Nỗ lực cung ứng vốn cho nền kinh tế

Thời gian qua, trong bối cảnh nền kinh tế còn gặp nhiều khó khăn, hệ thống ngân hàng trên địa bàn tỉnh đã nỗ lực triển khai nhiều giải pháp nhằm giúp người dân, doanh nghiệp tiếp cận vốn thuận lợi để từng bước phục hồi hoạt động sản xuất kinh doanh, tạo đà phát triển.

Hệ thống ngân hàng Phú Yên luôn sẵn sàng nguồn vốn để cung ứng cho nền kinh tế.

Hệ thống ngân hàng Phú Yên luôn sẵn sàng nguồn vốn để cung ứng cho nền kinh tế.

Trong ảnh:

Khách hàng giao dịch tại một chi nhánh ngân hàng ở Tuy Hòa. Ảnh: LÊ HẢO

Giảm lãi suất cho vay

Theo báo cáo của Ngân hàng Nhà nước (NHNN) chi nhánh Phú Yên, năm qua, tình hình thế giới, khu vực tiếp tục biến động nhanh, phức tạp, khó lường. Lạm phát ở mức cao, chính sách tiền tệ thắt chặt, tăng lãi suất kéo dài dẫn đến suy giảm tăng trưởng, sụt giảm nhu cầu tiêu dùng ở nhiều nước.

Hệ quả là một số doanh nghiệp sản xuất có tham gia xuất khẩu thiếu đơn hàng, các chuỗi cung ứng bị đứt gãy, giá nguyên, nhiêu liệu và chi phí vận chuyển tăng cao… Điều này đã ảnh hưởng đến tình hình phát triển sản xuất, kinh doanh và đời sống người dân trong nước, trong đó có tỉnh Phú Yên.

Trong bối cảnh nói trên, NHNN chi nhánh Phú Yên đã yêu cầu các ngân hàng thương mại trên địa bàn khẩn trương và nghiêm túc triển khai thực hiện chỉ đạo của NHNN Việt Nam về việc giảm mặt bằng lãi suất nhằm hỗ trợ doanh nghiệp, người dân phục hồi và phát triển sản xuất, kinh doanh. Theo đó, tính đến ngày 31/12/2023, lãi suất cho vay bình quân đối với hoạt động sản xuất kinh doanh giảm từ 0,5-5,35%/năm và lãi suất cho vay đối với tiêu dùng giảm từ 1-5,85%/năm so với đầu năm 2023.

Lãi suất cho vay trên địa bàn tỉnh giảm sâu hơn rất nhiều so với mức tối thiểu theo định hướng của NHNN là từ 1,5-2%/năm; qua đó góp phần hỗ trợ doanh nghiệp và người dân tiếp cận vốn ngân hàng thuận lợi, phục vụ hoạt động sản xuất kinh doanh, tiêu dùng góp phần kích thích nền kinh tế phát triển, phục hồi sau đại dịch COVID-19.

Ông Trần Quang Khải, chủ vựa hải sản ở phường Xuân Phú (TX Sông Cầu) cho biết: Cơ sở của chúng tôi vay vốn lưu động từ ngân hàng để thu mua hải sản của người dân và bán cho người tiêu dùng. So với trước đây, lãi suất cho vay hiện nay đã giảm đáng kể. Điều này giúp cơ sở bớt chi phí tài chính, có thêm vốn để mở rộng hoạt động.

Không chỉ giảm lãi suất, theo ông Trần Văn Trí, Phó Giám đốc NHNN chi nhánh Phú Yên, năm qua, ngành Ngân hàng tỉnh còn chủ động triển khai thực hiện đầy đủ, kịp thời các chương trình, chính sách tín dụng của Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ, của ngành trên địa bàn nhằm hỗ trợ lãi suất, tháo gỡ khó khăn cho doanh nghiệp và người dân, đẩy mạnh khả năng tiếp cận vốn tín dụng và hấp thụ vốn của nền kinh tế.

