Nỗ lực để người dân không cần đến cơ quan công quyền làm lý lịch tư pháp

Tại buổi làm việc với thành phố Hà Nội chiều 14/3, Thượng tướng - Thứ trưởng Bộ Công an Nguyễn Duy Ngọc yêu cầu các bộ, ngành, địa phương phải tự rà soát văn bản cá thể của mình. Những giấy tờ nào thống nhất không sử dụng nữa thì phải kiên quyết bỏ. Hà Nội phải cơ bản giải quyết để người dân không cần đến cơ quan công quyền làm lý lịch tư pháp.

Chiều 14/3, Tổ công tác Đề án 06/Chính phủ đã làm việc với thành phố Hà Nội về một số nhiệm vụ trọng tâm trong triển khai Đề án trên địa bàn Thủ đô.

Các Ủy viên Trung ương Đảng: Thượng tướng - Thứ trưởng Bộ Công an Nguyễn Duy Ngọc, Tổ phó Tổ công tác Đề án 06/Chính phủ và Phó Bí thư Thành ủy, Chủ tịch Ủy ban nhân dân (UBND) Thành phố, Trưởng Ban Chỉ đạo Cải cách hành chính, Chuyển đổi số và Đề án 06 thành phố Hà Nội Trần Sỹ Thanh đồng chủ trì buổi làm việc.

Cùng dự buổi làm việc còn có Ủy viên Ban Thường vụ Thành ủy, Trung tướng - Giám đốc Công an Thành phố Nguyễn Hải Trung; Phó Chủ tịch Hội đồng nhân dân Thành phố Phạm Quí Tiên; Phó Chủ tịch UBND Thành phố Hà Minh Hải.

Đẩy nhanh việc thí điểm Sổ sức khỏe điện tử

Báo cáo tóm tắt tình hình, tiến độ triển khai thực hiện các nhiệm vụ trọng tâm Đề án 06 trên địa bàn thành phố Hà Nội năm 2024, Văn phòng UBND thành phố Hà Nội cho biết, Hà Nội đã hoàn thành cơ bản các nhiệm vụ của Đề án 06/Chính phủ giao cho các địa phương.

Thứ trưởng Bộ Công an Nguyễn Duy Ngọc phát biểu tại buổi làm việc.

Thứ trưởng Bộ Công an Nguyễn Duy Ngọc phát biểu tại buổi làm việc.

Đồng thời việc thực hiện xây dựng hệ sinh thái, dữ liệu dùng chung: Thực hiện làm sạch dữ liệu dân cư, đảm bảo dữ liệu dân cư “đúng, đủ, sạch, sống” thường xuyên; thực hiện nhập thông tin các đoàn thể cơ bản đáp ứng yêu cầu tiến độ đề ra.

Cụ thể, về triển khai liên thông dữ liệu khám bệnh, chữa bệnh của các bệnh viện thuộc bộ, ngành với hồ sơ sức khỏe điện tử, Sổ sức khỏe điện tử thành phố Hà Nội. Thành phố đã tổ chức kết nối, liên thông dữ liệu bảo hiểm y tế của 47 bệnh viện, 30 phòng khám đa khoa và 246 trạm y tế (tăng 327 đơn vị so với thời điểm 25/1/2024).

Hơn 7,4 triệu lượt khám, chữa bệnh được đồng bộ từ phần mềm Quản lý khám, chữa bệnh tại các cơ sở khám, chữa bệnh lên Hệ thống hồ sơ sức khỏe điện tử Thành phố. Hơn 7,4 triệu lượt khám, chữa bệnh được đồng bộ từ phần mềm Quản lý khám, chữa bệnh tại các cơ sở khám, chữa bệnh lên Hệ thống hồ sơ sức khỏe điện tử Thành phố.

Thành phố Hà Nội cũng đã đồng bộ 1.135.898 hồ sơ sức khỏe của người dân lên Cổng cơ sở dữ liệu quốc gia về bảo hiểm để phục vụ hiển thị thông tin Sổ sức khỏe điện tử trên ứng dụng VNeID.

Để đẩy nhanh việc thí điểm Sổ sức khỏe điện tử, Hà Nội đề xuất Tổ công tác Đề án 06 Chính phủ tháo gỡ khó khăn pháp lý về chia sẻ dữ liệu khám chữa bệnh; Cục Cảnh sát quản lý hành chính về trật tự xã hội hỗ trợ đánh giá an toàn thông tin hệ thống, cho phép kết nối cơ sở dữ liệu quốc gia về dân cư; Bảo hiểm xã hội Việt Nam hỗ trợ chia sẻ dữ liệu khám, chữa bệnh, cung cấp API và trả về thông tin thẻ; Bộ Y tế ban hành mẫu sổ điện từ và hướng dẫn người dân sử dụng; chỉ đạo các bệnh viện chia sẻ dữ liệu khám, chữa bệnh…

Thứ trưởng Bộ Công an Nguyễn Duy Ngọc và Chủ tịch UBND thành phố Hà Nội Trần Sỹ Thanh chủ trì buổi làm việc.

