Nỗ lực dẹp tội phạm đường phố

Tội phạm đường phố tại TP Hồ Chí Minh vẫn diễn biến khá phức tạp, gây ảnh hưởng xấu đến tình hình an ninh, trật tự trên địa bàn. 'Phương thuốc' nào hữu hiệu để phòng, chống loại tội phạm gây nhiều bất an và bức xúc cho người dân và du khách là vấn đề đặt ra...

Tội phạm ngày càng phức tạp

Nhữ Ngọc Long (sinh năm 2000; thường trú huyện Ea Kar, tỉnh Đắk Lắk; tạm trú tại phường Linh Chiểu, TP Thủ Đức, TP Hồ Chí Minh), bị bắt khi đi cướp tiệm vàng. Long là đối tượng đã cầm súng nhựa, xông vào một tiệm vàng trên đường Phạm Văn Hai (phường 5, quận Tân Bình) đe dọa định cướp tài sản nhưng bất thành, vụ án xảy ra đầu tháng 12/2023.

Đối tượng Nhữ Ngọc Long khi bị bắt giữ.

Đối tượng Nhữ Ngọc Long khi bị bắt giữ.

Ngay khi bị bắt, đưa về trụ sở Công an quận Tân Bình, Long khai nhận làm “thợ đụng” (có việc gì thì làm việc đó), nhưng bản thân lại nghiện game trực tuyến, đánh bài trên mạng... “Em đánh bài, chơi game nhiều khi thâu đêm suốt sáng đến mức ăn ngủ luôn tại tiệm”, Long khai. Long đã vay mượn, bị thiếu nợ bạn số tiền hàng chục triệu đồng nên sau đó tiếp tục liều mạng vay nóng lãi cao.

“Em vay tiền xã hội đen 15 triệu đồng. Tới hạn phải đóng tiền, em không có đủ mà lại bị đòi nợ, đe dọa đủ thứ nên nảy sinh ý định đi cướp tiệm vàng. Lúc đầu, em cũng chưa xác định là sẽ đi cướp bao nhiêu, nhưng trước tiên em nghĩ cứ đi cướp để có vàng rồi bán trả nợ đã...”, Long nói về nguồn cơn đi cướp tiệm vàng của mình.

Để thực hiện vụ cướp tiệm vàng, tối 2/12/2023, Long tháo biển số bỏ vào cốp xe, rồi điều khiển xe chạy lòng vòng và ghé vào một tiệm tạp hóa trên đường Huỳnh Văn Bánh, quận Phú Nhuận, mua một khẩu súng nhựa với giá 50 ngàn đồng bỏ vào balo. Sau đó, Long quấn băng keo đen cho giống súng thật để dùng khi gây án. Tiếp đó, Long tới một tiệm game ở quận 10 chơi đến sáng hôm sau.

Đối tượng Nhữ Ngọc Long tại Cơ quan điều tra.

Đối tượng Nhữ Ngọc Long tại Cơ quan điều tra.

Trước khi ra tay cướp, Long chạy xe máy rảo quanh các tuyến đường, khảo sát một loạt tiệm vàng ở đường Phạm Văn Hai và các tuyến đường lân cận. Thấy tiệm vàng K.H trên đường Phạm Văn Hai không có bảo vệ, chỉ có chủ tiệm đứng bên trong bán, Long quyết định ra tay.

Vào nửa cuối tháng 12/2023, Phòng Cảnh sát hình sự Công an TP Hồ Chí Minh liên tiếp triệt phá nhiều nhóm đối tượng gây ra hàng loạt vụ cướp giật tài sản trên địa bàn quận Tân Bình, Bình Tân, Tân Phú...

Đáng nói, các đối tượng gây án còn rất trẻ tuổi, chủ yếu sinh năm từ 2006-2009, không học hành, không công ăn việc làm, chỉ tụ tập ăn chơi, quậy phá và trong một thời gian ngắn, các đối tượng gây ra 7 vụ cướp giật điện thoại với thủ đoạn liều lĩnh, thời gian gây án liên tục..

Vụ án của Nhữ Văn Long cũng như nhiều vụ cướp giật tài sản xảy ra vào cuối năm 2023 như kể trên có thể nói là một trong những kiểu điển hình của tội phạm đường phố (chủ yếu là tội phạm cướp, cướp giật, trộm cắp tài sản, gây rối trật tự công cộng, cố ý gây thương tích, tụ tập đua xe trái phép...) ở TP Hồ Chí Minh thời gian qua.

