Nỗ lực đảm bảo an toàn, an ninh mạng
Các hệ thống thông tin dùng chung và phần mềm ứng dụng CNTT chuyên ngành của tỉnh được triển khai sử dụng từ cấp tỉnh đến cấp xã đang được lưu trữ, vận hành, quản lý tại Trung tâm dữ liệu của tỉnh.
Trung tâm CNTT&TT tỉnh đã chủ động tham mưu cho Sở TT&TT trình UBND tỉnh ban hành nhiều quy định, quy chế, các văn bản chỉ đạo, điều hành nhằm đẩy mạnh hoạt động bảo đảm ATTT mạng đối với các hoạt động ứng dụng CNTT trên địa bàn tỉnh; tập trung nguồn lực nhằm tổ chức triển khai đồng bộ các giải pháp, phương án kỹ thuật về đảm bảo ATTT, như: thực hiện phân loại, xác định và phê duyệt cấp độ an toàn hệ thống thông tin cho 856 đơn vị (đạt tỷ lệ 100%) trên địa bàn toàn tỉnh; triển khai hoạt động giám sát, ứng cứu xử lý hàng trăm lượt sự cố trực tiếp và gián tiếp về ATTT mạng cho các cơ quan Nhà nước; tổ chức các hoạt động diễn tập định kỳ về ATTT nhằm bảo đảm an toàn, ANTT mạng cho các hệ thống thông tin hoạt động thông suốt, thường xuyên, liên tục 24/24. Qua đó, đã bảo đảm cho các hệ thống thông tin, dữ liệu và phần mềm dùng chung của tỉnh cũng như hỗ trợ các cơ quan, đơn vị được phát hiện và xử lý kịp thời các nguy cơ tấn công mạng, không để diễn ra các sự cố mất ATTT nghiêm trọng trên địa bàn tỉnh.
Thực hiện tốt các nhóm nhiệm vụ liên quan đến công tác quản lý, vận hành và duy trì hoạt động tại Trung tâm dữ liệu và Trung tâm giám sát, điều hành an toàn, an ninh mạng của tỉnh. Trung tâm dữ liệu được tỉnh đầu tư, xây dựng và giao cho Trung tâm CNTT&TT quản lý, khai thác và vận hành nhằm thực hiện tích hợp, đồng bộ, lưu trữ, chia sẻ, phân tích, khai thác, điều phối dữ liệu của các cơ quan Nhà nước, giúp hình thành cơ sở dữ liệu (CSDL) tập trung thống nhất phục vụ công tác chỉ đạo, điều hành của lãnh đạo tỉnh nhanh chóng, chính xác, kịp thời.
Hiện nay, trung tâm dữ liệu đang được triển khai với 20 tủ RACK; 37 máy chủ vật lý; 86 máy chủ ảo hóa và các trang thiết bị hạ tầng kỹ thuật nhằm cung cấp không gian cài đặt và duy trì 17 hệ thống thông tin và phần mềm ứng dụng CNTT chuyên ngành của các cơ quan, đơn vị.
Trung tâm Giám sát và điều hành an toàn, an ninh mạng của tỉnh nhằm bảo vệ, phát hiện sớm, ngăn chặn và phòng ngừa chủ động các hình thức tấn công mạng từ bên ngoài vào các dữ liệu, phần mềm ứng dụng CNTT tại Trung tâm dữ liệu của tỉnh. Đồng thời, còn triển khai thực hiện nhiệm vụ giám sát, ngăn chặn các hình thức tấn công mạng tại các cơ quan, đơn vị nhằm bảo vệ một cách tổng thể và toàn diện trên địa bàn tỉnh. Trong năm 2023, trung tâm đã phát hiện 20.351 điểm yếu, lỗ hổng liên quan đến các loại hình tấn công mạng vào Trung tâm dữ liệu và mạng nội bộ của các cơ quan, đơn vị trên địa bàn tỉnh. Tổ chức triển khai hỗ trợ ứng cứu hàng trăm lượt sự cố trực tiếp và gián tiếp liên quan đến các phần mềm dùng chung, hệ thống thông tin của các cơ quan, đơn vị trên địa bàn tỉnh. Qua đó, bảo đảm cho các hệ thống thông tin, phần mềm dùng chung và tại các cơ quan, đơn vị được phát hiện và xử lý kịp thời các nguy cơ tấn công mạng, không để diễn ra các sự cố mất ATTT mạng nghiêm trọng.
