Nỗ lực điều trị sốt xuất huyết tại Bệnh viện Đa khoa tỉnh
Từ đầu năm đến nay, toàn tỉnh ghi nhận hơn 5.100 ca sốt xuất huyết (SXH), tăng gấp nhiều lần so với cùng kì năm trước. Bệnh viện Đa khoa tỉnh vì thế liên tục bị quá tải bởi bệnh nhân SXH, cao điểm có ngày lên đến 85 ca điều trị.
Bác sĩ Ngô Chiến, Trưởng khoa Bệnh Nhiệt đới, Bệnh viện Đa khoa tỉnh cho biết đang có hơn 60 ca SXH đang điều trị nội trú tại khoa, cao gấp 8- 9 lần so với cùng kì năm trước. Trong ba tháng 9, 10 và 11/2019 cao điểm có ngày khoa phải điều trị lên đến 85 ca SXH.
Tình trạng quá tải trực tiếp gây khó khăn trong việc khám, chữa bệnh của khoa. Điều dưỡng trưởng khoa Bệnh Nhiệt đới Phan Thị Quyên chia sẻ việc kê thêm giường bệnh và bệnh nhân nằm ghép giường gây chật chội, bất tiện trong các khâu theo dõi bệnh thường ngày, truyền nước, lấy mẫu máu xét nghiệm… cho bệnh nhân. Đa số bệnh nhân SXH nhập viện đang ở giai đoạn từ ngày thứ 3 cho đến ngày thứ 7 kể từ khi bị sốt, đây là thời điểm rất nguy hiểm. Các triệu chứng nặng của SXH bắt đầu được nhận thấy là xuất huyết dưới da ở mặt trước hai cẳng chân, mặt trong của cánh tay, bụng, đùi; chảy máu cam; chảy máu chân răng. Những biến chứng nặng hơn sẽ xuất hiện như bệnh nhân có thể bị chảy máu nội tạng, tràn dịch màng phổi hoặc màng bụng, xuất huyết tiêu hóa hoặc nghiêm trọng hơn là xuất huyết não. Ở giai đoạn này, người bệnh cần được theo dõi sát sao và xét nghiệm tiểu cầu. Việc đo huyết áp cho bệnh nhân phải được tiến hành 3-4 lần/ngày; lấy mẫu máu xét nghiệm tiểu cầu cho mỗi bệnh nhân cứ mỗi 4 giờ phải tiến hành một lần để kịp thời nắm được diễn tiến của bệnh. Trong tình trạng quá tải này, mỗi điều dưỡng có ngày phải chăm sóc một buồng bệnh có đến 25-30 bệnh nhân, gấp đôi bình thường.
Ngoài ra, việc quá tải tại khoa còn ảnh hưởng đến tâm lí người bệnh và người nhà thăm nuôi. Cũng theo điều dưỡng Quyên, việc bố trí cho bệnh nhân nằm ghép giường rất khó khăn do tình hình đau ốm đã làm tâm lí người bệnh khó thông cảm, chia sẻ với bệnh nhân và bệnh viện. Hơn nữa việc ghép giường chỉ mới đảm bảo chỗ nằm chứ chưa thể đảm bảo vệ sinh giường bệnh. Nhiều bệnh nhân hoặc người nhà có thái độ phản đối gay gắt, không hợp tác.
Bác sĩ Ngô Chiến cho biết, cơ cấu giường bệnh của khoa là 35 giường phục vụ cho tất cả các bệnh, nhưng do quá tải bệnh nhân SXH nên khoa phải tăng cường lên đến 46 giường để kịp điều trị. Thế mà vẫn không đủ giường phục vụ nên khoa buộc phải bố trí hai bệnh nhân nằm chung một giường với tinh thần không để một bệnh nhân nào thiếu chỗ nằm. Bệnh nhân SXH đông, cùng với bệnh nhân điều trị các bệnh khác đã gây rất nhiều áp lực cho việc khám, chữa bệnh. Hết phòng để kê thêm giường, khoa phải sử dụng phòng sinh hoạt của bệnh nhân và một số phòng làm việc chuyên môn khác để đặt bổ sung giường bệnh giúp bệnh nhân có chỗ nằm điều trị.
