Nỗ lực điều khiển nhân dân tệ 'hạ cánh mềm' của Trung Quốc

Trung Quốc đang nỗ lực quản lý tiến trình 'hạ cánh mềm' của nhân dân tệ (NDT) để tránh tạo ra hoảng loạn cho giới đầu tư, giúp ngăn chặn nguy cơ dòng vốn ồ ạt tháo chạy khỏi nước này.

 Trụ sở của Ngân hàng Nhân dân Trung Quốc tại Bắc Kinh. Ảnh: Bloomberg

Trụ sở của Ngân hàng Nhân dân Trung Quốc tại Bắc Kinh. Ảnh: Bloomberg

Mọi ánh mắt của thị trường đang dồn vào Ngân hàng Nhân dân Trung Quốc (PBoC) sau khi hôm 5-8, ngân hàng này cho phép tỷ giá giao dịch của NDT vượt qua ngưỡng 7 NDT ăn 1 đô la Mỹ lần đầu tiên kể từ năm 2008. Liên tiếp trong những ngày vừa qua, PBoC ấn định tỷ giá tham chiếu của NDT thấp dần. Đến hôm qua, ngày 8-8, PBoC cũng lần đầu tiên ấn định tỷ giá tham chiếu của NDT so với đô la vượt qua ngưỡng 7:1.

Diễn biến giảm giá của NDT gợi lại kí ức hoảng loạn của thị trường vào năm 2015 khi Trung Quốc quyết định phá giá NDT, dẫn đến các dòng vốn ồ ạt tháo chạy khỏi Trung Quốc. Tuy nhiên lần này, các bước đi của PBoC dường như đã được tính toán kỹ càng nhằm tránh lặp lại cơn hoảng loạn cách đây bốn năm.

Hôm 6-8, chỉ một ngày sau khi cho phép tỷ giá giao dịch của NDT vượt ngưỡng 7:1, các quan chức cấp cao của PBoC đã tổ chức cuộc họp với các nhà xuất khẩu nước ngoài ở Bắc Kinh để đưa ra thông điệp trấn an rằng NDT sẽ không giảm giá quá mạnh.

Một điểm đáng lưu ý nữa là dù trong những ngày qua, PBoC ấn định tỷ giá tham chiếu của NDT giảm dần nhưng vẫn mạnh hơn so với dự báo của các nhà kinh tế.

Chẳng hạn, sáng 8-8, tỷ giá tham chiếu của NDT được ấn định ở mức ở 7,0039 NDT ăn 1 đô la Mỹ, mức yếu nhất kể từ tháng 4-2008 nhưng vẫn cao hơn mức dự báo 7,0156 ăn 1 đô la theo dự báo của các nhà kinh tế.

Sáng nay, 9-8, PBoC ấn định tỷ giá tham chiếu của NDT tụt về mức thấp mới 7,0136 NDT ăn 1 đô la. Song mức ấn định này vẫn mạnh hơn mức 7,0222 NDT ăn 1 đô la theo dự báo của thị trường.

Các động thái giảm giá NDT từ từ và có kiểm soát của PBoC đã phần nào trấn an giới đầu tư và giúp các thị trường chứng khoán trên toàn cầu lấy lại sắc xanh vào hôm qua. Kết thúc phiên giao dịch hôm 8-8, thị trường chứng khoán Mỹ bật tăng mạnh mẽ với chỉ số Dow Jones, S&P 500, Nasdaq lần lượt tăng 1,4%, 1,9% và 2,2%.

Ken Cheung Kin Tai, nhà chiến lược trưởng về tỷ giá hối đoái phụ trách khu vực châu Á của chi nhánh Ngân hàng Mizuho (Nhật Bản) tại Hồng Kông, cho rằng động thái ấn định tỷ giá tham chiếu của NDT vượt qua ngưỡng 7-1 của PBoC với sự kiểm soát chặt chẽ cho thấy Trung Quốc đang muốn thị trường làm quen dần với hiện tượng “bình thường mới” của NDT mà không để xảy ra tình trạng hoảng loạn.

Trong một báo cáo nghiên cứu gửi cho khách hàng hôm 8-8, Ken Cheung Kin Tai nhận định, PBoC đang nỗ lực quản lý một tiến trình “hạ cánh mềm” cho NDT. Sự giảm giá từ từ, đều đặn của NDT theo định hướng của Bắc Kinh khác với những gì xảy ra cách đây 4 năm khi PBoC bất ngờ giảm mạnh tỷ giá tham chiếu của NDT, khiến tỷ giá giao dịch của NDT lao dốc vượt tầm kiểm soát. Giới đầu tư rơi vào trạng thái hoảng hốt, 680 tỉ đô la Mỹ “tháo chạy” khỏi Trung Quốc trong năm 2015, theo Viện Tài chính Quốc tế (IIF).

“Các cơ quan quản lý ở Trung Quốc đã không sẵn sàng phản ứng trước áp lực dòng vốn tháo chạy tăng đột ngột vào thời điểm đó. Kể từ sau đó, họ đã thiết lập hạ tầng quản lý mạnh mẽ hơn để giám sát và kiểm soát các dòng vốn”, các nhà kinh tế của công ty tư vấn Capital Economics viết trong một báo cáo nghiên cứu hôm 8-8.

Tuy nhiên, các động thái giảm giá NDT trong những ngày qua cho thấy mức độ căng thẳng thương mại giữa Trung Quốc và Mỹ đang leo thang. Trong khi NDT yếu đi sẽ giúp hàng hóa xuất khẩu của Trung Quốc rẻ hơn đối với các khách hàng nước ngoài và cũng là cảnh báo của Trung Quốc đối với Mỹ. Song các nhà phân tích của công ty quản lý tài sản Pictet Wealth Management nhận định không có dấu hiệu nào cho thấy Trung Quốc đang dấn vào một cuộc chiến trang tiền tệ toàn diện với Mỹ.

Họ cho rằng thông báo của Tổng thống Donald Trump hồi tuần trước về kế hoạch áp vòng thuế mới 10% lên thêm 300 tỉ đô la hàng hóa Trung Quốc “có thể đã làm tiêu tan những động lực còn lại của chính phủ Trung Quốc để thể hiện thêm thiện chí”.

Zhang Ming, nhà nghiên cứu ở Học viện Khoa học xã hội Trung Quốc, nhận định nếu Mỹ tiếp tục leo thang căng thẳng thương mại, không loại trừ khả năng chính phủ Trung Quốc sẽ cho phép NDT suy yếu hơn nữa để giúp các nhà xuất khẩu Trung Quốc chống đỡ tác động của các đòn thuế gia tăng từ Mỹ.

Dù vậy, Trung Quốc sẽ phải thận trọng về cách quản lý tiến trình giảm giá của NDT. Các nhà phân tích của Pictet Wealth Management cho biết nợ nước ngoài của khu vực tư nhân Trung Quốc chiếm gần 13% GDP của nước này. Nếu NDT giảm giá quá mạnh, điều này sẽ gây căng thẳng cho các công ty tư nhân Trung Quốc vay nợ từ nước ngoài vì chi phí trả nợ của họ sẽ tăng cao. Vì vậy, giới phân tích cho rằng dù NDT có thể tiếp tục giảm giá nhưng Trung Quốc sẽ không cho phép đồng nội tệ giảm giá quá mạnh.

Theo CNN, CNBC

Chánh Tài

Nguồn Saigon Times: https://www.thesaigontimes.vn/292597/no-luc-dieu-khien-nhan-dan-te-ha-canh-mem-cua-trung-quoc.html