Nỗ lực giảm nghèo thực chất, bền vững

Với nỗ lực của cả hệ thống chính trị, đặc biệt là sự lãnh đạo, chỉ đạo quyết liệt của lãnh đạo Tỉnh ủy, UBND tỉnh, đến nay, Chương trình mục tiêu quốc gia giảm nghèo bền vững trên địa bàn tỉnh Long An đạt nhiều kết quả tích cực.

 Tổ liên kết chằm nón lá ở ấp Lộc Hưng, xã Lộc Giang, huyện Đức Hòa được hỗ trợ vốn sản xuất

Tổ liên kết chằm nón lá ở ấp Lộc Hưng, xã Lộc Giang, huyện Đức Hòa được hỗ trợ vốn sản xuất

Đẩy mạnh đào tạo nghề, giải quyết việc làm

Bà Nguyễn Hồng Mai, Giám đốc Sở LĐTB-XH tỉnh Long An, cho biết, để giảm số lượng hộ nghèo trên địa bàn, nhiều năm qua, tỉnh tập trung tạo việc làm bền vững, giảm dần lao động trong lĩnh vực nông nghiệp; chú trọng công tác đào tạo nghề cho người lao động, nâng cao tỷ lệ lao động qua đào tạo nghề có bằng cấp, chứng chỉ; tạo ra nhiều việc làm mới; hỗ trợ người lao động thất nghiệp sớm nhanh chóng quay trở lại thị trường; tạo môi trường làm việc an toàn, đảm bảo tốt các điều kiện lao động và an sinh xã hội. Ngoài ra, thị trường lao động trở thành 1 phần động lực thúc đẩy sự chuyển dịch cơ cấu lao động theo hướng công nghiệp hóa, hiện đại hóa, chuyển lao động nông nghiệp sang khu vực sản xuất công nghiệp,...

Thời gian tới, tỉnh đẩy mạnh phát triển thị trường lao động theo hướng linh hoạt, hiệu quả và hội nhập nhằm phục vụ yêu cầu phát triển kinh tế - xã hội của tỉnh. Củng cố và mở rộng thị trường lao động phù hợp với trình độ, tay nghề, nhu cầu việc làm; tăng cường ứng dụng công nghệ thông tin, chuyển đổi số, thực hiện số hóa; nâng cao năng lực dự báo nhu cầu sử dụng; chú trọng giải pháp tạo việc làm bền vững, việc làm mới, lao động thanh niên, lao động trung niên, lao động yếu thế, lao động nữ; sử dụng lao động có hiệu quả thông qua các chương trình, dự án, chính sách hỗ trợ việc làm bền vững, tín dụng hỗ trợ việc làm...

Bên cạnh đó, tỉnh nâng cao chất lượng, hiệu quả công tác đưa lao động đi làm việc ở nước ngoài theo hợp đồng; ổn định, duy trì các thị trường hiện có, mở rộng thị trường có thu nhập cao; đa dạng hình thức làm việc, phù hợp với trình độ, kỹ năng nghề của người lao động.

Tỉnh Long An đặt mục tiêu đến cuối năm 2030 giảm 1/2 số hộ nghèo theo chuẩn nghèo đa chiều giai đoạn 2026-2030. Hàng năm, tỉnh giảm 15% tổng số hộ nghèo. Để đạt mục tiêu trên, tỉnh Long An tăng cường công tác phối hợp giữa các sở, ngành đầu mối dự án, tiểu dự án và các địa phương để nâng cao hiệu quả công tác triển khai chương trình giảm nghèo trên địa bàn. Tỉnh cũng tăng cường công tác kiểm tra, giám sát nhằm phát hiện và đưa ra kiến nghị đối với công tác giảm nghèo của các địa phương; khắc phục hạn chế, khó khăn trong thực hiện chương trình mục tiêu quốc gia giảm nghèo bền vững. Tỉnh Long An phấn đấu đến cuối năm 2024 giải ngân 100% nguồn vốn được phân bổ hơn 65 tỷ đồng, gồm vốn đầu tư phát triển hơn 7 tỷ đồng, vốn sự nghiệp hơn 58 tỷ đồng.

Sở LĐTB-XH cũng đã triển khai thực hiện hiệu quả Đề án “Phát triển quan hệ lao động trên địa bàn tỉnh Long An, giai đoạn 2024-2025, định hướng đến năm 2030”, đồng thời đổi mới, nâng cao chất lượng giáo dục nghề nghiệp theo hướng mở và linh hoạt, đáp ứng yêu cầu về nhân lực chất lượng cao và hội nhập quốc tế. Sở còn chú trọng đào tạo nguồn nhân lực có kỹ năng nghề, đặc biệt là nhân lực chất lượng cao theo hướng ứng dụng, thực hành, đáp ứng nhu cầu nhân lực cho thị trường lao động, góp phần nâng cao năng suất và sức cạnh tranh. Ngoài ra, sở đẩy mạnh việc gắn kết giáo dục nghề nghiệp với thị trường lao động và việc làm bền vững, tăng cường hợp tác giữa cơ sở giáo dục nghề nghiệp và doanh nghiệp trong tuyển sinh, đào tạo và giải quyết việc làm. Sở đã xây dựng dự báo nhu cầu đào tạo, đặc biệt trong các ngành khoa học - kỹ thuật, công nghệ có tỷ lệ phát triển cao…

