Nỗ lực giảm ùn tắc tại cảng Cát Lái

Cảng Cát Lái là cảng biển giữ vai trò quan trọng hàng đầu ở khu vực phía nam, là cảng có lượng container thông quan hằng năm lớn nhất cả nước. Tuy nhiên, trong nhiều năm qua, cảng này thường xuyên rơi vào tình trạng quá tải, ùn tắc dòng luân chuyển hàng hóa…

Xếp dỡ container hàng hóa tại cảng Cát Lái.

Xếp dỡ container hàng hóa tại cảng Cát Lái.

Việc giải quyết tình trạng ùn tắc tại cảng Cát Lái cần phải được thực hiện khẩn trương trong bối cảnh hoạt động thương mại quốc tế dần phục hồi sau tác động của đại dịch Covid-19. Việc này sẽ tạo thuận lợi hơn cho thương mại quốc tế, góp phần giúp nền kinh tế Việt Nam nâng cao năng lực cạnh tranh trong khu vực và trên thế giới.

Nhiều thách thức, trở ngại

Theo một nghiên cứu mới đây của Cơ quan Phát triển quốc tế Hoa Kỳ (USAID), thách thức hàng đầu đe dọa sự ổn định và hiệu quả hoạt động của cảng Cát Lái là tình trạng ùn tắc giao thông quanh cảng. Mỗi ngày có khoảng 16.400 xe tải tới cảng, ngày cao điểm lên tới 20.000 xe. Hệ quả là xe tải phải xếp hàng dài hàng cây số, phải chờ từ hai đến ba giờ mới tới được cổng để vào cảng, gây ùn tắc nhiều tuyến đường dẫn vào cảng.

Tiếp đó là những bất cập trong quá trình giải quyết thủ tục hải quan, như: Còn thiếu sót trong quy trình xử lý trước khi hàng hóa đến cảng; chậm trễ thanh toán cho hãng tàu; vẫn còn những thủ tục phải sử dụng cả quy trình điện tử và thủ công… Cùng với đó là sự yếu kém, thiếu tin cậy của hạ tầng công nghệ thông tin trong quá trình xử lý hàng hóa nên vẫn phải tiếp tục sử dụng chứng từ giấy và nhập lại dữ liệu.

Hệ thống luồng của cảng không đủ khả năng tiếp nhận tàu có sức chở hơn 3.000 TEUs (container tiêu chuẩn). Trong khi đó, hoạt động giao thương trong khu vực châu Á ngày càng có xu hướng sử dụng tàu vận tải có trọng tải lớn, điều này sẽ làm gia tăng lưu lượng container và sà-lan, làm trầm trọng hơn sự ùn tắc ở khu vực cảng.

Theo đại diện Chi cục Hải quan Khu vực 1 (cửa khẩu Cát Lái), bình quân mỗi năm cảng Cát Lái thông quan hàng hóa cho 33.000 lượt doanh nghiệp với số lượng hơn 500.000 tờ khai hải quan; số lượng tờ khai tự động qua khu vực giám sát là 1,8 triệu tờ. Bên cạnh sự hạn chế của hạ tầng công nghệ thông tin, việc kiểm tra chuyên ngành của các bộ, ngành chưa được cải thiện như mong muốn cũng khiến thời gian thông quan hàng hóa bị kéo dài.

Ông Claudio Dordi, Giám đốc Dự án tạo thuận lợi thương mại do USAID tài trợ cho biết, cảng Cát Lái xử lý hơn 90% khối lượng container hàng hóa được xếp dỡ hằng năm ở thành phố Hồ Chí Minh và khoảng 50% tổng khối lượng container của cả nước. Vài năm gần đây, cảng Cát Lái đã hoạt động hơn gấp đôi công suất thiết kế (2,5 triệu TEUs/năm). Dự báo, lưu lượng container ở miền nam sẽ tăng từ 10 triệu TEUs lên 20 triệu TEUs hằng năm vào năm 2030. Đây sẽ là nguy cơ đối với hoạt động của cảng Cát Lái lẫn cụm cảng Cái Mép-Thị Vải (Bà Rịa-Vũng Tàu), nếu các cảng này không nâng cao năng lực. Rủi ro này sẽ càng cao hơn nếu thành phố Hồ Chí Minh không có giải pháp hiệu quả trong việc khai thác hệ thống cảng và phân bố lượng container tới các cảng khác.

