Nỗ lực duy trì học trực tiếp

Khi số ca nhiễm Covid-19 trong trường học gia tăng nhanh, thành phố Hồ Chí Minh khẩn trương ban hành nhiều chỉ đạo, hướng dẫn để các địa phương siết chặt hơn nữa quy trình phòng, chống dịch, hạn chế lây lan diện rộng. Tự thân các trường cũng nỗ lực hết sức nhằm duy trì việc học trực tiếp nhưng vẫn bảo đảm an toàn cho học sinh.

Trường Tiểu học Nguyễn Bỉnh Khiêm đang nỗ lực siết chặt quy trình phòng dịch.

Trường Tiểu học Nguyễn Bỉnh Khiêm đang nỗ lực siết chặt quy trình phòng dịch.

Quay trở lại trường học trực tiếp từ sau Tết Nguyên đán đến nay, Nguyễn Vân An (học sinh lớp 5/6, Trường tiểu học Nguyễn Bỉnh Khiêm, quận 1) rất phấn khởi khi được gặp gỡ thầy cô, bạn bè thay vì suốt ngày trao đổi qua màn hình máy tính. Do được ba mẹ dặn dò kỹ và giáo viên hướng dẫn tận tình cho nên ngay từ cổng trường, Vân An đã thực hiện tốt quy định phòng dịch của nhà trường như đo thân nhiệt, rửa tay sát khuẩn, thực hiện thông điệp 5K. "Lên lớp, tụi con cũng hạn chế nói chuyện hay tụ tập, nhất là trong giờ ăn bán trú. Cô giáo luôn dặn tụi con thường xuyên rửa tay, giữ khoảng cách, đeo khẩu trang và ăn uống đầy đủ. Con thích học tại lớp lắm vì rất vui, học qua máy tính đau mắt và chẳng được gặp ai", Vân An cho biết thêm.

Bên cạnh việc bố trí sáu máy đo thân nhiệt, rửa tay sát khuẩn tự động tại bốn cổng ra vào, Trường tiểu học Nguyễn Bỉnh Khiêm còn đặt thêm mười máy rửa tay tự động tại khu vực hành lang lớp học. Giáo viên là người thường xuyên giám sát, nhắc nhở học sinh rửa tay, đeo khẩu trang trong suốt quá trình học tập, sinh hoạt tại trường. Ngoài phòng y tế, trường dành một hội trường rộng làm khu vực cách ly cho học sinh nghi nhiễm. Tại đây, các bảo mẫu, nhân viên luân phiên túc trực để kịp thời hỗ trợ, động viên tinh thần học sinh trong khi các em chờ kết quả xét nghiệm hoặc đợi gia đình đến đón.

Nhà trường thực hiện nghiêm việc giám sát đầu giờ, giờ ăn bán trú và lúc tan học nhằm siết chặt quy trình phòng dịch, kịp thời nhắc nhở các trường hợp chưa chấp hành nghiêm. Ngoài các máy móc, trang thiết bị dùng chung, 41 lớp học đã trang bị thêm nước rửa tay sát khuẩn hoặc máy rửa tay tự động nhằm giảm đến mức thấp nhất nguy cơ lây nhiễm. Ban chỉ đạo phòng, chống dịch của trường có sự tham gia đầy đủ của các tổ trưởng chuyên môn, bảo đảm các chỉ đạo, hướng dẫn được phổ biến kịp thời cho từng giáo viên, bảo mẫu.

Bà Ðỗ Ngọc Chi, Hiệu trưởng nhà trường cho hay: "Trước kia, nhà trường chia ca ăn trưa ngay tại sân chung cho các lớp bán trú, giờ đây, việc ăn trưa được tổ chức riêng cho mỗi lớp để hạn chế tiếp xúc, tập trung đông người. Chúng tôi đang cố gắng hết mức có thể để duy trì lớp học trực tiếp nhưng vẫn bảo đảm an toàn cho học sinh trong điều kiện hiện nay. Các chỉ đạo, hướng dẫn từ cấp trên đều được triển khai ngay, cùng với đó là sự thích ứng linh hoạt tùy điều kiện thực tế của từng lớp. Nhà trường phối hợp chặt chẽ với cha mẹ học sinh và đã nhận được sự hỗ trợ, tương tác rất tích cực. Chúng tôi mong tiếp tục nhận được sự đồng thuận, chia sẻ từ phía cha mẹ học sinh để các con được đến trường học trực tiếp an toàn và đạt hiệu quả cao nhất".

