điện thấp hơn tần suất 65%; sản lượng khí cung cấp cho phát điện tiếp tục giảm; sản lượng điện huy động từ các nguồn khí dự kiến thấp hơn 408 triệu kW giờ so kế hoạch. Trong khi đó, tổng công suất nguồn điện mới dự kiến đi vào vận hành trong năm 2020 chỉ đạt 4.329MW (gồm Nhiệt điện BOT Hải Dương 1.200 MW; thủy điện 1.138 MW; điện gió 118 MW; điện mặt trời 1.873 MW). Các nguồn nhiệt điện than, khí sẽ phải huy động tối đa liên tục trong mùa khô cũng như cả năm 2020, không còn dự phòng. Hệ thống điện do vậy sẽ tiềm ẩn nhiều nguy cơ không bảo đảm cung ứng điện trong trường hợp xảy ra các rủi ro về nhiên liệu như nguồn khí Tây Nam Bộ không được mua bổ sung, nguồn khí Đông Nam Bộ bị suy giảm, không đủ nhiên liệu than…
Chủ tịch Hội đồng thành viên EVN Dương Quang Thành đánh giá, tình hình cấp điện năm 2020 và những năm tiếp theo rất khó khăn và đối mặt nhiều thách thức. Nhận thức rõ điều này, EVN đã thường xuyên cập nhật, đề xuất các giải pháp, báo cáo kịp thời Thủ tướng Chính phủ, Ủy ban Quản lý vốn nhà nước tại doanh nghiệp, Bộ Công thương; tích cực chỉ đạo các đơn vị thành viên quyết liệt triển khai các giải pháp bảo đảm cung ứng điện ngay trong tháng 1. Để bảo đảm cung cấp đủ điện cho phát triển kinh tế - xã hội, ngoài các nguồn huy động từ thủy điện, nhiệt điện than, khí, năng lượng tái tạo,… ngành điện dự kiến huy động tới 3,397 tỷ kW giờ từ nguồn điện chạy dầu có giá thành cao, trong đó riêng mùa khô (từ tháng 3 đến tháng 6) dự kiến phải huy động khoảng 3,153 tỷ kW giờ nguồn nhiệt điện dầu trong điều kiện thủy văn không được cải thiện. Thực tế, EVN đã phải huy động nhiệt điện dầu ngay trong tháng 1 để điều tiết, giữ nước các nhà máy thủy điện để bảo đảm cung cấp đủ điện cho nhu cầu phụ tải. EVN còn phải dự kiến tăng huy động từ các nguồn nhiệt điện than 1,9 tỷ kW giờ, chủ yếu từ các nhà máy nhiệt điện (NMNĐ) than mới và các nhà máy đang tiến hành chạy thử nghiệm. Các nguồn phát điện từ khí đốt cũng là thành phần quan trọng, tỷ lệ tham gia trong cơ cấu nguồn phát khoảng 13% về công suất và 18% về sản lượng. Tuy nhiên, những năm gần đây, nguồn khí trong nước dần suy giảm, từ đầu năm 2019 đến nay, việc cung cấp khí đốt cho phát điện chỉ đáp ứng khoảng 66% nhu cầu và dự báo còn tiếp tục khó khăn hơn trong thời gian tới. Với tốc độ tăng trưởng phụ tải và tình hình phát triển nguồn điện hiện nay, giai đoạn 2020 - 2025, dự kiến nhu cầu khí cho phát điện rất cao (từ 8,5 đến 9,5 tỷ m3/năm trở lên), nhưng ngay cả thời điểm hiện tại, khả năng cung cấp khí của Tổng công ty Khí Việt Nam (PV Gas) luôn thấp hơn nhiều so nhu cầu.
Không để thiếu điện trong mọi tình huống
Trước tình hình khó khăn nêu trên, EVN đã chỉ đạo các đơn vị thành viên tập trung cao độ bảo đảm cung ứng điện trong sáu tháng mùa khô năm 2020, không để thiếu điện trong mọi tình huống. Bảo đảm tiến độ đầu tư các dự án nguồn điện và lưới điện theo đúng tiến độ; thực hiện nghiêm và hiệu quả Chương trình tổng thể sử dụng điện tiết kiệm chống lãng phí, đẩy nhanh ứng dụng khoa học công nghệ và tận dụng hiệu quả cuộc cách mạng công nghiệp 4.0 để nâng cao năng suất lao động và hiệu quả sản xuất, kinh doanh. Cùng với đó, Trung tâm Điều độ hệ thống điện quốc gia (NLDC) cần thường xuyên cập nhật các thông số đầu vào (phụ tải, thủy văn, cung ứng nhiên liệu, tiến độ nguồn,...), tính toán cân bằng cung cầu điện, báo cáo Tập đoàn kịp thời. Điều hành tối ưu hệ thống điện, chuẩn bị sẵn sàng các phương án cung ứng điện và các phương án xử lý khi sự cố xảy ra; bố trí hợp lý lịch bảo dưỡng các tổ máy năm 2020. Tập đoàn giao kế hoạch cho các NMNĐ theo từng tháng và cả năm để các đơn vị chủ động chuẩn bị các phương án vận hành và chuẩn bị nhiên liệu. Đồng thời yêu cầu các NMNĐ phải bảo đảm sản lượng mùa khô (số giờ vận hành hơn 4.000 giờ) và sản lượng cả năm (số giờ vận