Nỗ lực đưa công nghệ vào chế biến trái cây

Một trong các khâu đột phá được đề cập trong Nghị quyết Đại hội đại biểu Đảng bộ tỉnh Tiền Giang lần thứ XI, nhiệm kỳ 2020 - 2025 là tập trung đầu tư, hình thành hệ thống các sản phẩm chủ lực, vùng động lực.

Nâng cao chất lượng, hiệu quả, ứng dụng khoa học và công nghệ vào khâu sản xuất, chế biến, tiêu thụ trái cây là một trong những bước đi quan trọng để thực hiện khâu đột phá này.

ĐA DẠNG SẢN PHẨM

So với các tỉnh, thành trong cả nước, Tiền Giang có lợi thế về sản xuất nông nghiệp, trọng điểm là cây ăn trái. Do vậy, việc lựa chọn chiến lược đầu tư và thu hút đầu tư vào sản xuất, chế biến, tiêu thụ trái cây là hướng đi phù hợp và được triển khai thực hiện nhiều năm qua.

Đến nay, Tiền Giang có khoảng 14 nhà máy chế biến trái cây đang hoạt động, với công suất trên 47.000 tấn/năm. Một số doanh nghiệp nổi bật, có công suất tương đối lớn như: Công ty TNHH Long Uyên chi nhánh Tiền Giang (huyện Châu Thành) có công suất chế biến 8.000 tấn/năm; Công ty cổ phần Rau quả Tiền Giang (huyện Châu Thành) công suất 20.000 tấn/năm; Công ty TNHH MTV Nichirei Suco Việt Nam (huyện Gò Công Đông) công suất khoảng 4.000 tấn/năm…

Ngoài thị trường Trung Quốc, các sản phẩm chế biến của các doanh nghiệp còn được xuất khẩu sang các thị trường khác như: EU, Hoa Kỳ, Nhật Bản, Hàn Quốc, Nga… gồm trái cây đóng hộp, nước quả cô đặc và puree, sản phẩm sấy từ sầu riêng, thanh long…

Theo đánh giá chung, đến nay hầu hết các doanh nghiệp đã từng bước đầu tư đổi mới công nghệ khá hiện đại, đa dạng hóa sản phẩm. Bên cạnh việc sơ chế các loại trái cây phục vụ xuất khẩu, Công ty cổ phần Rau quả Tiền Giang và Công ty TNHH Long Uyên chi nhánh Tiền Giang cũng đã phát triển thêm các sản phẩm puree từ trái cây để đa dạng các sản phẩm.

Một số doanh nghiệp trong lĩnh vực xuất khẩu trái cây cũng đã mạnh dạn đầu tư công nghệ bảo quản lạnh năng suất cao để bảo quản thanh long, sầu riêng tại vùng trồng nhằm kiểm soát biến động giá trên thị trường. Các kho bảo quản lạnh của các nhà máy chế biến có sức chứa khoảng 7.390 tấn; riêng đối với thanh long có 40 cơ sở kinh doanh thanh long đầu tư kho lạnh bảo quản, với tổng sức chứa 6.097 tấn.

Ngoài ra, từ các nguyên liệu truyền thống, một số doanh nghiệp đã chế biến, tổ chức sản xuất nhiều sản phẩm có giá trị cao, sản phẩm mới trên thị trường như: Công ty TNHH Đông trùng hạ thảo Thiên Ân (huyện Gò Công Tây) đã sản xuất các sản phẩm đông trùng hạ thảo, Công ty TNHH Traviphaco ở huyện Tân Phú Đông sản xuất trà mãng cầu...

Nhìn một cách tổng thể, hoạt động của doanh nghiệp trong lĩnh vực xuất khẩu trái cây cũng bắt đầu chuyển động và thích ứng với xu thế chung. Nhờ đó, trong năm 2019, xuất khẩu trái cây chính ngạch của tỉnh đạt 43 triệu USD; trong đó, có các thị trường chính như: Hoa Kỳ, châu Âu, Nhật Bản, Hàn Quốc, Trung Quốc, với 9 doanh nghiệp và hợp tác xã tham gia.

Đặc biệt, trong năm 2020, mặc dù gặp đại dịch Covid-19, nhưng ngành hàng rau quả của Tiền Giang vẫn xuất được 12.572 tấn, thu về gần 26 triệu USD, gấp 2 lần năm 2016. Tuy nhiên, việc tiêu thụ một lượng lớn trái cây của tỉnh thời gian qua chủ yếu thông qua con đường xuất khẩu trái tươi, bởi số trái cây đưa vào chế biến xuất khẩu chỉ chiếm khoảng 2% tổng sản lượng thu hoạch hằng năm.

HƯỚNG VÀO CÔNG NGHỆ MỚI

Theo đánh giá của Ban Chỉ đạo Đề án Tái cấu trúc ngành Công nghiệp tỉnh gần đây, một trong những hạn chế hiện nay của ngành chế biến trái cây là sản phẩm chưa đa dạng, chất lượng nguyên liệu không đồng đều, thị trường tiêu thụ chưa ổn định; mối quan hệ giữa người cung ứng và doanh nghiệp sản xuất chưa thật sự bền vững.

