Nỗ lực đẩy nhanh đàm phán để có một COC thực chất, hiệu quả
Vượt nhiều trở ngại, tiến trình đàm phán Bộ quy tắc ứng xử của các bên ở Biển Đông (COC) thời gian gần đây đã ghi nhận được nhiều tiến bộ với những nỗ lực và hành động thiện chí từ các quốc gia thành viên Hiệp hội các quốc gia Đông Nam Á (ASEAN) và Trung Quốc. Những bước tiến mới đã khơi thông những 'điểm nghẽn', củng cố cho niềm tin và kỳ vọng sớm hiện thực hóa COC có hiệu lực thực chất, hiệu quả, phù hợp với luật pháp quốc tế, bao gồm Công ước Liên hợp quốc về Luật Biển năm 1982 (UNCLOS 1982), từ đó đóng góp vào việc duy trì hòa bình, an ninh và ổn định ở khu vực, tạo môi trường thuận lợi cho giải quyết hòa bình các tranh chấp ở Biển Đông.
Khơi thông “điểm nghẽn”
Trong một công bố mới đây, Bộ Ngoại giao Indonesia nhấn mạnh sự ủng hộ đối với các biện pháp xây dựng lòng tin và giảm căng thẳng, qua đó thúc đẩy sự phát triển thịnh vượng trong khu vực, cũng như giúp đảm bảo vai trò trung tâm của ASEAN trong vấn đề Biển Đông.
Đặc biệt, trong thời gian Indonesia giữ chức Chủ tịch luân phiên ASEAN năm 2023, ASEAN và Trung Quốc đã hoàn tất vòng rà soát thứ 2 dự thảo văn kiện đàm phán COC. Những diễn biến tích cực này được kỳ vọng sẽ tạo động lực để đẩy nhanh quá trình đàm phán.
Nổi bật trong các nỗ lực của Indonesia trong năm nay liên quan tới COC, vào tháng 3, “xứ sở vạn đảo” đã tổ chức các cuộc đàm phán COC giữa ASEAN và Trung Quốc và dự kiến tổ chức vòng tiếp theo vào cuối năm nay. Những nỗ lực này được giới chuyên gia nhìn nhận sẽ giúp thúc đẩy tiến trình hoàn tất COC.
Đầu tháng 9 vừa qua, các nước thành viên ASEAN và Trung Quốc đã nhất trí với sáng kiến của Indonesia nhằm đẩy nhanh tiến trình đàm phán COC. Thông báo được công bố của Bộ Ngoại giao Indonesia cho biết, sáng kiến của Indonesia nhấn mạnh hướng dẫn thúc đẩy đàm phán COC của Indonesia bao gồm những tài liệu thực tế, đảm bảo tính khả thi, thực chất và hiệu quả của COC.
Theo Vụ trưởng Vụ Hợp tác chính trị và an ninh ASEAN thuộc Bộ Ngoại giao Indonesia Rolliansyah Soemirat, đây là những hướng dẫn thúc đẩy đàm phán COC đầu tiên trong lịch sử, hướng tới nguyện vọng của ASEAN và Trung Quốc nhằm hoàn tất COC trong tối đa 3 năm. Hướng dẫn được đưa ra trên cơ sở các cuộc thảo luận chuyên sâu về các vấn đề còn tồn tại, cũng như các đề xuất khác về phương pháp làm việc để tiến trình đàm phán có thể diễn ra nhanh chóng và hiệu quả hơn.
Bình luận từ giới chuyên gia quốc tế, tính phức tạp trong các yếu tố của COC khiến các bên liên quan rất cẩn trọng, do đó cần có bước đột phá để đẩy nhanh quá trình đàm phán. Trong thời gian qua, tiến trình đàm phán COC gặp nhiều trở ngại, thậm chí lâm vào thế bế tắc liên quan tới hàng loạt thách thức lịch sử chung của thế giới, điển hình như ảnh hưởng của đại dịch toàn cầu Covid-19. Trong nhiều tháng trở lại đây, Indonesia đã có nhiều hành động thiết thực giúp phá vỡ thế bế tắc kéo dài nhiều năm của tiến trình đàm phán COC. Một trong những điểm nhấn quan trọng, COC cần thiết như một hướng dẫn cơ bản để ngăn ngừa và giảm thiểu nguy cơ xung đột công khai giữa các bên tranh chấp.
Bên cạnh đàm phán COC, Indonesia tiếp tục khuyến khích hợp tác hàng hải thiết thực giữa ASEAN và Trung Quốc tại Biển Đông, qua đó tăng cường sự tin cậy lẫn nhau, hỗ trợ và duy trì hòa bình, an ninh và ổn định trong khu vực.
