Nỗ lực gỡ thẻ vàng cho thủy sản Việt Nam - Bài 2: Đặt lợi ích kinh tế của đất nước lên trên hết, trước hết
Quản lý khai thác và phát triển bền vững ngành thủy sản vì lợi ích của người dân, của quốc gia; nâng cao vị thế, hình ảnh, trách nhiệm quốc tế của Việt Nam trong thực hiện các cam kết, điều ước quốc tế trong bảo vệ môi trường biển, hệ sinh thái biển bền vững; góp phần đảm bảo quốc phòng an ninh, chủ quyền biển, đảo của Tổ quốc.
Số vụ vi phạm giảm
Thời gian qua, dịch bệnh COVID-19 được kiểm soát, hoạt động kinh tế - xã hội trở lại trạng thái bình thường mới; quốc phòng, an ninh, đối ngoại được tăng cường và giữ vững nên trên các vùng biển cũng sôi động trở lại.
Tuy nhiên, hoạt động tội phạm, vi phạm pháp luật, buôn lậu, gian lận thương mại; cưỡng bức lao động, lừa đảo ngư dân ta đưa tàu sang vùng biển nước ngoài khai thác trái thủy sản phép diễn biến ngày càng phức tạp với nhiều thủ đoạn tinh vi. Tàu cá Việt Nam vi phạm vùng biển nước ngoài khai thác thủy sản trái phép bị lực lượng chức năng nước ngoài bắt giữ giảm, nhưng chưa bền vững. Tình hình thời tiết, thiên tai ngày càng cực đoan, khó lường, ảnh hưởng của biến đổi khí hậu... đã ảnh hưởng không nhỏ tới các hoạt động chống khai thác IUU.
Đại tá Đào Bá Việt - Phó Tham mưu trưởng Bộ Tư lệnh Cảnh sát biển Việt Nam (BTL CSBVN) cho biết: Tình hình tàu cá Việt Nam bị nước ngoài kiểm tra, bắt giữ xử lý, tàu cá Việt Nam vi phạm vùng biển nước ngoài khai thác hải sản trái phép giảm rõ rệt. Năm 2022 chỉ xảy ra 49 vụ với 71 tàu bị lực lượng chức năng nước ngoài bắt giữ xử lý (giảm 16 vụ, giảm 36 tàu so với năm 2021). Trong 2 tháng đầu năm 2023, CSBVN mới ghi nhận 3 vụ với 3 tàu bị lực lượng chức năng nước ngoài bắt giữ (giảm 5 tàu so với cùng kỳ năm 2022).
Cũng theo Đại tá Đào Bá Việt, phương thức hoạt động của tàu cá Việt Nam vi phạm vùng biển nước ngoài thường sử dụng các tàu hết hạn đăng kiểm, bị xóa đăng ký (những tàu thuộc diện nguy cơ cao vi phạm IUU) sang vùng biển nước ngoài hoạt động dài ngày, có sự trợ giúp của tàu dịch vụ hậu cần nghề cá (cung cấp nhiên liệu, thực phẩm và thu mua hải sản).
Lợi dụng đêm tối, thời tiết xấu, tàu cá tắt đèn hành trình; tắt, tháo gửi hoặc xóa dữ liệu, can thiệp làm sai lệch thông tin trên thiết bị VMS (lực lượng CSB đã bắt giữ 3 vụ với 3 tàu vận chuyển, lưu giữ 64 thiết bị VMS do tàu cá khác gửi) hoặc sơn lại màu nhận biết của tàu cá, thay số đăng ký tàu, thay quốc kỳ, ngụy trang thành tàu nước ngoài... để trốn tránh sự kiểm soát của lực lượng của lực lượng tuần tra, kiểm soát trên biển.
Các đối tượng hoạt động theo tổ, nhóm, có kênh liên lạc riêng bằng máy thông tin nghề cá, máy sóng ngắn hoặc điện thoại vệ tinh, thường xuyên kéo lưới dọc Bắc tuyến giáp ranh giả đánh bắt, lợi dụng lực lượng tuần tra kiểm soát còn mỏng, thông báo cho nhau vị trí của của tàu CSB, Kiểm ngư trên thực địa để né tránh, tìm cơ hội vượt sang vùng biển nước ngoài. Ngoài ra, còn có hành vi đưa người từ trong nước nhập cảnh bằng đường hàng không sau đó đưa tàu cá sang sau để đón người đi khai thác hải sản (một số tàu cá bị bắt mang biển số giả, thuyền viên không có giấy tờ tùy thân, một số có giấy tờ tùy thân thì trên hộ chiếu và trên giấy đăng ký có đóng dấu của cơ quan kiểm soát nước ngoài).
Đại tá Bùi Đại Hải - Phó Chủ nhiệm Chính trị BTL CSBVN cho rằng, nguyên nhân của hiện tượng trên là do nhận thức, chấp hành pháp luật của một số ít ngư dân chưa cao. Nguồn lợi hải sản tại vùng biển trong nước ngày càng cạn kiệt, giá dầu tăng cao cộng với chi phí nhân công lớn nên khai thác trong nước lợi nhuận thấp hoặc có thể lỗ. Do đó, vì lợi ích kinh tế nên ngư dân cố tình vi phạm và tái diễn vi phạm khai thác hải sản trái phép ở vùng biển nước ngoài.
