Nỗ lực hạ nhiệt
Khu vực Trung Đông đang cần một 'cơn mưa ngoại giao' nhằm hạ nhiệt căng thẳng giữa Mỹ và Iran sau khi hai bên có những động thái không kích trả đũa lẫn nhau trên lãnh thổ Iraq. Cộng đồng quốc tế hối thúc hai quốc gia kiềm chế, đồng thời thúc đẩy các nỗ lực nhằm giữ cho cuộc đối đầu giữa Mỹ và Iran không vượt tầm kiểm soát, ngăn chặn nguy cơ về một cuộc chiến tranh nóng có thể xảy ra.
Những lời qua tiếng lại cũng như các động thái đáp trả trên thực địa giữa Iran và Mỹ khiến các nhà phân tích đưa ra nhiều kịch bản cho tình hình khu vực Trung Đông. Nhiều nước kêu gọi ưu tiên cho giải pháp ngoại giao nhằm làm dịu tình hình hiện nay. Các đồng minh của Mỹ ở vùng Vịnh cũng đã trao đổi và tham vấn với Mỹ cùng các đối tác trong khu vực nhằm giảm căng thẳng, ngăn ngừa nguy cơ chiến tranh. Các nước trên thế giới tiếp tục kêu gọi giảm leo thang căng thẳng tại Trung Đông, đồng thời hối thúc tìm giải pháp thông qua đối thoại. Là khối có nhiều nước tham gia liên quân do Mỹ đứng đầu chống tổ chức tự xưng Nhà nước Hồi giáo (IS) ở Iraq, Liên hiệp châu Âu (EU) lo ngại, những diễn biến căng thẳng mới đe dọa an ninh đối với các phái bộ của các thành viên EU tại Iraq. Nhằm ngăn chặn nguy cơ leo thang xung đột, các bộ trưởng ngoại giao EU lên kế hoạch nhóm họp nhằm thảo luận về tình hình Trung Đông, trong đó có nỗ lực thuyết phục Iran tuân thủ các cam kết trong thỏa thuận hạt nhân. Chỉ có việc duy trì thỏa thuận hạt nhân mà Tehran ký với các cường quốc nhóm P5+1 mới có thể giúp hạ nhiệt căng thẳng hiện nay.
Mặc dù Tổng thống Mỹ D.Trump tuyên bố không muốn có một cuộc chiến với Iran, song các động thái gần đây từ Washington nhằm chuẩn bị sẵn sàng đáp trả Tehran gây lo ngại trong nội bộ chính quyền Mỹ. Hạ viện Mỹ dự kiến tiến hành bỏ phiếu về một dự thảo nghị quyết nhằm ngăn Tổng thống D.Trump phát động chiến tranh với Iran. Các nghị sĩ đảng Dân chủ cho biết sẽ thúc đẩy cuộc bỏ phiếu do những lo ngại của họ không được giải quyết trong cuộc họp kín do Bộ trưởng Ngoại giao Mỹ M.Pompeo và một số quan chức cấp cao khác chủ trì. Các nghị sĩ Mỹ muốn Nhà trắng có một chiến lược rõ ràng để bảo đảm an toàn cho người dân Mỹ, cũng như giảm căng thẳng với Iran và bảo đảm sự ổn định ở vùng Vịnh.
Những lo ngại của các nghị sĩ Mỹ xuất phát từ thực tế rằng, theo Đạo luật quyền lực chiến tranh của Mỹ ra đời năm 1973, Chính phủ cần thông báo cho Quốc hội về những hành động quân sự lớn. Tuy nhiên, Tổng thống D.Trump vẫn cho rằng, việc ông không cần thông báo hay tham vấn Quốc hội mà đã ra lệnh tiến hành cuộc không kích nhằm vào sân bay quốc tế Iraq mới đây là hợp pháp. Trong khi đó, ngay cả các thượng nghị sĩ đảng Cộng hòa cũng kêu gọi chính quyền Tổng thống D.Trump giải quyết căng thẳng với Iran. Thượng nghị sĩ L.Graham, một đồng minh hàng đầu của Tổng thống D.Trump tại Thượng viện, cũng cho rằng, trả đũa vì mục đích trả thù là không cần thiết vào lúc này. Thượng nghị sĩ M.Lee kêu gọi Tổng thống “xuống thang” và cần trao đổi với phía Quốc hội về bất kỳ bước tiếp theo nào đối với vấn đề này.
Dù tình hình ở vùng Vịnh tiếp tục diễn biến phức tạp, song các nỗ lực ngoại giao đang được xúc tiến nhằm làm dịu những lo ngại. Tổng Thư ký Tổ chức các nước xuất khẩu dầu mỏ (OPEC) M.BBarkindo cho biết, các cơ sở dầu mỏ của Iraq đã được bảo đảm an toàn và hoạt động sản xuất dầu mỏ tại nước này vẫn diễn ra bình thường. Các Tiểu vương quốc A-rập thống nhất (UAE) khẳng định chưa thấy nguy cơ đe dọa hoạt động vận chuyển dầu mỏ qua eo biển Hormuz, đồng thời cho rằng tình hình hiện nay chưa phải là chiến tranh và không nên thổi phồng những diễn biến mới. Trong khi truyền thông tiếp tục đưa tin về cuộc đối đầu nguy hiểm Mỹ - Iran, cộng đồng quốc tế kêu gọi các bên kiềm chế, tránh làm leo thang căng thẳng vốn đang đe dọa an ninh và ổn định ở vùng Vịnh.
Nguồn Nhân Dân: http://nhandan.com.vn/thegioi/binh-luan-quoc-te/item/42882502-no-luc-ha-nhiet.html