Nỗ lực đẩy mạnh công tác tuyên truyền sử dụng năng lượng tiết kiệm và hiệu quả

Với mục tiêu tăng trưởng xanh, góp phần đảm bảo an ninh năng lượng quốc gia, báo chí có vai trò quan trọng trong công tác tuyên truyền, nâng cao nhận thức về hiệu quả sử dụng và phát triển năng lượng bền vững.

Tại diễn đàn “Sử dụng năng lượng tiết kiệm và hiệu quả: Từ hoạch định chính sách đến hành động và vai trò của báo chí, truyền thông” diễn ra hôm 25/6, ông Trịnh Quốc Vũ – Phó Vụ trưởng Vụ Tiết kiệm năng lượng và phát triển bền vững, Bộ Công Thương nhấn mạnh, truyền thông nâng cao nhận thức cộng đồng về sử dụng năng lượng tiết kiệm và hiệu quả là nhiệm vụ quan trọng.

Cùng với quá trình phát triển, Việt Nam đã sớm coi trọng việc sử dụng năng lượng tiết kiệm và hiệu quả, coi sử dụng năng lượng tiết kiệm và hiệu quả (SDNL TK&HQ) là một nội dung quan trọng trong chính sách phát triển năng lượng của Việt Nam.

Đã có nhiều văn bản pháp lý liên quan đến hoạt động sử dụng năng lượng tiết kiệm và hiệu quả được ban hành trong thời gian qua. Riêng từ đầu năm 2024 đến nay, TTg ban hành nhiều chỉ đạo, chỉ thị, công điện, nghị quyết… về đảm bảo điện cho sản xuất, đời sống, phát triển kinh tế - xã hội, trong đó có nhấn mạnh tới vai trò tiết kiệm điện (TKĐ), tiết kiệm năng lượng (TKNL).

 Các chuyên gia năng lượng chia sẻ tại diễn đàn. Ảnh: Nguyễn Linh

Các chuyên gia năng lượng chia sẻ tại diễn đàn. Ảnh: Nguyễn Linh

Phát biểu tại diễn đàn, ông Nguyễn Anh Tuấn - Chuyên gia năng lượng, Phó Chủ tịch Hiệp hội Năng lượng Việt Nam cho biết, chương trình VNEEP 3 đã có mục tiêu tiết kiệm rõ ràng.

“Năm 2022, điện chiếm 28,7% năng lượng cuối cùng, than 27%.... Điện hóa ngày càng lớn do xu thế chuyển dịch năng lượng, TKĐ là lõi của sử dụng năng lượng TK&HQ. Hiểu ý nghĩa của các con số tiết kiệm để nhìn ra mức độ tăng trưởng.” - ông Nguyễn Anh Tuấn chia sẻ.

Làm rõ thêm về vai trò SDNL TK&HQ trong các Quy hoạch Điện, ông Nguyễn Anh Tuấn nhấn mạnh, việc tiết kiệm chính là khoản đầu tư đầu tiên. Tiết kiệm điện là tiết kiệm cho chính bản thân doanh nghiệp góp phần mang lại lợi ích cho các thực thể sử dụng điện. Đối với các dự án, tiết kiệm điện sẽ giảm được mức độ đầu tư mới, giảm nhập khẩu nguyên liệu.

Để đạt được các mục tiêu đề ra, Chương trình Quốc gia về sử dụng năng lượng tiết kiệm và hiệu quả giai đoạn 2019 -2030 xác định truyền thông nâng cao nhận thức cộng đồng về sử dụng năng lượng tiết kiệm và hiệu quả là nhiệm vụ quan trọng. Trong đó, có vai trò của các cơ quan báo chí, truyền thông với nòng cốt là những nhà báo, phóng viên trên khắp cả nước.

Dưới góc độ ở nhà trường, ông Lê Anh Tuấn - Phụ trách khoa Kinh tế và quản lý, Trường Đại học Điện lực ch biết, Trường ĐH Điện lực cũng tích cực tham gia các chương trình của Bộ Công Thương.

Trong quá trình làm việc giữa Trường và Bộ Công Thương, TKNL&HQ cũng nhận được sự chú ý từ nhiều địa phương, nhưng cần truyền thông tốt hơn, công tác TKNL vẫn hơi trầm lắng. Giảm được năng lượng tiêu thụ là giảm được phần nguồn.

“Với nền kinh tế thị trường thì ưu tiên tính hiệu quả hơn, hiệu quả chứ không phải cắt bớt. Với nền kinh tế của Việt Nam thì nên sử dụng tiết kiệm điện. Cần cân bằng giữa tiết kiệm và hiệu quả” - ông Lê Anh Tuấn chia sẻ.

Thực tế, trong những năm gần đây, công tác tuyên truyền về sử dụng hiệu quả năng lượng cho phát triển bền vững vẫn được đẩy mạnh thông qua các hội nghị tuyên truyền sử dụng năng lượng tiết kiệm & hiệu quả, qua chương trình Tập huấn và truyền thông “Người tiêu dùng sử dụng điện tiết kiệm, an toàn và hiệu quả”...và qua vô số cuộc thi lớn nhỏ.

Trao đổi tại Diễn đàn, ông Đồng Mạnh Hùng, Trưởng Ban Thư ký Biên tập Đài Tiếng nói Việt Nam (VOV) nhấn mạnh vai trò và trách nhiệm của người làm báo trong công tác tuyên truyền về sử dụng năng lượng tiết kiệm và hiệu quả.

Theo đó, cần đi sâu vào phân tích cách làm sáng tạo, các giải pháp hữu hiệu để phổ biến sâu rộng trong nhân dân và doanh nghiệp. Cùng với đó cũng cần có những bài viết, bài điều tra phê phán các hành động sử dụng lãng phí năng lượng, từ đó rút ra những bài học về việc sử dụng năng lượng tiết kiệm.

Khi tổ chức các chiến dịch truyền thông, cũng cần quan tâm tới việc hướng dẫn các kỹ năng sử dụng điện, năng lượng tiết kiệm thông qua truyền thông trực tiếp, truyền thông đại chúng, truyền thông qua phim ảnh, sách báo, tờ rơi...

Mỗi cơ quan báo chí cần cho ra những chuyên trang, chương trình phát thanh truyền hình chuyên đề để tuyên truyền sâu rộng hơn nữa về tiết kiệm năng lượng. Cần nghiên cứu kỹ đối tượng công chúng để có những hình thức tuyên truyền sinh động hiệu quả.

Trong những năm qua, với sự vào cuộc của các cơ quan báo chí, truyền thông, hoạt động sử dụng năng lượng tiết kiệm và hiệu quả đã có sức lan tỏa mạnh mẽ, giúp cộng đồng biến nhận thức thành hành động, từ hành động trở thành thói quen.

Nguyễn Linh

Nguồn Công Luận: https://congluan.vn/no-luc-day-manh-cong-tac-tuyen-truyen-su-dung-nang-luong-tiet-kiem-va-hieu-qua-post300694.html