Tập trung gỡ khó

Thời gian qua, nhiều chính sách, chương trình, dự án hỗ trợ giảm nghèo được tỉnh Long An khẩn trương triển khai thực hiện, nhằm tạo điều kiện cho hộ nghèo, hộ cận nghèo ổn định đời sống, phát triển sản xuất vươn lên thoát nghèo. Tỉnh còn đẩy mạnh thực hiện một số chính sách ưu đãi như: y tế, giáo dục, nhà ở, tín dụng ưu đãi, hỗ trợ đào tạo nghề, tạo việc làm, xuất khẩu lao động, nước sạch vệ sinh, thông tin, hỗ trợ phát triển sản xuất, đa dạng hóa sinh kế và nhân rộng mô hình giảm nghèo. Nhờ đó, đã góp phần cải thiện, nâng cao chất lượng đời sống vật chất, tinh thần của người nghèo, người cận nghèo…

Tuy nhiên, thực tế triển khai còn gặp nhiều khó khăn, vướng mắc dẫn đến một số công việc chậm tiến độ, hiệu quả chưa cao. Chẳng hạn như các vướng mắc, bất cập trong bố trí, sử dụng nguồn vốn. Cụ thể, theo Nghị quyết số 111/2024/QH15 về một số cơ chế, chính sách đặc thù thực hiện các Chương trình mục tiêu quốc gia ban hành ngày 18-1-2024, nhưng không thể áp dụng ngay vì không có hướng dẫn của bộ chủ quản, dẫn đến việc hiểu và áp dụng Nghị quyết này ở các địa phương còn lúng túng. Một số văn bản pháp lý của Trung ương trong triển khai thực hiện Chương trình còn sửa đổi, bổ sung nên ảnh hưởng rất nhiều đến việc thực hiện chương trình giảm nghèo. Như Thông tư 03/2024/TT-BLĐTBXH thay thế Thông tư 02/2023/TT-BLĐTBXH và Thông tư số 09/2022/TT-BLĐTBXH của Bộ trưởng Bộ LĐTB-XH dẫn đến việc phải ban hành Nghị quyết sửa đổi, bổ sung hoặc thay thế văn bản đang áp dụng.

 Nông dân huyện Mộc Hóa nhận Chứng nhận học nghề kỹ thuật trồng cây ăn trái

Nông dân huyện Mộc Hóa nhận Chứng nhận học nghề kỹ thuật trồng cây ăn trái

Hiện nay, các đơn vị sử dụng vốn Chương trình mục tiêu quốc gia giảm nghèo bền vững khẩn trương thực hiện và giải ngân nguồn vốn để hỗ trợ người dân thông qua dự án nông nghiệp và phi nông nghiệp, như: chăn nuôi (nuôi bò, nuôi cá lóc, gia cầm), trồng trọt, hỗ trợ máy phun thuốc... Trong đó, dự án nuôi bò sinh sản và bò thịt là chủ yếu, chiếm hơn 90% các dự án hỗ trợ người dân trên địa bàn tỉnh. Các địa phương triển khai dự án hỗ trợ tốt là các huyện: Tân Hưng, Vĩnh Hưng, Đức Hòa, Đức Huệ, Tân Thạnh, Mộc Hóa (chăn nuôi bò)… Tuy nhiên, do các huyện thực hiện dự án chỉ tạm ứng 30%-40% cho nhà cung cấp; khi đáp ứng đầy đủ theo yêu cầu hợp đồng mới thanh, quyết toán, dẫn đến tiến độ giải ngân chậm (Tân Hưng, Đức Huệ, Mộc Hóa). 2 huyện Cần Đước, Cần Giuộc thực hiện tốt các dự án chăn nuôi gia cầm (gà, vịt...) đã góp phần giải ngân tốt nguồn kinh phí được giao. Đến nay, các địa phương còn lại đang tiến hành các bước để thực hiện dự án.

Trước đó, Nghị định số 38/2023/ NĐ-CP của Chính phủ về sửa đổi, bổ sung một số điều Nghị định số 27/2022/NĐ-CP của Chính phủ về quy định cơ chế quản lý, tổ chức thực hiện các chương trình mục tiêu quốc gia; Thông tư số 55/2023/ TT-BTC của Bộ trưởng Bộ Tài chính quy định quản lý, sử dụng và quyết toán kinh phí sự nghiệp từ nguồn ngân sách nhà nước thực hiện các chương trình mục tiêu quốc gia giai đoạn 2021-2025 thay thế Thông tư số 46/2022/TT-BTC… Việc sửa đổi các văn bản của Trung ương buộc tỉnh phải điều chỉnh nên ảnh hưởng đến tiến độ thực hiện Chương trình.

Hay như hiện nay, Bộ Tài chính đang lấy ý kiến về việc sửa đổi, bổ sung Thông tư số 55/2023/TT-BTC của Bộ trưởng Bộ Tài chính quy định quản lý, sử dụng và quyết toán kinh phí sự nghiệp từ nguồn ngân sách nhà nước thực hiện các chương trình mục tiêu quốc gia giai đoạn 2021-2025. Điều này sẽ ảnh hưởng đến việc thay đổi văn bản hướng dẫn trong thời gian tới. Bên cạnh đó, một số địa phương còn chậm triển khai các dự án đã đề ra nên việc giải ngân chậm tiến độ (ngại làm dự án, làm sợ sai…). Công tác tuyên truyền, phổ biến về giảm nghèo bền vững cho người dân ở một số địa phương chưa tốt. Công tác tham mưu, chỉ đạo, tổ chức thực hiện chương trình ở một số địa phương chưa quyết liệt.

ĐĂNG NGUYÊN

Nguồn SGGP: https://sggp.org.vn/no-luc-giam-ngheo-thuc-chat-ben-vung-post759662.html