Với khoảng 90% số học sinh tham gia học trực tiếp, điều may mắn là đến thời điểm hiện tại, số ca F0 xuất hiện tại Hệ thống trường Hội nhập Quốc tế BambooSchool khá ít, có lớp vẫn bảo đảm được "vùng xanh". Theo ông Trần Từ Duy, Giám đốc Ðiều hành BambooSchool, nhờ có sự chuẩn bị chu đáo từ trước và tập huấn kỹ càng cho đội ngũ giáo viên mà ngay cả khi xuất hiện F0, giáo viên vẫn bình tĩnh xử lý, khoanh vùng, hỗ trợ học sinh kịp thời và hạn chế lây lan.

Với lớp có học sinh nhiễm Covid-19, trong vòng 24 giờ nhà trường sẽ chuyển đổi từ hình thức trực tiếp sang trực tuyến nhằm bảo đảm việc cung cấp kiến thức cho học sinh nhanh chóng, an toàn. Thông qua hình thức trực tuyến, giáo viên chủ nhiệm các lớp liên tục cập nhật thông tin hằng ngày, đội ngũ nhân viên y tế kịp thời tư vấn cho các gia đình có học sinh là F0. Hai tuần một lần, nhà trường tổ chức họp trực tuyến để kịp thời động viên và hỗ trợ tư vấn về tâm lý, cũng như cung cấp các biện pháp giúp học sinh thích nghi với tình hình mới.

"Ðiểm thuận lợi là chúng tôi nhận được sự đồng hành rất lớn từ cha mẹ học sinh và đội ngũ giáo viên, nhân viên trong hệ thống. Thế nhưng, vẫn còn nhiều điểm khó cần sớm tháo gỡ để quy trình phòng, chống dịch tại các trường linh động hơn. Cụ thể như quy định về việc các trường chủ động chuyển đổi hình thức giảng dạy cần cụ thể, nhất quán hơn. Cùng với đó là các văn bản hướng dẫn kịp thời để các trường chủ động tính toán phương án, tránh cập rập. Ngoài ra, chi phí xét nghiệm F1 và F0 cũng là vấn đề lớn của các trường trong khi các chính sách về hỗ trợ từ đầu năm học đến nay vẫn chưa có gì cụ thể. Các trường cần sự đồng hành từ các cấp chính quyền, hoặc ít nhất là các hướng dẫn, sự chia sẻ về mặt chi phí giữa các bên", ông Duy đề xuất.

Không riêng gì hệ thống giáo dục phổ thông mà các trường đại học, cao đẳng, trung cấp trên địa bàn thành phố cũng linh động triển khai nhiều mô hình cần thiết nhằm nâng cấp mức độ an toàn cho người học. Các trường đồng loạt triển khai nhiều giải pháp phòng dịch như: hạn chế tối đa chương trình ngoại khóa tập trung đông người, yêu cầu sinh viên tuân thủ thông điệp 5K, sẵn sàng các phương án hỗ trợ việc học và thi cử, sinh hoạt cho F0 là sinh viên ở trọ xa nhà… Một số trường đang khẩn trương rà soát danh sách sinh viên chưa tiêm đủ vắc-xin và tiến hành tiêm bổ sung nhằm giúp người học có thêm "lá chắn" phòng dịch.

Ngay sau Tết Nguyên đán, Trường đại học Kinh tế-Tài chính TP Hồ Chí Minh đã tổ chức cho sinh viên đăng ký tiêm vắc-xin bổ sung theo hình thức trực tuyến. Ðến thời điểm hiện tại, trường đã phối hợp Trung tâm Y tế quận Bình Thạnh và các cơ sở y tế tổ chức các buổi tiêm vắc-xin phòng Covid-19 tăng cường cho hơn 950 sinh viên. Ðại diện nhà trường cho biết, kênh đăng ký trực tuyến vẫn tiếp tục mở cho đến hết tuần này để có thêm nhiều sinh viên được tiêm vắc-xin bổ sung, góp phần hạn chế nguy cơ lây nhiễm dịch bệnh tại giảng đường.

Bài và ảnh: KIM NGÂN

Nguồn Nhân Dân: https://nhandan.vn/tin-chung1/no-luc-duy-tri-hoc-truc-tiep-687876/