Nỗ lực đưa hàng Việt vào hệ thống siêu thị
Văn hóa và Đời sống - Trước nhu cầu mua sắm, tiêu dùng của người dân ngày một nâng cao, việc một số mặt hàng Việt có mặt trong hệ thống các siêu thị là tín hiệu đáng mừng trong bối cảnh chất lượng đầu vào của sản phẩm đòi hỏi yêu cầu khắt khe. Đặc biệt, là một số mặt hàng 'đặc sản' địa phương.
Thanh Hóa được đánh giá là thị trường bán lẻ tiềm năng với dân số xếp thứ 3 toàn quốc, đây là một lợi thế không nhỏ trong việc thúc đẩy, phát triển hàng hóa, tạo điều kiện các cá nhân, tổ chức phát triển hệ thống phân phối kinh doanh trên địa bàn, cả về thương mại truyền thống cũng như mạnh dạn đầu tư, phát triển hệ thống phân phối, bán buôn, bán lẻ theo phương thức hiện đại, tiện ích, chuyên nghiệp.
Thời gian qua, ngành chức năng không ngừng đẩy mạnh công tác vận động, tuyên truyền đến người dân, các đơn vị kinh doanh thực hiện tốt cuộc vận động “Người Việt Nam ưu tiên dùng hàng Việt Nam". Tỉ trọng hàng Việt có mặt tại hệ thống các siêu thị trên địa bàn tỉnh tăng rõ rệt. Điều này cho thấy chất lượng sản phẩm trong nước ngày càng được nâng cao, đáp ứng những yêu cầu khắt khe của nhà quản lý. Hàng hóa Việt, đặc biệt là các đặc sản địa phương đưa vào hệ thống siêu thị, cửa hàng tiện lợi khá phong phú, đủ chủng loại từ các mặt hàng may mặc, hàng tiêu dùng, nông sản… được người tiêu dùng đón nhận.
Thống kê cho thấy, toàn tỉnh hiện có 378 chợ, trong năm 2020 có 24 siêu thị được công nhận (trong đó có 8 siêu thị kinh doanh điện từ, điện lạnh, đồ gia dụng, còn lại là các siêu thị kinh doanh tổng hợp).
Tại hệ thống siêu thị Vinmart, Coopmart, Big C, cửa hàng thực phẩm sạch... rất nhiều các mặt hàng nông sản, đặc sản địa phương được bày bán.
HTX nông nghiệp công nghệ cao Điền Trạch (xã Thọ Lâm, Thọ Xuân) có trên 1,5 ha diện tích trồng dưa vàng, hiện sản phẩm dưa vàng của đơn vị đưa vào hệ thống siêu thị Vinmart, đại lý bán lẻ chiếm 30% sản lượng. Ngoài ra, tại huyện Thọ Xuân một số đơn vị trồng dưa vàng được các siêu thị đón nhận như Công ty mía đường Lam Sơn, HTX Thọ Lâm…
Là siêu thị thuần Việt, thế nên hàng hóa kinh doanh tại siêu thị Coopmart chi nhánh Thanh Hóa, ưu tiên kinh doanh hàng Việt, với trên 20.000 mặt hàng. Trong đó, hàng Việt chiếm trên 90% tỷ trọng.
Đại diện siêu thị Coopmart, cho biết khách hàng ngày càng có thói quen tin tưởng, lựa chọn các sản phẩm, hàng hóa xuất xứ nội địa, đặc biệt là các mặt hàng nông sản, thực phẩm. Đối với các sản phẩm đặc sản địa phương để vào được siêu thị là bài toán khó đối với đơn vị kinh doanh, sản xuất, bởi những yêu cầu khắt khe về chất lượng, mẫu mã, chủng loại, trải qua nhiều khâu kiểm định, kiểm duyệt.
Tại hệ thống siêu thị, cửa hàng tiện lợi, người tiêu dùng có xu hướng lựa một số mặt hàng Việt, trong đó có các mặt hàng được xem là đặc sản địa phương
Các sở, ngành đã tiến hành nhiều chương trình, hội thảo, phối hợp các đơn vị triển khai các chương trình xúc tiến thương mại nội địa, nhất là trong các dịp lễ, tết, dịp cuối năm. Hình thành và phát triển các chuỗi cung ứng hàng hóa, tập trung các chuỗi mặt hàng nông sản, tiểu thủ công nghiệp, sản phẩm truyền thống… phục vụ nhu cầu thiết yếu cho người dân. Đồng thời triển khai các chương trình kết nối cung – cầu hàng hóa và bình ổn thị trường tạo nguồn hàng dồi dào và giá cả ổn định cho người tiêu dùng.
Nhìn chung, các doanh nghiệp đã chủ động, sáng tạo, đầu tư, nâng cao chất lượng sản phẩm, cải tiến kỹ thuật, giảm giá thành, chú trọng mẫu mã, quảng bá thương hiệu nhằm từng bước chiếm được lòng tin của người tiêu dùng trong tỉnh. Từ đó thúc đẩy sản xuất, kinh doanh trong tỉnh phát triển, góp phần kiềm chế lạm phát, ổn định và nâng cao chất lượng cuộc sống nhân dân, thực hiện thắng lợi các mục tiêu, nhiệm vụ phát triển kinh tế, xã hội của tỉnh.
Theo đánh giá của Phòng quản lý thương mại (Sở Công thương Thanh Hóa), người tiêu dùng đã dần thay đổi thói quen mua sắm, hàng hóa thương hiệu Việt được đa số người dân tin dùng.
Ngành chức năng luôn thực hiện nhiều chương trình, chính sách hỗ trợ doanh nghiệp, HTX cải thiện môi trường đầu tư, điều kiện sản xuất, chất lượng sản phẩm, nhằm đảm bảo đủ tiêu chuẩn cung ứng sản phẩm vào hệ thống các siêu thị, cửa hàng tiện lợi.
Sở Công thương thực hiện nhiều hoạt động xúc tiến thương mại, nhằm cung cấp những kiến thức về kỹ năng, giải pháp đưa sản phẩm nông sản vào hệ thống siêu thị, cửa hàng tiện lợi, giúp doanh nghiệp, cơ sở sản xuất, kinh doanh có cơ hội tiếp cận kênh phân phối hiện đại, mở rộng cơ hội tiêu thụ nông sản, góp phần thúc đẩy phát triển sản xuất sản phẩm nông sản của tỉnh. Hỗ trợ các doanh nghiệp, HTX tạo dựng hình ảnh sản phẩm, chính sách truyền thông, khuyến mại… cho sản phẩm. Phát triển vùng sản xuất tập trung, phát triển nhanh các loại hình bán lẻ hiện đại kết hợp với củng cố, nâng cao trình độ văn minh của loại hình siêu thị, cửa hàng…