Sớm cải thiện cơ sở hạ tầng

Nhóm nghiên cứu của USAID nêu ra 21 khuyến nghị nhằm giảm ùn tắc và tạo thuận lợi cho hoạt động logistics tại cảng Cát Lái, có thể gom thành ba nhóm: Nhóm về cải tiến kỹ thuật; nhóm về áp dụng giải pháp công nghệ thông tin, khai thác dữ liệu nhằm hỗ trợ, nâng cao hiệu quả quản lý; nhóm về giám sát, đánh giá hiệu quả hoạt động của cảng.

Trong đó, nhóm khuyến nghị về cải tiến kỹ thuật gồm các giải pháp: Thành lập các bãi chờ gần cảng Cát Lái cho xe tải để hỗ trợ các hoạt động tại cổng vào ban đêm, tăng khả năng sử dụng các cổng tại cảng; mở rộng số lượng làn ở cổng và các điểm đậu xe trước cổng tương ứng; chuyên môn hóa làn đường để rút ngắn thời gian xử lý tại cổng và thời gian chờ ngoài cổng.

Ông Nguyễn Phương Nam, Phó Tổng Giám đốc Tổng công ty Tân Cảng Sài Gòn (đơn vị đang quản lý và khai thác cảng Cát Lái) cho biết, do diện tích bãi hậu phương không đủ rộng, tốc độ lưu thông hàng hóa tại cảng chậm nên khối lượng hàng hóa thông qua cảng chỉ có thể đạt cao nhất là 5,8 triệu TEUs/năm. Nếu được các cơ quan chức năng tạo điều kiện thuận lợi cho việc mở rộng diện tích bãi chứa hàng hóa bên ngoài cảng thì cảng Cát Lái có thể đạt công suất thông qua lượng hàng hóa lên mức 6,5 triệu TEUs/năm.

Phó Cục trưởng Cục Hàng hải Việt Nam Hoàng Hồng Giang cho biết, Cục Hàng hải đang phối hợp USAID nghiên cứu tăng năng lực sà-lan vận tải container trên tuyến thủy nội địa kết nối giữa khu vực cảng Cái Mép với cảng biển và khu vực thông quan nội địa của thành phố Hồ Chí Minh và đồng bằng sông Cửu Long. Công tác nghiên cứu gồm hai nội dung: Phát triển bến sà-lan chuyên dụng tại Cái Mép để đáp ứng yêu cầu vận chuyển container bằng sà-lan trên tuyến đường thủy; phát triển hệ thống sà-lan có sức chở lớn hơn để phục vụ nhu cầu vận chuyển hàng hóa ngày càng tăng giữa Cái Mép và thành phố Hồ Chí Minh. Hệ thống sà-lan nội địa hoạt động hiệu quả sẽ khuyến khích các doanh nghiệp dịch chuyển mảng logistics từ khu vực thành phố Hồ Chí Minh ra vùng ven, hoặc từ cảng Cát Lái san sẻ qua các cảng cạn (ICD), qua đó giúp giảm ùn tắc giao thông.

Theo các chuyên gia cảng biển, thành phố Hồ Chí Minh cần sớm điều chỉnh quy hoạch cảng biển theo hướng tăng diện tích dành cho dịch vụ khai thác cảng, logistics ngoài cổng cảng; đẩy nhanh tiến độ triển khai xây dựng Trung tâm logistics Cát Lái (rộng từ 60ha đến 100ha). Đây là tổng kho phân phối hàng hóa cho toàn bộ cụm cảng thành phố Hồ Chí Minh, kết nối với cụm cảng biển nước sâu Cái Mép-Thị Vải, phục vụ tốt hơn cho hoạt động xuất, nhập khẩu hàng hóa ở Vùng kinh tế trọng điểm phía nam.

Ngoài ra, cần tập trung hoàn thiện các dự án giao thông kết nối với cảng Cát Lái như: Nút giao Mỹ Thủy giai đoạn 2; các tuyến đường liên cảng; mở rộng đường Nguyễn Duy Trinh, đường Nguyễn Thị Định; đường vành đai 2, vành đai 3, vành đai 4…

HOÀNG LIÊM

Nguồn Nhân Dân: https://nhandan.vn/tin-chung1/no-luc-giam-un-tac-tai-cang-cat-lai-698408/