Nỗ lực giảm nghèo tại các huyện 30a

ĐBP - Tỉnh ta có 5 huyện được thụ hưởng chính sách theo Nghị quyết 30a của Chính phủ, gồm: Ðiện Biên Ðông, Tủa Chùa, Mường Ảng, Nậm Pồ, Mường Nhé. Sau hơn 10 năm thực hiện những chính sách đặc thù phù hợp tâm tư, nguyện vọng của người nghèo, kết quả giảm nghèo tại các huyện 30a có nhiều chuyển biến tích cực, tỷ lệ hộ nghèo giảm bình quân 5,25%/năm.

Những năm qua, cơ sở hạ tầng trên địa bàn huyện Ðiện Biên Ðông được đầu tư từ nguồn vốn 30a. Trong ảnh: Bê tông hóa đường giao thông trên địa bàn xã Mường Luân.

Thời điểm triển khai Nghị quyết 30a (năm 2008), tỷ lệ hộ nghèo trên địa bàn các huyện 30a là gần 20 nghìn hộ, chiếm 57,5% tổng dân số của các huyện. Xuất phát điểm của các huyện 30a thấp, sản xuất chỉ mang tính tự cung tự cấp, tập quán sản xuất lạc hậu; diện tích đất canh tác ít, địa hình dốc lại thường xuyên chịu ảnh hưởng mưa lũ, sạt lở đất nên phát triển kinh tế gặp nhiều khó khăn. Nguồn lao động dồi dào nhưng phần lớn chưa qua đào tạo, chất lượng lao động thấp ảnh hưởng đến hiệu quả kinh tế và công tác giảm nghèo. Cùng với đó, không ít xã, bản, tội phạm và tệ nạn ma túy diễn biến phức tạp, tình trạng vượt biên trái phép, buôn bán người, tàng trữ và sử dụng vũ khí trái phép... đã ảnh hưởng không nhỏ đến tình hình an ninh trật tự địa bàn và làm chậm, giảm hiệu quả các chương trình, dự án xóa đói giảm nghèo ở địa phương.

Thực hiện Nghị quyết 30a, chính quyền các huyện thụ hưởng đã tập trung thực hiện các chính sách giảm nghèo nhanh và bền vững, như: Hỗ trợ sản xuất, tạo việc làm, tăng thu nhập; hỗ trợ phát triển dạy nghề, nâng cao dân trí; đào tạo cán bộ; đầu tư phát triển cơ sở hạ tầng… Qua đó, đã góp phần thay đổi nhận thức người dân trong công tác xóa đói, giảm nghèo; hạ tầng được đầu tư đồng bộ, tạo điều kiện thuận phát triển kinh tế.

Năm 2015, huyện Ðiện Biên Ðông là một trong những huyện có tỷ lệ hộ nghèo cao nhất tỉnh (70,88%). Lộ trình giảm nghèo bền vững của huyện phải đối mặt với nhiều thách thức như: Ðịa bàn rộng, dân cư sống rải rác, tâm lý trông chờ sự hỗ trợ từ Nhà nước của một bộ phận dân cư; hệ thống hạ tầng phục vụ dân sinh còn yếu, nhiều tuyến đường liên xã chưa được bê tông hóa, kênh mương thủy lợi chưa hoàn thiện... sản xuất nông, lâm nghiệp là chủ đạo (chiếm gần 80% cơ cấu kinh tế) nhưng giá trị sản xuất rất thấp.

Nói về công tác giảm nghèo trên địa bàn huyện, ông Bùi Xuân Thức, Trưởng phòng Lao động - Thương binh và Xã hội huyện Ðiện Biên Ðông cho biết: Trước hết huyện chú trọng công tác tuyên truyền, phổ biến chính sách, pháp luật về giảm nghèo, khoa học - kỹ thuật, cách làm hay, mô hình phát triển kinh tế hiệu quả đến người dân, nhằm giúp họ chuyển biến về ý thức, vươn lên thoát nghèo. Cùng với đó là thực hiện hiệu quả các nguồn vốn hỗ trợ từ Nghị quyết 30a. Kết quả là tỷ lệ hộ nghèo giảm từ 70,88% cuối năm 2015 xuống còn 50,58% năm 2019, bình quân giai đoạn 2016 - 2019 mỗi năm giảm 5,25% hộ nghèo. Ðời sống của người nghèo cũng đã có sự cải thiện, thu nhập bình quân của hộ nghèo tăng từ 6,1 triệu đồng/người (năm 2016) lên 9,3 triệu đồng/người/năm hiện nay. Các vấn đề cơ bản, bức xúc nhất đối với hộ nghèo, hộ cận nghèo, người dân tộc thiểu số như: Nhà ở, nước sinh hoạt, đất sản xuất, dịch vụ y tế, giáo dục... đã được giải quyết kịp thời. Kết quả đó đã góp phần quan trọng thúc đẩy kinh tế - xã hội của huyện phát triển, từng bước nâng cao đời sống vật chất và tinh thần của người dân.

Theo thống kê của Sở Lao động - Thương binh và Xã hội, những năm qua, các huyện 30a đã tích cực triển khai nhiều chương trình, chính sách, dự án đặc thù, tạo động lực cần thiết để người nghèo vươn lên thoát nghèo. Giai đoạn 2016 - 2020, nguồn vốn chương trình 30a phân bổ cho các huyện 30a hơn 1.500 tỷ đồng để thực hiện công tác xóa đói giảm nghèo. Tính đến năm 2019, tỷ lệ hộ nghèo bình quân của các huyện 30a là 47,11% (theo tiêu chí nghèo đa chiều), bình quân giảm 5,25%/năm. Trong đó, một số huyện tỷ lệ hộ nghèo giảm mạnh như: Mường Ảng giảm 30,85%; Tủa Chùa giảm 47,50%; Ðiện Biên Ðông giảm 50,58%.

Ðể thực hiện mục tiêu đến năm 2025, tỷ lệ hộ nghèo tại các huyện 30a giảm còn 21,81%, các cấp, ngành cần tập trung khắc phục những hạn chế, bất cập hiện nay. Ðó là trình độ nhận thức, ý thức của người dân chưa cao, sản xuất hàng hóa chưa phát triển, một số ngành nghề sau khi đào tạo chưa phát huy hiệu quả. Chưa có nhiều mô hình sản xuất và chăn nuôi phát huy hiệu quả, vấn đề tiêu thụ sản phẩm vẫn chưa có hướng đi bền vững. Các chương trình giải phóng sức lao động, nâng cao thu nhập người dân như xuất khẩu lao động chưa đạt chỉ tiêu kế hoạch giao, số lao động xuất khẩu còn thấp. Ðặc biệt là tâm lý bằng lòng với cuộc sống hiện tại, không quyết tâm vươn lên thoát nghèo của một số người nghèo, còn trông chờ, ỷ lại vào sự hỗ trợ của Nhà nước.

Bài, ảnh: Quốc Huy

Nguồn Điện Biên Phủ: http://baodienbienphu.info.vn/tin-tuc/kinh-te/178539/no-luc-giam-ngheo-tai-cac-huyen-30a