“Kim chỉ nam” cho COC
Theo giới chuyên gia quốc tế, việc sớm hay muộn đưa ra COC không quan trọng. Bởi, cần xác định rõ ràng, COC không thể chỉ là một văn bản được các bên ký kết, không cần phải ưu tiên về mặt thời gian mà phải ưu tiên về chất lượng. Theo đó, khi được ký kết, COC phải thực sự là một bộ quy tắc có hiệu lực thực chất, đóng góp vào việc duy trì hòa bình, an ninh và ổn định ở khu vực, tạo môi trường thuận lợi cho giải quyết hòa bình các tranh chấp ở Biển Đông.
Giới quan sát khu vực nhìn nhận, các cuộc đàm phán COC thời gian gần đây tiếp tục ghi nhận nhiều tiến bộ, bao gồm sự thúc đẩy tích cực của Indonesia, từ đó khơi dậy những kỳ vọng về việc ASEAN và Trung Quốc thể hiện thái độ thiện chí mạnh mẽ để hoàn tất kịp thời một COC đã được trông ngóng lâu nay.
Theo ông Aristyo Rizka Darmawan - chuyên gia luật quốc tế và an ninh hàng hải thuộc Đại học Indonesia, dù COC có ràng buộc về mặt pháp lý hay không thì điều cốt yếu là phải xây dựng cơ chế giám sát và tuân thủ để đảm bảo tính hiệu quả của bộ quy tắc. Thành công của COC phải được đo lường bằng mức độ các bên tuân thủ. Nền tảng của đối thoại COC là sự tin tưởng lẫn nhau.
Nhìn nhận về những điều khó khăn nhất trong đàm phán COC, Giáo sư Carl Thayer thuộc Học viện Quốc phòng Australia, Đại học New South Wales (Australia) cho hay, ngoài đại dịch Covid-19, COC gặp những cản trở nhất định từ những hành động đơn phương làm phức tạp tình hình ở Biển Đông. Cùng với đó, vẫn còn khác biệt về quan điểm của các bên liên quan tới những vấn đề như phạm vi địa lý, tình trạng pháp lý của quy tắc ứng xử, các biện pháp thực thi.
Nhận định về đường hướng trong thời gian tới, giới chuyên gia cùng chung đánh giá rằng, khi chờ đợi COC, các nước ASEAN và Trung Quốc cần thực thi một cách đầy đủ và nghiêm túc, thiện chí Tuyên bố về ứng xử của các bên ở Biển Đông (DOC). Giáo sư, Tiến sĩ Thomas Engelbert - chuyên gia nghiên cứu về Biển Đông tại Đại học Hamburg (Đức) cho rằng, các quốc gia trong khu vực Biển Đông cần kiềm chế hành động, tôn trọng luật pháp quốc tế, nỗ lực cùng nhau giải quyết xung đột thông qua các biện pháp hòa bình trên cơ sở luật pháp quốc tế, đặc biệt là UNCLOS 1982. Điều này sẽ góp phần xây dựng lòng tin để có thể thúc đẩy đàm phán COC.
Theo Thượng tướng Hoàng Xuân Chiến, Ủy viên Trung ương Đảng, Ủy viên Quân ủy Trung ương, Thứ trưởng Bộ Quốc phòng phát biểu tại Hội nghị Quan chức Quốc phòng cấp cao ASEAN mở rộng (ADSOM+) đã được tổ chức vào ngày 3/8 vừa qua tại Thủ đô Jakarta, Indonesia, Biển Đông là tuyến đường hàng hải huyết mạch trong giao thương khu vực và thế giới, do đó hòa bình, ổn định và an ninh tại Biển Đông có ý nghĩa đặc biệt quan trọng.
Về phần mình, Việt Nam khẳng định luôn kiên trì nguyên tắc giải quyết tranh chấp, bất đồng ở Biển Đông bằng biện pháp hòa bình, trên cơ sở tôn trọng độc lập, chủ quyền và lợi ích chính đáng của các quốc gia, tuân thủ luật pháp quốc tế; nhấn mạnh tầm quan trọng của việc tăng cường nỗ lực chung trong bảo đảm duy trì luật pháp quốc tế và các nguyên tắc trong quan hệ quốc tế, trong đó có UNCLOS 1982, thực thi đầy đủ DOC; sớm kết thúc đàm phán, ký kết COC thực chất, hiệu quả, phù hợp với luật pháp quốc tế.