Nỗ lực đưa hoạt động khai thác khoáng sản đi vào nền nếp (Bài 1): Loay hoay... bài toán khoáng sản làm vật liệu xây dựng

Theo đánh giá của cơ quan chức năng, hầu hết các mỏ khoáng sản trên địa bàn tỉnh phân tán, quy mô trữ lượng nhỏ, nhất là địa bàn các huyện miền núi việc quản lý khai thác khoáng sản (KTKS) gặp nhiều khó khăn, các mỏ cát được cấp phép khai thác chưa đáp ứng được nhu cầu, trong khi đó có nhiều công trình, dự án lớn triển khai thực hiện, các công trình dân sinh tăng dẫn đến khan hiếm nguồn cung, đẩy giá lên cao, từ đó dễ phát sinh các hành vi vi phạm pháp luật trong lĩnh vực khoáng sản.

Hoạt động khai thác đá trên địa bàn thị trấn Yên Lâm (Yên Định). Ảnh: CTV

Hoạt động khai thác đá trên địa bàn thị trấn Yên Lâm (Yên Định). Ảnh: CTV

“Khát” vật liệu xây dựng

Trên địa bàn huyện Mường Lát đang triển khai khoảng 100 dự án đầu tư xây dựng lớn, nhỏ. Để có nguồn cát phục vụ cho các công trình, dự án, các nhà thầu đang phải ký kết thu mua từ các huyện Bá Thước, Quan Sơn, Cẩm Thủy. Bất cập trên không chỉ dẫn đến việc “đội cước” phí vận chuyển, nâng tổng mức đầu tư các dự án, mà đối với các doanh nghiệp để xoay sở có nguồn cát phục vụ công trình thi công cũng gặp không ít khó khăn.

Ông Lê Văn Liêm, Giám đốc Ban Quản lý Dự án Đầu tư xây dựng huyện Mường Lát, cho biết: Khó khăn về nguồn cát xây dựng phục vụ cho các công trình, dự án là bất cập lâu nay tại địa phương. Mặc dù huyện Mường Lát đã được quy hoạch 6 điểm mỏ khai thác cát, nhưng đến nay chưa có mỏ cát nào được cấp phép hoạt động khai thác. Do không có mỏ cát nào được cấp phép nên phải mua cát từ các địa phương khác, giá cát lại khá cao. Vào mùa mưa bão, tình trạng khan hiếm cát càng trở nên trầm trọng, đây là một trong những nguyên nhân ảnh hưởng đến tiến độ các dự án, công trình.

Tại huyện Quan Hóa, tình trạng khan hiếm cát cũng đang gây ra nhiều khó khăn, bất cập đối với các dự án đầu tư xây dựng. Ông Trương Công Tuấn, Trưởng Phòng Tài nguyên và Môi trường huyện Quan Hóa, cho biết: Trước nhu cầu về nguyên vật liệu xây dựng (VLXD) phục vụ cho các công trình, dự án phát triển kinh tế - xã hội và nhu cầu xây dựng trong Nhân dân trên địa bàn, UBND huyện Quan Hóa đã có văn bản đề xuất UBND tỉnh về các mỏ khoáng sản đủ điều kiện đưa vào kế hoạch đấu giá quyền KTKS trên địa bàn tỉnh năm 2024. Tuy nhiên, đến nay vẫn chưa có mỏ cát nào được cấp phép hoạt động.

Từ thực tế khan hiếm cát xây dựng của các huyện Mường Lát, Quan Hóa nêu trên, qua trao đổi với ông Nguyễn Thế Hùng, Trưởng Phòng Quản lý Khoáng sản, Sở Tài nguyên và Môi trường, chúng tôi được biết, ở các huyện miền núi vùng sâu, vùng xa ít có các mỏ cát quy mô lớn, hầu hết là các điểm mỏ cát quy mô nhỏ đến rất nhỏ (trữ lượng cát tại các điểm mỏ dao động từ vài trăm đến vài nghìn m3), do vậy việc triển khai công tác thăm dò để tổ chức đấu giá quyền KTKS là khó khả thi do không có nhà đầu tư. Việc quản lý KTKS tại các huyện miền núi gặp nhiều khó khăn, các mỏ cát được cấp phép khai thác chưa đáp ứng được nhu cầu, dẫn đến khan hiếm nguồn cung, đẩy giá lên cao, dễ phát sinh các hành vi khai thác cát trái phép.

