Nỗ lực đưa sở hữu trí tuệ vào cuộc sống
Sản phẩm ngũ cốc Faimy 9 do hộ kinh doanh Lương Khải Quân (thôn Phước Thành Nam, xã Hòa Phong, huyện Tây Hòa) sản xuất đã được bảo hộ nhãn hiệu thành công. Ảnh: THÁI HÀ
Luật Sở hữu trí tuệ (SHTT) năm 2005 là cơ sở quan trọng để thúc đẩy các hoạt động trong lĩnh vực này. Sở KH-CN Phú Yên đã có nhiều hoạt động nhằm đưa những quy định liên quan tới SHTT đi vào cuộc sống.
Truyền thông nâng cao nhận thức người dân
Bảo hộ quyền SHTT ngày càng trở nên quan trọng trong việc thúc đẩy sự sáng tạo, phát triển kinh tế, văn hóa và trở thành điều kiện tiên quyết trong thời đại hội nhập. Nhằm đưa Luật SHTT vào cuộc sống, Sở KH-CN đã đẩy mạnh truyền thông, giúp nâng cao nhận thức cho người dân, các tổ chức và cá nhân có liên quan.
Trong 5 năm qua, hoạt động SHTT tập trung tuyên truyền, phổ biến kiến thức về SHTT trên các phương tiện thông tin đại chúng, trên website của Sở KH-CN, và tuyên truyền trực quan; tổ chức hội nghị tập huấn hướng dẫn doanh nghiệp, tổ chức, cá nhân đăng ký bảo hộ quyền sở hữu công nghiệp, phát triển tài sản trí tuệ.
Theo thống kê từ năm 2016-2020, toàn tỉnh có 187 đối tượng sở hữu công nghiệp được Cục SHTT cấp văn bằng bảo hộ, gồm: 177 nhãn hiệu (trong đó có 1 chỉ dẫn địa lý, 1 nhãn hiệu chứng nhận, 6 nhãn hiệu tập thể), 2 giải pháp hữu ích và 8 kiểu dáng công nghiệp. Việc nhãn hiệu được bảo hộ độc quyền đã góp phần gia tăng nhiều lần giá trị sản phẩm, hàng hóa mang thương hiệu Phú Yên.
Năm 2019, UBND tỉnh ban hành chỉ thị về việc tăng cường công tác quản lý nhà nước về SHTT trên địa bàn tỉnh. Chỉ thị nêu rõ: Để nâng cao chất lượng hoạt động SHTT trên địa bàn tỉnh, Chủ tịch UBND tỉnh yêu cầu các sở, ban ngành; UBND các huyện, thị xã, thành phố đẩy mạnh các hoạt động tuyên truyền, phổ biến, giáo dục pháp luật về SHTT bằng nhiều hình thức truyền thông trên các phương tiện thông tin đại chúng…
Hiện nay, các doanh nghiệp trên địa bàn tỉnh ngày càng chú trọng đăng ký bảo hộ nhãn hiệu, sản phẩm. Nhiều sản phẩm của các doanh nghiệp ở Phú Yên đã thâm nhập thị trường ngoài tỉnh, đem lại uy tín thương hiệu của doanh nghiệp nhờ được đăng ký bảo hộ nhãn hiệu. Trong đó, các sản phẩm bò một nắng Phú Yên, tiêu Sơn Thành, cá ngừ đại dương Phú Yên, sò huyết Ô Loan, nước mắm Phú Yên, bánh tráng Phú Yên… được người tiêu dùng trong và ngoài tỉnh biết đến.
Bảo hộ nhãn hiệu mang lợi thế cạnh tranh
Sản phẩm có chất lượng, có nhãn hiệu, thương hiệu uy tín là điều kiện cần và đủ để người tiêu dùng ưu tiên lựa chọn. Trong cơ chế thị trường, khi sản phẩm có nhãn hiệu được cơ quan chức năng của Nhà nước bảo hộ sẽ tạo ra lợi thế cạnh tranh hơn những sản phẩm cùng loại nhưng không được bảo hộ.
