Nỗ lực đẩy lùi tín dụng đen. Bài 1: Muôn nẻo vướng vào tín dụng đen
Nghe theo lời quảng cáo, mời chào hấp dẫn, một số người dân Quảng Trị khi gặp khó khăn đã tìm đến tín dụng đen. Tưởng rằng sẽ tìm thấy chiếc 'phao cứu sinh' để vượt qua giai đoạn khó khăn, túng thiếu nhưng họ không ngờ lại rơi vào cái bẫy giăng sẵn của đối tượng xấu.
Mở mắt là thấy lời mời vay tiền
“Chưa bao giờ việc vay tiền trở nên dễ đến thế!”, đó là nhận định của nhiều người dân Quảng Trị trong thời gian qua. Cái sự “dễ” ở đây thể hiện ở nhiều mặt. Trước tiên, người dân có thể lựa chọn nhiều tổ chức, cá nhân cho vay. Lúc cần tiền gấp, khách hàng chỉ việc bấm điện thoại, sẽ có người mang giấy tờ đến nhà, giúp hoàn thiện thủ tục.
Một cái “dễ” khác là người vay chỉ cần cung cấp địa chỉ, số điện thoại, giấy tờ xe, chứng minh nhân dân hoặc căn cước công dân… để có khoản tiền như nhu cầu. Chuyện thế chấp tài sản có thể được bỏ qua đối với một số trường hợp. Khách hàng được khuyến khích vay nhiều lần với số tiền tăng lên từng cấp.
Đi dọc những tuyến đường ở TP. Đông Hà và các huyện, thị xã khác trong tỉnh, thậm chí về vùng nông thôn hay lên miền núi, không khó để bắt gặp những “ngân hàng cột điện”, “ngân hàng bờ tường” niêm yết số điện thoại cùng lời mời chào hấp dẫn: “Alo là có tiền”, “Vay tiêu dùng, giải ngân nhanh”, “Vay tiền 24/24 giờ”…
Tại một số địa phương, mặc dù các ngành, đoàn thể đã huy động lực lượng vệ sinh, tháo gỡ những tờ dán quảng cáo trái phép nhưng chỉ ít ngày sau, lời mời vay tiền lại xuất hiện nhan nhản trên cột điện, bờ tường, bảng hiệu… Có hôm thức dậy, người dân ngán ngẫm thấy tờ rơi vay tiền được người lạ rải đầy vỉa hè, ngõ phố. Gần đây, hình thức cho vay qua mạng xã hội, app điện thoại cũng đang từng ngày “nóng” lên.
Liên lạc với một số điện thoại được niêm yết ở “ngân hàng cột điện”, chúng tôi tiếp xúc với một người đàn ông tự giới thiệu đang công tác ở một sở của tỉnh. Sau khi biết chúng tôi muốn vay gấp 450 triệu đồng để đáo hạn ngân hàng, người này lấy giấy tờ soạn sẵn ra, rồi chốt lãi suất 5 triệu đồng/ ngày. Tất nhiên, số lãi suất này không được ghi cụ thể vào hợp đồng. Khi nghe chúng tôi bảo số tiền này quá cao so với lãi suất thị trường, người đàn ông tỏ ý không hài lòng. Người này bảo từng cho nhiều khách hàng vay nhưng chưa nghe ai phàn nàn.
Sau cuộc gặp kể trên, chúng tôi tiếp tục điện thoại tới một số máy khác với lời đề nghị vay 20 triệu đồng để giải quyết việc riêng. Một phụ nữ bắt máy tự giới thiệu đến từ công ty T. có trụ sở ở Quảng Trị, nhiệt tình tư vấn cho chúng tôi. Sau một hồi, người này yêu cầu gặp trực tiếp để làm hợp đồng và khuyên vay số tiền lớn hơn vì lãi suất sẽ cộng luôn vào khoản nợ.
Chia sẻ về hai tình huống mà phóng viên gặp phải, Giám đốc Ngân hàng Nhà nước Việt Nam chi nhánh Quảng Trị Nguyễn Đức Đồng cho biết, phía sau sự “dễ dãi” ấy là rất nhiều vấn đề. Theo ông Đồng, cán bộ ngân hàng từng liên lạc, tiếp cận với một số tổ chức, cá nhân nghi hoạt động tín dụng đen để làm rõ phương thức, thủ đoạn, từ đó khuyến cáo người dân.
