Nỗ lực gìn giữ truyền thống của Qatar khi World Cup đến gần

Người dân Qatar hào hứng đón du khách trong ngày hội bóng đá lớn nhất hành tinh, song họ cũng phải đối mặt một cuộc chiến mới để gìn giữ 'truyền thống riêng'.

Ở khu chợ Souq Waqif nhộn nhịp giữa thủ đô Doha, du khách có thể cảm nhận được sự phấn khích của người dân địa phương. Khi dạo quanh khu chợ, du khách cũng có thể nghe nhiều ngôn ngữ khác nhau và nhìn thấy những lá cờ đại diện cho nhiều quốc gia.

Thỉnh thoảng, một nhóm người hâm mộ tự phát hào hứng hô vang những khẩu hiệu cổ vũ. Trong đó, đám đông từ Mexico, Morocco và Argentina đặc biệt sôi nổi và thu hút ánh nhìn từ du khách.

"Mọi người từ khắp nơi trên thế giới đang đổ về đây, Nasser, một người dân địa phương chỉ vào đám đông trong khu chợ, nói. "Đối với người Qatar, đây là một ngày đáng tự hào".

Khi lễ khai mạc bắt đầu, mọi ánh mắt đều đổ dồn vào màn hình lớn trong các quán cà phê. "Tôi không thể diễn tả hết cảm giác của mình. Đất nước nhỏ bé của tôi giờ đã trở thành trung tâm thế giới", Naji Rashed Al Naimi, một người dân địa phương, nói với BBC.

"Chúng tôi đã phải trải qua rất nhiều khó khăn để đến được đây. Quá nhiều khó khăn và thử thách", Al Naimi chia sẻ.

Song không thể phủ nhận giải đấu năm nay là một trong những kỳ World Cup gây tranh cãi nhất. Giới truyền thông phương Tây liên tục lên án cách đối xử của chính phủ Qatar với lao động nhập cư, người đồng tính, đồng thời lật tẩy những góc tối trong quá trình đấu thầu của Qatar. Và điều đó dường như khiến người dân địa phương thất vọng.

“Không chỉ là về Qatar”

Al Naimi và những người bạn của anh rất muốn kể về ý nghĩa của buổi lễ khai mạc World Cup. Họ tự hào về việc Qatar và các quốc gia vùng Vịnh đã đi xa như thế nào để vượt qua những ngày “chôn mình” trong sa mạc, và đăng cai World Cup.

"Điều đó từng là một giấc mơ, nhưng giờ đây (chúng tôi) có thể nhìn thấy nó ngay trước mắt. Tôi rất tự hào", Salem Hassan Al Mohanadi nói với phóng viên BBC. "Chúng tôi không đáp trả những lời chỉ trích. Hôm nay, chúng tôi đã cho họ thấy (bằng hành động)".

 Du khách đến Qatar xem World Cup 2022. Ảnh: AP.

Du khách đến Qatar xem World Cup 2022. Ảnh: AP.

Saad Al Badr, một người dân địa phương khác theo dõi trận đấu giữa Qatar và Ecuador, cũng chia sẻ: "Suốt 12 năm, chúng tôi đã lo lắng không biết liệu (giải đấu) có thực sự diễn ra hay không. Giờ nó đã thành hiện thực".

Nhiều giờ trước khi sự kiện thể thao lớn nhất thế giới khởi tranh, Qatar đã chứng kiến một loạt những công trình mới bao gồm đường sá, nhà hàng, sân vận động, công viên giải trí, và cả thành phố mới Lusail được xây dựng kịp thời để tổ chức trận chung kết World Cup 2022.

Các cuộc phỏng vấn của BBC cho thấy sự háo hức chào đón thế giới của người dân địa phương, song họ vẫn lo lắng về sự hiện diện của những điều mới lạ.

Reem al-Bader, người làm việc trong lĩnh vực chăm sóc sức khỏe, cho biết: “Tôi giải thích với con rằng chúng sẽ sớm gặp những người từng chỉ nhìn thấy bên ngoài Qatar. Khi đến các trận đấu, có thể một số người sẽ ngồi cạnh chúng. Nếu thấy họ làm bất kỳ hành động kỳ lạ nào, hãy bỏ qua. Đừng hét vào mặt họ, đừng thiếu tôn trọng bất cứ ai”.

Song người dân Qatar vẫn tức giận vì thời điểm quan trọng nhất lịch sử 51 năm của đất nước họ bị một số chính phủ phương Tây và giới truyền thông khắc họa tiêu cực.

Qatar đã hứng nhiều chỉ trích liên quan đến việc tổ chức World Cup 2022. BBC thậm chí đã bỏ qua buổi lễ khai mạc sự kiện và thay thế bằng một chương trình chỉ trích chính phủ Qatar.

“Những điều phương Tây được phép làm, chúng tôi không được phép”, một doanh nhân trong ngành khí đốt cho biết và yêu cầu giấu tên. “Chúng tôi không được phép giàu hơn hay thông minh hơn họ, chúng tôi không được phép trở nên tiên tiến hơn. Đó là một cách để luôn dẫn đầu trong trò chơi".

