Nỗ lực đào tạo nguồn nhân lực gắn với phát triển kinh tế - xã hội
Trường đại học Phú Yên vừa tổ chức Hội thảo khoa học Vai trò của các trường cao đẳng, đại học (CĐ, ĐH) trên địa bàn tỉnh đối với sự phát triển kinh tế - xã hội của địa phương và khu vực Nam Trung Bộ - Tây Nguyên. Hội thảo đã tập hợp được nhiều ý kiến của các nhà khoa học, nhà quản lý, giảng viên, viên chức… về công tác đào tạo, nghiên cứu khoa học, bồi dưỡng nguồn nhân lực của các trường CĐ, ĐH, học viện trên địa bàn tỉnh phục vụ phát triển kinh tế - xã hội địa phương và khu vực.
TS TRẦN LĂNG, PHÓ HIỆU TRƯỞNG TRƯỜNG ĐH PHÚ YÊN: Phát huy lợi thế “máy cái” trong ngành Giáo dục
Lợi thế của trường ĐH địa phương là cái “máy cái” trong ngành Giáo dục mỗi tỉnh, thành. Bên cạnh chịu sự quản lý hành chính nhà nước của Bộ GD-ĐT thì các trường ĐH địa phương luôn có mối quan hệ đan xen, đa chiều với các cơ quan, đơn vị hành chính sự nghiệp, các doanh nghiệp, công ty, đơn vị sản xuất kinh doanh, nhà máy, xí nghiệp… trên địa bàn tỉnh để cùng thực hiện nhiệm vụ kinh tế, chính trị.
Tuy nhiên, thực tế những năm qua cho thấy, các trường ĐH địa phương đều trong tình trạng khó tuyển sinh bởi sự cạnh tranh gay gắt giữa các cơ sở giáo dục ĐH. Người học thường lựa chọn học những trường ĐH ở các thành phố lớn, thành phố trực thuộc Trung ương… Đây là thách thức không nhỏ đối với trường ĐH địa phương.
Thế mạnh của Trường ĐH Phú Yên là đào tạo các ngành sư phạm nhưng những năm gần đây vấn đề giải quyết việc làm cho sinh viên sư phạm gặp nhiều khó khăn nên rất ít học sinh chọn học ngành này, buộc nhà trường phải đào tạo thêm một số ngành khác để phù hợp với người học. Điều này rất dễ dẫn đến tình trạng không tương ứng giữa cung và cầu của địa phương. Hy vọng đầu ra của sinh viên sư phạm sớm được giải quyết trong thời gian đến để nhà trường phát huy hết khả năng đào tạo cái xã hội cần.
TS PHAN VĂN HUỆ, PHÓ HIỆU TRƯỞNG TRƯỜNG ĐH XÂY DỰNG MIỀN TRUNG: Đảm bảo chuẩn đầu ra đáp ứng yêu cầu xã hội
Trường ĐH Xây dựng Miền Trung được thành lập vào năm 2011 trên cơ sở nâng cấp Trường CĐ Xây dựng số 3. Nhưng với bề dày truyền thống 45 năm đã đào tạo và liên kết đào tạo cho cả nước trên 20.000 cán bộ trình độ ĐH, CĐ, trung cấp và đã trở thành một địa chỉ đào tạo có uy tín trong khu vực miền Trung - Tây Nguyên.
Để chuẩn đầu ra của sinh viên đáp ứng yêu cầu của xã hội, những năm gần đây, Trường ĐH Xây dựng Miền Trung luôn coi trọng việc bồi dưỡng, nâng cao chất lượng đội ngũ giảng viên, đổi mới chương trình, nội dung và phương pháp giảng dạy, xem đây là những giải pháp đột phá để nâng cao chất lượng đào tạo theo định hướng ứng dụng gắn với doanh nghiệp nhằm đáp ứng ngày càng tốt hơn yêu cầu đào tạo nguồn nhân lực chất lượng cao cho tỉnh Phú Yên, các tỉnh trong khu vực và cả nước.
Hiện vị thế của nhà trường được nâng cao hơn trong hệ thống các trường ĐH, khi trường vừa được chứng nhận kiểm định chất lượng giáo dục của Bộ GD-ĐT. Đây không chỉ là bằng chứng khẳng định chất lượng mà còn đem đến những cơ hội để trường nâng cao chất lượng các mặt hoạt động, thực hiện sứ mệnh trở thành trường ĐH đa ngành, cung cấp nguồn nhân lực có chất lượng cho tỉnh Phú Yên và các tỉnh trong khu vực.
ThS NGUYỄN VĂN ĐỨC, PHÓ HIỆU TRƯỞNG TRƯỜNG CĐ CÔNG THƯƠNG MIỀN TRUNG: Cam kết đảm bảo việc làm cho người học
Nhu cầu sử dụng lao động đã qua đào tạo nghề ở nước ta nói chung, các tỉnh khu vực miền Trung - Tây Nguyên nói riêng hiện nay là rất lớn. Tuy nhiên, việc nắm bắt cơ hội được hay không là do mỗi trường và mỗi học sinh. Thực tế cho thấy vấn đề việc làm luôn là nỗi lo với hầu hết bạn trẻ khi còn đang học, sắp và đã ra trường. Từ năm 2018, Trường CĐ Công Thương Miền Trung ký cam kết với phụ huynh, học sinh, sinh viên sẽ đảm bảo 100% có việc làm sau khi tốt nghiệp.