Thứ trưởng Bộ Công an Nguyễn Duy Ngọc và Chủ tịch UBND thành phố Hà Nội Trần Sỹ Thanh chủ trì buổi làm việc.

Bên cạnh đó, Hà Nội cho biết, đến thời điểm hiện tại đã tiếp nhận 85.675 hồ sơ liên thông khai sinh và 5.031 hồ sơ liên thông khai tử. Tỷ lệ thực hiện hồ sơ trực tuyến khai sinh đạt 99% (cơ bản được hướng dẫn, hỗ trợ và thực hiện trực tuyến; 1% do không có nhu cầu hoặc các trường hợp đặc thù) và khai tử 5.031/19.668 trường hợp (25,6%).

Việc thực hiện cơ bản đã đáp ứng các yêu cầu về đơn giản hóa thủ tục hành chính và cắt giảm thành phần hồ sơ, thời gian giải quyết thủ tục hành chính, đem lại nhiều lợi ích cho người dân và cơ quan Nhà nước trong công tác quản lý.

Hà Nội cũng đã triển khai thí điểm Kiosk khám sức khỏe tại bệnh viện Xanh Pôn, Đống Đa: Giai đoạn 1 từ ngày 18/5/2023 đến 22/9/2023, với 1 Kiosk tại Cổng số 5, Bệnh viện Xanh Pôn - mỗi ngày tiếp đón 100 lượt qua Kiosk; giai đoạn 2 từ ngày 23/9/2023 đến nay, với 5 Kiosk tại Cổng số 5 của Bệnh viện Xanh Pôn - trung bình mỗi ngày có khoảng 1.500 lượt tiếp đón qua Kiosk; đang triển khai 1 Kiosk tại Bệnh viện Đống Đa... Thời gian tới, Hà Nội cũng sẽ nhân rộng mô hình ra thêm 39 bệnh viện trên địa bàn...

Giấy tờ nào không sử dụng nữa thì phải kiên quyết bỏ

Trên tinh thần cái gì tháo gỡ được ngay thì tháo gỡ, cái gì chưa làm được thì phải có lộ trình rõ ràng, đại diện các bộ, ngành đã trả lời kiến nghị của UBND thành phố Hà Nội theo các nhóm vấn đề.

Chủ tịch UBND Thành phố Trần Sỹ Thanh phát biểu tại buổi làm việc.

Chủ tịch UBND Thành phố Trần Sỹ Thanh phát biểu tại buổi làm việc.

Thượng tướng Nguyễn Duy Ngọc lưu ý, Sở Y tế Hà Nội cần chủ động đề xuất các phương án quản lý Nhà nước để có những phương pháp quản lý hiệu quả hơn. Thứ trưởng Bộ Công an đề nghị Hà Nội triển khai xong việc thí điểm Sổ sức khỏe điện tử, báo cáo Tổ công tác của Chính phủ vào ngày 15/6; chia sẻ kinh nghiệm để Thành phố Hồ Chí Minh học tập, triển khai.

Về vấn đề này, Chủ tịch UBND Thành phố Trần Sỹ Thanh nêu rõ: “Các cơ sở y tế phải triển khai sổ sức khỏe điện tử, dù là công lập hay tư nhân. To hay nhỏ đều phải tham gia hệ thống, mọi người dân đều phải được hưởng lợi từ việc này. Việc này Thành phố sẽ làm được”..

Liên quan đến việc triển khai dữ liệu điện tử liên thông, Thượng tướng Nguyễn Duy Ngọc đưa ra yêu cầu về đơn giản hóa thủ tục hành chính và cắt giảm thành phần hồ sơ, thời gian giải quyết thủ tục hành chính đem lại nhiều lợi ích cho người dân và cơ quan Nhà nước trong công tác quản lý.

“Bây giờ, một công dân ra đời mà Chủ tịch UBND Thành phố gửi email chào mừng, được cấp khai sinh, có hộ khẩu, bảo hiểm; người không may quá cố cũng có lãnh đạo Thành phố gửi email chia buồn và thông báo, đã hoàn tất cả chế độ bảo hiểm, thanh toán chế độ chính sách khác, thì đó là việc rất đáng hoan nghênh”, Thượng tướng Nguyễn Duy Ngọc nói.

