Nỗ lực 'đẩy' vốn vào nền kinh tế

Khách hàng giao dịch tại một ngân hàng ở TP Tuy Hòa. Ảnh: LÊ HẢO

Từ đầu năm đến nay, mặc dù chịu sự tác động chung bởi làn sóng bùng phát dịch COVID-19, nhưng ngành Ngân hàng Phú Yên vẫn nỗ lực “đẩy” vốn vào nền kinh tế, góp phần thực hiện hiệu quả mục tiêu kép vừa tăng cường phòng chống dịch, vừa phát triển kinh tế.

Theo Ngân hàng Nhà nước chi nhánh Phú Yên (NHNN Phú Yên), tín dụng trên địa bàn tỉnh trong quý I/2021 có chuyển biến tích cực, mức tăng tưởng khá so với quý I/2020, nhưng vẫn còn thấp so với mặt bằng chung toàn quốc và so với mức tăng trưởng tín dụng trên địa bàn tỉnh những năm qua.

Tín dụng có tăng, nhưng còn thấp

Ông Trần Văn Trí, Phó Giám đốc NHNN Phú Yên cho biết: Từ đầu năm đến nay, các tổ chức tín dụng trên địa bàn tỉnh đã chấp hành nghiêm các chỉ đạo từ NHNN Phú Yên và của hội sở, đồng hành cùng với khách hàng, tháo gỡ khó khăn và hỗ trợ khách hàng. Thêm vào đó, môi trường kinh doanh trên địa bàn tỉnh khá ổn định. Mặc dù chịu sự tác động bởi làn sóng thứ ba của việc bùng phát dịch COVID-19, tuy nhiên Phú Yên là tỉnh không xảy ra dịch bệnh trong cộng đồng. Nhờ kết quả nỗ lực trong việc thực hiện mục tiêu kép vừa tăng cường phòng chống dịch, vừa phát triển kinh tế, ngành Ngân hàng Phú Yên có điều kiện phát triển.

Tính đến cuối quý I/2021, tổng vốn huy động trên địa bàn đạt 30.438 tỉ đồng, tăng 5,68%; tổng dư nợ tín dụng đạt 37.029 tỉ đồng, tăng 2,3% so với cuối năm 2020. Tuy nhiên, so với mức tăng trưởng tín dụng quý I/2021 của toàn ngành Ngân hàng (2,93%) thì mức tăng trưởng này vẫn còn thấp, ngay cả khi so sánh với mức tăng trưởng tín dụng trên địa bàn tỉnh qua các năm.

Lý giải về điều này, ông Trần Văn Trí cho hay, mặc dù các tổ chức tín dụng ở Phú Yên đã nỗ lực triển khai nhiều giải pháp để thúc đẩy hoạt động kinh doanh, song tác động tiêu cực của thiên tai và dịch bệnh đã làm giảm tốc độ tăng trưởng tín dụng trên địa bàn.

Cụ thể, nền kinh tế Phú Yên thời gian qua tăng trưởng nhờ vào sự ổn định và phát triển của ngành Nông nghiệp, nhưng trong năm qua thời tiết không thuận lợi do mưa bão tác động rất lớn đến khai thác đánh bắt, nuôi trồng thủy hải sản (tôm hùm, cá mú, cá bóp, tôm sú...) qua đó ảnh hưởng đến tăng trưởng tín dụng. Bên cạnh đó, du lịch Phú Yên phát triển khá tốt thời gian qua, kéo theo các dịch vụ liên quan: nhà hàng, khách sạn, lưu trú... phát triển theo; trên cơ sở đó, tăng trưởng tín dụng trong lĩnh vực này có những chuyển biến tích cực góp phần khơi tăng vốn đầu ra của các tổ chức tín dụng.

