Nỗ lực đưa Nga và Ukraine ngồi vào bàn đàm phán
Vài tuần sau khi đưa ra kế hoạch hòa bình 12 điểm cho cuộc xung đột quân sự ở Ukraine, Chủ tịch Trung Quốc Tập Cận Bình dự kiến sẽ sớm gặp Tổng thống Nga Vladimir Putin và tổ chức cuộc gặp trực tuyến với Tổng thống Ukraine Volodymyr Zelensky.
Trong khi Bắc Kinh chưa xác nhận về kế hoạch trao đổi giữa Chủ tịch Tập Cận Bình với Tổng thống Nga hoặc Tổng thống Ukraine thì có một số nhận định rằng, Trung Quốc có lẽ đang cố gắng đưa hai bên ngồi vào bàn đàm phán.
Trung Quốc hối thúc Nga và Ukraine nhất trí giảm dần leo thang để hướng tới ngừng bắn hoàn toàn trong một tài liệu 12 điểm mà nước này đề xuất mang tên “giải pháp chính trị cho cuộc khủng hoảng Ukraine”, được công bố hôm 24/2 nhân dịp tròn 1 năm nổ ra cuộc xung đột giữa Moscow và Kiev.
12 nội dung cơ bản được đưa ra trong tài liệu bao gồm: tôn trọng chủ quyền của các quốc gia; từ bỏ tư duy Chiến tranh Lạnh; ngừng bắn và đình chiến; nối lại đàm phán hòa bình; giải quyết khủng hoảng nhân đạo; bảo vệ dân thường và tù binh chiến tranh; bảo vệ an toàn cho các nhà máy điện hạt nhân; giảm thiểu rủi ro chiến lược; đảm bảo vận chuyển lương thực; chấm dứt trừng phạt đơn phương; bảo đảm ổn định chuỗi công nghiệp và chuỗi cung ứng; thúc đẩy tái thiết sau xung đột. Nga và Ukraine phần nào bày tỏ sự quan tâm đến kế hoạch trên.
Moscow thông báo sẽ “nghiên cứu cẩn thận” kế hoạch trên dù chưa nhận thấy bất kỳ dấu hiệu nào cho giải pháp hòa bình ở thời điểm hiện tại. Bộ Ngoại giao Nga đánh giá Trung Quốc thực sự muốn giải pháp ngoại giao cho cuộc xung đột ở Ukraine nhưng những trở ngại chính cho hòa bình là giới lãnh đạo Ukraine và các nước phương Tây ủng hộ Kiev.
Trong khi đó, khẳng định chỉ cân nhắc đến tiến trình hòa bình sau khi quân đội Nga rút khỏi lãnh thổ Ukraine, Kiev đã nêu ra việc kế hoạch trên của Bắc Kinh không tuyên bố Nga phải rút khỏi biên giới được xác lập sau khi Liên Xô sụp đổ năm 1991. Dù vậy, sau đó, Kiev cho biết nước này cởi mở với “một số phần của kế hoạch”.
Hôm 16/3, Ngoại trưởng Ukraine Dmytro Kuleba thông báo ông đã điện đàm với người đồng cấp Trung Quốc Tần Cương để thảo luận về “nguyên tắc toàn vẹn lãnh thổ” và các ý tưởng của Kiev nhằm giải quyết cuộc xung đột hiện nay.
Trong cuộc điện đàm, Ngoại trưởng Dmytro Kuleba đã “nhấn mạnh tầm quan trọng” của các đề xuất giải quyết xung đột do Tổng thống Volodymyr Zelensky đưa ra và Kiev gọi đây là “công thức hòa bình”. Ông đánh giá lập trường của Trung Quốc về giải pháp chính trị dành cho cuộc khủng hoảng thể hiện thái độ chân thành của Bắc Kinh đối với tiến trình thúc đẩy ngừng bắn và chấm dứt giao tranh, cũng như bày tỏ mong muốn duy trì liên lạc chặt chẽ với phía Trung Quốc.
Về phía Trung Quốc, Ngoại trưởng Tần Cương khẳng định Bắc Kinh sẽ tiếp tục đóng vai trò mang tính xây dựng nhằm chấm dứt các hành động thù địch, xoa dịu cuộc khủng hoảng và khôi phục hòa bình giữa Kiev và Moscow. Ông cũng bày tỏ lo ngại trước nguy cơ cuộc khủng hoảng ở Ukraine leo thang và vượt ra ngoài tầm kiểm soát, đồng thời hy vọng các bên liên quan kiềm chế và nối lại đàm phán hòa bình một cách sớm nhất có thể. Bên cạnh đó, Trung Quốc mong muốn Ukraine và Nga sẽ không khép lại cánh cửa dẫn đến giải pháp chính trị.