Lí giải về tình trạng quá tải này, bác sĩ Ngô Chiến cho biết, bệnh nhân SXH đang điều trị tại khoa chủ yếu là bệnh nặng từ các tuyến dưới chuyển lên. Ngoài ra cũng có nhiều ca bệnh có bảo hiểm y tế đăng kí tại bệnh viện đến điều trị. Khoa đã phân loại mức độ bệnh nhân SXH để có kế hoạch theo dõi, điều trị kịp thời. Để điều trị quá nhiều bệnh SXH cùng lúc với các bệnh nặng khác, đội ngũ y bác sĩ của khoa đã bố trí tăng thêm ca trực để đảm đương công việc, tăng cường độ làm việc nhưng vẫn luôn đảm bảo yêu cầu của công việc.
Trong bối cảnh đó, bằng tinh thần trách nhiệm và ý thức tận tụy trong công việc, tập thể y bác sĩ của khoa đã nỗ lực hết mình, vừa điều trị bệnh, vừa làm công tác tư tưởng với bệnh nhân và người nhà bệnh nhân. Kết quả là bệnh nhân đã chia sẻ khó khăn với nhau và với bệnh viện. Trong các buổi sinh hoạt hằng tuần của khoa với bệnh nhân và người nhà bệnh nhân, khoa được đánh giá tích cực về thái độ phục vụ người bệnh. Nhiều bệnh nhân xuất viện đã viết thư cảm ơn và bày tỏ cảm kích đối với khoa Bệnh nhiệt đới.
Nhờ vậy, từ đầu mùa SXH đến nay có gần 600 bệnh nhân đã được điều trị khỏi bệnh tại khoa. Tập thể khoa chỉ gồm 3 bác sĩ, 10 điều dưỡng và 1 hộ lí đã cùng nỗ lực trong điều trị kịp thời và thành công cho bệnh nhân SXH trong đợt cao điểm bùng phát của dịch bệnh. Với thành quả đó của tập thể khoa Bệnh nhiệt đới, Ban Giám đốc Bệnh viện Đa khoa tỉnh ghi nhận nỗ lực của toàn khoa và khen thưởng thành tích đột xuất.
Để có kết quả trên, bên cạnh sự nỗ lực của tập thể y bác sĩ Khoa Bệnh nhiệt đới, còn là sự quan tâm của Ban Giám đốc Bệnh viện Đa khoa tỉnh. Cụ thể để đáp ứng được việc khám chữa bệnh cho số lượng bệnh nhân SXH tăng cao, bệnh viện đã tăng cường thêm 1 bác sĩ và 2 điều dưỡng từ các khoa đến khoa Bệnh nhiệt đới; sẵn sàng hỗ trợ việc kê thêm giường vào những lúc khoa có đề xuất để phục vụ bệnh nhân tại thời điểm mùa dịch bệnh SXH và các hỗ trợ khác.
Bác sĩ Trương Xuân Nhuận, Phó Giám đốc phụ trách chuyên môn Bệnh viên Đa khoa tỉnh cho biết: “Dù bệnh nhân SXH ngày càng đông nhưng bệnh viện nỗ lực điều trị cho các bệnh nhân với cố gắng cao nhất. Nhằm được điều trị kịp thời và hạn chế thấp nhất bệnh nhân tử vong vì bệnh SXH đề nghị khi bị sốt bệnh nhân đến ngay cơ sở y tế để được khám và tư vấn điều trị. Không tự ý điều trị tại nhà. Hiện nay đang là cao điểm của mùa dịch SXH, dịch bệnh có nguy cơ bùng phát và diễn biến phức tạp nếu chúng ta không chủ động, tích cực thực hiện các biện pháp phòng chống. Bên cạnh sự cố gắng nỗ lực của ngành y tế và các cấp chính quyền, để phòng bệnh cho bản thân, gia đình và mọi người xung quanh, chúng tôi khuyến cáo người dân thực hiện các biện pháp phòng bệnh. Đậy kín tất cả các dụng cụ chứa nước để muỗi không vào đẻ trứng. Hằng tuần thực hiện các biện pháp diệt loăng quăng, bọ gậy bằng cách thả cá vào dụng cụ chứa nước lớn; thau rửa dụng cụ chứa nước vừa và nhỏ, lật úp các dụng cụ không chứa nước; thay nước bình hoa; bỏ muối hoặc dầu hoặc hóa chất diệt ấu trùng vào bát nước kê chân chạn. Ngủ màn, mặc quần áo dài phòng muỗi đốt ngay cả ban ngày”.
Nguồn Quảng Trị: http://www.baoquangtri.vn/default.aspx?tabid=73&modid=420&itemid=144383