Nỗ lực đảm bảo an toàn phòng cháy, chữa cháy và cứu nạn cứu hộ

Thời gian qua, Phòng Cảnh sát Phòng cháy, chữa cháy và cứu nạn cứu hộ (PCCC - CNCH), Công an tỉnh Lâm Đồng đã bám sát các chương trình, kế hoạch đề ra; từ đó, thực hiện nghiêm túc, hiệu quả các mặt công tác bảo đảm an toàn PCCC - CNCH trên địa bàn tỉnh.

Công an Lâm Đồng tích cực tuyên truyền về tầm quan trọng của công tác PCCC - CNCH trong Nhân dân

Công an Lâm Đồng tích cực tuyên truyền về tầm quan trọng của công tác PCCC - CNCH trong Nhân dân

Theo Thượng úy Trần Trung Hiếu - Cán bộ Phòng Cảnh sát PCCC - CNCH, Công an tỉnh, Lâm Đồng có hai mùa là mùa khô kéo dài, thời tiết nắng nóng, hanh khô dễ xảy ra cháy, nổ và mùa mưa triền miên dễ gây lũ quét, sạt lở địa hình. Bên cạnh đó, xu hướng phát triển kinh tế chủ yếu của địa phương hiện nay là ngành Công nghiệp, du lịch, chế biến nông sản, công nghiệp sản xuất điện, nông nghiệp công nghệ cao; trong đó, ngành Thương mại, dịch vụ đặc biệt khởi sắc, kéo theo đó là các cơ sở kinh doanh dịch vụ lưu trú, ăn uống, giải trí vui chơi ngày càng phát triển mạnh, tác động không nhỏ đến tình hình cháy, nổ và an ninh trật tự trên địa bàn.

Với tình hình trên, Phòng Cảnh sát PCCC - CNCH đã tham mưu Công an tỉnh, UBND tỉnh chỉ đạo các cơ quan, ban, ngành, đoàn thể và UBND các huyện, thành phố tổ chức triển khai, thực hiện tốt công tác PCCC - CNCH. Đồng thời, với tinh thần trách nhiệm cao, lực lượng Cảnh sát PCCC - CNCH đã thực hiện các biện pháp đồng bộ, tổ chức trực chữa cháy 24/24 giờ về lực lượng, phương tiện, luôn đảm bảo không để xảy ra cháy lan, cháy lớn.

Từ ngày 15/12/2023 đến ngày 12/12/2024, trên địa bàn toàn tỉnh xảy ra 21 vụ cháy, làm chết 3 người, 2 người bị thương. Thiệt hại về tài sản ước tính khoảng trên 3,52 tỷ đồng (17/21 vụ cháy có thiệt hại, 4 vụ đang thống kê). Phòng Cảnh sát PCCC - CNCH đã xuất 54 lượt xe, 291 lượt cán bộ, chiến sĩ tham gia chữa cháy. Đã điều tra làm rõ nguyên nhân 14/21 vụ cháy, đạt tỉ lệ 62%. Đối với công tác CNCH, xảy ra 26 vụ CNCH, tai nạn sự cố; cứu được 25 người.

Theo đó, từ ngày 3/1/2023 đến nay, lực lượng đã phối hợp các cơ quan chức năng tham gia thanh tra liên ngành 39 cuộc, kiểm tra liên ngành 195 cuộc, triển khai 7 chuyên đề kiểm tra theo chỉ đạo của Bộ Công an. Số lượng cơ sở còn tồn tại, vi phạm khó có khả năng khắc phục về PCCC toàn tỉnh giảm từ 1.607/18.212 cơ sở còn 163/18.212 cơ sở (chiếm 0,89% trên tổng số cơ sở toàn tỉnh), đã khắc phục được 1.444 cơ sở. Các cơ sở sau khi kiểm tra đã viết cam kết khắc phục bằng văn bản.

