Nỗ lực đưa công nghiệp Hà Tĩnh lấy lại đà tăng trưởng
Các doanh nghiệp và ngành công thương Hà Tĩnh đang nỗ lực tháo gỡ khó khăn trong khâu tiêu thụ sản phẩm, giảm áp lực tồn kho để đẩy mạnh sản xuất, đưa ngành công nghiệp lấy lại đà tăng trưởng.
Trong những tháng đầu năm 2023, sản xuất công nghiệp gặp nhiều khó khăn do chịu ảnh hưởng suy thoái kinh tế trên phạm vi toàn cầu, lạm phát vẫn ở mức cao.
Nhiều doanh nghiệp trong tình trạng đơn hàng sụt giảm, đặc biệt là đơn hàng xuất khẩu; bên cạnh đó, chi phí đầu vào và lãi suất vay vốn vẫn ở mức cao.
Công nghiệp chế biến - chế tạo là ngành đóng vai trò chủ lực vào mức tăng chung toàn ngành và dẫn dắt tăng trưởng kinh tế của tỉnh với khoảng 500 doanh nghiệp hoạt động sản xuất chế biến thực phẩm, sản xuất kim loại, xơ sợi, dệt may, đồ uống, dược liệu, giấy, gỗ… Tuy nhiên, những tháng đầu năm, đầu ra sản phẩm của nhiều ngành hàng không thuận lợi, số lượng đơn hàng giảm khiến cho tồn kho của ngành chế biến chế tạo tăng cao so với năm trước, kéo theo chỉ số sản xuất giảm sâu, ảnh hưởng đến tăng trưởng chung của toàn ngành công nghiệp.
Số liệu của Cục Thống kê cho thấy, 6 tháng đầu 2023, chỉ số tiêu thụ ngành chế biến - chế tạo của Hà Tĩnh giảm 5,1% so với cùng kỳ. Trong khi đó, chỉ số tồn kho ngành chế biến - chế tạo tháng 6/2023 tăng 30,22% so với tháng trước và tăng 35,77% so với cùng kỳ năm 2022.
Trong đó, nhiều nhóm hàng có chỉ số tồn kho trong tháng 6 cao so với cùng kỳ năm trước như: sản xuất thức ăn gia súc, gia cầm tăng 160,89%; bia tồn kho tăng 149%; cưa xẻ gỗ tăng 56,77%; than cốc tăng 38,12%; kim loại đúc sẵn tăng 32,35%....
Theo báo cáo của Sở Công thương Hà Tĩnh, 6 tháng đầu năm 2023, hoạt động sản xuất công nghiệp trên địa bàn tỉnh vẫn đang đối mặt với khó khăn khi chỉ số sản xuất toàn ngành giảm 0,61%.
Có 3/4 nhóm ngành công nghiệp cấp 1 giảm chỉ số sản xuất so với cùng kỳ, trong đó, ngành khai khoáng giảm 3,74%; ngành chế biến - chế tạo giảm 1,72%; ngành cung cấp nước và xử lý rác thải, nước thải giảm 7,83% (ngành có chỉ số tăng là sản xuất và phân phối điện, mức tăng 8,38%).
Sản lượng thép của Công ty TNHH Gang thép Hưng Nghiệp Formosa Hà Tĩnh – sản phẩm chủ lực của ngành công nghiệp chỉ tăng 0,34% so với cùng kỳ năm trước (đạt 2,7 triệu tấn). Trong khi đó, nhiều ngành nghề gặp khó do đơn hàng giảm, thị trường tiêu thụ khó khăn; tổ máy số 1 của Nhà máy Nhiệt điện Vũng Áng 1 đến nay vẫn đang khắc phục sự cố.
Để duy trì sản xuất, thời gian qua, nhiều doanh nghiệp đã nỗ lực trong việc tháo gỡ khó khăn trong khâu tiêu thụ sản phẩm, đẩy mạnh giải quyết lượng hàng tồn kho.
