Nỗ lực giảm số ca tử vong
Trước đây, TP HCM phân bổ chữa trị F0 theo mô hình 5 tầng tháp, nay phân tầng lại cho phù hợp với 3 tầng phân chia chữa cho F0 nhẹ, trung bình và nặng
Tại cuộc họp báo cung cấp thông tin phòng chống dịch Covid-19 trên địa bàn TP HCM, tổ chức sáng 16-8, Phó Giám đốc Sở Y tế TP HCM Nguyễn Hữu Hưng cho biết việc phân tầng lại nhằm phù hợp tình hình hiện nay và tập trung các y - bác sĩ, trang thiết bị chăm sóc bệnh nhân.
Phân tầng điều trị từ 5 xuống 3
Theo BS Hưng, trước đây TP chữa trị F0 theo mô hình 5 tầng. Trong đó, tầng 5 là các bệnh viện (BV) tuyến cuối, điều trị các bệnh nhân nặng, nguy kịch. Tuy nhiên, hiện tại, khi Bộ Y tế cho phép cách ly F0 tại nhà, TP sẽ phân tầng lại cho phù hợp với 3 tầng phân chia chữa cho F0 nhẹ, trung bình và nặng. Cụ thể:
Tầng 1 chăm sóc các F0 không triệu chứng, triệu chứng nhẹ, không bệnh nền tại nhà và các cơ sở cách ly tập trung của quận, huyện. Hiện tầng này đang điều trị cho 18.120 F0 cách ly tại nhà với 153 cơ sở cách ly, công suất 23.889 giường để cách ly, điều trị tại quận, huyện.
Tầng 2 tiếp nhận thu dung những trường hợp cần cấp cứu và điều trị các F0 từ nhẹ đến nặng có hoặc không có bệnh nền đi kèm. Tầng này hiện là các BV dã chiến hoặc những BV tách đôi. Tầng 2 gồm 24 BV dã chiến, 15 BV của TP, 8 BV quận - huyện, 41 BV đa khoa và 9 BV thuộc tuyến trung ương. Tổng số tại tầng này là 49.392 giường bệnh.
Tầng 3 hồi sức chuyên sâu F0 nặng, nguy kịch tại các BV tuyến cuối của TP. Tầng này gồm các BV: Bệnh nhiệt đới, Chợ Rẫy, Quân y 175 và 5 trung tâm hồi sức quốc gia. Tổng số giường bệnh là 3.882 giường.
Hiện TP HCM đang điều trị 33.149 F0. Ngoài ra, có 15.554 trường hợp mới phát hiện và 25.655 người sau xuất viện về tiếp tục cách ly, theo dõi tại nhà. Số F0 đang cách ly, theo dõi, điều trị tại các cơ sở cách ly tập trung quận, huyện là 13.569 người.
Tại cuộc họp, Phó Chủ tịch UBND TP HCM Dương Anh Đức cho biết TP chủ trương điều trị F0 nhẹ tại nhà, mục đích giảm áp lực cho ngành y tế, dành nguồn lực tập trung điều trị ca bệnh nặng, giúp ca bệnh nặng không chuyển biến nặng hơn, đồng thời tạo tâm lý thoải mái với những F0 khi được điều trị tại nhà trong môi trường quen thuộc.
Sở Y tế TP HCM đã hướng dẫn 6 hoạt động nhằm chăm sóc F0 tại nhà, gồm: Xác định và lập danh sách người F0 cách ly tại nhà trên địa bàn và quản lý qua phần mềm "hệ thống quản lý người cách ly và người bệnh Covid-19"; hướng dẫn F0 tự chăm sóc sức khỏe; khám bệnh và theo dõi sức khỏe cho các F0 trong quá trình tự điều trị; hướng dẫn sử dụng toa thuốc; xét nghiệm cho người F0 cách ly và tư vấn sức khỏe, hỗ trợ cấp cứu cho người F0.
Theo thống kê, khoảng 70%-80% người tự khỏi bệnh trong thời gian ngắn khi có hỗ trợ của y tế chăm sóc tại nhà.
Cùng ngày, Chủ tịch UBND TP HCM Nguyễn Thành Phong đã ký quyết định thành lập Tổ chuyên gia tư vấn điều trị bệnh Covid-19 của TP, với 19 thành viên. Tổ trưởng là Phó Giám đốc Sở Y tế Tăng Chí Thượng. Tổ chuyên gia có nhiệm vụ tham mưu Ban Chỉ đạo phòng chống dịch Covid-19 TP HCM và Sở Y tế trong việc xây dựng và triển khai kế hoạch chăm sóc và điều trị cho người mắc Covid-19 theo từng giai đoạn, nhằm giảm đến mức thấp nhất tỉ lệ tử vong.
Hạn chế ca nặng sẽ bớt tử vong
Theo BS Trương Hữu Khanh, chuyên gia dịch tễ từ BV Nhi Đồng 1 (TP HCM), chiến lược mới quản lý các F0 không triệu chứng, bệnh nhẹ tại nhà là hướng đi đúng và để thực sự hiệu quả thì quan trọng nhất là tiếp cận sớm F0 để đánh giá F0 nào ở nhà được, F0 nào phải đi.
Điều này nhằm tránh tình trạng đánh giá không đúng đối tượng, người bệnh nhẹ, trẻ khỏe thì vào khu cách ly dẫn đến đông đúc, quá tải; người chuyển nặng thì không kịp đưa đến BV. Phải đánh giá được ai là người có nguy cơ chuyển nặng để đưa đi sớm, vì can thiệp sớm rất cần thiết trong việc hạn chế "chuyển độ", hạn chế ca nặng, từ đó hạn chế tử vong. Về lâu dài, quan trọng nhất vẫn là vắc-xin. Để có được hiệu quả giảm ca nặng, giảm tử vong trên cộng đồng thì cần ưu tiên tiêm nhanh hơn, phủ thật sớm cho các đối tượng nguy cơ.
