Nỗ lực đưa nghề may công nghiệp về làng

15 năm mưu sinh nơi đất khách, chị Phạm Thị Quỳnh Phương, Thôn 1, xã Hải Thọ (Hải Lăng) luôn ấp ủ ước mơ đến một ngày sẽ đưa nghề may công nghiệp về làng để tạo việc làm, tăng thu nhập cho các hội viên, phụ nữ tại quê hương. Đến tháng 3/2018, ước mơ ấy đã trở thành hiện thực khi cơ sở may Quỳnh Phương đi vào hoạt động, ban đầu giải quyết việc làm cho 10 lao động tại địa phương.

 Nhiều hội viên, phụ nữ xã Hải Thọ đã tìm được việc làm ổn định tại cơ sở may Quỳnh Phương

Nhiều hội viên, phụ nữ xã Hải Thọ đã tìm được việc làm ổn định tại cơ sở may Quỳnh Phương

Đến thăm cơ sở may của chị Phương, cảm nhận đầu tiên của chúng tôi là không khí làm việc hăng say, hiệu quả, xen lẫn trong âm thanh lách tách của những chiếc máy may là tiếng cười đùa trong trẻo, tiếng trò chuyện rôm rả của các công nhân nơi đây. Đa số lao động đến với cơ sở may là chị em phụ nữ từng gắn bó với nghề may nhưng do hoàn cảnh gia đình khó khăn, vướng bận con nhỏ nên không thể tiếp tục làm công nhân ở các công ty may lớn. Với chị Nguyễn Thị Sa Sa, Thôn 1, xã Hải Thọ, cơ sở may Quỳnh Phương như một gia đình lớn của mình. Chính nơi ấy, chị đã tìm được niềm vui trong cuộc sống, tìm được việc làm ổn định với mức thu nhập đủ để trang trải cuộc sống hằng ngày. Chị Sa cho biết: “Trước đây, tôi từng có thời gian dài làm công nhân tại Công ty may Phong Phú- Hải Lăng. Sau khi sinh con nhỏ, không thể đảm bảo thời gian làm việc theo quy định tại những công ty may lớn nên tôi phải nghỉ việc giữa chừng. Con nhỏ, chưa tìm được việc làm phù hợp nên cuộc sống gặp nhiều khó khăn. Cơ sở may Quỳnh Phương ra đời đã giúp tôi cùng nhiều phụ nữ có con nhỏ tại địa phương tìm được nơi làm việc ổn định. Với lại, ở cơ sở may này công nhân làm hưởng tiền công theo sản phẩm, không bắt buộc vào khuôn khổ, giờ giấc nên chúng tôi chủ động hơn trong việc sắp xếp thời gian hợp lí để vừa có thể chăm sóc con, làm tròn việc gia đình và có thêm thu nhập ổn định hằng tháng”.

Với dáng người nhỏ nhắn, giọng nói dịu dàng, trong suốt câu chuyện với chúng tôi, mắt chị Phương luôn ánh lên niềm vui vì ước mơ bao năm của chị đang trở thành hiện thực. Sinh ra trong một gia đình thuần nông, là chị cả của hai đứa em trai tật nguyền nên vừa tròn 18 tuổi, chị Phương đã vào miền Nam làm công nhân để có thêm thu nhập đỡ đần ba mẹ. Suốt những năm tháng mưu sinh nơi đất khách, với đồng lương công nhân ít ỏi, chị Phương đã dành dụm một phần gửi về gia đình giúp ba mẹ chăm sóc các em, một phần ít chị tiết kiệm để thực hiện ước mơ gây dựng một cơ sở may nhỏ tại quê nhà. Chị Phương tâm sự: “Sinh ra và lớn lên ở nông thôn nên tôi hiểu khá rõ về nhu cầu việc làm của chị em phụ nữ. Đa phần họ muốn có thêm thu nhập nhưng vẫn có thời gian để chăm lo cho gia đình, do vậy việc mở cơ sở may công nghiệp sẽ dễ thu hút công nhân. Để biến giấc mơ thành hiện thực, một mặt tôi chăm chỉ làm việc để có thu nhập, đồng thời tạo cầu nối với nhiều công ty lớn để có nguồn hàng gia công thường xuyên khi cơ sở may đi vào hoạt động”.