Để người học làm được việc, nhà trường luôn xác định mục tiêu đào tạo gắn liền với thực tập thực tế tại các tập đoàn, công ty và doanh nghiệp. Ngoài ra, nhà trường còn mời các nhà lãnh đạo của doanh nghiệp về làm cố vấn và hỗ trợ cùng kết hợp đào tạo nhằm giúp sinh viên tiếp cận thực tế từ nhà trường đến doanh nghiệp.
Hiện nhà trường đã ký kết hợp tác với gần 200 tập đoàn, công ty, doanh nghiệp trong và ngoài tỉnh để làm cơ sở thực tập, thực tế cho sinh viên. Trường cũng có nhiều chính sách hỗ trợ học bổng cho học sinh nghèo học khá, giỏi có nguyện vọng học tập tại trường.
TS ĐÀO NHẬT KIM, TRƯỞNG PHÒNG QUẢN LÝ KHOA HỌC VÀ HỢP TÁC QUỐC TẾ TRƯỜNG ĐH PHÚ YÊN: Tạo ra những cán bộ khoa học kỹ thuật có năng lực làm việc tốt
Nghị quyết Đại hội đại biểu Đảng bộ tỉnh lần thứ VIII, nhiệm kỳ 2020-2025 xác định một trong các mũi nhọn đột phá của tỉnh trong những năm tới là xây dựng con người Phú Yên phát triển toàn diện, gắn phát triển tri thức với phát triển thể chất, đạo đức và kỹ năng xã hội.
Thời gian qua, đội ngũ trí thức KH-CN của các trường ĐH, CĐ trên địa bàn tỉnh thông qua kết quả của các công trình nghiên cứu khoa học và nhiệm vụ đào tạo, bồi dưỡng thế hệ trẻ đã có những đóng góp tích cực trong xây dựng phát triển kinh tế - xã hội của địa phương và khu vực trên tất cả các lĩnh vực. Chính đội ngũ này đã góp phần vào việc nâng cao dân trí, nâng cao trình độ kỹ thuật công nghệ, tạo ra những cán bộ khoa học kỹ thuật có năng lực làm việc tốt, có khả năng tự học để đáp ứng thực tế phát triển từng ngày của KH-CN.
Trong bối cảnh cuộc cách mạng công nghiệp lần thứ tư và quá trình hội nhập quốc tế sâu rộng, hầu hết các trường thực hiện đào tạo đa ngành, liên ngành, xuyên ngành, điều này không chỉ mang lại cơ hội mà còn đặt ra những thách thức rất lớn đối với yêu cầu xây dựng và phát triển đội ngũ trí thức KH-CN. Vì vậy, hơn lúc nào hết, lãnh đạo tỉnh và các trường ĐH, CĐ trên địa bàn tỉnh cần có những giải pháp xây dựng và phát triển đội ngũ trí thức KH-CN để đáp ứng quá trình hội nhập quốc tế toàn diện và bắt kịp xu thế mới.
TS LÊ XUÂN SƠN, TRƯỞNG PHÒNG QUẢN LÝ KHCN - CHẤT LƯỢNG ĐÀO TẠO TRƯỜNG CĐ NGHỀ PHÚ YÊN: Gắn đào tạo nguồn nhân lực với nghiên cứu khoa học
Trong sự phát triển không ngừng về quy mô cũng như yêu cầu về chất lượng đào tạo, có thể thấy nhiệm vụ của cán bộ, giảng viên ngoài công tác giảng dạy thì nhiệm vụ nghiên cứu khoa học là rất cần thiết, bắt buộc nhằm nâng cao trình độ chuyên môn, đồng thời tham gia giải quyết các vấn đề phát sinh trong thực tế của đời sống xã hội.
Trong các năm từ 2015-2020, Trường cao đẳng Nghề Phú Yên đã có nhiều nghiên cứu được triển khai ứng dụng trong công tác đào tạo nguồn nhân lực, giải quyết một số vấn đề đặt ra trong đời sống xã hội.
Các đề tài như Máy rửa tay sát khuẩn tự động; Nghiên cứu chế tạo viên sỏi từ rác thải nhựa ứng dụng trong lĩnh vực xây dựng; nhiều mô hình đạt giải cao trong các cuộc thi thiết bị đào tạo nghề tự làm toàn quốc, cuộc thi sáng tạo khoa học… do cán bộ, giáo viên, học sinh, sinh viên của trường thực hiện đều được triển khai ứng dụng trong công tác quản lý, đào tạo và phục vụ đời sống xã hội.
Hệ thống các trường ĐH, CĐ ở địa phương đã đóng góp một phần không nhỏ trong việc cung ứng nguồn nhân lực cho tỉnh và khu vực. Trong giai đoạn hiện nay, mỗi trường đều có những cơ hội nhưng cũng đang đối diện với những thách thức như công tác tuyển sinh và mở rộng quy mô đào tạo, tiếp cận chương trình đào tạo và phương pháp dạy học tiên tiến… Tất cả những khó khăn này đòi hỏi phải được tháo gỡ nhằm tìm ra lối đi thích hợp.
TS Trần Lăng, Phó Hiệu trưởng Trường ĐH Phú Yên
THÚY HẰNG (thực hiện)