Nỗ lực 'đánh thức' văn học thiếu nhi
Với sự vào cuộc quyết liệt của Hội Nhà văn Việt Nam cùng các đơn vị xuất bản và toàn xã hội, thời gian qua đời sống văn học thiếu nhi có nhiều chuyển biến tích cực, tuy nhiên vẫn chưa đáp ứng được nhu cầu ngày càng đa dạng của độc giả nhí. Thực tế đó tiếp tục đặt ra những thách thức cho các cơ quan, ban, ngành.
Dưới góc nhìn của người có nhiều năm tìm hiểu, sáng tác về đề tài thiếu nhi, tác giả Huỳnh Mai Liên cho rằng, thời gian gần đây có thêm sự xuất hiện của một số loạt cây bút trẻ với đề tài đa dạng, cách tiếp cận mới mẻ, lôi cuốn. Bên cạnh đó, một số nhà văn tên tuổi vẫn tiếp tục dành tâm huyết cho mảng đề tài này qua những tác phẩm gửi tới độc giả. Tuy nhiên nếu nhìn trên một bình diện rộng hơn, đội ngũ tác giả vẫn còn mỏng, chưa có nhiều tác phẩm nổi bật đáp ứng với nhu cầu của độc giả nhỏ tuổi hôm nay. Bối cảnh cuộc sống hiện nay gấp gáp với nhiều thứ phải lo toan, vì vậy để có thời gian và tâm trí dành toàn lực để nghiên cứu, sáng tác cho thiếu nhi là rất khó.
Đồng quan điểm đó, TS, nhà thơ Nguyễn Thụy Anh, Chủ nhiệm Câu lạc bộ Đọc sách cùng con đánh giá, không ít cây bút viết về thiếu nhi mà giữa họ còn chưa có sự kết nối với nhau. Phải thẳng thắn nhìn nhận, thời gian qua, đời sống văn học thiếu nhi trong nước chưa có nhiều tác phẩm văn học chạm được đến tâm hồn các em. Văn học thiếu nhi vẫn là bên lề của văn học người lớn. Trước nhu cầu ngày càng đa dạng của các em rất cần sự kích cầu để có thêm nhiều cây bút lấp đầy “khoảng trống” về văn học thiếu nhi.
Chia sẻ về thách thức lớn nhất khi viết về thiếu nhi, nhà văn Trung Sỹ, tác giả giành giải thưởng văn học của Hội Nhà văn Việt Nam năm 2022 ở thể loại văn học thiếu nhi cho rằng, đó là sự sáng tạo, mới mẻ để không bị lặp lại chính mình. Thực tế sự vươn lên mạnh mẽ của internet và sự phát triển của nhiều loại hình giải trí trên không gian mạng khiến các em không mặn mà với sách thiếu nhi. Bên cạnh đó là sự đối đầu “không cân sức” giữa văn học trong nước và nước ngoài khiến đời sống văn học thiếu nhi trong nước khó phát triển. “Sở dĩ tôi chọn văn học thiếu nhi để theo đuổi, đam mê là tôi muốn tìm đến những điều trong sáng, yên bình trong thế giới tuổi thơ để tạm quên đi những điều phải lo toan trong cuộc sống bộn bề thường nhật. Và tôi cũng hiểu rằng, cách viết hiện nay rất khác trước đây, khuynh hướng văn học giả tưởng xuất hiện và phát triển cách viết mở rộng trí tưởng tượng”, nhà văn Trung Sỹ nhấn mạnh.
Khi được bầu là Chủ tịch Hội Nhà văn Việt Nam, nhà thơ Nguyễn Quang Thiều đã rất quan tâm đến văn học thiếu nhi và coi đó là một chiến lược của Ban chấp hành Hội Nhà văn Việt Nam khóa X. Nhà thơ Nguyễn Quang Thiều từng khẳng định: “Văn học thiếu nhi đang là mảnh đất bị lãng quên và chúng ta cần đánh thức lại nó”. Hành trình “đánh thức” văn học thiếu nhi đã được Hội Nhà văn Việt Nam bắt đầu từ việc phát động Cuộc vận động sáng tác văn học đề tài thiếu nhi (từ cuối năm 2021 đến tháng 5/2025). Theo nhà văn Thái Chí Thanh, Chủ tịch Hội đồng Văn học thiếu nhi Hội Nhà văn Việt Nam, hiện nay sau nửa chặng đường, Ban Tổ chức đã nhận được trên 200 tác phẩm, trong đó có nhiều tác phẩm có chất lượng của các cây bút chuyên và không chuyên.