Để tận dụng và phát huy tối đa các tiềm năng sẵn có của tỉnh và gắn tái cấu trúc công nghiệp Tiền Giang với tái cơ cấu nông nghiệp, trong thời gian tới Tiền Giang tiếp tục tập trung thu hút các doanh nghiệp công nghiệp chế biến trái cây đầu tư vào tỉnh. Thông tin gần đây cho thấy, trên địa bàn tỉnh Tiền Giang đang thu hút 4 dự án về chế biến nông sản, có tổng vốn đầu tư các dự án khoảng 1.478 tỷ đồng, công suất khoảng 50 ngàn tấn/năm và các dự án đang trong giai đoạn hoàn chỉnh các thủ tục đầu tư.

Nâng tỷ lệ sản phẩm chế biến xuất khẩu là mục tiêu đặt ra cho ngành hàng trái cây Tiền Giang.

Nâng tỷ lệ sản phẩm chế biến xuất khẩu là mục tiêu đặt ra cho ngành hàng trái cây Tiền Giang.

Đầu tư và khuyến khích đầu tư công nghệ vào khâu sản xuất, chế biến, tiêu thụ trái cây là chủ trương lớn của Tiền Giang. Điều này phần nào được cụ thể hóa thông qua Hội nghị Xúc tiến đầu tư tỉnh Tiền Giang được tổ chức vào năm 2018.

Cụ thể, trong nhóm các dự án được tỉnh trao chủ trương nghiên cứu đầu tư có nhiều dự án liên quan đến lĩnh vực nông nghiệp, như: Dự án Nhà máy chế biến trái cây, nhà đầu tư là Công ty TNHH Sản xuất thương mại dịch vụ Thanh Bình, với công suất khoảng 400.000 trái dừa/ngày; Dự án Trung tâm nghiên cứu giống và phát triển mô hình sản xuất nông nghiệp ứng dụng công nghệ tiên tiến Mê Kông, nhà đầu tư là Công ty TNHH Thương mại xây dựng An Na, có quy mô khoảng 20 ha; Dự án Xây dựng nhà máy chế biến nông sản, nhà đầu tư là Công ty TNHH Một thành viên Thiên Hộ, quy mô khoảng 3 ha, vốn đầu tư khoảng 229 tỷ đồng…

Các dự án đầu tư và nghiên cứu đầu tư vào lĩnh vực nông nghiệp trên địa bàn tỉnh cũng đang dần được hiện thực hóa. Cam kết với lãnh đạo tỉnh sau Hội nghị Xúc tiến đầu tư tỉnh Tiền Giang vừa qua, ông Lê Công Danh, Giám đốc Công ty TNHH Sản xuất thương mại dịch vụ Thanh Bình cho biết, dự án có tổng vốn đầu tư khoảng 450 tỷ đồng, diện tích khoảng 5 ha tại xã Bình Ninh (huyện Chợ Gạo)…

Cũng theo Ban Chỉ đạo Đề án Tái cấu trúc ngành Công nghiệp tỉnh, việc thực hiện các hoạt động gắn kết giữa tái cấu trúc công nghiệp với tái cơ cấu nông nghiệp trong phối hợp triển khai cung ứng nguồn nguyên liệu phục vụ cho công nghiệp chế biến, thông qua tập trung hỗ trợ về kỹ thuật và thông tin thị trường, tìm kiếm đối tác cho các doanh nghiệp chế biến và tiêu thụ nông sản trong nước lẫn xuất khẩu là cần thiết.

Bên cạnh đó, các ngành có liên quan cần tạo điều kiện thuận lợi cho nông dân, các nhà sản xuất có cơ hội gặp gỡ, trao đổi kinh nghiệm sản xuất và kinh doanh, tổ chức các hội nghị kết nối cung cầu hàng hóa; tổ chức các cuộc hội thảo, các cuộc gặp gỡ giữa các doanh nghiệp của các tỉnh bạn nhằm tạo cơ hội hợp tác, trao đổi kinh nghiệm và thông tin thương mại, đầu tư; cung cấp đầy đủ thông tin về một số công nghệ, chất lượng bảo quản sau thu hoạch của các nước có nền nông nghiệp và công nghệ sau thu hoạch tiên tiến như: Mỹ, Úc, Nhật Bản, Israel, Hà Lan, Canada… để chuyển giao cho các doanh nghiệp.

Về lâu dài, cần thực hiện liên kết để hình thành vùng nguyên liệu lớn vừa phát huy hiệu quả của khoa học công nghệ, vừa đảm bảo nguồn nguyên liệu với số lượng lớn, đáp ứng cho công nghiệp chế biến. Bên cạnh đó, hình thành các vùng nông nghiệp chuyên canh, thâm canh, ứng dụng công nghệ cao vào sản xuất nông nghiệp đóng vai trò quan trọng trong việc tạo nguồn nguyên liệu đầu vào mang tính ổn định và bền vững cho công nghiệp chế biến…

T.T

Nguồn Ấp Bắc: http://baoapbac.vn/kinh-te/202106/no-luc-dua-cong-nghe-vao-che-bien-trai-cay-926660/