Nỗ lực đưa Lý Sơn - Sa Huỳnh thành Công viên địa chất toàn cầu
Dự kiến hồ sơ Công viên địa chất Lý Sơn - Sa Huỳnh sẽ được trình UNESCO cuối tháng 11-2019 để xem xét công nhận là Công viên địa chất toàn cầu.
Ngày 18-6, tại Quảng Ngãi diễn ra Hội thảo quốc tế về giá trị di sản Công viên địa chất (CVĐC) Lý Sơn – Sa Huỳnh. Hội thảo quy tụ nhiều chuyên gia khảo cổ học, địa chất… trong nước và quốc tế.
Theo ông Nguyễn Minh Trí, Giám đốc Sở VH-TT&DL Quảng Ngãi, CVĐC Lý Sơn – Sa Huỳnh có diện tích tự nhiên rộng 4.600 km2. Trong đó có hơn 2.000 km2 đất liền với khoảng 900.000 người dân sinh sống trải dài trên chín huyện, TP thuộc địa bàn Quảng Ngãi.
Theo kết quả nghiên cứu mới nhất, cụm núi lửa ở Lý Sơn - Bình Châu và vùng phụ cận phát lộ nhiều loại đất đá, nham thạch tiêu biểu cho các chế độ phun trào khác nhau trong giai đoạn Kỷ đệ tứ, khoảng 11 triệu năm đến 4.500 năm trước.
Hoạt động phun trào và tắt của núi lửa tạo nên nhiều cảnh quan kỳ thú trên đảo Lý Sơn như dấu tích các miệng núi lửa Thới Lới, Giếng Tiền, vách đá Hang Câu, cổng Tò Vò hay vách đá dựng đứng kéo dài hàng km, dấu tích miệng núi lửa còn nguyên vẹn ở gần bờ biển Ba Làng An (xã Bình Châu, huyện Bình Sơn).
Các nhà nghiên cứu nhận định CVĐC Lý Sơn - Sa Huỳnh là khu vực có mật độ dày đặc, hòa quyện các di sản văn hóa vật thể và phi vật thể từ các dòng chảy văn hóa khác nhau: Văn hóa thời đồ đá cũ và mới, văn hóa Sa Huỳnh, văn hóa Chăm và Đại Việt.
Riêng vùng biển Bình Châu - Lý Sơn có "nghĩa địa tàu cổ đắm" cực kỳ độc đáo với hàng chục con tàu chứa nhiều hiện vật ở các niên đại khác nhau, phản ánh quá trình giao thương trên biển lâu đời của Việt Nam với thế giới.
Ông Trí cho hay dự kiến hồ sơ CVĐC Lý Sơn - Sa Huỳnh sẽ được trình UNESCO cuối tháng 11-2019 để xem xét công nhận là CVĐC toàn cầu.
Hội thảo nhận được hàng chục bài tham luận, nghiên cứu khoa học chuyên sâu về giá trị di sản, di tích, khảo cổ học, trầm tích núi lửa, san hô hóa thạch… tại Lý Sơn – Sa Huỳnh.
Ông Guy Martini, Tổng thư ký mạng lưới CVĐC toàn cầu (UNESCO), đề nghị lãnh đạo tỉnh Quảng Ngãi và các cơ quan quản lý nhà nước liên quan phải có kiến thức tốt về CVĐC toàn cầu.
“Để tiết kiệm thời gian và tiền bạc, các vị cần học hỏi các CVĐC toàn cầu hiện có. Một trong những chìa khóa quan trọng nhất để thành công là tạo ra một nhóm làm việc đa ngành và chuyên trách và để phát triển một chiến lược phù hợp với sự tham gia của tất cả các đối tác, các bên liên quan, cộng đồng và nhiều hơn nữa. Cần thời gian tính bằng năm để đạt được dự án trước khi đệ trình hồ sơ”, ông Guy Martini khuyến cáo.
Theo ông Lê Viết Chữ, Bí thư Tỉnh ủy Quảng Ngãi, tỉnh đã cơ bản hoàn thành công tác điều tra, khảo sát, nghiên cứu theo yêu cầu tại CVĐC Lý Sơn – Sa Huỳnh.
Quảng Ngãi đang xúc tiến kế hoạch đưa vào khai thác, vận hành trên thực tế bốn tuyến du lịch CVĐC với 87 điểm địa chất có giá trị, cũng như phát triển mạng lưới đối tác trong phạm vi CVĐC.
“Chúng tôi đang dần hoàn chỉnh hồ sơ và mong muốn được gia nhập vào mạng lưới CVĐC toàn cầu của UNESCO trong thời gian sớm nhất. Qua đó, nhờ sức mạnh của mạng lưới, Quảng Ngãi có thể đi nhanh và đi xa hơn, mà việc tổ chức hội thảo hôm nay là minh chứng cho những nỗ lực và cam kết của tỉnh với mạng lưới CVĐC toàn cầu UNESCO”, ông Chữ nói.