Nỗ lực đưa điện lưới quốc gia về vùng sâu, vùng xa
PTĐT - Từ nguồn vốn đầu tư của Nhà nước, tỉnh Phú Thọ đã và đang tập trung nâng cấp hệ thống hạ tầng lưới điện để phục vụ phát triển kinh tế - xã hội; đồng thời quan tâm kéo điện đến các thôn, bản vùng sâu, vùng xa, vùng đồng bào dân tộc thiểu số (DTTS) đặc biệt khó khăn (ĐBKK), tiến tới sớm xóa điểm trắng điện lưới quốc gia trên địa bàn tỉnh.
Về xóm Đìa, xã Xuân Đài, huyện Tân Sơn, chúng tôi đến thăm ngôi nhà mới xây của anh Phùng Văn Mừng trị giá gần 100 triệu đồng được tích cóp trong nhiều năm, gạch đã ốp, tường đã trát và đưa vào sử dụng nhưng hệ thống điện chỉ để sẵn đầu chờ mà chưa lắp ổ điện. Theo anh Mừng, có lắp ổ vào thì cũng không có điện dùng vì điện lưới quốc gia chưa về đến. Được biết, hơn 40 năm nay, các hộ dân ở khu Đìa chưa được sử dụng điện lưới quốc gia, hiện cả khu có 13 máy thủy điện suối với công suất 0,3 - 0,7kW, nhiều hộ dùng chung 1 máy nhưng lúc được lúc không, điện rất yếu, do đặt ở suối chịu ảnh hưởng của mưa lũ nên máy lại hay hỏng phải mang đi sửa chữa…
Theo ông Đinh Văn Phộc - Bí thư chi bộ, Trưởng khu Đìa, nằm cách tỉnh lộ 316E và trung tâm xã 5km, toàn khu có 53 hộ với 225 nhân khẩu, tỷ lệ hộ nghèo chiếm 75%, còn lại là cận nghèo. Không những chưa có điện lưới, con đường độc đạo vào khu vẫn là đường đất, nắng thì bụi, mưa rất lầy lội, người dân đi bộ cũng ngã, có những đoạn đường chênh vênh trên lưng đồi cao khoảng 10m, rất nguy hiểm… Ông Phùng Trọng Luận - Chủ tịch UBND xã chia sẻ: Mặc dù là xã điểm xây dựng NTM của huyện, nhưng đến nay xã mới đạt 14/19 tiêu chí, riêng về điện chỉ còn khu dân cư Đìa chưa có điện lưới quốc gia, vẫn phải sử dụng điện suối, ngoài ra tại các khu dân cư khác có một số hộ ở xa, người dân tự kéo điện về sử dụng nên dù có điện nhưng chất lượng chưa đảm bảo và tiềm ẩn nguy cơ mất an toàn.
Tại xã Thượng Cửu, huyện Thanh Sơn, theo kế hoạch giai đoạn 2016 - 2020 xã có 4 xóm được đầu tư hệ thống lưới điện trung áp và hạ áp, trong đó 105 hộ của 2 xóm Vì, Cảy đã được đầu tư 2 TBA với tổng dung lượng 100kVA; còn 2 xóm Sinh Trên và Sinh Tàn với gần 130 hộ sẽ được đầu tư giai đoạn 2, triển khai thực hiện năm 2019 - 2020. Theo ông Trần Ngọc Đương - Phó Chủ tịch UBND huyện, toàn huyện có 23 đơn vị hành chính, gồm 8 xã ĐBKK thuộc chương trình 135, 6 xã thuộc chương trình 229 và 9 xã, thị trấn miền núi; có 16 dân tộc anh em cùng sinh sống, trong đó dân tộc Mường chiếm 48%, dân tộc Kinh chiếm 50%, còn lại là các dân tộc khác. Nhờ sự quan tâm của Đảng và Nhà nước, hệ thống đường giao thông, trường học, trạm y tế đã được đầu tư xây dựng đến tận thôn, bản. Tuy nhiên, hiện nay vẫn còn trên 10 khu dân cư ở các xã ĐBKK chưa có điện lưới quốc gia. Giai đoạn 2019 - 2020 toàn huyện có 6 xã được đầu tư xây dựng hệ thống lưới điện trung áp và hạ áp do Sở Công thương làm chủ đầu tư với hơn 700 hộ đồng bào dân tộc ở 11 khu dân cư được hưởng lợi. Với sự đầu tư nguồn vốn của Trung ương và tỉnh, ngành Điện và Sở Công thương đã quyết liệt vào cuộc nhằm sớm đưa điện lưới quốc gia đến với người dân vùng sâu, vùng xa, vùng ĐBKK, tạo động lực để người dân chuyển đổi cơ cấu sản xuất, xóa đói, giảm nghèo.Theo thống kê sơ bộ, hiện nay trên địa bàn tỉnh còn nhiều thôn, bản chưa có điện lưới quốc gia hoặc người dân tự kéo về sử dụng chưa đảm bảo chất lượng. Tháng 4 - 2019, UBND tỉnh ban hành Quyết định số 729/QĐ-UBND về việc phê duyệt báo cáo nghiên cứu khả thi tiểu dự án “Cấp điện nông thôn từ lưới điện quốc gia tỉnh Phú Thọ giai đoạn 2018 - 2020 do EU tài trợ”, giao Sở Công thương làm chủ đầu tư, thời gian thực hiện từ năm 2019 đến năm 2020, tổng mức đầu tư tiểu dự án trên 123 tỷ đồng. Theo đó, quy mô đầu tư cấp điện cho 84 thôn, bản thuộc 21 xã trên địa bàn 3 huyện Thanh Sơn, Tân Sơn và Yên Lập; góp phần thực hiện mục tiêu giảm nghèo, nâng cao đời sống vật chất, tinh thần; chuyển đổi cơ cấu sản xuất và thu hẹp dần khoảng cách phát triển giữa các vùng một cách bền vững. Sau khi hoàn thành, tiểu dự án giúp đảm bảo tỷ lệ số hộ có điện trên địa bàn tỉnh đạt khoảng 99,9%... Đến nay, tại các thôn, bản trong báo cáo phê duyệt, UBND các xã đã tiến hành họp khu dân cư, xin ý kiến của người dân nhất trí bàn giao mặt bằng để thực hiện dự án. Dự kiến cuối năm 2019, khi có vốn sẽ triển khai thực hiện thi công.