Nỗ lực dập dịch trên gia súc

Hơn 1 tháng qua, bệnh lở mồm long móng (LMLM) và dịch tả heo Châu Phi (DTHCP) xuất hiện trên đàn gia súc. Cơ quan thú y cùng các địa phương đang nỗ lực dập dịch, phòng chống dịch bệnh lây lan.

“Ám ảnh” dịch tả Châu Phi

Sau 1 năm bỏ chuồng trống, xử lý vệ sinh môi trường rất kỹ từ phun thuốc, rải vôi, vừa tái đàn chưa được 5 tháng, gia đình ông Phạm Bá Chương, ở thôn 6, xã Đức Nhuận (Mộ Đức) lại mất trắng 100 triệu đồng.

Bầy heo của gia đình ông Chương có 6 con heo nái và 20 con lần lượt có triệu chứng như lần trước, chết hàng loạt buộc phải đưa đi tiêu hủy tập trung.

Năm 2019, trại heo cả 100 con heo, trị giá 200 triệu đồng của gia đình ông Chương cũng chết hàng loạt vì DTHCP.

“Nghỉ nuôi thời gian rất lâu, xử lý môi trường rất kỹ mà dịch tả vẫn tái diễn. Tôi bị ảm ảnh bởi hình ảnh heo bị nổi bầm xanh tím, trương phình bụng, lăn đùng ra chết”- ông Chương chia sẻ.

Vừa tái đàn trước tết, gia đình bà Nguyễn Thị Tài, cùng thôn của ông Chương cũng có 4 con heo chết đột ngột.

Dịch tả heo Châu Phi lại quay trở lại.

Ngậm ngùi mang số heo đi tiêu hủy, bà Tài nói: “Giống heo quá đắt, gần nửa năm qua tôi chưa tái đàn. Vừa bỏ ra hơn chục triệu đồng tái đàn để nuôi heo nái đẻ nào ngờ chúng lăn đùng ra chết. Mang chúng đi tiêu hủy mà rớt nước mắt. Mong sớm có vắc xin phòng bệnh này cho nhà nông đỡ khổ”.

Khẩn trương dập dịch

Từ sau Tết Nguyên đán đến nay, trên địa bàn xã Đức Nhuận có khoảng 120 con heo chết vì bị nhiễm DTHCP, 4 con bò chết vì bệnh LMLM.

Chủ tịch UBND xã Đức Nhuận, ông Huỳnh Văn Sơn cho biết, xã đã kiện toàn ban chỉ đạo, thành lập tổ dâp dịch, tiến hành khoanh vùng tập kết heo chết về một điểm để chôn lấp, dập dịch theo đúng quy trình của ngành thú y. Đồng thời phun thuốc tiêu độc khử trùng môi trường ở tất cả các thôn.

Toàn tỉnh hiện đã ghi nhận bệnh LMLM gia súc ở 262 hộ, 51 thôn tại 21 xã, phường của huyện Tư Nghĩa, Sơn Tịnh, thị xã Đức Phổ, Mộ Đức và TP. Quảng Ngãi với tống số 585 con mắc bệnh, 46 con bò chết và tiêu hủy.

Bệnh DTHCP xảy ra ở 22 hộ, 8 thôn tại 5 xã của huyện Tư Nghĩa, Mộ Đức, Ba Tơ với 176 con chết và tiêu hủy, trọng lượng hơn 8.200 tấn. Bệnh viêm da nổi cục trên trâu, bò xảy ra ở 7 hộ của xã Bình Long (Bình Sơn) với 13 con bò mắc bệnh, 1 con chết đã tiêu hủy.

Ngành thú y và các địa phương đang nỗ lực dập dịch gia súc và phòng bệnh gia cầm.

Ngành thú y và chính quyền địa phương đã và đang nỗ lực áp dụng các biện pháp dập dịch và phòng ngừa lây lan ra diện rộng. Chi cục Chăn nuôi và thú y đã xuất 23.500 liều vắc xin LMLM typ O và A, 15.000 lít hóa chất để các huyện, thị xã, thành phố tiêu độc khử trùng môi trường.
Chi cục trưởng Chi cục Chăn nuôi và Thú y tỉnh, ông Ngô Hữu Hạ cho biết, hiện số gia súc mắc hết triệu chứng tương đối giảm. Chi cục đã họp các huyện, thị xã, thành phố triển khai các biện pháp cấp bách phòng, chống dịch.

Các huyện phải nắm tổng đàn và tổng vệ sinh tiêu độc khử trùng ở các địa phương và tiêm phòng bao vây để hạn chế dịch xảy ra trên địa bàn tỉnh. Chi cục cũng đang tham mưu cho tỉnh tổ chức tiêm phòng đợt 1 trên địa bàn tỉnh.

Để công tác phòng, chống dịch trên gia súc, gia cầm đạt hiệu quả, UBND tỉnh vừa có công văn yêu cầu tập trung kiểm soát, phòng, chống dịch bệnh gia súc, gia cầm lây lan.

Tỉnh yêu cầu các địa phương bố trí kinh phí mua vắc xin LMLM để đủ số lượng tiêm phòng cho đàn gia súc theo đúng quy định; triển khai quyết liệt các giải pháp kiểm soát phòng, chống dịch bệnh lây lan diện rộng.

Với các xã có ổ dịch, tổ chức tiêm phòng bao vây ổ dịch phải đạt tỷ lệ 80% tổng đàn có nguy cơ. Khi phát hiện ổ dịch phải thực hiện các biện pháp cách ly khoanh vùng ổ dịch, kiểm soát chặt chẽ khâu giết mổ, vận chuyển động vật, sản phẩm động vật.

Chi cục Chăn nuôi và Thú y tỉnh cũng khuyến cáo người chăn nuôi khi có gia súc bị ốm cần báo ngay cho địa phương, tuyệt đối không giấu dịch, bán tháo, giết mổ hoặc vứt xác gia súc chết ra môi trường, làm lây lan dịch bệnh.

A.KIỀU

Nguồn Quảng Ngãi: http://baoquangngai.vn/channel/2025/202103/no-luc-dap-dich-tren-gia-suc-3048664/