Nỗ lực giảm sinh và nâng cao chất lượng dân số

Thời gian qua, được sự quan tâm của các cấp, ngành, địa phương, sự nỗ lực của ngành y tế - dân số tỉnh, công tác dân số - KHHGĐ trên địa bàn tỉnh đạt được nhiều kết quả quan trọng. Đặc biệt trong đó đã từng bước ổn định và giảm mức sinh, nâng cao chất lượng dân số, góp phần không nhỏ vào công cuộc xây dựng và phát triển kinh tế - xã hội của địa phương.

 Tuyên truyền công tác dân số - KHHGĐ cho người dân vùng biển. Ảnh: KKS

Tuyên truyền công tác dân số - KHHGĐ cho người dân vùng biển. Ảnh: KKS

Để cụ thể hóa các chính sách dân số - KHHGĐ qua từng giai đoạn, ngành y tế - dân số tỉnh tích cực chủ động trong việc nắm bắt, tham mưu lãnh đạo, chính quyền địa phương xây dựng và ban hành nhiều văn bản, chính sách quan trọng nhằm tổ chức triển khai các hoạt động công tác của ngành một cách hiệu quả. Những chính sách, nghị quyết, chương trình hành động của Tỉnh ủy, HĐND, UBND tỉnh đã tạo tiền đề, định hướng các mục tiêu cũng như hỗ trợ đầu tư kinh phí cho chương trình dân số - KHHGĐ, là cơ sở để ngành y tế - dân số trên địa bàn tỉnh triển khai có hiệu quả các hoạt động nhằm duy trì mức sinh thấp hợp lí, đồng thời triển khai các hoạt động để nâng cao chất lượng dân số. Hằng năm, ngành y tế - dân số toàn tỉnh đã triển khai có hiệu quả các đợt chiến dịch truyền thông lồng ghép cung cấp dịch vụ CSSKSS/ KHHGĐ cho người dân. Bên cạnh đó, việc triển khai thực hiện các mô hình, đề án về nâng cao chất lượng dân số bước đầu đạt được những kết quả tích cực như: Đề án sàng lọc trước sinh, sơ sinh; giảm thiểu mất cân bằng giới tính khi sinh; tăng cường tư vấn, cung cấp dịch vụ dân số - KHHGĐ cho vị thành niên/thanh niên; chăm sóc sức khỏe người cao tuổi…Qua đó, tạo được sự đồng thuận và hưởng ứng của đông đảo các tầng lớp nhân dân, hướng đến mục tiêu nâng cao chất lượng dân số ở tỉnh trong giai đoạn hiện nay.

Bác sĩ Trương Hữu Thiện, Chi cục trưởng Chi cục Dân số - KHHGĐ tỉnh cho biết: “Những kết quả đạt được của công tác dân số - KHHGĐ tỉnh thời gian qua không thể tách rời sự phối hợp tích cực, chủ động của các ban, ngành, đoàn thể trong tỉnh như Hội LHPN, Hội Nông dân, Đoàn TNCS Hồ Chí Minh, LĐLĐ, các sở, ban, ngành, địa phương đã phối hợp với ngành dân số. Bên cạnh đó, cần ghi nhận sự năng nổ, nhiệt tình của đội ngũ viên chức dân số cấp xã và cộng tác viên dân số thôn, bản vì đó là những người gần dân nhất, là mắt xích cuối cùng - mắt xích quan trọng của bộ máy dân số - KHHGĐ ở cơ sở. Họ không quản ngày, đêm “đi từng ngõ, gõ từng nhà” vận động người dân thực hiện KHHGĐ, thực hiện các hoạt động nâng cao chất lượng dân số, từng bước nâng cao nhận thức và sự tham gia, hưởng ứng từ cộng đồng trong việc thực hiện chính sách, công tác dân số - KHHGĐ ở địa phương. Nhờ vậy, quy mô gia đình ít con, khỏe mạnh, ấm no, hạnh phúc đã trở thành một chuẩn mực và lan tỏa trong đời sống của đại đa số người dân trong tỉnh. Thành công lớn nhất của chương trình dân số - KHHGĐ ở tỉnh đó là đã duy trì được mức giảm sinh hằng năm từ 0,3 - 0,4%0…Qua đó, chất lượng dân số, chất lượng cuộc sống của người dân từng bước được cải thiện”.

