Nỗ lực duy trì, nâng cao chất lượng toàn diện hoạt động xuất bản
Ngày Sách Việt Nam (21-4) năm nay diễn ra trong bối cảnh cả xã hội đang chung sức, đồng lòng phòng, chống đại dịch Covid-19.
Trước tình hình đó, làm thế nào để duy trì hoạt động xuất bản quân sự và góp phần giữ lửa cho văn hóa đọc trong cán bộ, chiến sĩ quân đội và công chúng? Về vấn đề này, phóng viên Báo Quân đội nhân dân có cuộc trao đổi với Đại tá, Thạc sĩ Đậu Xuân Luận, Giám đốc, Tổng biên tập Nhà xuất bản (NXB) Quân đội nhân dân (QĐND).
Phóng viên (PV): Ngày Sách Việt Nam năm nay tuy không được tổ chức nhộn nhịp như những năm trước nhưng vẫn là một hoạt động văn hóa được nhiều người quan tâm. Đồng chí có thể chia sẻ đôi nét về hoạt động này?
Đại tá Đậu Xuân Luận: Đọc sách là nét đẹp truyền thống được lưu giữ từ khi con người tìm ra chữ viết và khắc nó vào các phương tiện thô sơ nhất, cho đến thời kỳ bùng nổ thông tin hiện nay. Từ nhiều năm qua, hoạt động đọc sách của thế giới nói chung và Việt Nam nói riêng luôn tiếp diễn như một dòng chảy bất tận và được tôn vinh là nét đẹp văn hóa của con người. Trong dịp Ngày Sách Việt Nam, cùng với các hoạt động khác liên quan đến sách thì sự kiện này góp phần làm cho ngọn lửa đọc sáng lên, làm dày thêm văn hóa đọc của con người Việt Nam.
PV: Trong dòng chảy đó, theo đồng chí, sách điện tử có được coi là một sản phẩm văn hóa?
Đại tá Đậu Xuân Luận: Sách điện tử là kết quả của trí tuệ con người trong quá trình phát triển. Ưu thế của sách điện tử là: Tạo ra những xuất bản phẩm chất lượng cao đáp ứng ngày càng tốt hơn nhu cầu bạn đọc trong thời đại phát triển của công nghệ thông tin và truyền thông; sinh động, trực quan và tăng khả năng truyền bá nội dung của xuất bản phẩm, phù hợp với thị hiếu và nhu cầu của một bộ phận lớn độc giả, nhất là độc giả trẻ; tiết kiệm chi phí xuất bản, quản lý và phát hành; phát hành đồng bộ, nhanh chóng, sâu rộng, mọi lúc, mọi nơi... Sự khác nhau cơ bản nhất giữa sách điện tử và sách truyền thống nằm ở hình thức thể hiện, phương tiện biểu đạt, cách thức tiếp cận. Còn thì bản chất cốt lõi của chúng không có gì khác, đều chuyển tải tri thức, văn hóa đến con người.
Tuy chịu tác động từ xã hội thông tin bùng nổ nhưng thực tế xuất bản theo phương thức truyền thống vẫn phát huy hiệu quả ở những môi trường như môi trường quân sự, giáo dục-đào tạo, nghiên cứu khoa học... Do vậy, mảng sách quân sự, sách giáo khoa, giáo trình, sách nghiên cứu chuyên sâu, sách lịch sử, những tác phẩm kinh điển có giá trị... vẫn chiếm ưu thế. Mặt khác, khi đọc sách truyền thống sẽ đọng lại tri thức, thông tin sâu sắc hơn trong tư duy, ký ức con người.
PV: Trước bối cảnh đại dịch Covid-19, NXB QĐND đã có kế hoạch gì để góp phần duy trì văn hóa đọc trong quân đội nói riêng và văn hóa đọc nước nhà nói chung?