Ông Biện Giang Nam, Giám đốc Công ty TNHH Thủy sản Giang Nam (huyện Tây Hòa) cho hay: Do ảnh hưởng tình hình chung, đơn hàng xuất khẩu bị sụt giảm, giá thành lại hạ nên lợi nhuận của doanh nghiệp giảm.

Lúc này, doanh nghiệp được thụ hưởng chính sách hỗ trợ lãi suất 2% theo Nghị định 31 của Chính phủ, nguồn vốn tín dụng cũng dồi dào nên dòng tiền bớt căng thẳng, doanh nghiệp đỡ khó khăn. Doanh nghiệp mong muốn thời gian tới tiếp tục được thụ hưởng chính sách này.

Tiếp cận vốn tín dụng với lãi suất giảm giúp doanh nghiệp bớt chi phí tài chính, có thêm điều kiện phục hồi sản xuất, kinh doanh. Trong ảnh: Sản xuất thủy sản xuất khẩu tại một doanh nghiệp ở huyện Tây Hòa. Ảnh: LÊ HẢO

Tiếp cận vốn tín dụng với lãi suất giảm giúp doanh nghiệp bớt chi phí tài chính, có thêm điều kiện phục hồi sản xuất, kinh doanh. Trong ảnh: Sản xuất thủy sản xuất khẩu tại một doanh nghiệp ở huyện Tây Hòa. Ảnh: LÊ HẢO

Tăng cường kết nối ngân hàng - doanh nghiệp

Hệ thống ngân hàng là kênh cơ bản cung ứng vốn cho nền kinh tế. Tuy nhiên thời gian qua, do nguyên nhân chủ quan lẫn khách quan, nhiều doanh nghiệp nhỏ và vừa trên địa bàn tỉnh vẫn chưa tiếp cận được vốn ngân hàng.

Để gỡ khó cho doanh nghiệp, đồng thời khơi thông nguồn vốn tín dụng, NHNN chi nhánh Phú Yên đã chỉ đạo hệ thống ngân hàng trên địa bàn tích cực triển khai các giải pháp tháo gỡ các khó khăn, vướng mắc, kịp thời hỗ trợ, tạo điều kiện thuận lợi cho doanh nghiệp, người dân có cơ hội tiếp cận nguồn vốn tín dụng để phát triển sản xuất, kinh doanh.

Theo đó, NHNN chi nhánh Phú Yên đã phối hợp với Hiệp hội Doanh nghiệp tỉnh, Hội Nữ doanh nhân tỉnh, Hội Doanh nhân trẻ tỉnh xây dựng quy chế phối hợp về đẩy mạnh kết nối ngân hàng - doanh nghiệp. Sau đó, đơn vị này tổ chức buổi cà phê kết nối ngân hàng - doanh nghiệp để kịp thời hỗ trợ tháo gỡ khó khăn, vướng mắc cho các doanh nghiệp trong tiếp cận vốn ngân hàng.

Ngoài ra, NHNN chi nhánh Phú Yên còn tiếp tục nắm bắt những khó khăn, vướng mắc của doanh nghiệp thông qua các hiệp hội doanh nghiệp, UBND các huyện, thị xã, thành phố để kịp thời tháo gỡ và tăng khả năng tiếp cận vốn ngân hàng cho các doanh nghiệp.

Nhờ các biện pháp đồng bộ nói trên, dư nợ cho vay trên địa bàn tăng đột biến trong quý IV/2023. Trong khi 9 tháng đầu năm 2023, kết quả tăng trưởng tín dụng chỉ đạt 3,79% thì đến cuối năm 2023, dư nợ cho vay toàn tỉnh đạt 49.805 tỉ đồng, tăng 9,58% so với cuối năm 2022.