Bên cạnh đó, phần lớn các chủ tàu, ngư dân có nghề biển là mưu sinh duy nhất cùng với sự phát triển đội tàu nhanh chóng tạo ra cường lực khai thác trên các vùng biển lớn dẫn đến nguồn lợi hải sản giảm dần theo thời gian. Một số tổ chức, cá nhân thu mua, chế biến, tiêu thụ sản phẩm thủy sản do ngư dân khai thác chưa nghiêm túc chấp hành các quy định về chống khai thác IUU. Ngoài ra do vùng biển rộng, các lực lượng tuần tra trên biển còn mỏng; ranh giới vùng biển một số khu vực chưa phân định nên khó khăn trong xác định vùng biển vi phạm.
Nghiêm khắc xử lý tàu cá vi phạm
Từ đầu năm 2022 đến cuối tháng 2/2023, lực lượng CSBVN đã kiểm tra, kiểm soát, lập biên bản, xử phạt vi phạm hành chính về khai thác IUU 157 vụ với 18 tàu cá với tổng số tiền trên 2,4 tỉ đồng. Lực lượng CSB đã tịch thu, tiêu hủy một bộ kích điện, xử lý lỗi vi phạm không treo quốc kỳ; xử phạt lỗi tháo, không duy trì hoạt động thiết bị giám sát hành trình (VMS); thuyền trưởng máy trưởng không có chứng chỉ chuyên môn, thuyền viên không mang theo giấy tờ tùy thân; thuyền viên không có tên trong sổ danh bạ thuyền viên.
Lực lượng CSB đã dẫn giải, bàn giao hồ sơ, phương tiện vi phạm cho địa phương xử lý 10 tàu với 10 đối tượng về các hành vi vi phạm khai thác IUU. Qua theo dõi qua hệ thống giám sát tàu cá phát hiện, tuyên truyền, gọi điện nhắc nhở trực tiếp 11.746 tàu cá mất tín hiệu giám sát hành trình; 3.908 tàu cá vượt ranh sang vùng biển nước ngoài trên các vùng biển.
Trước tình hình trên, Đại tá Đào Bá Việt - Phó Tham mưu trưởng BTL CSBVN cho rằng: Đối với địa phương cần giải quyết dứt điểm thực trạng tàu cá vi phạm IUU bị nước ngoài bắt giữ. Cần xử lý ngay từ cơ sở, “gốc rễ” của vấn đề, quản lý chặt chẽ đội tàu từ xã, phường, gắn với tuyên truyền vận động chấp hành nghiêm chính sách pháp luật của Nhà nước về phát triển kinh tế thủy sản bền vững, phòng, chống khai thác IUU đến từng cán bộ, từng người dân một cách thường xuyên, hiệu quả, đặc biệt cấp cơ sở xã, phường, thị trấn.
Phối hợp kiểm soát chặt chẽ tàu thuyền xuất bến, cập bến, lao động trên tàu cá. Tổ chức lắp đặt VMS, cấp giấy chứng nhận, đăng ký hoạt động của tàu cá đúng quy định pháp luật. Lập danh sách, khoanh vùng đối tượng là chủ tàu, thuyền trưởng, tàu cá, đối tượng liên quan, nắm chắc địa bàn để theo dõi, quản lý chặt chẽ, phát hiện, ngăn chặn kịp thời các tàu cá có biểu hiện nghi vấn tổ chức đi khai thác hải sản ở vùng biển nước ngoài.
Phối hợp chặt chẽ với các lực lượng chức năng trong tuần tra, kiểm tra, kiểm soát phòng, chống tàu cá ngư dân vi phạm IUU, nhất là ở các vùng biển trọng điểm. Tổ chức các đội kiểm tra liên ngành để kiểm tra và xử lý nghiêm các trường hợp tàu cá vi phạm theo đúng quy định của pháp luật để răn đe, công khai trên các phương tiện thông tin đại chúng tại địa phương để tuyên truyền, giáo dục. Tổ chức rà soát, sàng lọc các tàu cá và chủ tàu để đưa vào diện quan tâm, theo dõi.
Trung tướng Bùi Quốc Oai - Bí thư Đảng ủy, Chính ủy CSBVN cho rằng, các địa phường cần đặt lợi ích kinh tế của đất nước lên trên lợi ích của địa phương và từng cá nhân. Đặt mục tiêu làm chuyển biến nhận thức và hành động của ngư dân để xây dựng nghề cá bền vững. Với sự hiểu biết về pháp luật, sự hỗ trợ song hành của các lực lượng chức năng, trong đó có lực lượng CSBVN - lực lượng tiên phong nòng cốt thực thi pháp luật trên biển, ngư dân sẽ vững tin vươn khơi khai thác thủy sản trên các vùng biển xa, vừa sản xuất, phát triển kinh tế, vừa bảo vệ chủ quyền biển đảo thiêng liêng của Tổ quốc.
Ngày 13/2/2023, Phó Thủ tướng Chính phủ Trần Lưu Quang đã ký Quyết định số 81/QĐ-TTg ban hành “Kế hoạch hành động chống khai thác hải sản bất hợp pháp, không báo cáo và không theo quy định, chuẩn bị làm việc với Đoàn Thanh tra của Ủy ban châu Âu lần thứ 4”.
Mục tiêu của Kế hoạch là triển khai đồng bộ, hiệu lực, hiệu quả các quy định pháp luật thủy sản; khắc phục các tồn tại, hạn chế theo khuyến nghị của Ủy ban châu Âu (EC) về chống khai thác IUU, gỡ cảnh báo "Thẻ vàng" trong năm 2023.