Nỗ lực để có thể đưa Bệnh viện Nhi Trung ương cơ sở 2 vào hoạt động dịp 1/6

Phó Giám đốc Bệnh viện Nhi Trung ương Trịnh Ngọc Hải cho biết, sau hơn 1 năm thi công, dự án Bệnh viện Nhi Trung ương cơ sở 2 đặt tại xã Ngọc Mỹ, huyện Quốc Oai, TP Hà Nội đang nỗ lực, quyết tâm để có thể khánh thành kỹ thuật vào dịp 30/4 và chính thức đón bệnh nhân vào dịp Quốc tế Thiếu nhi 1/6.

Dự án Bệnh viện Nhi Trung ương cơ sở 2 đặt tại xã Ngọc Mỹ, huyện Quốc Oai, TP Hà Nội đang nỗ lực, quyết tâm để có thể chính thức đón bệnh nhân vào dịp Quốc tế Thiếu nhi 1/6.

Dự án Bệnh viện Nhi Trung ương cơ sở 2 đặt tại xã Ngọc Mỹ, huyện Quốc Oai, TP Hà Nội đang nỗ lực, quyết tâm để có thể chính thức đón bệnh nhân vào dịp Quốc tế Thiếu nhi 1/6.

Vượt quãng đường gần 500km, bà Bàn Thị Loan (49 tuổi, ở Nậm Nhùn, tỉnh Lai Châu) mất 12 tiếng đồng hồ ngồi xe khách để đưa cháu (9 tuổi) bị bệnh động kinh về thăm khám ở Viện Nhi Trung ương. Số lượng bệnh nhân tới khám rất đông, hai bà cháu phải xếp hàng từ sớm mới có thể kịp khám rồi quay về trong ngày. “Lần trước, cháu phải nằm viện hơn một tháng thì vất vả lắm”, bà Loan chia sẻ.

Bệnh viện Nhi Trung ương là tuyến cuối chuyên ngành nhi khoa khu vực phía Bắc. Số lượng bệnh nhân hiện quá lớn đã khiến cơ sở 1 thường xuyên rơi vào tình trạng quá tải. Trong khi đó, nhiều dịch vụ kỹ thuật cao hiện chỉ có tại tuyến trung ương, chưa thể thực hiện ở các bệnh viện tuyến tỉnh, dẫn đến áp lực dồn về trung tâm. Từ nhiều năm nay, Bệnh viện Nhi Trung ương (cơ sở La Thành) đã ở trong tình trạng quá tải về cơ sở hạ tầng. Yêu cầu phải có thêm cơ sở để phục vụ khám, chữa bệnh trở nên cấp thiết.

Năm 2023, cơ sở 2 của Bệnh viện đã được khởi công xây dựng, đặt tại thôn Ngọc Than, xã Ngọc Mỹ, huyện Quốc Oai, TP Hà Nội, nằm ngay trên trục Đại lộ Thăng Long - cửa ngõ phía Tây của Thủ đô. Dự án nằm trong Quy hoạch chung xây dựng Thủ đô đến năm 2030, tầm nhìn đến năm 2050, có tổng diện tích khu đất nghiên cứu quy hoạch khoảng 6 hecta. Trong đó, diện tích xây dựng công trình khoảng 7.530m2 gồm 1 khối nhà hành chính cao 3 tầng, 2 khối điều trị nội trú cao 6 tầng; có 1 tầng hầm. Cùng với các hạng mục phụ trợ khác với diện tích sàn xây dựng khoảng 1.009m2 và các hạ tầng kỹ thuật kèm theo.

Đây là bệnh viện chuyên khoa Nhi với quy mô 300 giường bệnh nội trú, khám ngoại trú khoảng 1.000 - 2.000 lượt bệnh nhân/ngày, hoàn chỉnh về cơ sở hạ tầng và đầu tư trang thiết bị y tế hiện đại, đồng bộ; có đội ngũ cán bộ, y, bác sĩ năng lực chuyên môn cao với các chuyên khoa sâu, có thể giải quyết một phần tình trạng quá tải tại Bệnh viện Nhi Trung ương trong nội thành và cũng được kỳ vọng trở thành trung tâm đào tạo, phát triển nguồn nhân lực chuyên khoa Nhi cho cả nước.

Phó Giám đốc Bệnh viện Nhi Trung ương Trịnh Ngọc Hải.

Phó Giám đốc Bệnh viện Nhi Trung ương Trịnh Ngọc Hải.