Cũng theo nhà văn Thái Chí Thanh, tháng 4/2023 vừa qua, Hội Nhà văn Việt Nam đã tổ chức Trại sáng tác văn học thiếu nhi ở Phú Yên bằng nguồn xã hội hóa, với sự tham gia của 23 nhà văn uy tín trong cả nước, như: Lê Hồng Thiện, Lê Phương Liên, Trung Sỹ, Doãn Thắng, Bảo Ngọc, Trần Thu Hằng, Võ Thu Hương…Trong khuôn khổ trại sáng tác đã tổ chức tọa đàm “Truyện tranh - Tranh truyện cho thiếu nhi” với những trao đổi, gợi mở hết sức thú vị giữa giáo viên, học sinh và các nhà văn.
“Đặc biệt, không chỉ khuyến khích các cây bút sáng tác về thiếu nhi, chúng tôi còn triển khai Dự án sách miễn phí cho trẻ em miền núi và vùng sâu, vùng xa. Mỗi năm, Hội Nhà văn Việt Nam in từ 5 đến 10 vạn bản các tác phẩm văn học thiếu nhi nổi tiếng của văn học Việt Nam và các tác phẩm chất lượng mới sáng tác của các nhà văn Việt Nam để mang tận tay cho những đứa trẻ, thay vì gửi đến các thư viện. Thời gian qua, chúng tôi đã mang sách đến tận tay các em học sinh tại Đà Nẵng, Sơn La, Đắk Lắk, Thái Nguyên…”, nhà văn Thái Chí Thanh thông tin.
Theo nhà thơ Phan Hoàng, Ủy viên Ban Chấp hành Hội Nhà văn Việt Nam, Giám đốc Trang thông tin điện tử Hội Nhà văn Việt Nam (vanvn.vn), 5 hay 10 vạn sách mỗi năm cho những đứa trẻ trong khi nước ta có khoảng 25 triệu trẻ em thì là một con số chẳng thấm tháp vào đâu. Thế nhưng để có đủ sách cho trẻ em và tạo được niềm đam mê đọc sách cho các em thì chúng ta hãy bắt đầu với từng đứa trẻ từ lúc này. “Với sức lực và nguồn lực của mình, Hội Nhà văn Việt Nam không thể đưa sách đến tận tay các em trên khắp cả nước mà chỉ giương cao ngọn cờ khơi nguồn để kêu gọi toàn xã hội hãy mang sách tới cho trẻ em, đặc biệt là trẻ em ở miền núi và vùng sâu, vùng xa. Những cuốn sách sẽ không chỉ gắn kết văn chương mà còn gắn kết tình người giữa thành phố và nông thôn, giữa chốn sầm uất và nơi heo hút”, nhà thơ Phan Hoàng nhấn mạnh.
Điều mà dư luận quan tâm là mới đây Nhà Xuất bản Kim Đồng đã thành lập Giải thưởng văn học Kim Đồng gắn với Cuộc vận động sáng tác cho thiếu nhi giai đoạn 2023 – 2025 với tổng giá trị giải thưởng lên đến 360 triệu đồng, trong đó giải Nhất lên đến 100 triệu đồng. Phó Giám đốc, Tổng Biên tập Nhà Xuất bản Kim Đồng Vũ Thị Quỳnh Liên cho rằng, việc có thêm một giải thưởng về văn học thiếu nhi là cần thiết để khích lệ, động viên các cây bút. “Cùng với cuộc vận động sáng tác văn học về đề tài thiếu nhi của Hội Nhà văn Việt Nam, giải thưởng thiếu nhi Dế Mèn của Báo Thể thao và Văn hóa (TTXVN), giải thưởng văn học Kim Đồng sẽ là một trong 3 giải thưởng quan trọng khẳng định sự quan tâm của toàn xã hội trong việc tìm kiếm, phát hiện những tác phẩm mới về đề tài thiếu nhi”, bà Vũ Thị Quỳnh Liên chia sẻ.
Nguồn CAND: https://cand.com.vn/chuyen-dong-van-hoa/no-luc-danh-thuc-van-hoc-thieu-nhi-i695378/