Nỗ lực 'cứu' bờ biển Cửa Đại trước bão số 8
Ba cơn bão liên tiếp và chuẩn bị đón nhận thêm cơn bão số 8 trong vòng hơn một tháng khiến bờ biển Cửa Đại và bờ biển An Bàng (TP Hội An Quảng Nam) bị sạt lở nghiêm trọng.
Ba cơn bão liên tiếp và chuẩn bị đón nhận thêm cơn bão số 8 trong vòng hơn một tháng khiến bờ biển Cửa Đại và bờ biển An Bàng (TP Hội An Quảng Nam) bị sạt lở nghiêm trọng.
Tình trạng biển xâm thực sâu, có nơi hơn 30m, dài hơn 1,5km là điều chưa bao giờ có trước đó đã làm “giật mình” người dân, chính quyền nơi đây. Những ngày qua, gần một nghìn người dân, du khách, lực lượng vũ trang… cùng chính quyền Hội An đang dồn sức để cứu lấy bờ biển Cửa Đại.
Sạt lở có xu hướng kéo lên phía bắc
Chưa bao giờ sạt lở ở biển Cửa Đại lại đe dọa TP Hội An như năm nay. Chỉ tính từ cơn bão số 5 đến nay, biển Cửa Đại đã bị sóng ngoạm sâu vào đất liền hơn 30m. Một dãy gồm 10 nhà hàng, resort ven biển với nhiều công trình phụ trợ - là nơi kinh doanh, sinh sống của hàng chục hộ dân đã bị sạt lở nghiêm trọng và có nguy cơ cuốn phăng ra biển.
Theo quan sát của phóng viên Nhân Dân Điện tử, dọc bờ biển Cửa Đại đến bãi biển An Bàng, thuộc hai phường Cửa Đại và phường Cẩm An (TP Hội An) dài khoảng 7,5km đều có dấu vết của biển xâm thực với tình trạng báo động.
Một vườn dừa ở biển Cửa Đại có chiều dài gần 300m, có tác dụng vừa chắn sóng, chắn gió; là một điểm du lịch lý tưởng của du khách nhưng giờ trở thành "điểm nóng" của sạt lở.
Chỉ tính riêng trong vòng một tháng qua đã có hàng trăm cây dừa bị sóng biển đánh bật gốc, lật nhào. Nhiều cây dừa đang trơ gốc, rễ trước sự tàn phá của sóng biển. Đáng chú ý, hiện khoảng cách từ điểm sụt lún sát mép biển đến đường Âu Cơ, phường Cửa Đại chưa đầy 100m.
Tại khu tổ hợp nghỉ dưỡng, khách sạn Agribank (khối phố Tân An, phường Cẩm An), theo nhân viên bảo vệ của khách sạn, vào ngày chiều 18-9, một đoạn bờ biển chạy qua khách sạn đã bị sóng đánh sạt lở ăn sâu vào bờ 5m. Nhưng hơn một tháng chịu tác động của bão, áp thấp nhiệt đới liên tiếp, đến nay, sóng biển đã gây sạt lở sâu hơn, nhiều đoạn bờ kè đá, cây dừa, dương liễu bị cuốn ra xa.
Đáng nói, sau hai đợt đóng cửa vì đại dịch Covid-19, giờ các nhà hàng tiếp tục đóng cửa vì sạt lở. “Giờ sạt lở đã làm lộ móng của nhà hàng tôi rồi, cứ đà này thì qua mùa mưa bão năm nay, nhiều nhà hàng chung quanh như của tôi chắc phải đóng cửa”, ông Nguyễn Minh Thiệt, chủ một nhà hàng trên đường Cửa Đại thở dài.
Còn ông Phạm Lộc Phát, người dân phường Cẩm An cho hay, hơn 30 năm nay, đây là năm bờ biển Cửa Đại đến bờ biển An Bàng bị sạt lở dài và sâu như vậy. Mọi năm sạt lở chỉ ở phía nam nhưng bây giờ thì kéo lên phía bắc. Nếu cứ đà này, chừng ít năm nữa, tình hình sạt lở có nguy cơ sẽ lan dài đến bờ biển Hà My (thị xã Điện Bàn).
Phó Chủ tịch UBND phường Cẩm An Nguyễn Văn Quang bộc bạch, tình trạng sạt lở bở biển ở đây vẫn thường xảy ra khi có biển động mạnh. Nhưng với sức lực, nguồn lực của địa phương không đủ để khắc phục nên chỉ báo cáo lên lãnh đạo TP Hội An để xin hướng giải quyết.
Dồn sức giữ bờ biển
Trước tình hình sạt lở nghiêm trọng và đe dọa đến tài sản của nhân dân, từ ngày 19-10 đến nay, các lực lượng chức năng cùng gần một nghìn người dân, tình nguyện viên, du khách nước ngoài, các công ty, doanh nghiệp du lịch, các lực lượng vũ trang… trên địa bàn đã ra quân khẩn trương gia cố, kè chắn bờ biển Cửa Đại đến bờ biển An Bàng.
Hàng nghìn bao cát nhỏ được các lực lượng chuyển đến gia cố những điểm sạt lở xung yếu dọc bờ biển dài gần 7,5km. Các phương tiện cơ giới cũng được huy động để phục vụ công tác gia cố. Đồng thời, hàng trăm dây thừng cũng được buộc chằng chịt các hàng dừa lại với hy vọng tạo thêm thành lũy, ngăn chặn sự tàn phá của sóng biển.
Phó Chủ tịch UBND TP Hội An Nguyễn Thế Hùng cho biết, tại cuộc họp bàn giải pháp thi công khẩn cấp kè mềm, TP Hội An đã thống nhất sử dụng trải vải địa, bạt và sử dụng túi loại hai tấn để cho cát vào nhằm tạo kè có độ nghiêng hợp lý, từ đó mới có thể phát huy hiệu quả chắn sóng. Phía trong chèn thêm bao cát nhỏ để giữ cát.
Đến nay, đã gia cố được hơn 80% chiều dài sạt lở hơn 1.500m bờ biển và các lực lương đang cố gắng phấn đấu trong hôm nay (ngày 24-10) sẽ cơ bản hoàn thành việc kè gia cố xâm thực tại những điểm xung yếu, trước khi cơn bão số 8 ập vào.
Ông Võ Văn Điềm, Giám đốc Ban quản lý Dự án đầu tư xây dựng các công trình Nông nghiệp và Phát triển nông thôn Quảng Nam cho biết, đơn vị đang thực hiện dự án đê ngầm chắn phá sóng từ xa do tỉnh đầu tư, với chiều dài 220m, có nguồn vốn 40 tỷ đồng và được thiết kế chạy song song, cách bờ 250m. Sắp đến, Trung ương sẽ đầu tư thêm 300 tỷ đồng để làm thêm khoảng 1km nữa…
Thời gian gần đây, khu vực bờ biển Cửa Đại (Hội An) đang có những diễn biến hết rất phức tạp. Năm 2017, một cồn cát nổi lên trên biển Cửa Đại, nằm ngoài cửa sông Thu Bồn, vét ngang bờ biển xã Duy Hải (huyện Duy Xuyên) và phường Cửa Đại (TP Hội An). Đồng thời, sóng biển với độ xoáy lớn đang lan dần về phía bắc. Do vậy, các bộ, ngành liên quan ở Trung ương và tỉnh Quảng Nam cần sớm giải pháp căn cơ, tổng thể, khoa học và được thực triển khai đồng bộ mới có thể cứu được bờ biển Cửa Đại.