Đại tá Đậu Xuân Luận: Dù chịu ảnh hưởng của đại dịch Covid-19, nhưng công tác xuất bản vẫn được NXB QĐND duy trì nền nếp, tích cực bằng cách làm thích hợp. Từ sách phục vụ các nhiệm vụ trọng đại của đất nước và quân đội, sách phục vụ nhiệm vụ tuyên truyền giáo dục, huấn luyện, hướng dẫn nghiệp vụ đến sách phục vụ kỷ niệm ngày thành lập, ngày truyền thống của các đơn vị, sách văn hóa, văn học nghệ thuật phục vụ đời sống tinh thần bộ đội... đều bảo đảm tiến độ. Sách của NXB QĐND luôn giữ vững định hướng chính trị, ngày càng nâng cao chất lượng nội dung và kỹ thuật, mỹ thuật.
Ngày Sách Việt Nam năm nay sẽ không được tổ chức quy mô như những năm trước, tuy nhiên, thực hiện chỉ đạo của cấp trên và cơ quan chức năng, NXB QĐND đã phối hợp với các nhà xuất bản trong cả nước tổ chức tuyên truyền, giới thiệu sách đến bạn đọc thông qua sàn giao dịch sách trên hệ thống xuất bản điện tử của NXB Thông tin và Truyền thông, trên các phương tiện thông tin truyền thông, internet và website của NXB QĐND. Thông qua hệ thống xuất bản điện tử của mình, NXB QĐND đã tổ chức đọc sách miễn phí nhằm tuyên truyền, giới thiệu sách tới các cơ quan, đơn vị trong toàn quân, trong đó chú trọng bộ sách Kỷ niệm 90 năm Ngày thành lập Đảng Cộng sản Việt Nam (3-2), 45 năm Ngày Giải phóng miền Nam, thống nhất đất nước (30-4), 150 năm Ngày sinh V.I.Lênin (22-4), 130 năm Ngày sinh Chủ tịch Hồ Chí Minh (19-5), sách hướng dẫn đại hội đảng các cấp... Đồng thời, tổ chức tuyên truyền về ý nghĩa của Ngày sách Việt Nam 21-4, khơi dậy tinh thần ham mê đọc sách của bộ đội thông qua một số hoạt động, như: Hướng dẫn tổ chức các cuộc thi tìm hiểu về sách, thi viết giới thiệu về cuốn sách yêu thích của mỗi người…
PV: Là người “đứng mũi chịu sào” cơ quan xuất bản hàng đầu của toàn quân, đồng chí suy nghĩ gì về vai trò, trách nhiệm của đội ngũ cán bộ, biên tập viên xuất bản hiện nay?
Đại tá Đậu Xuân Luận: Người ta từng ví nghiệp viết và nghề xuất bản là nghề phu chữ nhọc nhằn. Nhưng không vì thế mà những người cầm bút có tâm và những người làm công tác xuất bản chân chính đi chệch hướng cũng như xao nhãng nhiệm vụ chính trị của mình. Có lẽ sách đã cho con người những cảm nhận đặc biệt về giá trị của công việc mà mình đang làm. Nói về mảng sách lịch sử, quân sự, hồi ký cách mạng, văn học về đề tài LLVT và chiến tranh cách mạng, tôi luôn dành một tình cảm đặc biệt, một sự biết ơn sâu sắc đến những người lính cầm bút, những cựu chiến binh, những nhà khoa học, những nhà văn, nhà thơ, nhà báo... đã có nhiều đóng góp giá trị cho mảng sách này.
Trong mọi hoàn cảnh, đội ngũ cán bộ, biên tập viên NXB QĐND luôn vững vàng về bản lĩnh, trau dồi và nâng cao đạo đức nghề nghiệp, năng lực nghiệp vụ; tiếp tục làm tốt công tác xuất bản sách phục vụ các sự kiện trọng đại của đất nước và quân đội, xuất bản những ấn phẩm văn hóa lành mạnh, góp phần nuôi dưỡng tâm hồn, nâng cao đời sống văn hóa của bộ đội và nhân dân.
PV: Trân trọng cảm ơn đồng chí!