Nỗ lực đưa đất nước vượt khó

Sáng 20/10, Kỳ họp thứ hai Quốc hội khóa XV đã chính thức khai mạc theo hình thức trực tuyến qua cầu truyền hình từ Nhà Quốc hội (Hà Nội) đến 62 Ðoàn đại biểu Quốc hội các tỉnh, thành phố trên cả nước. Ðại biểu Quốc hội và người dân đều đang đặt kỳ vọng Kỳ họp thứ hai này sẽ xác định rõ bước đi đưa đất nước vượt qua giai đoạn khó này.

Quang cảnh lễ khai mạc Kỳ họp thứ hai, Quốc hội khóa XV. Ảnh: LINH NGUYÊN

Quang cảnh lễ khai mạc Kỳ họp thứ hai, Quốc hội khóa XV. Ảnh: LINH NGUYÊN

Ngoài các điểm cầu trực tuyến, cử tri và nhân dân cả nước dõi theo kỳ họp thông qua các phương tiện thông tin đại chúng đã không khỏi xúc động khi chứng kiến sau lễ chào cờ, các vị đại biểu Quốc hội đã tiến hành nghi lễ mặc niệm đồng bào tử vong, cán bộ, chiến sĩ hy sinh do dịch Covid-19...

Trong cam go cũng đã sáng lên tinh thần đoàn kết, vượt khó, chung sức đồng lòng của toàn dân tộc. Phát biểu khai mạc kỳ họp, Chủ tịch Quốc hội Vương Ðình Huệ nhấn mạnh, đất nước đang dần thích ứng an toàn, linh hoạt, kiểm soát hiệu quả dịch Covid-19, từng bước khôi phục, phát triển kinh tế - xã hội. Người đứng đầu Quốc hội biểu dương, đánh giá cao sự cố gắng, chỉ đạo, điều hành quyết liệt của Chính phủ. Ðồng thời, Quốc hội chia sẻ sâu sắc với những tổn thất, mất mát nặng nề về người và của, những khó khăn mà nhân dân ta đã phải gánh chịu; tri ân, tôn vinh những đồng bào, cán bộ, chiến sĩ, các lực lượng nơi tuyến đầu chống dịch, nhất là ngành y tế, các lực lượng vũ trang và cán bộ cơ sở đã bất chấp hiểm nguy, sẵn sàng hy sinh sức khỏe và tính mạng của bản thân, cống hiến hết mình, xung kích vào cả những địa bàn là tâm dịch rất nguy hiểm vì mục tiêu cao nhất là bảo vệ sinh mệnh, sức khỏe, cuộc sống bình yên của nhân dân và sự phát triển bền vững, trường tồn của đất nước.

Báo cáo Thẩm tra đánh giá kết quả thực hiện Kế hoạch phát triển kinh tế - xã hội năm 2021, dự kiến Kế hoạch phát triển kinh tế - xã hội năm 2022, Ủy ban Kinh tế của Quốc hội đã ghi nhận nỗ lực của Chính phủ: Với chủ trương nhất quán không đánh đổi môi trường, sức khỏe và tính mạng của người dân lấy tốc độ tăng trưởng kinh tế, nhiều chính sách, giải pháp được ban hành cả trong ngắn hạn và dài hạn. Công tác phòng, chống dịch được thực hiện quyết liệt, toàn diện, kịp thời. Ðã thực hiện cơ cấu lại, gia hạn nợ, miễn, giảm lãi suất tín dụng; miễn, giảm, gia hạn thời hạn nộp thuế; giảm giá, tiền điện, cước viễn thông, giá nước sạch...; hỗ trợ trực tiếp tiền, gạo, thực phẩm cho người dân, người lao động. Nhiều nguồn lực trong xã hội đã được huy động cho công tác phòng, chống dịch, trong đó Quỹ Vaccine phòng Covid-19 (tính đến ngày 17/10) đã huy động được 8.784 tỷ đồng.

