Nỗ lực cứu vãn thỏa thuận hạt nhân Iran 'sắp hết thời hạn'
Hôm thứ Sáu (17/12), các nhà ngoại giao châu Âu đang cố gắng cứu vãn thỏa thuận hạt nhân Iran cho biết 'một số tiến bộ kỹ thuật' đã được thực hiện, nhưng cảnh báo rằng họ có thể 'sắp hết thời hạn'.
“Chúng tôi hy vọng rằng Iran có thể nhanh chóng nối lại các cuộc đàm phán và tham gia một cách xây dựng để các cuộc đàm phán có thể diễn ra với tốc độ nhanh hơn”, Pháp, Đức và Anh cho biết.
Tổng giám đốc IAEA Rafael Grossi giới thiệu hệ thống camera giám sát cơ sở hạt nhân Karaj của Iran trong một cuộc họp báo tại Vienna, Áo vào thứ Sáu (17/12). Ảnh: Getty Images
“Như đã nói, chúng ta chỉ còn vài tuần trước khi những giá trị cốt lõi của thỏa thuận không phổ biến vũ khí hạt nhân hết hiệu lực. Chúng ta đang dần sắp hết thời hạn trong cuộc đàm phán này”, tuyên bố chung của ba nước nói thêm.
Các cuộc đàm phán về Iran chỉ mới được nối lại cách đây 3 tuần, nhằm cứu vãn các cam kết hạt nhân mà các bên từng đạt được hồi tháng 6, song sau đó đã bị “xé bỏ” bởi chính phủ mới theo đường lối cứng rắn của Iran. Và giờ các nhà ngoại giao châu Âu đánh giá rằng họ đang gần trở lại vạch xuất phát đó!
Các nhà đàm phán châu Âu cho rằng rất khó để đánh giá ý định của Iran, nhưng tin rằng nước này đang nỗ lực vừa đủ để ngăn chặn sự sụp đổ của các cuộc đàm phán, bao gồm cả việc để cơ quan thanh tra hạt nhân của Liên Hợp Quốc tiếp cận trở lại các địa điểm ở Iran.
Việc thiếu khả năng tiếp cận và hiểu biết về tình trạng hạt nhân hiện tại của Iran khiến việc đặt ra các đường cơ sở cho những gì phải làm để tránh một cuộc khủng hoảng hạt nhân đang trở nên khó khăn hơn.
Mỹ chỉ gián tiếp tham gia vào các cuộc đàm phán vì nước này đã rút khỏi hiệp định vào năm 2018 dưới thời Tổng thống Donald Trump. Người kế nhiệm Joe Biden đã đưa ra tín hiệu rằng ông muốn tham gia lại thỏa thuận.
Châu Âu đã lên kế hoạch cho một cuộc họp khẩn cấp với Cơ quan Năng lượng Nguyên tử Quốc tế (IAEA) vào thứ Hai tới. Cuộc họp có thể sẽ dẫn đến một cuộc bỏ phiếu chống lại Iran vì đã không hợp tác với các thanh sát viên của IAEA.
Rafael Grossi, Tổng giám đốc IAEA, từng nghi ngờ Iran về việc các băng hình camera giám sát tại một xưởng sản xuất bộ phận ly tâm tại Karaj bị mất tích. Ông nói rằng lời giải thích của Iran về sự việc này là “rất kỳ lạ”.
Iran đã tháo camera và đưa cho IAEA xem, nhưng thiết bị lưu trữ dữ liệu đã bị phá hủy. IAEA và các cường quốc phương Tây từng yêu cầu Iran lắp đặt thiết bị theo dõi này sau khi xưởng Karaj được sử dụng để sản xuất máy ly tâm tiên tiến, chi tiết thiết yếu để sản xuất uranium làm giàu.
Mới đây, một số quan chức quốc phòng và tình báo Israel cáo buộc rằng Iran đã tận dụng khoảng thời gian IAEA ngừng giám sát nước này kể từ tháng 6, để đưa uranium chiết xuất 60% đến các địa điểm bí mật liên quan đến vũ khí hạt nhân.
Hoàng Huy (theo Guardian)