Nỗ lực đưa nhạc cổ điển gần hơn với công chúng

Sau thời gian tu nghiệp ở Ru-ma-ni, nữ nghệ sĩ, tiến sĩ chuyên ngành Cello đầu tiên tại Việt Nam Đinh Hoài Xuân quyết định trở về nước, dành nhiều thời gian và tâm huyết để đưa nhạc cổ điển đến gần hơn với công chúng. Trong giai đoạn xã hội chịu ảnh hưởng của dịch Covid-19, cô vẫn miệt mài tập luyện và cho ra mắt hàng loạt sản phẩm âm nhạc ấn tượng phát hành trên nền tảng số.

Nghệ sĩ Đinh Hoài Xuân với cây đàn Cello.

Nghệ sĩ Đinh Hoài Xuân với cây đàn Cello.

Sau thời gian tu nghiệp ở Ru-ma-ni, nữ nghệ sĩ, tiến sĩ chuyên ngành Cello đầu tiên tại Việt Nam Đinh Hoài Xuân quyết định trở về nước, dành nhiều thời gian và tâm huyết để đưa nhạc cổ điển đến gần hơn với công chúng. Trong giai đoạn xã hội chịu ảnh hưởng của dịch Covid-19, cô vẫn miệt mài tập luyện và cho ra mắt hàng loạt sản phẩm âm nhạc ấn tượng phát hành trên nền tảng số.

Nghệ sĩ Đinh Hoài Xuân thuộc thế hệ 8X, cô sinh ra ở Quảng Bình, lớn lên tại tỉnh Thừa Thiên Huế. Đến với âm nhạc chuyên nghiệp từ năm 10 tuổi cùng cây đàn Organ và Piano, 19 tuổi Đinh Hoài Xuân mới chinh phục đàn Cello và gắn bó tới bây giờ. Tốt nghiệp Học viện Âm nhạc Huế với tấm bằng thủ khoa, cô tiếp tục học hệ thạc sĩ biểu diễn Violon Cello tại Học viện Âm nhạc Quốc gia Việt Nam, rồi nhận học bổng tiến sĩ của cả hai Chính phủ Việt Nam và Ru-ma-ni chuyên ngành biểu diễn Cello tại Đại học Âm nhạc quốc gia Bu-ca-rét. Năm 2019, Đinh Hoài Xuân từ Ru-ma-ni về nước với tấm bằng Tiến sĩ Cello đầu tiên tại Việt Nam. Sớm có cơ hội tiếp cận với âm nhạc quốc tế, được tiếp xúc cùng nhiều nghệ sĩ tên tuổi và các sắc màu văn hóa, Đinh Hoài Xuân đã luôn khao khát được trở về Tổ quốc để đưa âm nhạc cổ điển đến gần với công chúng hơn.

Chặng đường âm nhạc của nghệ sĩ Đinh Hoài Xuân luôn cho thấy sự nỗ lực, sáng tạo với niềm đam mê không ngừng nghỉ. Năm 2013, Đinh Hoài Xuân phát hành album đầu tay mang tên “Khúc phiêu du một đời” gồm cả DVD và CD độc tấu tám ca khúc của nhạc sĩ Trịnh Công Sơn chuyển soạn cho cây đàn Cello. Đầu năm 2014, cô ra mắt vi-đê-ô ca nhạc “Sóng về đâu” được trích từ album ra mắt trước đó và được đón nhận rộng rãi bởi giới trẻ yêu âm nhạc Việt Nam. Liên tiếp sau đó, nữ nghệ sĩ ra mắt thêm nhiều sản phẩm âm nhạc. Bên cạnh các dự án cá nhân, cô thực hiện những buổi hòa tấu cùng nhiều nghệ sĩ trong nước và nước ngoài, trong đó có dấu ấn đặc biệt vào tháng 12-2016, cùng ba nghệ sĩ đến từ Ru-ma-ni lưu diễn xuyên Việt với chương trình “Violon Cello Concert 1” và sáng lập chuỗi chương trình “Cello Fundamento Concert” tại Nhà hát Lớn Hà Nội. Năm 2019, sau khi từ Ru-ma-ni về nước, cô đã biểu diễn trong chương trình “Cello Fundamento Concert 4” cùng 60 nghệ sĩ trong nước và nước ngoài. Nhiều đồng nghiệp, khán giả bất ngờ, tán thưởng tiết mục “Trống cơm” của cô.

