Nỗ lực di dời chuồng nuôi gia súc ra khỏi gầm sàn nhà ở

Thực hiện kế hoạch di dời chuồng gia súc ra khỏi gầm sàn nhà ở (CGSRKGSNƠ) giai đoạn 2021 - 2025, thời gian qua, công tác vận động người dân di dời CGSRKGSNƠ trên địa bàn huyện Trùng Khánh được đẩy mạnh thực hiện hiệu quả, góp phần làm thay đổi tích cực môi trường sống, phát triển chăn nuôi, tăng thu nhập cho người dân địa phương.

Việc nuôi nhốt gia súc dưới gầm sàn nhà ở là thói quen của gia đình anh Hoàng Văn Chăn, hộ nghèo xóm Đồng Tiến, xã Đoài Khôn (Trùng Khánh) qua bao thế hệ, gây mất vệ sinh môi trường và ảnh hưởng xấu đến sức khỏe của các thành viên trong gia đình. Thời gian qua, xã tuyên truyền, vận động và sự hỗ trợ 6 triệu đồng của Nhà nước, gia đình anh Chăn di dời CGSRKGSNƠ, nhờ vậy, môi trường sống của gia đình tốt hơn. Khi có chuồng chăn nuôi mới, gia đình tập trung phát triển đàn vật nuôi, từ đó nâng cao thu nhập, ổn định cuộc sống, hướng tới thoát nghèo bền vững.

Cùng với gia đình anh Chăn, từ năm 2021 đến nay, xã Đoài Dương có 110 hộ chăn nuôi thuộc diện hộ nghèo, hộ cận nghèo được hỗ trợ và di dời CGSRKGSNƠ. Chủ tịch UBND xã Đoài Dương Nông Văn Khôn cho biết: Thực hiện việc di dời CGSRKGSNƠ, Đảng ủy xã ban hành nghị quyết chuyên đề về di dời CGSRKGSNƠ cả giai đoạn 2020 - 2025, UBND xã xây dựng kế hoạch thực hiện, giao chỉ tiêu di dời cho các xóm từng năm, thông qua các cuộc họp xóm, xã tập trung tuyên truyền, vận động người dân xây dựng kế hoạch triển khai cụ thể, phân công cán bộ xã phụ trách địa bàn xóm tăng cường kiểm tra, hướng dẫn, vận động các hộ chăn nuôi tiến hành di dời chuồng trại. Tổ chức các đợt ra quân tuyên truyền bằng cách “gõ từng nhà, rà từng chuồng”, đến tận nhà động viên, nắm tình hình những khó khăn, vướng mắc để hỗ trợ các hộ thực hiện di dời. Đến nay, toàn xã chỉ còn 8 hộ nuôi nhốt gia súc dưới gầm sàn nhà ở; xã tiếp tục đẩy mạnh tuyên truyền, vận động, phấn đấu đến hết năm 2024 hoàn thành 100% hộ chăn nuôi gia súc di dời CGSRKGSNƠ.

Nhiều hộ dân xã Đoài Dương (Trùng Khánh) di dời chuồng gia súc ra khỏi gầm sàn nhà ở, đảm bảo vệ sinh môi trường.

Nhiều hộ dân xã Đoài Dương (Trùng Khánh) di dời chuồng gia súc ra khỏi gầm sàn nhà ở, đảm bảo vệ sinh môi trường.