Còn theo BS chuyên khoa II Trần Ngọc Hải, Phó Giám đốc BV Từ Dũ (TP HCM), cần đẩy mạnh việc tiêm chủng cho các thai phụ, bởi đây cũng là đối tượng nguy cơ. Người bình thường đã cần tiêm chủng, đã cần được bảo vệ thì thai phụ càng cần thiết. Theo các nghiên cứu trên thế giới, tình trạng mang thai có thể khiến người phụ nữ dễ mắc Covid-19 hơn người bình thường, nếu đã nhiễm thì nguy cơ diễn biến nặng, nguy cơ tử vong cao. Mẹ gặp nguy hiểm thì con cũng ảnh hưởng theo. Trong khi đó, nghiên cứu trên hơn 130.000 thai phụ đã tiêm ngừa Covid-19 ở Anh, Mỹ thì không ghi nhận điều gì đáng lo ngại. Vì vậy, các thai phụ nên suy nghĩ, cân nhắc và quyết định việc tiêm ngừa Covid-19.
Ngày 16-8, Sở Y tế TP HCM có văn bản hỏa tốc gửi Trung tâm Cấp cứu 115, các BV, BV điều trị Covid-19 và các trung tâm y tế quận, huyện yêu cầu tất cả luôn bảo đảm sẵn sàng tiếp nhận người bệnh cấp cứu cho dù là người mắc Covid-19 hay không.
Hơn 4,6 triệu người được tiêm vắc-xin
Phó Chủ tịch UBND TP Dương Anh Đức cho hay TP HCM đã có hơn 4,6 triệu người được tiêm vắc-xin Covid-19, trong đó gần 150.000 người tiêm đủ 2 mũi, 500.000 người trên 65 tuổi được tiêm và TP đang cố gắng phủ hết đối tượng này.
"Hiện một số quận, huyện sẽ cho đội tiêm nghỉ vì các đội này làm việc liên tục từ ngày 22-7 đến 13-8 là hơn 3 tuần. Do đó, các bác sĩ cũng cần nghỉ ngơi. Hiện các quận 5,11, Phú Nhuận và huyện Cần Giờ cơ bản đã phủ kín những người từ 18 tuổi trở lên và tạm dừng đợt tiêm mũi 1. Trong 7 ngày tới, 4 quận, huyện này chỉ rà soát tiếp cận những người còn lại chưa tiêm mũi 1 và sẽ chờ đến lượt tiêm mũi 2 sắp tới" - ông Dương Anh Đức cho biết và thông tin sắp tới TP tiếp tục ưu tiên tiêm cho đối tượng gặp nguy cơ cao như người cao tuổi, người mắc bệnh nền. Do đó, các quận, huyện lên kế hoạch đến từng nhà, từng khu, tạo điều kiện cho người dân được tiêm.
Đưa trung tâm hồi sức lớn nhất ĐBSCL vào hoạt động
* Đà Nẵng chính thức thực hiện dừng tất cả hoạt động từ 8 giờ ngày 16-8
Ngày 16-8, Trung tâm Hồi sức tích cực (ICU) lớn nhất ĐBSCL, đặt tại BV Đa khoa Trung ương Cần Thơ, đã đi vào hoạt động. Đây là 1 trong 12 trung tâm ICU quốc gia được Bộ Y tế thành lập trên cả nước, với quy mô 200 giường, trang bị đầy đủ các trang thiết bị y tế hiện đại cùng nguồn nhân lực chất lượng cao được đào tạo chuyên sâu về hồi sức tích cực. Theo phân tầng điều trị của Bộ Y tế, trung tâm này điều trị cho các bệnh nhân Covid-19 nặng, nguy kịch tại Cần Thơ và các BV tuyến dưới trong khu vực ĐBSCL chuyển đến.
Cùng ngày, TP Đà Nẵng chính thức thực hiện dừng tất cả hoạt động, yêu cầu người dân tuyệt đối không ra khỏi nhà với phương châm 7 ngày "ai ở đâu thì ở đó", bắt đầu từ 8 giờ ngày 16-8. Theo ghi nhận, người dân Đà Nẵng chấp hành rất tốt nên đường phố vắng tanh, chỉ có một số người làm nhiệm vụ được đi lại ngoài đường. Công an TP triển khai hơn 200 tổ tuần tra lưu động giám sát việc chấp hành của người dân.
Để cung ứng lương thực, thực phẩm và các mặt hàng thiết yếu cho người dân, TP Đà Nẵng đã có phương án theo phương châm "4 tại chỗ": chỉ đạo tại chỗ, lực lượng tại chỗ, hệ thống phân phối tại chỗ, hàng hóa tại chỗ và "3 sẵn sàng": chủ động nguồn hàng, ứng phó kịp thời, khắc phục khẩn trương. Đà Nẵng cũng hỗ trợ lương thực, thực phẩm thiết yếu cho 30.000 hộ dân thuộc hộ chính sách, hộ nghèo, cận nghèo, không có thu nhập, hoàn cảnh khó khăn.
Theo Ban Chỉ đạo phòng chống dịch Covid-19 TP Đà Nẵng, trong ngày 16-8, Đà Nẵng có 96 ca mắc mới.
Nguồn NLĐ: http://nld.com.vn/thoi-su/no-luc-giam-so-ca-tu-vong-20210816225409014.htm