Xuất phát điểm ban đầu chỉ là thu mua nông sản tại địa phương và rang xay ngũ cốc thủ công để bán cho người dân trong xã nhưng sau đó, khi tạo được uy tín và muốn sản phẩm lan ra ngoài tỉnh, vào các hệ thống bán lẻ nên hộ kinh doanh Lương Khải Quân (thôn Phước Thành Nam, xã Hòa Phong, huyện Tây Hòa) đã nhờ đơn vị tư vấn đăng ký nhãn hiệu. Hiện tại sản phẩm ngũ cốc “Faimy 9” của hộ kinh doanh này đã được bảo hộ nhãn hiệu thành công.
Bà Lương Thị Huỳnh Triểm, chủ cơ sở này cho biết: Sản phẩm muốn bán được phải có nhãn hiệu để phân biệt với các sản phẩm cùng loại khác có mặt trên thị trường. Hộ sản xuất cũng có thể xây dựng nhãn hiệu và đăng ký bảo hộ. Sản phẩm không đăng ký bảo hộ có thể vẫn bán được hàng nhưng không đủ uy tín và sức lan tỏa. Trường hợp cơ sở gầy dựng được uy tín, nhãn hiệu nhưng không đăng ký bảo hộ dễ bị người khác lấy nhãn hiệu đó đi đăng ký, lúc đó Nhà nước chỉ bảo hộ cho người đã đăng ký nhãn hiệu, người còn lại sẽ được xem là sử dụng nhãn hiệu bất hợp pháp và bị xử lý theo quy định của pháp luật.
Là sản phẩm thí điểm sử dụng nhãn hiệu chứng nhận Bò một nắng Phú Yên, sản phẩm bò một nắng của Công ty TNHH Sản xuất thực phẩm A Lý có nhiều cơ hội lan tỏa đến các thị trường ngoài tỉnh. Ông Phạm Văn Hổ, Giám đốc Công ty TNHH Sản xuất thực phẩm A Lý, cho biết: “Tôi rất tự hào khi sản phẩm của mình được dán nhãn hiệu chứng nhận Bò một nắng Phú Yên. Để có được nhãn hiệu này, tôi phải tuân thủ quy trình sản xuất rất nghiêm ngặt, cho ra thị trường những sản phẩm thực sự chất lượng. Từ khi có nhãn hiệu chứng nhận, tôi tự tin đưa sản phẩm đi giới thiệu tại các hội chợ triển lãm trong cả nước và được người tiêu dùng đánh giá rất cao”.
Nhận thức được tầm quan trọng của hoạt động SHTT, Phú Yên đã tích cực xây dựng và phát triển thương hiệu sản phẩm thế mạnh của tỉnh thông qua Chương trình hỗ trợ phát triển tài sản trí tuệ (gọi tắt là Chương trình 68) và đạt được những kết quả đáng ghi nhận. Tháng 8/2020, UBND tỉnh ban hành kế hoạch triển khai thực hiện chiến lược SHTT đến năm 2030 trên địa bàn tỉnh Phú Yên giai đoạn 2021-2025. Tiếp đó, tháng 3/2021, UBND tỉnh có quyết định phê duyệt chương trình phát triển tài sản trí tuệ tỉnh Phú Yên đến năm 2030.
Ông Nguyễn Minh Đức, chuyên viên Văn phòng đại diện Cục SHTT (Bộ KH-CN) tại Đà Nẵng, khẳng định bảo hộ quyền SHTT đối với các sản phẩm địa phương chính là khẳng định sự thành công của thương hiệu, nâng cao giá trị, uy tín sản phẩm. Bên cạnh đó, bảo hộ quyền SHTT đối với các sản phẩm địa phương cũng hỗ trợ phát triển nông nghiệp nông thôn, phát triển ngành nghề truyền thống và các dịch vụ du lịch vùng; tạo công ăn việc làm cho người dân; góp phần gìn giữ giá trị văn hóa truyền thống.
Để Luật SHTT thực sự đi vào cuộc sống, nâng cao hoạt động SHTT trên địa bàn tỉnh không chỉ cần sự vào cuộc mạnh mẽ của các ban ngành, đơn vị chức năng mà còn cần nâng cao hơn nữa nhận thức của người dân, doanh nghiệp về tầm quan trọng của quyền SHTT để tự bảo vệ quyền lợi của chính mình, tự tin đẩy mạnh hoạt động sản xuất mà không lo ngại bị xâm phạm.
Nguồn Phú Yên: http://www.baophuyen.com.vn/79/258128/no-luc-dua-so-huu-tri-tue-vao-cuoc-song.html