Ở chiều ngược lại, Mỹ và NATO tỏ rõ thái độ hoài nghi với đề xuất của Trung Quốc khi cho rằng Bắc Kinh “không đáng tin cậy” trong vấn đề Ukraine bởi nước này không tham gia cùng họ chỉ trích Moscow.
Trong một phát biểu hôm 16/3, điều phối viên về truyền thông chiến lược thuộc Hội đồng An ninh quốc gia Mỹ John Kirby nhấn mạnh, Mỹ phản đối lệnh ngừng bắn ở Ukraine và bác bỏ kế hoạch hòa bình mà Trung Quốc đề xuất trước đó vì đề xuất này nghiêng về phía Nga, phản ánh lập trường của Moscow và điều này khiến Washington lo ngại.
Theo quan điểm của ông John Kirby, Nga sẽ “tự do sử dụng lệnh ngừng bắn để tiến sâu hơn vào các vị trí của Ukraine”, khôi phục và huấn luyện lực lượng để “có thể bắt đầu các cuộc tấn công mới”. Quan chức Nhà Trắng cho biết từ lâu ông đã hối thúc Chủ tịch Trung Quốc Tập Cận Bình trao đổi với Tổng thống Volodymyr Zelensky. “Chúng tôi cho rằng việc Trung Quốc hiểu được lập trường của Ukraine chứ không chỉ Tổng thống Putin có ý nghĩa quan trọng”, ông nói.
Nỗ lực không thu về trái ngọt của Thổ Nhĩ Kỳ nhằm tổ chức đối thoại cho Nga và Ukraine ở Istanbul trong những tuần đầu xung đột nổ ra vào năm ngoái đã cho thấy khó khăn của việc này. Một số nhà phân tích cho rằng, Bắc Kinh đang ở vị trí tốt hơn so với Ankara để đóng vai trò như một bên trung gian hòa giải bởi nước này có nhiều ảnh hưởng hơn với Moscow. Trung Quốc là đối tác quan trọng nhất của Nga. Bắc Kinh đã mua dầu mỏ từ Moscow, đồng thời cung cấp thị trường cho hàng hóa Nga chịu trừng phạt từ các nước phương Tây.
Trung Quốc cũng có ảnh hưởng nhất định với Ukraine bởi Kiev sẽ không muốn phá vỡ cơ hội Bắc Kinh hỗ trợ nước này tái thiết sau xung đột, ông Samuel Ramani, một chuyên gia về Nga tại Đại học Oxford đánh giá. Trung Quốc đã mở rộng thương mại với Ukraine sau khi Nga sáp nhập bán đảo Crimea năm 2014 và không công nhận vùng lãnh thổ này là một phần của Nga, chuyên gia trên cho hay. Dù vậy, một số nhà phân tích cho rằng mối quan hệ gần gũi giữa Trung Quốc với Nga có thể khiến vai trò trung gian hòa giải của nước này bị đặt câu hỏi. Vài ngày trước khi Moscow tiến hành chiến dịch quân sự ở Ukraine, Nga và Trung Quốc đã thông báo về mối quan hệ đối tác không giới hạn.
Các nhà phân tích cũng cho rằng, không giống như mối quan hệ giữa Saudi Arabia và Iran - vốn có thể dễ đạt được thắng lợi ngoại giao hơn, Trung Quốc khó có thể đưa Nga và Ukraine ngồi vào bàn đàm phán.
“Saudi Arabia và Iran thực sự muốn đàm phán và cải thiện quan hệ, trong khi Nga và Ukraine không muốn điều đó, ít nhất là ở thời điểm này”, chuyên gia Yun Sun, Giám đốc Chương trình Trung Quốc tại Trung tâm Stimson có trụ sở tại Washington cho hay. Tuy nhiên, bà cho rằng, Chủ tịch Tập Cận Bình có thể hành động như một “kênh sau” bằng việc thúc đẩy động lực đàm phán cho hai bên, điều khó xảy ra hiện nay bởi cả hai đều kiên định với lập trường của mình.