Âm nhạc của nghệ sĩ Đinh Hoài Xuân luôn hướng tới nhiều đối tượng công chúng. Dù bận rộn với các buổi biểu diễn, cô vẫn tranh thủ thời gian thực hiện dự án “Một triệu bàn tay chạm tới Cello” được khởi động vào năm 2020. Cô xác định, dự án có thể sẽ kéo dài nhiều năm, nhưng chắc chắn phải thực hiện tới nơi tới chốn. Cùng với cây đàn, Đinh Hoài Xuân đã mang âm nhạc tới nhiều trường đại học, mỗi lần biểu diễn đều dành thời gian chia sẻ, trò chuyện với sinh viên về đam mê, khát vọng và giá trị mà âm nhạc mang đến cho cuộc sống. Khi tình hình dịch bệnh căng thẳng, cô miệt mài tập luyện, thu âm, ghi hình. Còn ở giai đoạn dịch bệnh được kiểm soát, nữ nghệ sĩ lại lặn lội đến nhiều trường học ở miền trung, biểu diễn cho các thầy giáo, cô giáo và học sinh. Cô chia sẻ, để có nền tảng âm nhạc tốt thì thế hệ trẻ cần được gieo cảm xúc, ấn tượng ngay từ nhỏ. Một trong những kỷ niệm khiến Đinh Hoài Xuân xúc động là hình ảnh các em học sinh vùng nông thôn còn nhiều thiếu thốn nhưng ánh mắt ngời sáng khi vừa nhìn thấy cây đàn Cello luôn được nữ nghệ sĩ ôm vào lòng. Thầy hiệu trưởng nhà trường thì tất bật đi dán thông tin tác phẩm biểu diễn và phát tài liệu kiến thức sơ bộ về đàn Cello.

Thời gian tới, Đinh Hoài Xuân cùng lúc ra mắt loạt sản phẩm âm nhạc cổ điển: Album “Ja vstretil vas” (Em gặp anh) gồm tám tiểu phẩm kinh điển thế giới cho Cello và Piano; album “Salut d’Amour” (Xin chào tình yêu) gồm bảy tiểu phẩm kinh điển của thế giới thu âm cùng nghệ sĩ Lưu Đức Anh; vi-đê-ô âm nhạc đen trắng cổ điển mang tên “Giọt nước mắt của Jaccqueline”. Cũng trong năm 2021, khi tình hình dịch bệnh được kiểm soát, Đinh Hoài Xuân sẽ phối hợp tổ chức “Hòa nhạc cổ điển vì môi trường” tại Cố đô Huế. Từ khi về nước, nữ nghệ sĩ nhận được nhiều lời mời làm đại diện cho các thương hiệu nhưng cô chọn lĩnh vực thúc đẩy được trách nhiệm công dân trước xã hội, trong đó có lĩnh vực bảo vệ môi trường. Điều đó cũng thể hiện ý thức, sự nhất quán của Đinh Hoài Xuân trong cả con đường âm nhạc và cuộc sống.

Trong quá trình hoạt động nghệ thuật, cô được đánh giá cao bởi sự chỉn chu và nhạy bén, bắt nhịp tốt xu hướng hội nhập. Minh chứng cho điều này, nữ nghệ sĩ kết hợp với một công ty hoạt động trong lĩnh vực công nghệ để ký hợp đồng với đối tác quốc tế, chuyển đổi số toàn bộ sản phẩm âm nhạc, phát hành trên nhiều nền tảng số toàn cầu. Ở các nước trong khu vực và thế giới, cách làm này đã khá phổ biến, song nhiều nghệ sĩ trong nước còn chưa nắm bắt kịp. Vừa phát hành các sản phẩm âm nhạc cá nhân, Đinh Hoài Xuân vừa hướng dẫn các đồng nghiệp cách thức để chuyển đổi số nhanh và hiệu quả. Tác phẩm “Khúc phiêu du một đời” của Đinh Hoài Xuân sau khi phát hành trên nền tảng số quốc tế đã lọt tốp đầu trong bảng xếp hạng của kênh Apple iTunes. Đó là động lực để cô tiếp tục lao động, cống hiến cho âm nhạc và tìm nhiều cách thức để mang âm nhạc trở lại với đời sống bằng sự gần gũi và nhân văn.

THỤY PHƯƠNG

Nguồn Nhân Dân: https://nhandan.com.vn/dong-chay/no-luc-dua-nhac-co-dien-gan-hon-voi-cong-chung-638445/