Bên cạnh đó, Trung tâm CNTT&TT tỉnh cũng đã làm tốt nhiệm vụ vận hành các hạ tầng số; phần mềm dùng chung của tỉnh. Hệ thống hội nghị truyền hình trực tuyến của tỉnh đã được kết nối đến 621 điểm cầu từ cấp tỉnh đến cấp xã, được trung tâm tổ chức quản lý, vận hành ổn định với hàng trăm cuộc họp diễn ra hàng năm. Qua đó góp phần giảm chi phí hành chính; chi phí đi lại và tiết kiệm thời gian cho lãnh đạo các cấp trong hoạt động chỉ đạo, điều hành.
Các hệ thống thông tin dùng chung và phần mềm ứng dụng CNTT chuyên ngành của tỉnh được triển khai sử dụng từ cấp tỉnh đến cấp xã đang được lưu trữ, vận hành, quản lý tại Trung tâm dữ liệu của tỉnh. Trong đó, có các ứng dụng nền tảng, cốt lõi phục vụ cho hoạt động xây dựng chính quyền điện tử hướng đến chính quyền số trên địa bàn tỉnh, như: hệ thống quản lý văn bản và hồ sơ công việc; nền tảng tích hợp, chia sẻ dữ liệu cấp tỉnh; hệ thống giải quyết thủ tục hành chính... Để các hệ thống trên vận hành ổn định, thông suốt, trung tâm đã tổ chức bố trí nguồn lực nhằm thực hiện hoạt động giám sát, hỗ trợ kỹ thuật đối với người sử dụng cũng như thường xuyên nâng cấp, cập nhật các chức năng, tính năng mới đáp ứng các yêu cầu hiện tại.
Với vai trò là trung tâm “đầu não”, hàng năm, Trung tâm CNTT&TT cũng tham mưu cho Sở TT&TT tổ chức các lớp đào tạo, bồi dưỡng, tập huấn về kiến thức, kỹ năng ứng dụng CNTT, chuyển đổi số với hàng nghìn lượt cán bộ, công chức, viên chức thuộc các sở, ban, ngành, UBND cấp huyện, cấp xã, góp phần nâng cao kiến thức, kỹ năng về ứng dụng CNTT phục vụ công tác chuyên môn và chuyển đổi số tại các địa phương, đơn vị...
Ông Nguyễn Anh Tuấn, Giám đốc Trung tâm CNTT&TT tỉnh, cho biết: Việc đảm bảo ATTT là nhiệm vụ sống còn đối với trung tâm, thời gian qua, trung tâm đã thực hiện tốt chỉ đạo của UBND tỉnh, Sở TT&TT triển khai nhiều giải pháp để đảm bảo an toàn, ANTT. Trung tâm đã thực hiện chia sẻ, kết nối tới mạng lưới giám sát ATTT mạng quốc gia, như: Trung tâm Giám sát an toàn không gian mạng quốc gia; Trung tâm Ứng cứu khẩn cấp không gian mạng Việt Nam... Trong thời gian tới, Trung tâm CNTT&TT tỉnh sẽ tập trung “Xây dựng Đề án phát triển, nâng cao năng lực hoạt động của Trung tâm CNTT&TT Thanh Hóa” đảm bảo đúng yêu cầu, tiến độ xây dựng đề án trình cấp có thẩm quyền; chủ động triển khai đáp ứng các yêu cầu Quy hoạch hạ tầng TT&TT giai đoạn 2021-2023, tầm nhìn đến năm 2050; quản lý, vận hành và phát triển hệ thống thông tin, ứng dụng CNTT dùng chung của tỉnh; triển khai các hoạt động ứng cứu xử lý sự cố và đảm bảo ATTT các nền tảng số, hạ tầng số, dữ liệu dùng chung của tỉnh; tăng cường hoạt động đào tạo, tư vấn và triển khai dịch vụ; hợp tác với các tập đoàn, doanh nghiệp công nghệ số... góp phần đảm bảo an toàn, an ninh mạng, thúc đẩy quá trình chuyển đổi số trên địa bàn tỉnh nhanh chóng và bền vững.
Nguồn Thanh Hóa: https://vhds.baothanhhoa.vn/no-luc-dam-bao-an-toan-an-ninh-mang-30473.htm