Bên cạnh một số đối tượng hoạt động nhất thời, bột phát, địa bàn thành phố còn xuất hiện các đối tượng, băng nhóm hoạt động với phương thức, thủ đoạn tinh vi, manh động, táo tợn, bất chấp nguy hiểm đến tính mạng, sức khỏe của người khác, trở thành nỗi lo, bức xúc của nhiều người dân như một số vụ việc cướp giật tài sản trong năm qua.

Băng nhóm gây ra hàng loạt vụ cướp giật tài sản tại quận Tân Bình.

Băng nhóm gây ra hàng loạt vụ cướp giật tài sản tại quận Tân Bình.

Các đối tượng phần nhiều không nghề nghiệp hoặc có nghề nghiệp nhưng không ổn định, trình độ học vấn thấp, lười lao động, có lối sống không lành mạnh, nghiện game, cờ bạc (như trường hợp của Long)... Qua rà soát, khảo sát thì các đối tượng nghi vấn hoạt động phạm tội đường phố đều không cư ngụ tại địa phương mà thường thuê khách sạn, nhà trọ để ở, tụ tập hoặc thường xuyên thay đổi chỗ ở, di chuyển liên tục trên nhiều tuyến đường qua nhiều địa bàn, hoạt động mang tính lưu động...

Đáng lo là thành phần đối tượng phạm tội ngày càng phức tạp, trẻ hóa trong cơ cấu tội phạm, ghi nhận hầu hết thường là thanh, thiếu niên mới lớn đến dưới 30 tuổi... Tài sản có được sau khi gây án, các đối tượng thường mang đi tiêu thụ, bán lấy tiền hút chích ma túy, cờ bạc, ăn chơi, tiêu xài cá nhân và phục vụ chuẩn bị công cụ, phương tiện gây án tiếp...

Theo Thiếu tướng Mai Hoàng, Phó Giám đốc, Thủ trưởng Cơ quan CSĐT Công an TP Hồ Chí Minh, mặc dù Công an thành phố đã quyết liệt chỉ đạo các đơn vị, lực lượng tập trung triển khai nhiều biện pháp, kế hoạch phòng ngừa, đấu tranh nhằm kiềm chế và kéo giảm rõ rệt các loại tội phạm, nhưng tình hình tội phạm về trật tự xã hội trên địa bàn TP Hồ Chí Minh vẫn diễn biến khá phức tạp, đặc biệt là tội phạm xâm phạm sở hữu như cướp, cướp giật, trộm cắp, gây rối trật tự công cộng, đua xe, cố ý gây thương tích... vẫn diễn ra, liên quan đến nhiều hành vi vi phạm pháp luật khác.

Thực tế thời gian qua, trạng thái xã hội thành phố với những vấn đề khó khăn về kinh tế - xã hội đã tác động làm cho tình hình tội phạm về trật tự xã hội diễn biến phức tạp. Theo Công an TP Hồ Chí Minh, tội phạm đường phố trong năm 2023 ghi nhận xảy ra 5.375 vụ, gồm 4.340 vụ tội phạm về trật tự xã hội (chiếm 68,29% trong tổng số vụ phạm tội về trật tự xã hội)...

Nhiều giải pháp đấu tranh, ngăn chặn tội phạm đường phố

Trước tình hình đó, Thành ủy, UBND thành phố, Ban Chỉ đạo 138 thành phố đã có những chỉ đạo quyết liệt, huy động cả hệ thống chính trị tham gia phòng, chống tội phạm, nhất là tội phạm đường phố. Ban Giám đốc Công an TP Hồ Chí Minh đã tập trung triển khai đồng bộ, liên tục nhiều biện pháp nghiệp vụ nhằm đấu tranh quyết liệt, từng bước kiềm chế, kéo giảm các loại tội phạm này. Bên cạnh việc triển khai thực hiện các đợt cao điểm tấn công, trấn áp các loại tội phạm, các chuyên đề đấu tranh, phòng chống các loại tội phạm..., Công an thành phố đã đề xuất thực hiện quyết liệt các giải pháp trọng tâm khác như: Chú trọng các giải pháp phòng ngừa xã hội để hạn chế nguyên nhân, điều kiện làm gia tăng tội phạm hình sự, đặc biệt là tội phạm đường phố; nâng cao hiệu quả công tác quản lý địa bàn, đối tượng, nhân khẩu, tạm trú, tạm vắng, các ngành nghề kinh doanh có điều kiện về an ninh, trật tự..., không để tội phạm lợi dụng hoạt động nhằm hạn chế, kéo giảm tội phạm nói chung cũng như từng bước xóa bỏ các điều kiện hoạt động của tội phạm đường phố; đồng thời, tiếp nhận, nhanh chóng giải quyết các tin báo, tố giác về tội phạm và kiến nghị khởi tố theo thẩm quyền.