Trong đó, một số chương trình tín dụng trọng điểm có xu hướng tăng khá so với cuối năm 2022 như: Cho vay nông nghiệp, nông thôn đạt 17.923 tỉ đồng, tăng 512 tỉ đồng, tương đương tăng 2,94%; cho vay xuất khẩu đạt khoảng 1.004 tỉ đồng, tăng 282 tỉ đồng, tương đương tăng 39,06%; cho vay công nghiệp hỗ trợ đạt 30 tỉ đồng, tăng 9 tỉ đồng, tương đương tăng 42,86%; cho vay doanh nghiệp vừa và nhỏ đạt 8.959 tỉ đồng, tăng 298 tỉ đồng, tương đương tăng 3,44%...

Tiếp tục đồng hành, hỗ trợ người vay vốn

Tại hội nghị triển khai nhiệm vụ ngành Ngân hàng Phú Yên năm 2024 tổ chức mới đây, Phó Giám đốc NHNN chi nhánh Phú Yên Trần Văn Trí cho biết: Năm nay, NHNN chi nhánh Phú Yên tiếp tục bám sát chỉ đạo của Chính phủ, NHNN Việt Nam và UBND tỉnh để chỉ đạo, triển khai đến các tổ chức tín dụng trên địa bàn.

Đồng thời tiếp tục đẩy mạnh thực hiện có hiệu quả các giải pháp tháo gỡ khó khăn, nâng cao khả năng tiếp cận vốn tín dụng cho khách hàng; theo dõi, nắm bắt kế hoạch phát triển kinh tế - xã hội của tỉnh để điều chỉnh một số chỉ tiêu cơ bản phù hợp, đáp ứng nhu cầu vốn, góp phần phát triển kinh tế - xã hội địa phương.

Để thực hiện đạt các mục tiêu đề ra, đồng hành, chia sẻ với nhiều hơn với doanh nghiệp và người dân trong lúc khó khăn, đồng chí Hồ Thị Nguyên Thảo, Ủy viên Ban Thường vụ Tỉnh ủy, Phó Chủ tịch UBND tỉnh yêu cầu hệ thống ngân hàng trên địa bàn tỉnh tiếp tục triển khai quyết liệt, hiệu quả các giải pháp tín dụng để tháo gỡ khó khăn, thúc đẩy phát triển sản xuất kinh doanh, giúp người dân, doanh nghiệp tiếp cận tín dụng tốt hơn, đúng và trúng hơn.

Các ngân hàng thương mại cần thực hiện tăng trưởng tín dụng gắn với nâng cao chất lượng tín dụng, chủ động cân đối vốn để tập trung cho vay các lĩnh vực sản xuất kinh doanh, các lĩnh vực ưu tiên theo chủ trương của Chính phủ; kiểm soát chặt chẽ tín dụng đối với các lĩnh vực tiềm ẩn nhiều rủi ro; hạn chế phát sinh nợ xấu. Đồng thời tăng cường phối hợp, trao đổi, chia sẻ, tư vấn, hỗ trợ doanh nghiệp vượt qua khó khăn; rà soát điều kiện, thủ tục (nhất là về tài sản thế chấp, về thủ tục cho vay) để giúp doanh nghiệp, người dân tiếp cận vốn tín dụng thuận lợi hơn...

“Với vai trò là huyết mạch của nền kinh tế, nhiệm vụ đặt ra đối với ngành Ngân hàng trong năm 2024 và thời gian tới là rất cao, rất khó khăn. Tôi tin tưởng rằng với sự đoàn kết, thống nhất và quyết tâm cao, ngành Ngân hàng Phú Yên sẽ tiếp tục phát huy những kết quả đạt được, nỗ lực vượt qua khó khăn, thử thách, phấn đấu hoàn thành tốt các nhiệm vụ, trọng trách được giao”, đồng chí Hồ Thị Nguyên Thảo nói.

LÊ HẢO

Nguồn Phú Yên: https://baophuyen.vn/82/313402/no-luc-cung-ung-von-cho-nen-kinh-te.html