Phó Giám đốc Bệnh viện Trịnh Ngọc Hải cho biết, tổng mức đầu tư của dự án là 882 tỷ đồng. Trong đó, riêng phần xây lắp trị giá khoảng 600 tỷ đồng do Công ty TNHH Tập đoàn Xây dựng Delta thực hiện đã hoàn thành khoảng 98% khối lượng, đang được vận hành thử. Hệ thống máy móc, thiết bị y tế hiện đại như máy siêu âm, X-quang, thiết bị phòng mổ, xét nghiệm… được đầu tư trên 160 tỷ đồng, hiện công tác đấu thầu cũng đã xong.

Bệnh viện cũng đã triển khai, chuẩn bị hạ tầng công nghệ thông tin. Trong bối cảnh đẩy mạnh ứng dụng khoa học kỹ thuật công nghệ “số hóa”, việc này rất quan trọng vì Bệnh viện xác định, khi vào hoạt động, hệ thống công nghệ thông tin phải đồng bộ, kết nối 2 cơ sở trong hoạt động quản lý khám, chữa bệnh, đào tạo chuyên môn, triển khai bệnh án điện tử, kết nối với cổng thanh toán của Bảo hiểm xã hội...

Đối với vấn đề quan trọng hàng đầu với một cơ sở y tế là nguồn nhân lực - nhất là nhân lực chất lượng cao, lãnh đạo Bệnh viện Nhi Trung ương cho biết “hoàn toàn có thể yên tâm”. “Chúng tôi đã có kế hoạch và chuẩn bị nguồn nhân lực từ 5, 6 năm nay. Do đó, đến giờ phút này, đội ngũ khoảng 300 cán bộ y tế, bao gồm bác sĩ, điều dưỡng, kỹ thuật viên và nhân viên hành chính đã sẵn sàng, có thể nhận nhiệm vụ được ngay khi bệnh viện đi vào hoạt động”, ông Trịnh Ngọc Hải cho biết.

Bệnh viện đã phân công một Phó Giám đốc phụ trách cơ sở 2. Các lãnh đạo, y, bác sĩ, nhân viên của các khoa, phòng sẽ luân phiên triển khai các hoạt động chuyên môn tại cơ sở 2 trong thời gian từ 6 tháng đến 1 năm. Bệnh viện cũng đang nghiên cứu các chính sách để hỗ trợ thêm cho người lao động trong thời gian làm việc tại cơ sở 2 (về phương tiện, nơi lưu trú…).

Đặc biệt, với vị trí giao thông thuận lợi, nằm cạnh bên đường cao tốc Đại lộ Thăng Long, quốc lộ 21A chạy qua, cùng tỉnh lộ 80, 81 và là cơ sở mới, được đầu tư đồng bộ từ cơ sở hạ tầng đến thiết bị - cơ sở 2 của Bệnh viện Nhi Trung ương sẽ là lựa chọn rất thuận lợi cho người dân các tỉnh, thành phía Bắc, nhất là các tỉnh ở phía Tây Bắc như: Hòa Bình, Điện Biên, Lai Châu, Sơn La, Phú Thọ…

“Cần khẳng định rằng, tuy là 2 cơ sở đặt ở địa điểm khác nhau nhưng chỉ là một ngôi nhà - Viện Nhi Trung ương nên người dân hoàn toàn có thể yên tâm lựa chọn 1 trong 2 cơ sở để thăm khám và điều trị”, Phó Giám đốc Bệnh viện Trịnh Ngọc Hải nhấn mạnh.

Lãnh đạo Bệnh viện Nhi Trung ương cho biết, thời gian qua đã nhận được sự quan tâm rất lớn của lãnh đạo Bộ Y tế, TP Hà Nội, chính quyền địa phương huyện Quốc Oai, xã Ngọc Mỹ để Bệnh viện có thể sớm đi vào hoạt động. Tuy nhiên, hiện nay, việc kết nối giao thông với Đại lộ Thăng Long còn chưa thực sự thuận lợi. “Bệnh viện đã có đề xuất và rất mong muốn được TP Hà Nội quan tâm đến vấn đề này để việc khám, chữa bệnh, xe cấp cứu ra - vào được thuận lợi nhất”, ông Trịnh Ngọc Hải cho biết.

Trung Nghĩa - Giang Hoàng

Nguồn Pháp Luật VN: https://baophapluat.vn/no-luc-de-co-the-dua-benh-vien-nhi-trung-uong-co-so-2-vao-hoat-dong-dip-16-post546688.html