Trung tá Trần Quốc Dũng, Phó trưởng Phòng CSHS Công an TP Hồ Chí Minh cho biết, gốc rễ, nguyên nhân sâu xa nhất của tội phạm đường phố là các đối tượng có tiền án, tiền sự liên quan về hệ cướp, cướp giật, trộm cắp và các đối tượng thanh, thiếu niên hư... Do đó, với quyết tâm xử lý từ gốc, Phòng CSHS đã triển khai lực lượng CSHS công an 22 quận, huyện và TP Thủ Đức rà soát, theo dõi số đối tượng liên quan tới tội phạm đường phố, nhất là đối tượng cướp, cướp giật, để từ đó có sự trao đổi cũng như phân cấp trong công tác quản lý nhằm đấu tranh, không để các đối tượng có biểu hiện hoạt động hay có điều kiện thực hiện hành vi phạm tội.

Tổ công tác 363 bắt giữ các đối tượng gây án và tuần tra, kiểm soát, phòng, chống tội phạm.

Tổ công tác 363 bắt giữ các đối tượng gây án và tuần tra, kiểm soát, phòng, chống tội phạm.

Với các cơ sở kinh doanh cầm đồ, kinh doanh xe gắn máy, điện thoại di động, vàng bạc, các cơ sở chế tạo cung cấp biển số, đồ chơi xe, Phòng CSHS cũng đã tăng cường tuyên truyền kiểm tra, xử lý, vận động chủ cơ sở làm cam kết hoạt động kinh doanh đúng quy định của pháp luật, không tiếp tay cho tội phạm như độ, chế xe, hay thu mua, tiêu thụ các tang vật do phạm tội mà có... Kiên quyết xử lý nghiêm các trường hợp đã ký cam kết nhưng vẫn cố ý vi phạm, qua đó góp phần loại trừ nguyên nhân phát sinh tội phạm đường phố...

Ngoài ra, qua đánh giá, phân loại, Cơ quan công an xác định có khoảng 20% tội phạm đường phố có sử dụng ma túy. Cơ quan công an đã phối, kết hợp với nhiều ban, ngành đưa người nghiện đi cai bắt buộc để phòng ngừa.

Bên cạnh đó, Công an thành phố tập trung xác lập nhiều chuyên án để áp dụng đồng bộ các biện pháp nghiệp vụ, lực lượng nhằm trấn áp mạnh mẽ các băng nhóm cướp giật, trộm cắp tài sản chuyên nghiệp, hoạt động có tổ chức...; đồng thời, tăng cường tổ chức các Tổ 363 tuần tra, kiểm soát, đấu tranh phòng, chống tội phạm.

Theo Trung tá Trần Quốc Dũng, trong những tháng cuối năm, Phòng CSHS đã tập trung đấu tranh với tội phạm đường phố, trọng tâm là tội phạm liên quan về cướp, cướp giật, trộm cắp, để đảm bảo tốt tình hình an ninh, trật tự trên địa bàn thành phố cũng như thực hiện tốt chủ trương, quyết tâm của Ban Giám đốc Công an thành phố đấu tranh với các loại tội phạm. “Chúng tôi nỗ lực phấn đấu đảm bảo tốt an ninh, trật tự cho địa bàn TP Hồ Chí Minh trong thời gian tới”, Trung tá Trần Quốc Dũng nhấn mạnh.

Phú Lữ

Nguồn ANTG: https://antg.cand.com.vn/ho-so-interpol/no-luc-dep-toi-pham-duong-pho-i719509/