Đằng sau những lời mời chào hấp dẫn, thủ tục đơn giản, nhanh chóng, không cần thế chấp… là khoản lãi suất khó ai gánh nổi và những hệ lụy khó lường. “Có nhiều lý do khiến người dân tìm đến với tín dụng đen như cần gấp số tiền lớn nằm ngoài khả năng xoay xở; bị lôi kéo, dụ dỗ; phục vụ nhu cầu không chính đáng…
Tuy nhiên, theo ghi nhận, không ít trường hợp xuất phát từ mục đích… đen. Cũng chính vì mục đích này mà họ không tìm đến những kênh chính thống”, ông Đồng khẳng định.
Ám ảnh kinh hoàng từ tín dụng đen
Đúng như khẳng định của Giám đốc Ngân hàng Nhà nước Việt Nam tỉnh, nhiều trường hợp tới với tín dụng đen xuất phát từ “mục đích… đen”. Đến giờ, P.T.V., sinh viên một trường ở Quảng Trị vẫn ám ảnh về những ngày bị một nhóm người lạ “khủng bố”, lăng nhục.
Do bạn xấu lôi kéo, V. dính vào cá độ bóng đá. Sau khi bán những tài sản có giá trị nhưng không trả nổi nợ, nam sinh này tìm đến “ngân hàng cột điện”. V. mong sẽ nhanh chóng thoát nợ sau vài trận thắng.
Thế nhưng, mọi việc đi xa hơn V. nghĩ. Sau những lần cá độ thất bại liên tiếp, nợ nần cứ thế bủa vây, làm V. mất khả năng trả cho “ngân hàng cột điện”. Từ đó, V. liên tục bị “khủng bố”.
Các đối tượng xăm trổ đầy người tới tận trường, bắt N. quỳ gối, van xin rồi quay video, tung lên mạng xã hội. Nhờ gia đình can thiệp, V. mới thoát khỏi “ám ảnh kinh hoàng”. “Đó là những ngày đen tối nhất đối với em. Em không có nổi một bữa ăn, giấc ngủ ngon”, V. chia sẻ.
Cũng tìm đến với “ngân hàng cột điện” như V., anh H.T.N., công nhân ở Khu công nghiệp Nam Đông Hà đã “nhắm mắt đưa chân” đặt bút ký hợp đồng tín dụng đen. Anh N. cho biết, mình được hướng dẫn ký nhiều loại giấy tờ.
Vay 10 triệu đồng nhưng anh không nhận đủ số tiền vì đã bị trừ ngay phần lãi phải trả. Với số tiền vay, mỗi ngày, anh N. phải trả lãi 200 ngàn đồng. Số lãi mà anh N. tưởng chừng có thể “chấp nhận được” trong thời điểm cấp bách lại trở nên quá sức đối với một công nhân có hoàn cảnh khó khăn.
Khi đến hạn nhưng không có tiền để trả, anh N. được hướng dẫn vay thêm, rồi lún sâu hơn vào sự bế tắc. “Lúc không còn đủ sức để trả nữa, tôi và cả gia đình liên tục bị “khủng bố” tinh thần. May mà cuối cùng đã có người quen cho tôi vay để dập nợ”, anh N. nói.
Giống như em V., anh N., phần lớn những người đến với tín dụng đen đều không đủ điều kiện tiếp cận với khoản vay của ngân hàng. Khi cần tiền gấp mà không biết xoay chạy vào đâu, họ “nhắm mắt đưa chân”, tìm đến với tín dụng đen.
Việc được hỗ trợ vay vốn với điều kiện rất “thoáng”, chỉ cần chứng minh nhân dân hoặc căn cước công dân và một số thủ tục đơn giản khác khiến người liên quan cảm giác như vớ được một chiếc “phao cứu sinh”. Vì thế, một số người không nghiên cứu kỹ hợp đồng; chấp nhận những điều khoản vô lý; vay số tiền lớn hơn dự định…
Theo tìm hiểu của phóng viên Báo Quảng Trị, khác với trước kia, hiện nay, các đối tượng hoạt động tín dụng đen trên địa bàn chủ yếu cho vay những khoản nhỏ, tập trung vào người buôn bán nhỏ lẻ, sinh viên, công nhân…
Các đối tượng thường liên lạc với người có nhu cầu vay tiền qua điện thoại, sau đó gặp trực tiếp để thỏa thuận. Họ có thể đến tận nhà người vay để xác định nơi cư trú, điều kiện kinh tế, nghề nghiệp…
Việc cho vay khá đơn giản, phần lớn không cần thế chấp tài sản, chỉ một vài loại giấy tờ như: căn cước công dân, chứng minh nhân dân, sổ hộ khẩu, bằng lái xe… là đủ. Nhiều trường hợp không lập hợp đồng cho vay, chỉ thỏa thuận miệng.