Trong khi đó, Noora Fakhroo, người làm việc trong lĩnh vực viễn thông, nói: “(World Cup) không còn chỉ là về người Qatar nữa. Nếu chúng tôi thất bại, thế giới Arab sẽ thất bại, và nếu chúng tôi thành công, đó là câu chuyện cho mọi người. Đó là tình thế hiện nay, đặc biệt với những lời chỉ trích chúng tôi đang hứng chịu”.

Thích nghi

Theo Guardian, Qatar bước vào cuộc chiến giành quyền đăng cai World Cup với tham vọng nâng cao vị thế như một điểm đến quốc tế cho nghệ thuật và thể thao.

“Mục đích trước tiên và quan trọng nhất của World Cup 2022 là thể hiện sự độc lập có chủ quyền của Qatar, và sự tách biệt mang tính biểu tượng khỏi Saudi Arabia”, Paul Michael Brannagan, học giả về quan hệ quốc tế và là đồng tác giả một cuốn sách về World Cup 2022, cho biết.

Tham vọng này kéo theo yêu cầu hòa nhập với thế giới, thúc đẩy xã hội Qatar thay đổi với tốc độ chóng mặt.

 Lao động nhập cư theo dõi trận đấu giữa Qatar và Ecuador hôm 20/11. Ảnh: Reuters.

Lao động nhập cư theo dõi trận đấu giữa Qatar và Ecuador hôm 20/11. Ảnh: Reuters.

Mubaraka al-Marri, 54 tuổi, nữ doanh nhân và nhà hoạt động xã hội, nói: “Khi tôi còn trẻ, cộng đồng rất nhỏ, mọi người đều biết nhau. Cuộc sống rất yên tĩnh".

Phụ nữ Qatar phải tuân theo luật giám hộ quy định nam giới trong gia đình có quyền quyết định hôn nhân, việc học tập, làm việc của phụ nữ. Nhưng trong những năm qua, tỷ lệ phụ nữ tham gia lực lượng lao động ở Qatar tăng cao nhất trong khu vực, tỷ lệ phụ nữ tốt nghiệp các trường đại học tốt nhất của Qatar cũng cao hơn nhiều so với nam giới.

Dù xã hội đã cởi mở hơn, nhiều người vẫn lo ngại về sự du nhập của văn hóa nước ngoài, đặc biệt trong World Cup 2022.

“Mọi người không sợ thay đổi, họ lo ngại về danh tính của bản thân. Chúng tôi có giá trị và truyền thống (riêng)", Mubaraka al-Marri nói.

Bên cạnh đó, một số người cũng lo sợ sự phổ biến của tiếng Anh đang ảnh hưởng tiêu cực đến khả năng nói tiếng Arab của giới trẻ.

“Chúng ta phải cẩn thận về những gì đang xâm nhập vào xã hội. Không chấp nhận mọi thứ chỉ vì người khác chấp nhận nó, đặc biệt là chỉ vì người phương Tây chấp nhận nó. Tại sao chúng ta lại muốn trở thành một bản sao của họ?”, al-Marri nói.

Trong khi đó, viễn cảnh những người đồng tính được công khai tham gia các lễ hội trong tháng tới đã khiến truyền thông Qatar tức giận. Một số người có ảnh hưởng đang cố gắng xoa dịu tâm trạng của công chúng.

“Trong một thời gian dài, (những người đồng tính) đã ở đất nước chúng ta từ lâu. Có điều gì thay đổi không? Hãy tập trung vào việc chăm sóc bản thân, gia đình, những người xung quanh và cố gắng đảm bảo họ không thể tiếp cận (những người này)”, Mohammed al-Dosari, một nhân vật nổi tiếng của Qatar, cho biết.

Bên cạnh đó, hành vi ồn ào hay say rượu của người hâm mộ cũng khiến nhiều người lo ngại.

Fakhroo tự nhủ phải “sống thực tế” và mối quan tâm duy nhất của cô "là khiến các con nhận thức được rằng một số điều (không phù hợp) có thể xảy ra trước mặt chúng, giúp chúng không bị sốc".

Đối với những người khác, sự xuất hiện của người nước ngoài cũng đồng nghĩa với yêu cầu thích nghi thực tế hơn.

“Trước World Cup, chúng tôi có thể để mở cửa xe, vào cửa hàng rồi quay lại, hoặc để máy tính xách tay trong khu ăn uống, nhà hàng và rời đi một lúc. Nhưng trong thời gian diễn ra World Cup, có nhiều người đến từ bối cảnh khác nhau với hành vi khác nhau. Vì vậy, chúng tôi phải cẩn thận hơn”, Mohammad al-Qassabi, sinh viên đại học ở Qatar, chia sẻ.

Song họ tin rằng mọi thứ sẽ dần trở lại quỹ đạo cũ khi World Cup kết thúc.

“Mọi thứ giống như khi bạn tổ chức một bữa tiệc. Những người khác sẽ sử dụng ngôi nhà của bạn theo cách bạn (không mong muốn). Nhưng khi họ rời đi, bạn có thể sắp xếp lại mọi thứ”, Al-Marri nói.

Hải Linh

Nguồn Znews: https://zingnews.vn/gao-nuoc-lanh-vao-giac-mong-qatar-post1377441.html