Trở về quê nhà với số vốn tích cóp được, đầu năm 2018, chị Phương bắt tay vào xây dựng nhà xưởng, đầu tư máy móc cho cơ sở may với kinh phí trên 100 triệu đồng. Ban đầu, chị chỉ đặt 5 máy may, nhưng chỉ sau vài tháng, thấy nhu cầu của người lao động tại địa phương lớn, chị mua thêm 5 máy may cùng với một số máy móc khác, giải quyết việc làm thường xuyên cho 10 lao động là hội viên phụ nữ tại xã Hải Thọ và một số vùng lân cận. Với mối quan hệ có sẵn trong thời gian làm công nhân tại miền Nam, một công ty uy tín đã nhận cung cấp nguyên liệu để xưởng chị Phương may gia công với các sản phẩm chủ yếu như đầm, váy, quần tây…Nguồn lao động dồi dào, nguồn hàng gia công và đầu ra ổn định nên sau hơn 1 năm thành lập, cơ sở may Quỳnh Phương hoạt động khá hiệu quả. Bình quân mỗi ngày sản xuất ra từ 100- 200 sản phẩm (tùy theo đặc điểm khó, dễ của mỗi đơn hàng); người lao động có thu nhập ổn định từ 3-6 triệu đồng/người/tháng. Ngoài ra, cơ sở may của chị Phương còn cung cấp nguyên liệu cho 7 nhóm may gia công tại gia đình trên địa bàn các xã Hải Chánh, Hải Thiện, Hải An…Sau khi trừ mọi chi phí, nguồn thu từ cơ sở may của chị Phương đạt từ 10-15 triệu đồng/tháng.

Để giúp người lao động yên tâm gắn bó lâu dài với cơ sở, ngoài các chế độ tiền lương, tiền thưởng dành cho công nhân, chị Phương luôn quan tâm chăm lo đời sống của người lao động. Trong những ngày lễ, tết hay khi các lao động ốm đau, hoạn nạn, cơ sở may đều có các phần quà để động viên, chia sẻ. Đối với những lao động có con nhỏ hoặc hoàn cảnh gia đình quá khó khăn, chị Phương tạo điều kiện bằng cách cho chị em mang sản phẩm về nhà làm… “Với nguồn lao động theo ngành may mặc tại địa phương dồi dào, phía công ty tại Thành phố Hồ Chí Minh cũng sẵn sàng cung cấp các đơn hàng để cơ sở gia công khi mở rộng quy mô sản xuất. Tôi rất muốn mở rộng cơ sở để tạo thêm việc làm cho các hội viên, phụ nữ trên địa bàn. Tuy nhiên, vấn đề khó khăn nhất đối với tôi chính là thiếu nguồn vốn để mua sắm máy móc, xây dựng nhà xưởng. Trong thời gian tới, nếu được tiếp cận với các nguồn vốn vay ưu đãi, tôi sẽ mở rộng quy mô sản xuất, đồng thời tạo điều kiện để công nhân tại cơ sở được hưởng đầy đủ các quyền, lợi ích hợp pháp của người lao động theo quy định của pháp luật. Đối với những lao động chưa có tay nghề, tôi sẵn sàng nhận đào tạo, sau đó giúp họ tìm được việc làm ngay tại cơ sở”, chị Phương cho biết thêm.

Trao đổi với chúng tôi, Chủ tịch Hội LHPN xã Hải Thọ Phạm Thị Kim Liên cho biết: “Việc mở cơ sở may của chị Phương đã giải quyết việc làm cho nhiều lao động nhàn rỗi tại địa phương và một số vùng lân cận. Hội viên phụ nữ tại Hải Thọ chủ yếu làm nông nghiệp, ngoài 2 vụ lúa, trong thời gian nông nhàn nhu cầu tìm việc làm của chị em phụ nữ khá lớn. Do vậy, cơ sở may của chị Phương được xem là mô hình phù hợp nhất để tạo thêm nguồn thu nhập ổn định cho lao động nông thôn. Nhằm tạo điều kiện để mô hình may này tiếp tục phát triển, trong năm 2019 Hội Phụ nữ đã tạo điều kiện để chị Phương được tiếp cận với nguồn vốn vay giải quyết việc làm với số tiền 50 triệu đồng. Trong thời gian tới, nếu có kênh vay vốn phù hợp, chúng tôi sẽ tiếp tục tạo cơ hội để cơ sở may Quỳnh Phương tiếp tục mở rộng quy mô sản xuất, tạo thêm nhiều việc làm cho lao động là hội viên, phụ nữ tại địa phương”.

Thanh Lê

Nguồn Quảng Trị: http://www.baoquangtri.vn/default.aspx?tabid=72&modid=419&itemid=140621