Ông Nguyễn Thế Hùng cho biết thêm, theo đánh giá của ngành chức năng, trong những năm tới, nhu cầu vật liệu trên địa bàn tỉnh là rất lớn. Tổng nhu cầu VLXD cho các công trình, dự án trên địa bàn tỉnh giai đoạn 2024-2030 dự kiến cần khoảng 233,63 triệu m3 đất san lấp; 26,01 triệu m3 cát và 35,77 triệu m3 đá xây dựng.

Đối với nguồn đá xây dựng, tổng trữ lượng đá đã cấp phép còn lại khoảng 174 triệu m3, tương đương 250 triệu m3 sản phẩm nguyên khai, công suất thiết kế khoảng 13 - 15 triệu m3 sản phẩm/năm. Sản lượng từ nay đến năm 2030 sẽ có khoảng 91 triệu m3, trong khi nhu cầu cần khoảng 35,77 triệu m3. Như vậy, đá xây dựng sẽ có nguồn cung đáp ứng nhu cầu; phần còn lại có thể cung cấp đá để sản xuất cát nghiền thay thế một phần cát bê tông và vữa. Tuy nhiên, sản lượng cát xây dựng và đất san lấp đang thiếu lớn, bởi trữ lượng cát quy hoạch khoảng 18 triệu m3, trong khi nhu cầu đến năm 2030 cần khoảng 26,01 triệu m3. Như vậy, còn thiếu khoảng 8,01 triệu m3, đó là chưa kể đến nhu cầu cho công trình quốc gia trên địa bàn tỉnh và nhu cầu xây dựng nhà dân. Đối với nguồn đất, cát san lấp, tổng trữ lượng quy hoạch khoảng 183 triệu m3, nhu cầu đến năm 2030 cần khoảng 233,63 triệu m3, nếu không bổ sung quy hoạch, không tăng công suất và không đẩy nhanh tiến độ cấp phép mới các mỏ đất san lấp sẽ dẫn đến tình trạng “khủng hoảng” đất, cát trong hoạt động xây dựng dễ gây ra nhiều hệ lụy, trong đó có cả tình trạng khai thác trái phép, khai thác vượt quá trữ lượng cho phép.

Nhiều “ông lớn” bị phạt

Theo thống kê, từ năm 2023 đến đầu tháng 10/2024, Chủ tịch UBND tỉnh, Thanh tra Sở Tài nguyên và Môi trường, các sở, ngành, Công an tỉnh và UBND cấp huyện đã xử lý vi phạm trong hoạt động khoáng sản đối với 114 tổ chức, cá nhân, với tổng số tiền 9,780 tỷ đồng. Trong đó có một số “ông lớn” trong “làng” KTKS bị phạt nặng, một số doanh nghiệp còn bị đình chỉ hoạt động khai thác.

Mỏ khai thác đất làm vật liệu san lấp tại xã Hà Tiến (Hà Trung). Ảnh: CTV

Mỏ khai thác đất làm vật liệu san lấp tại xã Hà Tiến (Hà Trung). Ảnh: CTV

Điển hình như hồi tháng 4/2024, UBND tỉnh ra quyết định xử phạt vi phạm hành chính 120 triệu đồng đối với Công ty TNHH Xây dựng thương mại và Khai thác khoáng sản Trường An, trụ sở chính ở phường Đông Thọ (TP Thanh Hóa) đã có hành vi vi phạm hành chính quá từ 6 tháng trở lên kể từ ngày giấy phép KTKS hết hiệu lực, nhưng không nộp hồ sơ đề nghị đóng cửa mỏ cho cơ quan Nhà nước có thẩm quyền theo quy định tại mỏ cát ở xã Phú Thanh (Quan Hóa).