Theo rà soát, trên địa bàn huyện Trùng Khánh giai đoạn 2022 - 2025 còn 1.985 hộ nuôi nhốt gia súc dưới gầm sàn nhà ở cần được tuyên truyền, hỗ trợ di dời, chiếm 77,69% hộ chăn nuôi trên địa bàn. Xác định việc đưa CGSRKGSNƠ là một trong những mục tiêu quan trọng trong xây dựng nông thôn mới, góp phần giữ gìn vệ sinh môi trường, đảm bảo sức khỏe người dân, nâng cao chất lượng cuộc sống và mỹ quan nông thôn, ngay từ đầu nhiệm kỳ, Huyện ủy, HĐND, UBND huyện xây dựng, ban hành kế hoạch thực hiện di dời CGSRKGSNƠ giai đoạn 2021 - 2025, đề ra lộ trình, chỉ tiêu phấn đấu cụ thể từng năm, tập trung chỉ đạo các ngành chuyên môn triển khai thực hiện. Chỉ đạo Ủy ban MTTQ và các tổ chức đoàn thể, các xã, thị trấn thường xuyên tuyên truyền, vận động các hộ chăn nuôi thực hiện di dời CGSRKGSNƠ theo phương châm đảng viên, cán bộ, công chức, viên chức gương mẫu thực hiện trước để các hộ dân làm theo. Phấn đấu hết năm 2025, 100% hộ dân chăn nuôi di dời CGSRKGSNƠ.

Phó Chủ tịch UBND huyện Trùng Khánh Hoàng Văn Hào cho biết: Để hỗ trợ các hộ chăn nuôi di dời CGSRKGSNƠ, giai đoạn 2021 - 2024, huyện lồng ghép các nguồn lực hỗ trợ 2 tỷ 250 triệu đồng cho 1.671 hộ chăn nuôi thực hiện di dời CGSRKGSNƠ. Trong đó, hỗ trợ trên 1,4 tỷ đồng theo Nghị quyết số 60/2022/NQ-HĐND tỉnh với mức hỗ trợ 6 triệu đồng với hộ nghèo, gia đình chính sách, 4 triệu đồng cho hộ cận nghèo, hộ mới thoát nghèo, hỗ trợ 2,5 triệu đồng cho các hộ khác; hỗ trợ hơn 841 triệu đồng theo Quyết định số 28/2018/QĐ-UBND của UBND tỉnh với mức hỗ trợ 4 triệu đồng với hộ nghèo, gia đình chính sách, 2,5 triệu đồng cho hộ cận nghèo, hỗ trợ 1,5 triệu đồng cho các hộ khác. Huyện chỉ đạo các xã, thị trấn tập trung huy động mọi nguồn lực, chủ động phối hợp với Phòng Giao dịch Ngân hàng Chính sách xã hội huyện tư vấn, hướng dẫn người dân tiếp cận và vay vốn ưu đãi từ Chương trình nước sạch và vệ sinh môi trường để di dời CGSRKGSNƠ.

Mặc dù đạt kết quả nhất định, nhưng việc thực hiện di dời CGSRKGSNƠ tại huyện Trùng Khánh vẫn còn nhiều khó khăn. Hiện, toàn huyện còn 884 hộ cần phải di dời CGSRKGSNƠ. Càng về sau, công tác vận động người dân thực hiện càng khó vì chủ yếu các hộ nghèo kinh phí hạn chế; nhiều hộ không có đủ đất để xây chuồng trại dù được hỗ trợ vay vốn. Bên cạnh đó, nhiều người dân mang tâm lý lo ngại nếu để chuồng gia súc xa nhà rất khó quản lý, dễ bị mất trộm. Chính vì vậy công tác di dời CGSRKGSNƠ chậm tiến độ.

Để tiếp tục thực hiện có hiệu quả việc di dời CGSRKGSNƠ, hoàn thành tiêu chí nông thôn mới về môi trường, thời gian tới, huyện cần phát huy hơn nữa sự vào cuộc của cả hệ thống chính trị; kết hợp vận động gắn với thực hiện các phong trào của các tổ chức đoàn thể để tạo sự chuyển biến trong nâng cao ý thức giữ gìn vệ sinh môi trường nông thôn, góp phần thực hiện tốt Chương trình xây dựng nông thôn mới.

Hoài An

Nguồn Cao Bằng: https://baocaobang.vn/no-luc-di-doi-chuong-nuoi-gia-suc-ra-khoi-gam-san-nha-o-3174773.html