hành hơn 7.200 giờ). Hoàn thành công tác sửa chữa, bảo dưỡng các NMNĐ, bảo đảm khả dụng cao nhất trong mùa khô và cả năm 2020, trong đó yêu cầu hệ số khả dụng các NMNĐ than hơn 97% và NMNĐ khí hơn 98%. Rút kinh nghiệm từ những năm trước, các NMNĐ cần chủ động trong việc cung cấp, nhập khẩu than cho phát điện theo kế hoạch trong mùa khô và cả năm; điều phối nhiên liệu than, khí bảo đảm kịp thời, hiệu quả. Lãnh đạo EVN đã yêu cầu các đơn vị phát điện phải làm việc với Tập đoàn Công nghiệp Than - Khoáng sản Việt Nam (TKV) và Tổng công ty Đông Bắc để ký hợp đồng cung cấp than dài hạn, bao gồm cả phương án pha trộn than trong nước với than nhập khẩu; thực hiện mua than nhập khẩu thông qua đấu thầu quốc tế với các hình thức hợp đồng ngắn hạn và trung hạn, để cùng một thời điểm có nhiều nhà cung cấp than cho một NMNĐ. Để bảo đảm nguồn khí ga cho các NMNĐ khí, EVN yêu cầu các đơn vị trực thuộc liên quan làm việc với PV Gas để đôn đốc tìm kiếm các nguồn khí mới, bổ sung cho các nguồn khí đang bị suy giảm; đồng thời giao Tổng công ty Phát điện 3 (EVN GENCO3) đấu thầu nhập khẩu khí LNG bổ sung cho các NMNĐ khu vực Phú Mỹ để bù lại sản lượng khí Đông Nam Bộ đang suy giảm ngay từ năm 2021.
Đối với các Tổng công ty Điện lực, EVN chỉ đạo xây dựng kế hoạch cung cấp điện hằng tháng và thông báo cho chính quyền địa phương, đồng thời phối hợp chính quyền địa phương, các doanh nghiệp để điều hòa phụ tải hợp lý, sẵn sàng vận hành các nguồn điện tại chỗ của doanh nghiệp trong trường hợp hệ thống điện bị thiếu nguồn. Tổng công ty Truyền tải điện quốc gia (EVNNPT) phải bảo đảm vận hành an toàn tin cậy hệ thống truyền tải điện 220/500 kV, đặc biệt hệ thống điện 500 kV Bắc - Nam; siết chặt kỷ luật vận hành, không để xảy ra sự cố chủ quan; kiểm tra, củng cố lưới điện, bảo đảm cung cấp điện an toàn, liên tục, tin cậy. Trong giai đoạn hiện nay, EVN rất coi trọng bảo đảm tiến độ và chất lượng xây dựng các dự án nguồn và lưới điện, trong đó ưu tiên các dự án tiến độ hoàn thành trong sáu tháng đầu năm 2020, đặc biệt các công trình trọng điểm cấp điện cho miền nam, TP Hà Nội và các phụ tải quan trọng. Chủ động trong việc rà soát tình hình đầu tư các công trình lưới điện theo quy hoạch, kế hoạch năm để có những điều chỉnh phù hợp nhu cầu thực tế, đáp ứng các nhu cầu truyền tải điện và cấp điện mới của các nhà đầu tư. Đối với việc điều tiết nguồn nước từ các hồ thủy điện phục vụ đổ ải vụ đông xuân tại các tỉnh trung du và đồng bằng Bắc Bộ, mặc dù thủy văn tại các hồ thủy điện rất bất lợi, mực nước thấp hơn so cùng kỳ nhiều năm nhưng với sự phối hợp tích cực của ngành điện với thủy lợi, điều chỉnh linh hoạt lịch lấy nước sát thực tế, lấy nước tiết kiệm, hiệu quả, đã rút ngắn thời gian lấy nước và tiết kiệm lượng nước xả từ các hồ thủy điện. Tính chung cả ba đợt, các hồ thủy điện của EVN đã xả 2,6 tỷ m3, tiết kiệm 1,7 tỷ m3 nước so kế hoạch, tiết kiệm 3 tỷ m3 nước so vụ đông xuân trước. Theo đánh giá của lãnh đạo Tổng cục Thủy lợi, việc tiết kiệm nêu trên đã góp phần quan trọng dành nguồn nước quý giá phục vụ phát điện mùa khô năm 2020 trong bối cảnh các hồ thủy điện thiếu nước nghiêm trọng như hiện nay.
Hàng loạt giải pháp về tiết kiệm điện và quản lý nhu cầu phụ tải, giao các đơn vị tiết kiệm điện với sản lượng bằng 2% sản lượng điện thương phẩm; phát triển điện mặt trời áp mái với tổng công suất 550 MWp; tuyên truyền tiết kiệm điện cho các doanh nghiệp, cơ quan, đơn vị và nhân dân cũng được tích cực triển khai. Tập đoàn chủ trương mở rộng thực hiện chương trình điều chỉnh phụ tải (DR) đối với các doanh nghiệp có mức tiêu thụ điện lớn. Lãnh đạo EVN khẳng định, đối mặt với nhiều khó khăn, thách thức, song sẽ cố gắng nỗ lực bảo đảm cung ứng điện đầy đủ, an toàn và ổn định phục vụ nhu cầu phát triển kinh tế - xã hội và đời sống nhân dân.