Trước đó, tháng 2/2024, Công ty CP Đầu tư và Phát triển Hưng Hào có mỏ đá bazan tại xã Cao Ngọc (Ngọc Lặc) cũng bị xử phạt với số tiền 150 triệu đồng vì đã có hành vi vi phạm hành chính quá từ 6 tháng trở lên kể từ ngày giấy phép KTKS hết hiệu lực, nhưng không nộp hồ sơ đề nghị đóng cửa mỏ theo quy định.

Cũng trong tháng 2/2024, UBND tỉnh đã có quyết định xử phạt vi phạm hành chính đối với 2 doanh nghiệp có hành vi KTKS vượt ra ngoài ranh giới khu vực được phép khai thác. Theo đó, mức xử phạt 170 triệu đồng đối với Công ty TNHH Tùng Lâm (có mỏ đá tại xã Tùng Lâm, thị xã Nghi Sơn). Còn Tổng Công ty CP Đầu tư xây dựng Minh Tuấn (có mỏ đá vôi làm VLXD thông thường tại xã Cao Thịnh, huyện Ngọc Lặc) phải nhận mức xử phạt lên tới 350 triệu đồng. Đây cũng là trường hợp tái phạm việc khai thác vượt mốc giới.

Tháng 5/2024, Công ty CP Đại Lâm, có mỏ đá vôi làm VLXD thông thường tại xã Trường Lâm và xã Tân Trường (thị xã Nghi Sơn) cũng bị xử phạt vi phạm hành chính 170 triệu đồng do khai thác vượt ra ngoài ranh giới được phép khai thác (vượt 9.022,9m2). Công ty còn phải nộp số lợi bất hợp pháp là 76,3 triệu đồng. Và mới đây, tháng 9/2024, Công ty CP Sản xuất VLXD Nam Thành (TP Thanh Hóa) vừa bị xử phạt hành chính 130 triệu đồng vì hành vi KTKS có vượt ra ngoài ranh giới khu vực được phép khai thác (vượt 0,4.262ha) tại mỏ đất san lấp và thu hồi khoáng sản đi kèm tại xã Phượng Nghi (Như Thanh). Công ty bị tước quyền sử dụng giấy phép KTKS trong thời gian 5 tháng 8 ngày.

Từ các trường hợp vi phạm, để thấy rằng công tác quản lý sau cấp phép KTKS còn tồn tại một số bất cập nên vẫn còn xảy ra tình trạng vi phạm của các doanh nghiệp trong quá trình KTKS như: Chưa xây dựng đầy đủ các công trình phục vụ khai thác mỏ, công trình bảo vệ môi trường; khai thác ngoài mốc giới; sử dụng đất để phục vụ chế biến, tập kết sản phẩm ngoài diện tích đất được thuê; khai thác vượt quá công suất; vượt độ sâu, khai thác không đúng thiết kế được phê duyệt; để mất mốc giới khai thác; không kê khai đầy đủ sản lượng khai thác dẫn đến thất thu về thuế...

Việc “mạnh tay” trong xử lý các trường hợp vi phạm thể hiện sự quyết liệt của tỉnh cũng như các sở, ngành, địa phương để nỗ lực đưa hoạt động KTKS đi vào nền nếp.

Tô Dung - Việt Hương

Bài 2: Gắn trách nhiệm người đứng đầu nếu để xảy ra sai phạm.

Nguồn Thanh Hóa: http://baothanhhoa.vn/no-luc-dua-hoat-dong-khai-thac-khoang-san-di-vao-nen-nep-bai-1-loay-hoay-bai-toan-khoang-san-nbsp-lam-vat-lieu-xay-dung-227274.htm