Nỗ lực đáng ghi nhận của Việt Nam trong thúc đẩy tài chính xanh
Việt Nam nằm trong 38 thị trường đang phát triển đã thực hiện những bước tiến đáng kể trong nỗ lực thúc đẩy sự phát triển của ngành tài chính - ngân hàng hướng tới phát triển bền vững và chống biến đổi khí hậu, theo đánh giá của Báo cáo toàn cầu về tiến bộ trong cải cách hướng tới tài chính bền vững 2019 của Mạng lưới Ngân hàng Bền vững (SBN) do Tổ chức Tài chính Quốc tế (IFC) xúc tiến thành lập.
Bước tiến trên thị trường tài chính xanh
Các thị trường mới nổi đang đối diện với những thách thức lớn lao khi hỗ trợ tài chính cho việc giảm nhẹ tác động tiêu cực và thích nghi với biến đổi khí hậu. Ðây là lý do một số mục tiêu đã được bổ sung vào Các mục tiêu phát triển bền vững (SDGs) của Liên hợp quốc và các kế hoạch phát triển của mỗi quốc gia.
Bên cạnh đó, các rủi ro môi trường - xã hội và quản trị (ESG) từ mỗi dự án cụ thể và tại nhiều lĩnh vực cũng lớn hơn tại các thị trường mới nổi, nơi cấu trúc thị trường - xã hội chưa thực sự vững vàng và hệ sinh thái dễ tổn thương.
Nhận thức được vấn đề này, các thị trường mới nổi, nhất là nhóm thuộc 38 thị trường phát triển do SBN theo dõi, đã có những nỗ lực đáng ghi nhận trong việc đẩy mạnh tài chính xanh.
Nếu như năm 2018, năm đầu tiên Báo cáo toàn cầu về tiến bộ trong cải cách hướng tới tài chính bền vững của SBN được công bố, sự chênh lệch về định nghĩa, dữ liệu, báo cáo và sáng kiến tài chính xanh tại các thị trường mời nổi được xác định là vấn đề quan trọng, thì năm 2019, SBN chứng kiến những nỗ lực cải thiện tích cực của các thị trường mới nổi.
Cụ thể, báo cáo năm 2018 cho thấy, chỉ 3 quốc gia có định nghĩa về sản phẩm tài chính xanh, hoặc có các ví dụ cụ thể về sản phẩm/dịch vụ tài chính phục vụ phát triển bền vững, nhất là trái phiếu xanh. Tới năm 2019, con số này là 19 quốc gia.
Bên cạnh đó, thị trường trái phiếu xanh tăng trưởng tích cực cũng là một thành tựu đáng ghi nhận trong giai đoạn vừa qua.
Diễn biến này xuất phát từ việc giới chức quản lý tại các thị trường mới nổi đã giới thiệu các khung pháp lý quốc gia cho sản phẩm trái phiếu xanh, cũng như các thị trường chứng khoán mở rộng cửa hơn cho việc đưa trái phiếu xanh tham gia giao dịch.
Chưa kể, giới chức tài chính, hiệp hội ngân hàng đã có định nghĩa về các loại sản phẩm và dịch vụ tài chính xanh khác nhau, nhất là tín dụng xanh, hỗ trợ cho sự phát triển của các sản phẩm tài chính phục vụ phát triển bền vững.
Ví dụ, Indonesia và Việt Nam đều công bố các hướng dẫn cụ thể về tín dụng xanh. Tại Trung Quốc, các khoản tín dụng xanh chiếm xấp xỉ 10% danh mục đầu tư của các ngân hàng năm 2019.
Trong số 38 quốc gia thành viên SBN, 22 quốc gia đã ban hành chính sách quốc gia và các nguyên tắc tự nguyện về tài chính bền vững, trong đó có 7 quốc gia vừa ban hành trong năm 2019.
Báo cáo cũng ghi nhận nỗ lực của 14 quốc gia trong việc thúc đẩy sự tăng trưởng của thị trường trái phiếu xanh. Các số liệu được công bố trong báo cáo cho thấy, ngày càng nhiều sáng kiến được các tổ chức tài chính - ngân hàng theo đuổi để phát triển danh mục tín dụng xanh của mình.
“Các quốc gia thành viên SBN đã cho thấy việc chuyển đổi các thị trường tài chính hướng đến bền vững là hoàn toàn khả thi. Các thị trường mới nổi đang dẫn đầu cho xu thế này và các công cụ, hướng dẫn của SBN đã tạo cơ sở cho các quốc gia khác tiếp nối”, bà Georgina Baker, Phó chủ tịch IFC nhấn mạnh.
Quyết tâm theo đuổi mục tiêu tài chính bền vững
Việt Nam nằm trong 38 thị trường đang phát triển đã thực hiện những bước tiến đáng kể trong nỗ lực thúc đẩy sự phát triển của ngành tài chính - ngân hàng hướng tới phát triển bền vững và chống biến đổi khí hậu, theo đánh giá của Báo cáo toàn cầu về tiến bộ trong cải cách hướng tới tài chính bền vững 2019 của SBN do IFC xúc tiến thành lập.
Những cải cách này yêu cầu các ngân hàng thực hiện đánh giá, quản lý và báo cáo về các rủi ro môi trường, xã hội và quản trị trong hoạt động cho vay, đồng thời triển khai các cơ chế khuyến khích các ngân hàng tài trợ các dự án xanh.
Năm 2018, Ngân hàng Nhà nước ban hành khung chiến lược phát triển ngân hàng xanh và kế hoạch hành động của ngành ngân hàng nhằm góp phần thực hiện các mục tiêu phát triển bền vững của Việt Nam vào năm 2030.
Ðể đảm bảo các ngân hàng thực hiện đánh giá các rủi ro môi trường, xã hội và quản trị trong quá trình thẩm định các khoản vay, ngân hàng nhà nước đã đặt ra hai mục tiêu cụ thể: Tới năm 2025, toàn bộ các tổ chức tín dụng sẽ thiết lập hệ thống quản lý rủi ro môi trường - xã hội và lồng ghép đánh giá rủi ro môi trường - xã hội vào đánh giá rủi ro tín dụng.
Ngoài ra, có ít nhất 10-12 ngân hàng sẽ thành lập bộ phận chuyên trách đánh giá rủi ro môi trường - xã hội và tài chính xanh.
Một khảo sát Ngân hàng Nhà nước mới thực hiện đầu năm 2019 cho thấy, 76% các ngân hàng thương mại tham gia khảo sát đã ban hành chiến lược tài chính bền vững, 17 ngân hàng có hệ thống quản lý rủi ro môi trường - xã hội tuân thủ các quy định hiện hành và 25 ngân hàng xác nhận đã lồng ghép các vấn đề môi trường - xã hội trong thẩm định các khoản tài trợ doanh nghiệp và tài trợ dự án.
“Việc Việt Nam được xếp vào nhóm các nước có nhiều tiến bộ về tài chính bền vững là một đánh giá rất khích lệ. Báo cáo hàng năm của SBN cung cấp một bức tranh tương đối toàn diện về các sáng kiến tài chính bền vững ở các thị trường đang phát triển. Các ngân hàng Việt Nam đã thể hiện quyết tâm cao theo đuổi mục tiêu tài chính bền vững. Ðây được coi là nhiệm vụ quan trọng để nắm bắt các cơ hội kinh doanh mới”, ông Nguyễn Quốc Hùng, Vụ trưởng Vụ Tín dụng các ngành kinh tế (Ngân hàng Nhà nước) chia sẻ.