Với các trường hợp có hợp đồng, giấy tờ liên quan thường không ghi lãi suất; thu thêm nhiều khoản phí; trừ tiền lãi ngay từ đầu vào tiền gốc hoặc chia tiền gốc và tiền lãi ra để yêu cầu trả hằng ngày với lãi suất cho vay hết sức cao.
Các đối tượng thường yêu cầu trả góp cả gốc và lãi hằng ngày hoặc trả lãi hằng ngày cho đến khi người vay trả hết tiền gốc. Định mức phạt nếu trả chậm thường rất cao. Khi người vay không đủ khả năng chi trả theo thỏa thuận, các đối tượng sẽ có “biện pháp mạnh”.
Làm không đủ trả lãi
Do các khoản vay liên quan đến tín dụng đen có lãi suất rất cao nên khi vướng vào, người vay khó mà thoát ra được. Dù rất cố gắng làm việc nhưng nhiều người vẫn không sao trả đủ lãi.
Vì thế, sự bế tắc vốn đã có lại càng tăng lên. Khi đến hạn mà không có tiền trả và bị đe dọa, gây áp lực, bôi nhọ danh dự…, người lỡ vay tín dụng đen như bị đẩy đến bước đường cùng. Nhiều người phải bán nhà cửa, xe cộ; vay mượn ở nhiều nơi khác… mới có thể trả tiền.
Bị bôi nhọ danh dự ngay tại đơn vị, doanh nghiệp, có trường hợp đi đến quyết định nghỉ việc. Anh T.T.T., trú tại huyện Vĩnh Linh cho biết: “Tôi đã phải trả một cái giá quá đắt khi đến với tín dụng đen. Vì một phút yếu lòng mà tôi mất việc làm; người thân không còn tin tưởng; bạn bè xa lánh… Mong không ai rơi vào hoàn cảnh như tôi”.
Đối với những người có việc làm đã vậy, các trường hợp chưa có nghề nghiệp, thu nhập ổn định, học sinh, sinh viên…, áp lực từ khoản vay tín dụng đen còn lớn hơn. Khi không đòi được nợ, các đối tượng thường “tấn công” không chỉ người vay mà cả thân nhân của họ.
Dù không nợ nần gì nhưng một số thành viên trong nhà, thậm chí người quen biết với nạn nhân cũng vạ lây khi các đối tượng ghép hình ảnh, thông tin cá nhân của họ đưa lên mạng xã hội để bôi nhọ danh dự. Có thời gian, tình trạng này rộ lên khiến nhiều người chỉ biết kêu trời. Sau khi tìm hiểu, họ mới hiểu rõ nguyên nhân và báo cáo cho ngành liên quan, cơ quan chức năng.
Có nhiều nẻo đường khiến một số người dân vướng vào tín dụng đen. Một số cá nhân chưa đủ điều kiện hoặc cảm thấy hình thức tín dụng của nhà nước khó tiếp cận, thủ tục phức tạp nên đến các cơ sở tín dụng không chính thức hay các điểm cho vay nặng lại để giải quyết nhu cầu. Bên cạnh đó, một bộ phận người dân bắt tay tín dụng đen vì những mục đích không chính đáng như: chơi cờ bạc, cá độ, game online…
Vì “khát” tiền nên họ sẵn sàng vay dù biết lãi suất cao. Một số người vì bị dụ dỗ mà rơi vào chiếc bẫy giăng sẵn. Tuy nhiên, dù đi bằng con đường nào, đích đến của họ cũng là “thiệt của, thua thân”, không chỉ gây ảnh hưởng cho mình mà cả gia đình, xã hội.
Trương Quang Hiệp
Bài 2: Phía sau tín dụng đen