Tuy nhiên, dịch bệnh COVID-19 đã làm tê liệt hoạt động ngành Du lịch, qua đó giảm khả năng hấp thụ vốn tín dụng từ lĩnh vực này. Ngoài ra, dịch bệnh COVID-19 tác động tiêu cực đến hoạt động sản xuất kinh doanh, tiêu thụ sản phẩm, hàng hóa toàn bộ nền kinh tế trong và ngoài nước; qua đó ảnh hưởng tiêu cực đến hoạt động sản xuất kinh doanh, lưu thông hàng hóa trên địa bàn tỉnh. “Do vậy, nhu cầu vốn nói chung và vốn tín dụng nói riêng của nền kinh tế theo đó cũng giảm đáng kể”, ông Trí nói.

Đẩy mạnh cho vay, kiểm soát chất lượng

Vừa qua, hầu hết các ngân hàng đã sơ kết hoạt động quý I/2021 và triển khai công tác quý II/2021. Theo đó, qua rà soát, đánh giá tình hình hoạt động, phân tích nguyên nhân ảnh hưởng, các ngân hàng đều đưa ra giải pháp để tăng trưởng tín dụng trong thời gian đến. Ông Huỳnh Quốc Thi, Giám đốc HDBank Phú Yên, cho biết: Năm nay, HDBank vẫn tập trung vào phân khúc khách hàng nông nghiệp nông thôn và hộ sản xuất, kinh doanh nhỏ lẻ để giúp khách hàng có điều kiện vượt qua khó khăn do dịch COVID-19. Bên cạnh đó, ngân hàng tiếp tục tập trung vốn cho những dự án năng lượng xanh, năng lượng tái tạo và các dự án bất động sản du lịch...

Còn theo ông Lê Trọng Lưu, Giám đốc VPBank Phú Yên, đơn vị tập trung tăng trưởng chủ yếu ở phân khúc khách hàng cá nhân, hộ kinh doanh cá thể. Để nâng cao chất lượng dịch vụ, VBBank Phú Yên sẽ đẩy mạnh các sản phẩm, dịch vụ ngân hàng số như: VPO, tiết kiệm online, vay vốn online..., qua đó tạo tiện ích tối đa cho khách hàng.

Song song với việc đẩy mạnh cho vay, các tổ chức tín dụng trên địa bàn còn chú trọng kiểm soát chất lượng tín dụng, đặc biệt là đối với các lĩnh vực tiềm ẩn rủi ro như cho vay tiêu dùng, cho vay kinh doanh bất động sản, cho vay kinh doanh chứng khoán... Ông Nguyễn Khánh, Giám đốc MB Phú Yên cho hay: Nhận định tình hình kinh tế Việt Nam nói chung và tỉnh Phú Yên nói riêng sẽ còn đối diện với nhiều thách thức, đặc biệt là nguy cơ đối mặt với làn sóng COVID-19 thứ tư, MB Phú Yên sẽ tập trung vào chuyển đổi số hóa toàn diện đối với mọi hoạt động từ kinh doanh, vận hành, quản trị rủi ro. Đồng thời tiếp tục được nâng cao chất lượng dịch vụ, kiểm soát rủi ro chặt chẽ, khai thác sâu các khách hàng hợp tác với MB...

Trong năm 2021, ngành Ngân hàng Phú Yên tiếp tục triển khai các nhiệm vụ được giao theo chỉ đạo của NHNN Việt Nam và chính quyền địa phương; phấn đấu đến cuối năm, huy động vốn tăng trưởng 14-15%, tăng trưởng tín dụng đạt 13-14%, tỉ lệ nợ xấu nội bảng dưới 2% so với cuối năm 2020. Đồng thời thực hiện nghiêm túc các giải pháp tiền tệ, tín dụng nhằm tháo gỡ khó khăn cho sản xuất kinh doanh, hỗ trợ thị trường, đặc biệt là hỗ trợ cơ cấu lại thời hạn trả nợ, miễn, giảm lãi, phí, giữ nguyên nhóm nợ đối với khách hàng chịu ảnh hưởng bởi dịch COVID-19.

Ông Trần Văn Trí, Phó Giám đốc NHNN Phú Yên

LÊ HẢO

Nguồn Phú Yên: http://www.baophuyen.com.vn/82/255171/no-luc--day--von-vao-nen-kinh-te.html