Hiện, toàn bộ 32 khối chung cư trên địa bàn tỉnh (đều tập trung tại TP Đà Lạt) đã được kiểm tra, hướng dẫn, kiến nghị và yêu cầu khắc phục các vi phạm về PCCC. Tiến độ việc tổ chức khắc phục của các cơ sở đã đưa vào sử dụng trước thời điểm Luật PCCC có hiệu lực đã đạt được những kết quả nổi bật như: Số cơ sở đã kiểm tra, hướng dẫn xây dựng phương án, kế hoạch khắc phục: 161/161 cơ sở; hoàn thành việc khắc phục: 81/161 cơ sở (chiếm 50,31%); đang triển khai thực hiện: 79/161 cơ sở (chiếm 49,07%)…

Song song đó, trên địa bàn toàn tỉnh đang có 30/43 công trình xây dựng đưa vào sử dụng khi chưa có văn bản nghiệm thu về PCCC của cơ quan Cảnh sát PCCC đã khắc phục (đạt tỷ lệ 69,7%), 13/43 công trình còn lại chưa được khắc phục, lực lượng Cảnh sát PCCC - CNCH đã tiến hành xử phạt vi phạm hành chính đối với 1/13 công trình, với số tiền phạt là 40 triệu đồng đối với hành vi đưa hạng mục công trình, công trình, phương tiện giao thông cơ giới vào sử dụng, hoạt động khi chưa có văn bản chấp thuận kết quả nghiệm thu về PCCC; 9/13 công trình đã ngừng hoạt động, 3/13 công trình không thuộc Phụ lục V của Nghị định số 50 của Chính phủ đã được cơ quan Cảnh sát PCCC hướng dẫn chủ đầu tư thi công tự tổ chức nghiệm thu và báo cáo theo quy định. Năm 2024, không để phát sinh các công trình chưa được thẩm duyệt, nghiệm thu về PCCC đưa vào sử dụng.

Đặc biệt, Phòng Cảnh sát PCCC - CNCH luôn chú trọng công tác tuyên truyền, xây dựng Phong trào Toàn dân PCCC - CNCH nhằm nâng cao ý thức, trách nhiệm của toàn dân đối với công tác này. Đơn cử, phối hợp với các phòng liên quan của Công an tỉnh, Báo Lâm Đồng, Đài Phát thanh và Truyền hình Lâm Đồng xây dựng 55 tin, bài, 8 phóng sự tuyên truyền phổ biến kiến thức PCCC - CNCH trên các phương tiện thông tin đại chúng. Tổ chức 9 buổi tuyên truyền, trải nghiệm, thực hành chữa cháy và cứu nạn, cứu hộ cho Nhân dân, học sinh, sinh viên trên địa bàn với hơn 7.068 người tham gia. Tổ chức 9 lớp huấn luyện nghiệp vụ PCCC cho lực lượng PCCC cơ sở với 1.448 người tham gia.

Công an các huyện, thành phố đã chủ động phối hợp với các cơ quan chức năng tăng cường tổ chức tuyên truyền PCCC - CNCH với nhiều hình thức đa dạng. Qua đó, nâng cao chất lượng, nội dung tuyên truyền nhằm định hướng dư luận, giúp người dân nâng cao ý thức thực thi pháp luật và kiến thức về PCCC. Phối hợp với các đơn vị xây dựng tổng 9.126 tin, bài, phóng sự tuyên truyền khuyến cáo về công tác an toàn PCCC - CNCH trên hệ thống loa phát thanh xã, phường, thị trấn. Tổ chức 1.569 buổi tuyên truyền kiến thức PCCC - CNCH với tổng 68.976 người tham gia. Tổ chức 22 lớp huấn luyện nghiệp vụ về PCCC - CNCH cho lực lượng PCCC cơ sở với 3.825 người tham gia. Cấp phát 79.716 tờ rơi, tài liệu tuyên truyền về PCCC.

Theo Phòng Cảnh sát PCCC - CNCH, đơn vị sẽ tiếp tục chủ động thường trực đảm bảo về lực lượng, phương tiện sẵn sàng tham gia chiến đấu nhằm bảo đảm an toàn PCCC - CNCH, bảo vệ tuyệt đối an toàn mục tiêu đối tượng cảnh vệ, công trình trọng điểm, các sự kiện chính trị quan trọng, văn hóa, xã hội; nhất là trong đợt cao điểm tấn công, trấn áp tội phạm bảo đảm an toàn PCCC, các lễ hội đầu xuân và các sự kiện lớn tổ chức tại tỉnh Lâm Đồng trong thời gian tới.

HƯƠNG LY

Nguồn Lâm Đồng: https://baolamdong.vn/phap-luat/202502/no-luc-dam-bao-an-toan-phong-chay-chua-chay-va-cuu-nan-cuu-ho-98404e6/