Thượng tướng Nguyễn Duy Ngọc yêu cầu thống nhất ngày 20/3, các cơ quan phải trả lời, góp ý 5 kiến nghị của Hà Nội.

Với việc cấp lý lịch tư pháp trên ứng dụng VNeID, các bộ ngành khẳng định đến ngày 30/3 sẽ triển khai được và đề nghị Hà Nội chuẩn bị chu đáo, các khó khăn sẽ được tháo gỡ kịp thời. “Hà Nội phải cơ bản giải quyết để người dân không đến cơ quan công quyền làm lý lịch tư pháp”, Thượng tướng Nguyễn Duy Ngọc yêu cầu.

Kết luận hội nghị, Thượng tướng Nguyễn Duy Ngọc đánh giá Hà Nội đã quyết tâm chính trị cao, hành động đồng bộ, xuyên suốt trong thực hiện Đề án 06.

Thượng tướng Nguyễn Duy Ngọc lưu ý, các bộ ngành, cục được ủy quyền đã có cam kết thì phải thực hiện. Đối với thành phố Hà Nội, Thượng tướng Nguyễn Duy Ngọc thường xuyên đôn đốc, thành lập các tổ đi khảo sát ở cấp xã.

“Bên cạnh thống kê người đã dùng, phải xác định được còn bao nhiêu người dân ở xã chưa được thụ hưởng Đề án 06 đã cung cấp. Chúng ta đưa ra dịch vụ thì người dân có hài lòng không, hài lòng rồi thì có muốn dùng nữa không. Đó mới là thành công của chúng ta”, Thượng tướng Nguyễn Duy Ngọc nhấn mạnh.

Toàn cảnh buổi làm việc.

Toàn cảnh buổi làm việc.

Dựa trên 5 cấu phần thực hiện Đề án 06, trong đó có pháp lý, Thứ trưởng Bộ Công an yêu cầu tất cả các bộ, ngành, địa phương phải tự rà soát văn bản cá thể của mình. Những giấy tờ nào thống nhất không sử dụng nữa thì phải kiên quyết bỏ.

Nói về hạ tầng công nghệ, Thượng tướng Nguyễn Duy Ngọc lưu ý, đang có độ trễ do kho dữ liệu chưa hoàn thành. Đồng thời nhấn mạnh, dữ liệu mà không có, không thể kết nối, không chia sẻ sẽ không trở thành dịch vụ phục vụ người dân. Tuy nhiên, việc có dữ liệu rồi, nhưng không chăm sóc, bổ sung hằng ngày thì dữ liệu đó sẽ trở thành dữ liệu "chết".

“Những dữ liệu phát sinh, dữ liệu đã số hóa hoặc đã cũ, dữ liệu chưa làm sạch thì phải phân công xác minh, truy tìm dữ liệu ngay. Có như vậy mới xác thực được dữ liệu trong quá khứ, là cơ sở để phát triển cho tương lai”, Thứ trưởng Bộ Công an một lần nữa nhấn mạnh.

Liên quan đến vấn đề bảo mật, Thượng tướng Nguyễn Duy Ngọc phân tích, thế giới đánh giá khâu đầu - cuối có nguy cơ cao, những người được phân cấp, phân quyền, cán bộ cấp cơ sở cần được trang bị kiến thức quy định về sử dụng bảo mật. Hà Nội là nơi thực hiện điểm, phải tập huấn cho người thực hiện và thụ hưởng công nghệ liên tục.

“Cơ quan thường trực có trách nhiệm làm sao để Hà Nội sớm trở thành hình mẫu. Thành phố Hồ Chí Minh và Hà Nội song hành thì cả nước sẽ làm thuận lợi, từ đó nhân rộng ra các địa phương khác”, Thượng tướng Nguyễn Duy Ngọc nhấn mạnh.

Tiếp thu các ý kiến kết luận của Thứ trưởng Bộ Công an Nguyễn Duy Ngọc, Chủ tịch UBND thành phố Hà Nội Trần Sỹ Thanh mong muốn, tiếp tục nhận được sự hỗ trợ, giúp đỡ của Tổ công tác Đề án 06 để hoàn thành đúng tiến độ của nhiệm vụ đã đề ra.

Phương Ngân

Nguồn LĐTĐ: https://laodongthudo.vn/no-luc-de-nguoi-dan-khong-can-den-co-quan-cong-quyen-lam-ly-lich-tu-phap-167587.html