Theo ông Nguyễn Giang Nam – đại diện Công ty CP Vinatex Hồng Lĩnh, từ quý IV/2022 đến nay, hoạt động của công ty cũng như ngành sợi, dệt may nói chung hết sức khó khăn do thiếu đơn hàng, giá sản phẩm giảm mạnh. Có những thời điểm, giá sản phẩm ngang với giá nguyên liệu nhập vào, chưa tính nhân công và các chi phí khác. Nỗ lực duy trì sản xuất, đảm bảo việc làm cho hơn 300 lao động, công ty đã tổ chức sản xuất theo hướng linh hoạt, đáp ứng đơn hàng nhỏ lẻ, tập trung nâng cao hiệu quả trong công tác quản trị, ưu tiên giữ chất lượng sản phẩm sợi để tạo được lợi thế cạnh tranh, thực hành tiết kiệm, tích cực tìm kiếm đơn hàng mới…
Trong quý III này, nhiều doanh nghiệp dự báo tình hình thị trường ổn định, hoạt động sản xuất kinh doanh sẽ có sự khởi sắc hơn. Theo kết quả khảo sát của Cục Thống kê, tỷ lệ doanh nghiệp ngành chế biến - chế tạo nhận định hoạt động sản xuất kinh doanh ổn định và tốt hơn trong quý III lên đến hơn 72%. Bên cạnh đó, chỉ 16,28% số doanh nghiệp nhận định lượng tồn kho thành phẩm tăng lên trong quý III ( quý II có 18,6% doanh nghiệp nhận định hàng tồn kho tăng).
Để phục hồi và phát triển sản xuất, các doanh nghiệp mong muốn được các cơ quan hỗ trợ bằng cách đẩy mạnh xúc tiến thương mại tại thị trường trong và ngoài nước để có thêm những đơn hàng mới. Ngoài ra, doanh nghiệp cũng mong tiếp tục có chính sách ưu đãi giảm lãi suất, gia hạn, giãn nợ để có thêm nguồn vốn đầu tư cho sản xuất.
Phó Giám đốc Sở Công thương Lê Xuân Từ cho biết: Trong những tháng cuối năm và trong giai đoạn tới, Sở Công thương tiếp tục triển khai hiệu quả các chính sách phát triển công nghiệp; thực hiện các chương trình, hoạt động kết nối cung - cầu, quảng bá sản phẩm, tìm kiếm cơ hội mở rộng thị trường tiêu thụ cho sản phẩm công nghiệp của tỉnh; hỗ trợ doanh nghiệp tận dụng hiệu quả các Hiệp định Thương mại tự do thế hệ mới (FTA) để đẩy mạnh xuất khẩu; tham mưu tỉnh bố trí nguồn vốn, thực hiện các chính sách phát triển công nghiệp – tiểu thủ công nghiệp như hỗ trợ nhà đầu tư xây dựng hạ tầng cụm công nghiệp, thực hiện chương trình khuyến công.
Cùng với đó, tiếp tục kêu gọi các dự án đầu tư vào địa bàn; đồng hành cùng nhà đầu tư đẩy nhanh tiến độ các dự án lớn đang triển khai; đẩy mạnh chuyển đổi số trong ngành công thương, thực hiện số hóa các cụm công nghiệp để tăng cường quản lý và thu hút đầu tư; triển khai thực hiện các nội dung của ngành theo định hướng của Quy hoạch tỉnh; phối hợp với BQL Khu kinh tế tỉnh hỗ trợ, đồng hành cùng Formosa Hà Tĩnh sớm hoàn chỉnh thủ tục triển khai khu công nghiệp phụ trợ; phối hợp đơn vị liên quan hỗ trợ nhà đầu tư thực hiện các dự án công nghiệp đã ký kết tại hội nghị công bố Quy hoạch tỉnh.