Bên cạnh những kết quả đạt được, phải thẳng thắn nhìn nhận hiện nay công tác DS-KHHGĐ trên địa bàn tỉnh vẫn đang đối mặt với nhiều thách thức cần phải tập trung giải quyết, đó là: Số con trung bình của mỗi cặp vợ chồng trong độ tuổi sinh đẻ của tỉnh là 2,48 con, và là một trong 10 tỉnh có số con trung bình cao nhất cả nước. Một bộ phận dân cư vẫn quan niệm còn muốn sinh nhiều con, hoặc phải sinh được con trai để “có nếp, có tẻ”, nối dõi tông đường. Quảng Trị đang có xu hướng mất cân bằng giới tính khi sinh có nghĩa số trẻ nam sinh ra cao hơn nhiều so với trẻ nữ; tỉ số giới tính khi sinh mới được khống chế không tăng nhưng vẫn còn ở mức cao 112,8 bé trai/100 bé gái năm 2018. Cùng với đó, hoạt động nâng cao chất lượng dân số và công tác CSSKSS còn nhiều hạn chế, nhất là việc thực hiện các mô hình, đề án nâng cao chất lượng dân số ở các địa phương còn nhiều khó khăn. Hoạt động sàng lọc trước sinh và sơ sinh đã triển khai tại 100% huyện, thị xã, thành phố là một cố gắng lớn của ngành y tế - dân số nhưng tỉ lệ thực hiện tại các cơ sở y tế chưa đạt mức cao. Việc chăm sóc sức khỏe sinh sản cho lứa tuổi vị thành niên/thanh niên để chuẩn bị bước vào tuổi sinh đẻ chưa có chiều sâu. Hiện nay cơ cấu dân số của chúng ta đang ở giai đoạn “cơ cấu dân số vàng”, đây là thời kì thuận lợi nhất để phát triển kinh tế - xã hội, nếu chúng ta tận dụng được “lợi thế về nhân khẩu học” này và nguồn lao động dồi dào sẽ tăng cường cho sự phát triển bền vững của tỉnh. Tuy nhiên, việc tận dụng “thời kì cơ cấu dân số vàng” của tỉnh chưa có những hoạt động cụ thể và nếu không chú trọng thì lợi thế này sẽ trở thành thách thức trong việc giải quyết việc làm, hạn chế đáng kể đến các khả năng phát triển kinh tế - xã hội của địa phương…

Để giải quyết những thách thức trong công tác Dân số - KHHGĐ thời gian tới đồng thời tiếp tục quán triệt và triển khai có hiệu quả những mục tiêu, nhiệm vụ quan trọng mà Nghị quyết 21 của Ban Chấp hành Trung ương Đảng đặt ra cho công tác dân số trong tình hình mới, ngành y tế - dân số và các ngành, các cấp tiếp tục quán triệt và thực hiện tốt nội dung, chính sách của tỉnh về công tác dân số, phù hợp với đặc điểm tình hình thực tế tại các địa phương, đơn vị; xem đây là nhiệm vụ chính trị - xã hội cần tập trung giải quyết để tiếp tục giảm mức sinh một cách hợp lí và thực hiện các hoạt động nâng cao chất lượng dân số. Đẩy mạnh hoạt động truyền thông giáo dục về dân số - KHHGĐ nhằm chuyển đổi hành vi về dân số - sức khỏe sinh sản. Tiếp tục vận động nhân dân thực hiện cuộc vận động “Mỗi cặp vợ chồng nên có 2 con để nuôi dạy cho tốt”. Tập trung nâng cao chất lượng dân số, chất lượng cuộc sống của người dân, đảm bảo cho quá trình phát triển kinh tế - xã hội và tính bền vững của công tác dân số và phát triển trong giai đoạn hiện nay.

Kăn Sương - Văn Hưng

Nguồn Quảng Trị: http://www.baoquangtri.vn/default.aspx?tabid=71&modid=415&itemid=141928