Tuy thế, do ảnh hưởng nặng nề của dịch Covid-19, kinh tế quý III tăng trưởng âm 6,17% so cùng kỳ năm 2020, làm cho tăng trưởng kinh tế 9 tháng năm 2021
chỉ đạt 1,42%, là mức thấp nhất từ năm 2000 đến nay; dự báo cả năm chỉ đạt khoảng 2,5% - 3%, thấp xa so mục tiêu Quốc hội đã đề ra (khoảng 6%).

Các chuyên gia cũng nhận định, kinh tế vĩ mô còn tiềm ẩn rủi ro; các thị trường tài chính, bất động sản, chứng khoán thiếu ổn định, có thời điểm tăng nóng; nợ xấu ngân hàng tăng. Một số chuỗi cung ứng bị đứt gãy, gián đoạn; nhiều doanh nghiệp phải ngừng hoạt động, giải thể, phá sản, nhất là trong lĩnh vực thương mại, dịch vụ, công nghiệp ở TP Hồ Chí Minh và các địa bàn kinh tế trọng điểm. Việc làm, đời sống người lao động bị ảnh hưởng rất nặng nề; cùng với việc giãn cách kéo dài đã làm nảy sinh nhiều vấn đề phức tạp về tâm lý, an ninh chính trị, trật tự, an toàn xã hội.

Một số ý kiến của cử tri gửi đến Quốc hội cũng thẳng thắn cho rằng, công tác phòng, chống dịch vẫn còn tình trạng lơ là, chủ quan, sợ chịu trách nhiệm ở một số nơi; việc áp dụng các biện pháp cách ly, phong tỏa, hạn chế di chuyển, công tác phối hợp tại một số địa phương còn lúng túng, cứng nhắc, thiếu tính đồng bộ, chưa được điều chỉnh kịp thời. Thông tin, truyền thông đôi lúc còn chưa kịp thời, thông suốt. Tỷ lệ tiêm vaccine đã tăng khá nhanh nhưng còn thấp so thế giới.

Từ đòi hỏi cấp bách của thực tiễn, hơn lúc nào hết, kỳ họp lần này được trông đợi nơi các đại biểu Quốc hội phát huy trí tuệ tập thể, sớm có quyết sách trúng và đúng để đưa đất nước vào quỹ đạo phục hồi, không bị lỡ nhịp với kinh tế thế giới.

Những kỳ vọng trên hoàn toàn có cơ sở, bởi trong bối cảnh khó khăn vừa qua đã cho thấy Ðảng, Nhà nước đã luôn xác định người dân là trung tâm. Thông qua nhiều kênh thông tin khác nhau, Quốc hội mà đại diện là các đại biểu đã kịp thời nắm bắt những khó khăn, vướng mắc của cử tri, doanh nghiệp trong dịch bệnh và chủ động đề xuất giải pháp chính sách để tháo gỡ; đồng thời huy động sức mạnh toàn dân, phát huy trí tuệ chuyên gia, nhà khoa học trước mỗi quyết sách quan trọng. Cử tri và nhân dân cả nước tin tưởng, tại kỳ họp thứ hai này, bằng tâm huyết và trách nhiệm, các đại biểu Quốc hội sẽ đưa ra được những giải pháp có tính thực tiễn cao, nhằm hiện thực hóa khát vọng vươn lên của dân tộc ■

Theo chương trình, tại kỳ họp này, Quốc hội sẽ xem xét, thông qua hai dự án luật, năm dự thảo nghị quyết và cho ý kiến năm dự án luật khác; xem xét, quyết định Kế hoạch cơ cấu lại nền kinh tế giai đoạn 2021 - 2025, Quy hoạch sử dụng đất quốc gia thời kỳ 2021 - 2030, tầm nhìn đến năm 2050 và kế hoạch sử dụng đất 5 năm giai đoạn 2021 - 2025 cùng một số nội dung quan trọng khác.

KHÚC HỒNG THIỆN

Nguồn Nhân Dân: https://nhandan.vn/thoi-su-chinh-tri/-no-luc-dua-dat-nuoc-vuot-kho-670827/